Người đi về hướng núi…

(VNBĐ – Bút ký). Người ta bảo ông gàn dở, khi hơn 30 năm trước ông đem gần hết của cải dành dụm được mua đất rừng heo hút ở Canh Liên, Vân Canh, mặc bao lời khuyên can. Người lính đã quyết là làm. Ông ngược về hướng núi, đặt “tọa độ” của lý tưởng, với mong ước làm xanh lên một vùng đất. Ông là Đỗ Duy Thụy, cựu binh chiến trường K…

Người lính mê rừng
Ông Thụy sinh năm 1960, vốn ở xứ dừa Hoài Nhơn. Năm 1979, ông thực hiện nghĩa vụ quân sự tại chiến trường Campuchia với thời gian dài 4 năm 9 tháng cùng đồng đội giúp nước bạn thoát khỏi họa diệt chủng của Pol Pot. Là lính công binh (tiểu đoàn D25, Sư 5, Quân khu 7), ông tham gia những trận đánh “mở cửa” dọn đường, làm sạch những quả mìn của lính Pol Pot gài bẫy. Có trận đánh, hai bên giằng co nhau giành trận địa mấy tháng ròng, ông và đồng đội phải sinh tồn trong những cánh rừng già, những thung lũng lúa ma. Nhiều lần thoát chết trong gang tấc, ông đã chứng kiến bao xương máu đồng đội ngã xuống. Mùi thuốc súng, những hoang tàn và chết chóc vẫn ám ảnh ông. Rừng, là nơi náu nương, chở che bộ đội. Rừng đã cùng ông và đồng đội ăn sương nằm gió, chia nhau hạt muối, chung nhau điếu thuốc rê, cán cõng nhau thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Ông thổ lộ: “Thật may mắn khi qua cuộc chiến, mình còn sống sót và trở về lành lặn. Từ đó, thêm yêu cuộc sống hòa bình”. Những ai từng tiếp xúc với Đỗ Duy Thụy đều nhận thấy sự mộc mạc, gần gũi từ người cựu binh này. Nhiều năm nay, ông vui vầy cùng cháu con, thỉnh thoảng gặp lại những người bạn lính nhắc nhớ chiến trường xưa lòng nao nao xúc động. Một lão nông ẩn cư miền sơn cước không màng đến nhân tình thế thái – ban đầu, tôi nghĩ về ông như thế. Nhưng càng tiếp xúc, thấy thẳm sâu trong ông còn bao nỗi niềm. Đọc một trang báo về trường hợp những người lãnh đạo trong quân đội bị kỷ luật, ông đầy bức xúc. “Bản chất của người lính Cụ Hồ không cho phép làm điều đó. Có lẽ họ chưa trải qua cái lằn ranh sống chết để mà thấm thía. Giờ, lợi ích kinh tế chi phối nhiều người quá…”, ông tâm tình.

CCB Đỗ Duy Thụy còn kết hợp chăn nuôi trong trang trại của mình. Ảnh: V.P

Cuộc đời ông, ngoài những năm tháng ở chiến trường K còn có hơn 20 năm ông lênh đênh trên biển. Tháng 7.1984, ông về lại Việt Nam. Sau đó làm tại Công ty Vận tải biển Nghĩa Bình. Đến 1987, ông công tác tại Khối tàu VS, sau đó đi học trường Trung cấp Kỹ thuật hàng hải Hải Phòng và về lại quê nhà, gắn chặt đời thủy thủ viễn dương. Ông đi nhiều tàu lớn một thuở như tàu Nguyễn Huệ, Quy Nhơn 1, Quy Nhơn 2, Phương Mai 06. Nghề thủy thủ đã đưa ông Thụy đến nhiều nơi trên thế giới. Khi đặt chân đến Indonesia, Malaysia, Thái Lan…, thấy đất nước họ phát triển mạnh nghề trồng rừng, ông bỏ thời gian thăm thú những cánh rừng mặc cho thủy thủ đoàn trêu ghẹo “ở biển mà cứ tơ tưởng đến rừng”. Họ gọi ông là “Thụy điên”! Là dân ven biển, lại làm nghề biển mấy chục năm nhưng ông mê rừng hơn mê biển.

Năm 1988, Công ty Vận tải biển Nghĩa Bình thanh lý hơn 200 ha diện tích đất rừng ở xã Canh Hiển, huyện Vân Canh, ông đã dốc hết tiền của để mua. Số là khi cả nước phát động phong trào phủ xanh đất trống đồi núi trọc, tỉnh chọn giao rừng cho những đơn vị có tiềm lực kinh tế và Công ty Vận tải biển Nghĩa Bình được giao đất rừng ở huyện Vân Canh. Tiếp nhận đất, Công ty Vận tải biển đầu tư đường điện vào đến nơi, tốn khối tiền nhưng việc trồng rừng không mấy hiệu quả vì thời ấy chỉ tập trung vào cây bạch đàn. Khi tỉnh Nghĩa Bình tách tỉnh thành Bình Định và Quảng Ngãi, Công ty đã thanh lý diện tích đất rừng ở Vân Canh. Và ông dốc hết tiền của để mua lại.

Từ những nhọc nhằn…
Sau khi mua lại đất rừng, ông Thụy giao cho người em là Đỗ Phú trông coi, còn ông tiếp tục rong ruổi hành trình theo biển cả. Đến năm 2005, ông chính thức trồng rừng, đầu tư vào giống keo lai. Thời gian đầu, ông Thụy nhờ ông Phú chăm nom giúp. Rảnh rỗi, ông Thụy lại ngược về thăm những cánh rừng của mình. Năm 2016, ông nghỉ hưu. Từ đó, hàng ngày người ta thấy ở Canh Liên bên những luống keo, người cựu binh già xắn tay cùng làm với các nhân công. Khuân vác phân bón. Cắt cành. Dọn gốc. Ông không nề hà. Ông chăm cây như người cha chăm con. Niềm vui sống của ông lớn dần theo nhịp phát triển của những vòng cây rừng.

Một ngày giữa tháng Năm, tôi vào Canh Liên thăm ông, bắt gặp giây phút hiếm hoi nghỉ ngơi của hai anh em nhà ông bên tách trà. Ông Thụy tâm sự: “Ban đầu nhận rừng, chúng tôi trồng cây bạch đàn nhưng không hiệu quả. Tiền bán gỗ nguyên liệu mỗi vụ thu hoạch không đủ trả tiền thuê nhân công. Ăn của rừng rưng rưng nước mắt, xác định làm người nông dân gắn bó với rừng chưa bao giờ dễ dàng. Từ năm 2005, chúng tôi chuyển hướng sang trồng keo lai và đã có những cải thiện đáng kể”. Nhớ về những ngày bắt đầu trồng rừng với giống keo lai, ông Thụy cho hay, một trong những điểm khó nhất khi trồng rừng ở Canh Liên là bị người dân địa phương, chủ yếu là bà con đồng bào dân tộc thiểu số chăn thả bò giậm phá. Ông Phú nói: “Anh Thụy hay căn dặn tôi, mình cũng là nông dân nên phải biết thông cảm với người ta. Hơn nữa, mình xác định ở đây lâu dài, nên phải thuận hòa với mọi người, giúp đỡ được ai thì giúp”. Với những người thả gia súc gây hư hại rừng trồng, anh em ông Thụy gặp mặt, nhẹ nhàng nói cho họ hiểu. Thấy nhà nào khó khăn, hai anh em giúp đỡ gạo mắm, áo quần, sách vở cho con họ; nhận những thanh niên lêu lổng trong khu vực để họ có chỗ làm lụng, phát triển kinh tế gia đình…

Một trong những ám ảnh của người trồng rừng ở đây là bị mối, sùng đất và các loại nấm gây hại tấn công, tàn phá bộ rễ. Nhiều người trồng rừng khóc ròng với đội quân phá hoại này. Nhưng nhờ những năm tháng trải nghiệm trong quân đội, ông Thụy đã dùng loại thuốc chống muỗi Permethrin 50 EC trị mối thành công. “Trước khi trồng, nhúng bì cây giống (50 cây/ bì) vào dung dịch Permethrin 50 EC khoảng 10 phút, để ráo rồi trồng. Cây giống khi đã được nhúng loại thuốc này không còn bị mối, nấm. Sùng đất cũng không còn phá rễ cây nữa”, ông Thụy chia sẻ.

Nhờ những giải pháp linh động, khoa học, việc trồng rừng của ông Thụy đã thuận lợi hơn, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Với diện tích rừng hiện tại ông đang sở hữu hơn 100 ha, thì rừng 9 năm tuổi cho ông thu nhập khoảng 140 triệu đồng/ ha, rừng 7 năm tuổi cho thu nhập khoảng 120 triệu đồng/ ha. Mới đây, năm 2020, ông Thụy tham gia dự án “Xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng giống keo lai cấy mô được công nhận” có chu kỳ 10 năm của Trung tâm Khuyến nông Trung ương với diện tích 25 ha. Với giống nuôi cấy mô, dù trồng cùng thời gian và được chăm sóc cùng chế độ, nhưng cây keo lai nuôi cấy mô sinh trưởng nhanh hơn, đường kính thân cây và chiều cao cây gấp 1,5 lần so với keo lai giâm hom. Khi tiếp cận dự án này, ông Thụy đã đề xuất và được chấp thuận cho trồng tập trung ở các khu vực liền kề nhau trên tổng diện tích 25 ha, với 6 hộ tham gia. Ông chia sẻ: “Theo tôi, việc liên kết này để cùng che chắn, bảo vệ rừng trồng gỗ lớn là yếu tố quan trọng giúp rừng phát triển trong thời gian hàng chục năm trước những nguy cơ tác động bất lợi của thời tiết, hoặc người trồng rừng gỗ nhỏ ở khu vực xung quanh khi họ tiến hành khai thác trong thời gian ngắn hơn…”. Như để mục sở thị thành quả trồng giống keo mới, ông Thụy đưa tôi tham quan cánh rừng keo đã gần 2 năm tuổi. Cây keo đã cao vượt đầu người. Thân keo to như bắp tay, sung mãn vươn cành lên thẳng đứng, báo hiệu một mùa vui…

Xanh lên những hy vọng
Nhiều năm nay, để tiện chăm sóc, ở lại bên rừng trồng, anh em ông Thụy đã xây một nhà tạm cạnh chân đồi Đại Hàn. Ngồi bên hiên nhà, thả ánh nhìn xung quanh, rợp một màu xanh của cây lá. Bên vườn nhà, những con bò giống Úc nhởn nhơ nằm nghỉ mát. Những con heo rừng, gà, dê thung thăng đi theo đàn quanh quẩn dưới những gốc keo già. Cảnh tượng ấy như gạn lọc mọi phiền ưu, tách bạch mọi xô bồ phố xá, mang lại cảm giác khoan khoái dễ chịu. Cái cảm giác thích thú, mê rừng như được lan tỏa từ hai người nông dân sang cho một khách lai vãng là tôi. Khi cao hứng, tôi chỉ tay về phía Đông Bắc từ ngôi nhà tạm của anh em ông Thụy, cất lời: “Cánh đồi kia xanh và đẹp quá” thì ông Thụy đáp ngay: “Đồi Đại Hàn, rừng non mới trồng đấy. Tôi với chú lên đó tham quan nhé”.

CCB Đỗ Duy Thụy thăm cánh rừng mới trồng theo hướng rừng cây gỗ lớn trên đồi Đại Hàn. Ảnh: V.P

Ông Thụy đưa tôi lên đồi Đại Hàn thăm vườn keo mới ươm khi cái nắng bắt đầu đậm dần. Đồi Đại Hàn thuộc tiểu khu 350 Suối Kè. Cây đã phủ xanh hết ngọn đồi. Ông bảo, giống keo được trồng mới vào mùa mưa năm ngoái, phủ cả đồi Đại Hàn với diện tích hơn 20 ha. Nhận thấy hiệu quả từ giống keo lai mô, với lứa keo mới này, ông Thụy chỉ trồng giống AH1 và BV75 lấy từ công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn, đi theo hướng trồng rừng gỗ lớn. Tôi theo chân ông thăm thú cây rừng đã lên xanh. Trước cái nắng hầm hập, nụ cười ông tươi rói, phấn khởi. Những mầm rừng xanh như tiếp thêm năng lượng cho người cựu binh đã ngoài 60 tuổi này. Khi tôi đã thấm mệt thì ông lại thúc giục đi xem tiếp rừng. Từ đồi Đại Hàn thả ánh nhìn xung quanh, cây keo đã bén ngọn xanh rợp cả một vùng núi đồi Canh Liên. Với việc trồng rừng theo hướng phát triển rừng cây gỗ lớn, ông Thụy không chỉ tạo ra một không gian xanh, cải thiện vấn đề môi sinh, phát triển kinh tế, mà còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho gần 20 người lao động ở địa phương. Anh Đoàn Kim Hậu, dân tộc Chăm, ở làng Kà Sim thuộc xã Canh Thuận (Vân Canh), một trong những nhân công làm nhiều năm cho ông Thụy, bộc bạch: “Tôi làm rừng với anh Thụy đã nhiều năm nay. Công việc chính là phát chồi, cắt cành, bón phân các thứ. Nhờ công việc này mà có thêm nguồn thu ổn định, nuôi hai con nhỏ ăn học”.

Tôi nán lại ở trang trại của ông Thụy đến khi chiều muộn như để tận hưởng cái không khí trong lành, mát dịu nơi đây. Nhìn nụ cười sảng khoái, niềm vui như ánh lên từ ánh mắt của người từ biển đi về hướng núi, tôi “giả vờ” thắc mắc: “Giờ còn ai gọi anh là “Thụy điên” nữa không?”. Ông Thụy huơ tay, cười sảng khoái, nụ cười như chan hòa trong màu xanh ngắt của núi rừng. Ông bảo: “Hết rồi. Nhưng giờ, tôi bị mấy người đồng nghiệp đổi biệt danh tiếp chú à. Họ không còn gọi tôi là “Thụy điên” hay là “Thụy thủy thủ” nữa mà là… Thụy nông dân”.

Phải rồi, giờ ông đã là một nông dân chính hiệu, “ăn đời ở kiếp” với rừng, cho xanh lên những núi đồi từng một thuở hoang vu, đẹp như ca từ của một nhạc sĩ xứ Nẫu mà lúc cao hứng, người cựu binh ấy đã từng cất giọng hồn nhiên giữa núi đồi: “Cây đã mọc từ thuở nào. Trên đồi núi thật cằn khô. Cây có hiểu vì sao. Chim thường kéo về làm tổ//… Và tôi vẫn nhớ hoài về một loài cây. Sống gần nhau thân mới thẳng. Có một cây là có rừng. Và rừng sẽ lên xanh. Rừng giữ đất quê hương”…

VÂN PHI

(Văn nghệ Bình Định số 109 tháng 5.2022)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đầy lên ký ức tươi xanh…

Cuối tháng Tư, Hội VHNT phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bình Định tổ chức chuyến giao lưu, thực tế sáng tác tại Đồn biên phòng Cát Khánh, với sự tham gia của gần 40 văn nghệ sĩ, nhà báo…

Độc đáo ẩm thực xứ Nẫu

Bình Định lưu lại trong ký ức nhiều người không chỉ bởi danh lam thắng cảnh, trầm tích văn hóa lịch sử mà còn quyến luyến lòng người bởi thế giới ẩm thực phong phú…

Bừng thức Đề Gi

Đầu năm 2023, khi các phân đoạn của tuyến đường ĐT 639 dọc bờ biển từ TP. Quy Nhơn đến địa phận xã Mỹ Thành (Phù Mỹ) hoàn tất, Đề Gi đã bừng thức…

Ngày xuân đi hội Chùa Bà

Nhón những bước chân trên nền gạch thẫm trong khuôn viên chùa, tôi mường tượng xa xôi về một thuở phồn vinh xưa cũ vào đầu thế kỷ XVII…