Ngọt lành cây trái Hoài Ân

(VNBĐ – Bút ký). Vùng đất trung du Hoài Ân luôn biết níu giữ phù sa và đón nhận hạt giống mới. Chừng mười năm trở lại đây, đất này xuất hiện ngày càng nhiều giống cây trái “lạ” sinh trưởng tốt và cho năng suất cao. Điều đáng nói hơn là những loại cây trái này hầu hết được trồng – thu theo quy trình Viet Gap và hữu cơ nên được thị trường gần – xa đón nhận, mở ra hướng đi mới cho ngành nông nghiệp.

Đất giàu phù sa

Hoài Ân hiện có 11.574 ha đất nông nghiệp. Đất ở đây triền dốc, đa phần là sỏi cơm đỏ, rất thích hợp cho việc trồng cây lấy gỗ và cây ăn quả. Huyện có hai con sông lớn. Sông Kim Sơn chảy theo hướng Tây Nam – Đông Bắc, qua địa phận các xã: Ân Nghĩa, Ân Hữu, Ân Tường Tây, Ân Đức, TT Tăng Bạt Hổ. Sông An Lão chảy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, hợp lưu với sông Kim Sơn tại Phú Văn xã Ân Thạnh thành sông Lại Giang đổ ra cửa biển An Dũ. Sông chạy qua các xã: Ân Hảo Đông, Ân Hảo Tây, Ân Mỹ, Ân Tín và Ân Thạnh. Hai con sông đã mang theo một lượng lớn phù sa từ những cánh rừng già trùng điệp phía đại ngàn trải đều lên đất. Sau mỗi cơn mưa lớn, đồng, bãi, gò, soi và cả những mảnh vườn thuộc chân đất thấp ở Hoài Ân phủ kín một lớp đất mịn màu vàng đục. Đất tơi, lẩn vào đất cũ làm giàu thêm khoáng chất và vi lượng.

Ngoài sông, Hoài Ân còn có nhiều suối lớn, phân bố đều các xã: Ân Tường Đông, Bok Tới, Đăk Mang, Ân Sơn, Ân Phong… Mùa mưa, suối mang theo nhiều khoáng chất và cây lá mục đổ về những chân đất cao như thể rải thêm đều một lượng lớn phân hữu cơ. Hơn 20 hồ chứa nước lớn nhỏ, với tổng dung tích thiết kế: 40,64 triệu m3 nước của huyện giúp cân bằng mực nước các giếng khoan và đủ sức tưới cho những ruộng rau, vườn cây ăn quả trong mùa khô trên địa bàn.

Khách tham quan vườn chè Gò Loi (Hoài Ân). Ảnh: B.T.P

Người Hoài Ân yêu trồng trọt – chăn nuôi, biết tìm tòi học hỏi và vận dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Rất nhiều lão nông nơi đây dám tạm gác việc gia đình để vào các tỉnh Đông Nam bộ xin làm thuê trong các vườn cây ăn trái. Họ vừa làm vừa học cách trồng, chăm sóc cây ăn quả. Sau ít năm, họ đem kiến thức và cây giống về trồng trên đất quê mình. Cây mới xuống đất mới, mặc dù địa chất có phần giống nhau nhưng khí hậu khác nhau nên một số giống cứ còi cọc, thậm chí vàng úa. Nhiều người phải quay ngược lại chỗ làm thuê để hỏi han, học tập. Họ đi lại nhiều lần, thay đổi cách trồng, cây mới chịu bám đất lên xanh. Thấy nhiều giống cây có xuất xứ từ miền Nam, Tây Nguyên trồng được trên đất quê mình, một số cán bộ Hợp tác xã (HTX) đi học các lớp trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn “sạch” về giúp đỡ bà con mở rộng diện tích. Đảng bộ và chính quyền địa phương nhận ra thế mạnh từ việc trồng cây ăn quả “sạch” đã kịp thời định hướng và ưu ái về chính sách.

 Xanh lên cây trái “lạ”

Trước đây, cây ăn quả chủ lực trên đất Hoài Ân chỉ có chuối, mít và thơm. Những năm gần đây, đã xuất hiện thêm nhiều giống cây trồng mới: hồ tiêu, sầu riêng, bưởi da xanh, chôm chôm, bơ, dâu, bòn bon… Hiện, toàn huyện có hơn 3.900 ha đất trồng cây ăn quả với 105 sản phẩm, trong đó có hơn 2/3 diện tích trồng giống cây trái mới.

Theo chân đoàn tham quan do UBND huyện Hoài Ân tổ chức, tôi đến gia trại cây trái tổng hợp của ông Nguyễn Xuân Cấp ở thôn Lộc Giang, xã Ân Tường Đông. Trại rộng chừng 10 ha. Hệ thống nước tưới nhỏ giọt chạy đều khắp và âm dưới mặt đất. Những luống hồ tiêu bám cây sơn giá thẳng tắp hay những đụn hồ tiêu bám thân dừa cao vút đang mùa cho trái oằn dây, trĩu hạt. Hồ tiêu bám thân dừa đang cho hạt nhưng dừa thì vẫn đơm buồng, trĩu quả. Qua hết vài trăm luống hồ tiêu là đến vùng đất của bưởi da xanh. Một cán bộ trong đoàn tham quan cho biết: gần nửa số cây bưởi trong gia trại này đã xử lý cho quả trong dịp Tết Canh Thìn 2024. Hiện số cây đang cho trái chín là bưởi chính vụ. Sầu riêng, dâu, bơ, chôm chôm nối tiếp nhau xanh ngát. Ông Cấp cho biết: “Cả trại hiện có 7.000 trụ tiêu già mùa, 1.500 cây bưởi da xanh, gần 50 cây sầu riêng đang ra quả bói, 100 cây bơ, 250 cây dâu và khoảng 200 cây: bòn bon, chôm chôm, mít Thái”… Bỏ miếng bưởi đã chấm muối ớt vô miệng, tôi nghe những múi bưởi vỡ ra lụp bụp; vị ngòn ngót, măn mẳn, đậm đà không pha tạp cũng kịp thời tan chảy trong vòm họng. Dâu vốn chua nhưng ở vườn này lại ngót. Chôm chôm cũng đang ra trái. Tuy nhỏ nhưng ngọt thơm hơn mọi giống trồng ở miền Nam.

Cây dâu trong gia trại ông Nguyễn Xuân Cấp đang mùa quả chín. Ảnh: B.T.P

Theo lời chỉ dẫn của người dân, tôi tìm đến vườn đồi của anh Nguyễn Ngọc Thường ở thôn Kim Sơn, xã Ân Nghĩa. Vườn anh rộng chừng 3 ha. Hơn 2/3 diện tích, anh trồng ổi, bưởi, đu đủ bán vào dịp Tết, số đất còn lại anh trồng dưa các loại. Hiện, dưa đang đến ngày thu hoạch. Anh Thường cho hay trong mảnh đất này có nhiều giống mới: dưa lưới, dưa đen không hạt, dưa vỏ vàng ruột đỏ, vỏ xanh ruột vàng, dưa ka ky siêu ngọt và cẩm ngọc trắng. Tất cả đều được trồng và chăm sóc theo quy trình hữu cơ nên sản phẩm đã được HTX Nông nghiệp Thanh niên đặt mua với giá nhích hơn thị trường. Được anh Thường mời dùng thử các giống dưa, tôi không ngần ngại ăn mỗi loại vài miếng rồi sau nhẩn nha từng chút một và cảm nhận được hương vị khác nhau của từng giống. Có giống ngọt lịm nhưng vẫn đượm hương của dưa, có giống ngọt vừa, có giống ít ngọt nhưng tất cả đều đặc ruột. Lý giải điều này, anh Thường tiết lộ: “Giống ngọt lịm là giống siêu ngọt, dành cho giới trẻ và những người thích độ ngọt cao. Giống ngọt vừa dành cho người lớn tuổi và giống ít ngọt dành cho người bệnh tiểu đường. Quá trình chăm sóc, chúng tôi điều chỉnh lượng phân bón để cho ra những quả dưa có độ ngọt như ý muốn”.

Đến thăm vườn cây ăn quả rộng chừng 6 sào đất của anh Bùi Quốc Cường ở thôn Liên Hội, xã Ân Hữu với mô hình: Dứa không gai trồng dưới tán bưởi da xanh. Vườn được trồng theo tiêu chuẩn Viet Gap, xanh ngát tầng trên bởi bưởi quả và đỏ rực tầng dưới bởi dứa đang chín. Bưởi, dứa đều to quả nhưng dứa to vượt trội. Nhiều quả nặng đến 5 kg. Anh Cường chia sẻ: “Dứa chịu bóng râm nên đứng dưới tán bưởi sẽ không sao. Trồng theo kiểu này nhằm lấy ngắn nuôi dài, lấy nguồn lợi từ bán dứa để mua vật tư chăm bón bưởi da xanh. Ban đầu mình nghĩ vậy nhưng giờ thấy giá trị kinh tế của dứa cao nên rất mừng!”.

Cán bộ Nông nghiệp huyện Hoài Ân giới thiệu sản phẩm mới với khách hàng. Ảnh: B.T.P

Nét “lạ” của cây trái đất Hoài Ân còn được thấy qua cách trồng, chăm sóc, thu hoạch và xử lý quả trái vụ, khác xa với trước. Anh: Cao Quý Nhất – cán bộ kỹ thuật phòng Nông nghiệp huyện – cho hay: “Các vườn, trại trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện thực hiện rất tốt khâu vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện có 100 ha đất, vườn sản xuất đạt tiêu chuẩn Viet Gap và hữu cơ. Chúng tôi và cán bộ các HTX Nông nghiệp trên địa bàn phân công nhau phụ trách đều các vườn, kịp thời hỗ trợ bà con mặt kỹ thuật, vật tư và bao tiêu sản phẩm. Thấy lợi ích của sản xuất “sạch” rất lớn nên các vườn còn lại đang hướng đến và đang làm thủ tục đăng ký. Hy vọng tương lai không xa sẽ có 100% số vườn, trại sản xuất theo hai tiêu chuẩn trên!”.

 Làm nên thương hiệu đẹp

Cây trái trên đất Hoài Ân góp phần làm giảm số lượng hộ nghèo và thay đổi diện mạo quê hương. Nhiều hộ dân từ tay trắng nhờ trồng cây ăn quả mà thoát nghèo, xây được nhà đẹp, mua được máy cày, máy xới và nhiều phương tiện đắt tiền. Riêng gia trại ông Cấp có tổng doanh thu mỗi năm 1,5 tỷ đồng và giải quyết được việc làm thường xuyên cho 8 lao động với mức lương bình quân 6 triệu đồng/ người. Sản phẩm từ cây trái trên đất Hoài Ân được người Hoài Ân tiếp tục chế biến ra nhiều sản phẩm có chất lượng và uy tín. Bún khô từ gạo hữu cơ, bún ngô từ bột bắp, bún gạo lứt, mức mít, chuối sấy, trà nụ hoa hòe, viên nén giảm cân, rượu nếp bưởi… đã vươn ra những thị trường lớn: Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ… bằng đường chính ngạch.

Sản phẩm nông nghiệp sạch được trưng bày tại Ngày hội Nông sản lần thứ II ở Hoài Ân. Ảnh: B.T.P

Hiện, Hoài Ân có 60 sản phẩm nông nghiệp được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 3 – 4 sao; gần 100 sản phẩm đã đăng ký và có mặt trên các sàn giao dịch, chợ điện tử lớn; 8 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể, trong đó có 6 sản phẩm trái cây… Những thành quả này đã góp phần to lớn làm nên thương hiệu: Trái cây Hoài Ân và thủ phủ trái cây trên đất Bình Định. Ông Nguyễn Hữu Khúc – Chủ tịch UBND huyện trong đêm khai mạc Ngày hội Nông sản huyện Hoài Ân lần thứ II (tổ chức từ ngày 16 – 18.5.2024) đã tự hào nêu lên ý nghĩa của ngày Hội: nhằm giới thiệu đầy đủ và toàn diện với bạn bè gần xa về tiềm năng, thế mạnh sản phẩm nông nghiệp của địa phương; kết nối 4 nhà: Nhà nước – nhà nông – nhà doanh nghiệp – nhà khoa học; thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư; tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu và quảng bá những sản phẩm chất lượng đến các nhà phân phối và người tiêu dùng. Cũng trong ngày Hội này, Siêu thị Copmart Quy Nhơn, Bưu điện tỉnh Bình Định và Công ty CP Đầu tư và Xây dựng C.P (TP. Quy Nhơn) đã ký biên bản hợp tác tiêu thụ bưởi da xanh với các HTX Nông nghiệp trên địa bàn huyện. Ngày Hội đã thu hút hàng nghìn lượt khách đến tham quan, mua sắm, tìm hiểu sản phẩm và ký kết hợp tác dài lâu. Nhiều vị khách ở tận huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn cũng đến trung du Hoài Ân dự Hội. Ngày Hội đạt tổng doanh thu từ việc bán nông sản: trên 500 triệu đồng. Trò chuyện với chị Lê Thị Bích Ngọc ở phường Nghĩa Lộ, TP. Quảng Ngãi, chị cho biết: “Năm ngoái, bà con trong Quy Nhơn ra thăm mình có mang theo bưởi da xanh và ổi giòn Hoài Ân. Mình ăn, thích quá nên dặn người bà con cứ gặp thì mua gửi ra. Nay nghe tin Hoài Ân tổ chức Ngày hội Nông sản, mình sắp xếp công việc, vào ngay. Vào để tham quan, tìm hiểu, làm quen rồi về mở sạp trái cây bán tại chợ.”…

Quả thật, “Cây trái Hoài Ân” đã trở thành thương hiệu đẹp trong lòng người tiêu dùng gần xa!

BÙI TẤN PHƯỚC

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Cho giai điệu cất lời

Mô hình cà phê nhạc hát cho nhau nghe đang ngày càng phát triển, nhất là trong bối cảnh xã hội hiện đại. Dù ở phố hay về huyện, ta không khó để tìm ra những quán với mô hình này…

Những khát vọng xuân

Những ngày cuối năm, phóng viên tạp chí Văn nghệ Bình Định đã có cuộc trò chuyện cùng các tác giả văn học đang sinh sống hoặc có nhiều gắn bó với Bình Định…

Làm nghệ nhân Bài chòi và làm thơ

Lý Thành Long là con nhà nòi hát Bội và Bài chòi dân gian. Từ bé, những làn điệu Bài chòi từ những nghệ nhân bên nhà ngoại đã cuốn hút anh…