(VNBĐ – Ghi chép). Những ngày cuối Chạp, về đất trăm nghề An Nhơn, lòng tôi chộn rộn theo cái hối hả của những nghệ nhân đang chăm chút sản phẩm để chuyển cho khách xa kịp trang hoàng ngày Tết. Trong khoảng khắc lưng lửng giao mùa, làng nghề tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu rộn bao thanh âm của cưa xẻ, lũa, mài, gõ, đục…
1.
Đêm bên ly rượu gạo, nghe câu chuyện mở xưởng mộc ở phố núi Gia Lai của anh Nguyễn Quốc Bảo (phường Nhơn Hưng), chúng tôi như quên đi cái lạnh phủ xuống căn nhà nhỏ. Tuổi niên thiếu, anh học nghề tiện gỗ mỹ nghệ từ làng nghề Nhơn Hậu, thành nghề rồi lập nghiệp. Sau mười năm bôn ba mưu sinh trên đất khách, ba năm trước, anh về lại Nhơn Hưng tiếp tục nghề chạm khắc. Những lục bình, hồ lô, đèn thờ, quả đựng bánh kẹo, hũ đựng hạt dưa, lọ cắm hoa… đủ kích cỡ, đủ dáng hình theo đơn đặt hàng của khách quen giúp anh đủ tiền trang trải nuôi con ăn học, lo việc gia đình. Tôi lại nhớ đến anh Phạm Đình Trung, người cùng phường với anh Bảo, từng được gặp và nghe tiếng đàn ghi ta anh chơi trong đêm gặp gỡ dân văn nghệ Đồ Bàn. Ít ai biết rằng những ngón tay dạo lên phím điệu nghệ kia còn làm nên sự tinh xảo trên từng vết đục, khắc anh dành cho gỗ. Từ những thô ráp, xù xì gốc rễ qua đôi bàn tay anh bỗng hiện lên dáng tiên ông ngồi an tịnh dưới gốc cây hay chàng mục đồng chăn trâu ngồi bên tán đa làng…
Nhắc đến chuyện điêu khắc gỗ, anh Trung trải lòng: “Tôi thích tạo những dáng thế, hình hài theo ý mình. Ở chừng mực nào đó, điêu khắc gỗ hay chơi đàn, viết nhạc cũng có nét tương đồng khi cùng mang đến niềm hứng khởi và cảm xúc cho người thực hiện”.
Anh Trung hay anh Bảo cũng chỉ là một trong hàng trăm, hàng ngàn những nghệ nhân tiện gỗ mỹ nghệ trên vùng đất An Nhơn đã gắn bó nhiều năm với nghề. Nghề tiện gỗ mỹ nghệ có rải rác khắp thị xã An Nhơn, song đông nhất, để làm nên làng nghề là xã Nhơn Hậu. Năm 2010, làng nghề tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống. Tuổi của nghề nơi đây là hằng trăm năm trước. Thế hệ giữ nghề hiện nay, phần đông là cháu con trong vùng được cha ông truyền thụ lại với mong muốn giản dị là xem đó như một phương kế sinh nhai, cho bản thân và gia đình.
Nhắc về làng nghề, anh Bùi Quang Thắng (thôn Bắc Nhạn Tháp, Nhơn Hậu), một thợ lành nghề có tiếng trong vùng, chia sẻ: “Nghe ba tôi kể lại, nghề này có từ thời ông cố của tôi. Ban đầu tập trung ở thôn Bắc Nhạn Tháp. Trước đây, các sản phẩm tiện gỗ mỹ nghệ được xử lý hoàn toàn thủ công. Từ năm 1992, khi điện về nơi này, máy móc thiết bị được đưa vào sản xuất, rút ngắn thời gian chế tác sản phẩm, thị trường tiêu thụ cũng dần rộng mở hơn, ngoài thị trường trong tỉnh, một số vùng lân cận và hai đầu đất nước, sản phẩm còn được ưa chuộng bên thị trường Trung Quốc, Nhật, Đài Loan…
Ngày xưa, sản phẩm chủ yếu là tiện tròn. Đến năm 2000, đích thân những nghệ nhân kỳ cựu của làng nghề tiện gỗ Bắc Nhạn Tháp cất công ra Bắc, mời những người thợ lành nghề từ làng nghề tiện gỗ nổi tiếng ở các tỉnh Bắc Ninh, Nam Định… về làm việc. Sự giao thoa kỹ thuật xử lý hình khắc, chạm trổ với đường nét tinh xảo đã góp phần giúp các sản phẩm của làng nghề trở nên phong phú, đa dạng, được người tiêu dùng ưa chuộng hơn”.
Hơn hai thập niên trước, nghề tiện gỗ nhờ vậy mà phát triển mạnh. Từ khâu mua bán nguyên liệu, đẽo thô, tiện, đục, chạm đến khảm xà cừ, chà nhám, phun bóng thành những công đoạn liên nối thu hút một lực lượng nhân công, nghệ nhân theo nghề. Với sự phát triển ấy, sau này làng nghề tiện gỗ mỹ nghệ Bắc Nhạn Tháp đã đổi tên thành làng nghề truyền thống tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu và được UBND tỉnh công nhận. Từ nghề tiện gỗ mỹ nghệ, nhiều cơ sở tại địa phương ăn nên làm ra.
Anh Ngô Xuân Thảo, chủ cơ sở Đồ gỗ mỹ nghệ Trường Thịnh bộc bạch: “Tôi mở xưởng gỗ từ năm 2004, đến 2007 thì chính thức đăng ký kinh doanh. Đây là nghề cha truyền con nối, nên cứ học nghề rồi truyền lại cho con cháu, thanh niên trong vùng. Hoạt động trong lĩnh vực này lâu nên công ty đã có nhiều khách hàng quen trong nước, họ tìm đến đặt hàng và xác lập quan hệ làm ăn lâu dài, sản xuất các mặt hàng theo đơn hàng của họ. Dịp cuối năm này, không chỉ cơ sở của tôi mà nhiều nơi khác đều đang tất bật hoàn thiện sản phẩm cho khách hàng. Mùa giáp Tết, sản phẩm của làng nghề tiêu thụ mạnh hơn cả trong năm”.
2.
Đất lành chim đậu, Nhơn Hậu không chỉ giúp nhiều hộ gia đình nơi đây trụ vững với nghề, phát triển kinh tế, mà vùng đất này còn trở thành chốn an trú cho những người con xa quê. Với mỗi họ, xuân về chẳng còn cảm giác xuân tha hương nữa vì nơi đây đã thành quê hương. Có người đưa vợ con vào An Nhơn, có người đến làm việc rồi kết duyên cùng con gái xứ Nẫu. Nghề mộc đã đưa họ đến đây, đã bắt rễ họ với vùng đất này, để theo tháng năm, họ trở thành một nhân tố góp phần làm ấm lên làng nghề trăm năm, thổi sức thanh tân cho nét mộc trên đất Vua.
La cà ở làng nghề, tôi gặp anh Trần Văn Tùng (36 tuổi), đang dùng cưa máy xẻ lại hình khối cơ bản của gốc cây theo hình dáng mà khách hàng đặt sẵn. Anh quê ở Nam Định, đã vào Nhơn Hậu gần 20 năm và gắn bó với nghề này. Anh chuyên các sản phẩm mộc nội thất, dùng để trưng trong nhà. Thấy khách đến, anh tạm ngưng công việc, cười hiền, kéo tay tôi giới thiệu những sản phẩm được tạo tác từ gỗ đã hoàn thiện. Từ hình dáng con cóc ngậm đồng vàng đến con hổ, hay thần tài, ông địa… được anh tạc dáng hình chuẩn, đẹp, lên màu bắt mắt. “Tôi đã xem đây là quê mình. Nghề tiện gỗ này đã cho tôi một mái ấm trên mảnh đất này. Hai mươi năm theo nghề, cũng đã có khá nhiều bạn trẻ học nghề từ cơ sở của tôi và ra mở xưởng riêng”, anh Tùng tâm sự.
Tại xưởng anh Tùng, tôi gặp chàng trai Đặng Văn Dược (26 tuổi, thôn Nam Tân, Nhơn Hậu). Chỉ gắn bó với nghề này 6 năm nay, nhưng Dược tỏ ra khá chắc tay khi dùng máy duỗi xử lý chi tiết khuôn dạng con người trên thân gỗ, tỉ mỉ đi từng đường nét nhỏ một cách dứt khoát, chắc gọn. Dược có vẻ bề ngoài bụi bặm với những hình xăm trên người nhưng mỗi khi cười, nhìn Dược hiền khô theo kiểu chân quê. Dược bộc bạch: “Bắt đầu từ năm 2016, em chính thức học nghề, vừa học vừa làm, dần rồi cũng thân thuộc các đường nét. Quen nghề, tự tin cầm máy. Hơn một năm nay, em làm cho cơ sở của anh Tùng. Làm gần nhà nên thuận lợi cho việc chăm sóc gia đình. Ở đây cũng có khá nhiều bạn trẻ như em, nhờ công việc từ các cơ sở như thế này giúp các bạn bớt lêu lổng, chí thú làm ăn”.
Những ngày thăm lại làng nghề, tôi có cơ hội tiếp xúc khá nhiều người xứ Bắc đã kết duyên với vùng đất An Nhơn. Ghé thăm cơ sở đồ gỗ Đức Hùng, tôi gặp vợ chồng anh Trần Ngọc Hùng (36 tuổi) và vợ là Nguyễn Thị Quyên (35 tuổi) đang cặm cụi hoàn thiện những khâu cuối cùng trong việc khảm trai các án, bàn thờ để kịp giao cho khách. Anh chị quê ở làng nghề khảm trai nổi tiếng Phú Xuyên (Hà Nội). Chục năm trước, anh chị vào Nhơn Hậu làm thuê cho người ta. Bươn chải nhiều năm, cả hai đều có nghề, nên về sau, anh chị mạnh dạn thuê nhà, mở xưởng, khảm trai các sản phẩm gỗ mỹ nghệ vào các vật dụng thờ cúng. Trong mươi phút ngắn ngủi, tôi khá bất ngờ khi thấy chị Quyên khảm trai xong một mảng lớn của bàn cúng. Tôi hỏi chị về quê cũ, chị thành thật nói rằng, hồi mới vào đây làm, nhớ sao mà nhớ, cứ có cảm giác như tha nhân. Nhưng rồi nơi đây, chị dần cảm nhận được sự hiền hòa, tình cảm. Quen đất, quen người, đến giờ, chị đã thực sự “nhập hộ khẩu” với vùng đất này, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng…
3.
Theo tháng năm, làng nghề tiện gỗ mỹ nghệ có thăng có trầm, nhưng vẫn giữ được một sức sống. Ông Ung Văn Long, Trưởng ban quản lý làng nghề tiện gỗ mỹ nghệ cho biết: “Những năm gần đây, làng nghề cũng đã đối diện với nhiều thử thách. Khó khăn đang gặp phải lớn nhất là nguồn nguyên liệu, nguồn gỗ quý như hương, chò, trắc, cẩm lai… đang ít dần. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ bị bó hẹp bởi từ năm 2016, nơi tiêu thụ sản phẩm lớn nhất từ trước của làng nghề là Trung Quốc ít dụng sản phẩm, buộc chúng tôi phải tìm cách thích ứng, hướng tới phục vụ khách hàng trong nước. Cũng may mắn, nhờ sự hỗ trợ từ phía địa phương cùng nỗ lực của nhiều nghệ nhân, linh động trong sử dụng nguồn gỗ trồng để làm nguyên liệu, đa dạng hóa sản phẩm để mở rộng kênh kết nối khách hàng, nên làng nghề đã dần phục hồi và phát triển”.
Điều mới là, chỉ cách đây hai tháng, Nhà trưng bày sản phẩm tiện gỗ mỹ nghệ đã được xây dựng khang trang bề thế và đưa vào hoạt động trưng bày hàng trăm các sản phẩm từ làng nghề. Chị Phạm Ngọc Giàu (35 tuổi, thôn Bắc Nhạn Tháp), một thành viên trong làng nghề được giao quản lý, trông coi. Từ đây, chị livestream để quảng bá sản phẩm đến cho khách hàng. Chị Giàu tâm sự: “Việc mở rộng kênh kết nối với khách hàng qua mạng xã hội là một trong những hướng đi cần thiết để những người trong làng nghề chúng tôi giới thiệu sản phẩm, tạo thêm cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ. Các sản phẩm của làng nghề đều được các gia đình gia công, chế tác khá tỉ mỉ, chất lượng, hơn nữa có cơ sở trưng bày được đầu tư bài bản nên bước đầu, đây cũng là thuận lợi để cho sản phẩm của làng nghề được người tiêu dùng tin cậy lựa chọn”.
Ông Ung Văn Long phấn chấn tâm sự: “Nhà trưng bày sản phẩm như là nét mới để bà con làng nghề thêm kênh kết nối với khách hàng. Và cũng để khẳng định thương hiệu của làng nghề, trở thành địa chỉ để khách tham quan cùng những người quan tâm đến sản phẩm mỹ nghệ có thể tìm đến. Hiện nay, làng nghề có 10 cơ sở lớn thu mua, phân phối sản phẩm và có khoảng trên dưới 100 hộ giữ nghề, giải quyết hàng ngàn lao động cho địa phương, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của một số hộ trong khu vực. Đặc biệt là thu hút nhiều nhân công trẻ, giữ chân được lực lượng lao động này ở lại với quê. Ngoài nhà trưng bày, UBND xã cũng đã quy hoạch điểm sản xuất tập trung diện tích 2 ha, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư sản xuất tại đây để phát triển ổn định làng nghề truyền thống”.
Trước khi chia tay làng nghề, tôi dạo quanh nhà trưng bày ngắm từng sản phẩm. Từ những thứ nhỏ như hũ đựng tăm tre, đến bản mộc khắc gỗ khung cảnh làng quê treo tường, lục bình, bàn ghế… được chế tác, lên màu đẹp mắt. Trong khoảnh khắc ấy, tôi mường tượng về những ngày tươi sáng phía trước của làng nghề trong những tự thân nỗ lực, những kết nối liên ngành và tương hỗ từ phía chính quyền, để thấy ấm lên những hy vọng về một diện mạo đầy sắc xuân của nét mộc nơi “đất Vua”…
PHI NGUYỄN