Nâng cao hơn nữa về nhận thức chính trị và bản lĩnh nghề nghiệp

Nâng cao hơn nữa về nhận thức chính trị và bản lĩnh nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức, năng lực sáng tạo; thể hiện vai trò người nghệ sĩ, chiến sĩ để tạo ra ngày càng nhiều các tác phẩm thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, cổ vũ, giáo dục con người sống có lý tưởng, đạo đức, niềm tin… (*)

(Phát biểu của đồng chí Lâm Hải Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định tại Đại hội Hội VHNT Bình Định lần thứ VI, nhiệm kỳ 2022 – 2027)

Đồng chí Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội Hội VHNT Bình Định khóa VI, nhiệm kỳ 2022 – 2027

Kính thưa đồng chí Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
Kính thưa đồng chí Vương Duy Biên, Phó chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam;
Thưa các đồng chí lãnh đạo các sở, ban, ngành;
Thưa quý vị đại biểu, thưa Đại hội!

Hôm nay, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Định tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ VI, nhiệm kỳ 2022 – 2027, thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh, tôi nhiệt liệt chào mừng các vị khách quý, chào mừng hơn 180 đại biểu đại diện cho hơn 300 hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Bình Định về dự Đại hội, xin gửi đến các đồng chí lãnh đạo, quý vị đại biểu, anh chị em văn nghệ sĩ lời chúc sức khỏe, hạnh phúc. Chúc Đại hội thành công tốt đẹp!

Kính thưa quý vị đại biểu, thưa Đại hội!
Từ khi thành lập cho đến nay, Đảng ta luôn tin tưởng, coi trọng, chăm lo và tạo điều kiện để đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình trước dân tộc và đất nước. Sinh thời, Bác Hồ từng căn dặn: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ văn nghệ có nhiệm vụ nhất định, tức là phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân…”.

Thực tiễn cho thấy, văn nghệ sĩ tỉnh nhà luôn xung kích trên mặt trận văn hóa tư tưởng; đồng hành cùng với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân; đề cao trách nhiệm công dân và tính tích cực xã hội, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng, phát triển tỉnh nhà.
Qua Báo cáo tổng kết trình bày tại Đại hội, có thể thấy rằng, trong 5 năm qua, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Các mục tiêu, các nhiệm vụ do Đại hội lần thứ V đề ra cơ bản được hoàn thành. Theo đó, hoạt động sáng tác, sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến các tác phẩm VHNT không ngừng được nâng cao chất lượng, hiệu quả; đưa VHNT tỉnh nhà phát triển theo chiều rộng lẫn chiều sâu. Đội ngũ văn nghệ sĩ đã đoàn kết, không ngừng đổi mới với tư duy sáng tạo; nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn làm ra nhiều tác phẩm có giá trị đáp ứng nhu cầu thưởng thức VHNT của nhân dân. Nhiều hội viên, văn nghệ sĩ đã kiên trì tìm tòi, vượt lên chính mình, âm thầm lao động sáng tạo để khẳng định các giá trị mới của VHNT trong thời kỳ CNH – HĐH và hội nhập quốc tế. Nhiều tác giả, diễn viên, tác phẩm đạt giải thưởng cao trong các cuộc thi cấp tỉnh, khu vực, toàn quốc. Tổ chức hội ngày càng được củng cố, lớn mạnh, thể hiện rõ vai trò, vị trí trong đời sống văn hóa của tỉnh.

Với 71 đầu sách của hội viên, 09 công trình tuyển tập do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh ấn hành cùng với các triển lãm cá nhân, triển lãm nhóm ở lĩnh vực Nhiếp ảnh và Mỹ thuật là minh chứng sinh động cho khả năng sáng tạo, tinh thần lao động nghệ thuật không ngừng nghỉ của anh chị em văn nghệ sĩ tỉnh nhà. Thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh, tôi nhiệt liệt chúc mừng, ghi nhận, biểu dương và cảm ơn về những thành tích mà đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà đã đạt được trong nhiệm kỳ qua.

Kính thưa quý vị đại biểu, thưa Đại hội!

Nhìn lại chặng đường phấn đấu của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh trong nhiệm kỳ qua, bên cạnh những thành tích đạt được, Đại hội của chúng ta cũng đã thẳng thắn nhìn nhận một số mặt tồn tại, hạn chế trong công tác của hội. Đó là: còn thiếu những tác phẩm văn học xuất sắc phản ánh sinh động tầm vóc công cuộc đổi mới. Nghệ thuật truyền thống chưa có nhiều vở diễn và hoạt động còn có nhiều khó khăn. Nhiếp ảnh, âm nhạc chưa có những tác phẩm vượt trội. Mỹ thuật đương đại chỉ mới có thành tựu bước đầu… Việc tổ chức các hoạt động VHNT phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn của nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn ít ỏi. Việc phát huy nguồn lực sáng tạo của hội viên chưa cao, công tác xã hội hóa chưa mạnh, còn nhiều hạn chế. Nhân tố mới trong VHNT đã xuất hiện nhiều hơn song chưa có những nhân tố vượt trội.

Chính vì vậy tại Đại hội này, chúng ta cần nghiên cứu, xây dựng các giải pháp cụ thể, rõ ràng, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong nhiệm kỳ qua. Tôi cơ bản thống nhất với phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp mà Đại hội đề ra đồng thời xin nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm đặt ra cho Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh trong nhiệm kỳ 2022 – 2027 như sau:

Thứ nhất, Hội cần nhận thức đầy đủ, quán triệt sâu sắc quan điểm VHNT là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân – thiện – mỹ của con người và là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần xã hội và sự phát triển toàn diện con người Việt Nam. Muốn vậy, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cần tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả; tiếp tục củng cố, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, chăm lo bồi dưỡng nghiệp vụ, tạo điều kiện thuận lợi, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của hội viên; làm tốt hơn nữa công tác tập hợp, đoàn kết đội ngũ văn nghệ sĩ; là cầu nối giữa văn nghệ sĩ với cấp ủy, chính quyền; chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cũng như đề xuất các giải pháp thực hiện hiệu quả các vấn đề đặt ra đối với VHNT.

Tôi lưu ý việc xây dựng hội phải kết hợp chặt chẽ các yếu tố tài năng và tư tưởng, chính trị và nghề nghiệp, quyền lợi và trách nhiệm, dân chủ và kỷ cương; coi trọng việc rèn luyện kỹ năng sáng tạo đi đôi với nhân cách sáng tạo. Cần có nhiều phương thức hoạt động để thu hút tài năng, tạo nguồn phát triển hội viên theo hướng nâng cao chất lượng.

Thứ hai, hoạt động của Hội Văn học Nghệ thuật luôn bám sát vào nhiệm vụ chính trị của tỉnh và hòa mình vào cuộc sống của nhân dân lao động để sáng tạo những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật đặc sắc, mang hơi thở của cuộc sống, tham gia tích cực, có hiệu quả vào công cuộc bảo vệ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đồng thời kiên quyết lên án, phê phán, đấu tranh với cái xấu, cái hư hỏng, lạc hậu; đẩy lùi sự xâm nhập văn hóa độc hại thông qua những tác phẩm VHNT. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền những chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân vào sự thắng lợi của công cuộc đổi mới và tương lai tươi sáng của quê hương, đất nước.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh triển khai, quán triệt việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tổ chức cuộc thi sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT của tỉnh về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” nhằm tạo sức lan tỏa sâu rộng trong giới văn nghệ sĩ và cán bộ, nhân dân, góp phần đưa việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” ở Bình Định ngày càng đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả thiết thực.

Thứ tư, tiếp tục phát huy vai trò, vị trí của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, của đội ngũ văn nghệ sĩ trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh – quốc phòng của tỉnh, trong việc góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân. Nâng cao năng lực và chất lượng các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo; phát huy vai trò tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Hội trên các lĩnh vực chuyên môn, đưa ra các kiến nghị, hiến kế cho tỉnh một cách phù hợp, có sức thuyết phục. Tăng cường mở các cuộc thi sáng tác, trại sáng tác, lớp tập huấn, đi thực tế… phấn đấu có nhiều tác phẩm chất lượng tốt phục vụ đắc lực cho sự nghiệp CNH – HĐH, xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh sưu tầm, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân gian phục vụ phát triển du lịch. Chú trọng công tác xuất bản, quảng bá những tác phẩm VHNT.

Thứ năm, tích cực đề xuất với lãnh đạo tỉnh trong việc sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho VHNT phát triển; thực thi nghiêm túc quyền tác giả, các quyền liên quan; xử lý kịp thời những vi phạm về chuyên môn và đạo đức của hội viên; vinh danh, trao giải thưởng xứng đáng cho các tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, các văn nghệ sĩ có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp VHNT tỉnh nhà.

Nhân dịp này, tôi đề nghị các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể, các địa phương trong tỉnh cần quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hoạt động VHNT; thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động liên quan đến VHNT. Tôi cũng đề nghị cán bộ, hội viên và toàn thể đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà luôn bám sát tôn chỉ, mục đích, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, trong đó bám sát sự lãnh đạo của Đảng, các quy định, hướng dẫn, chỉ đạo của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Nghị quyết số 23 ngày 06.6.2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới. Mỗi hội viên, mỗi văn nghệ sĩ cần không ngừng nâng cao hơn nữa về nhận thức chính trị và bản lĩnh nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức, năng lực sáng tạo, luôn thể hiện vai trò người nghệ sĩ, chiến sĩ để tạo ra ngày càng nhiều các tác phẩm VHNT thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, cổ vũ, giáo dục con người sống có lý tưởng, đạo đức, niềm tin, chung sức, chung lòng vì sự tiến bộ xã hội, vừa đáp ứng việc định hướng, vừa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần ngày càng cao của Nhân dân, góp phần vào sự phát triển của nền VHNT tỉnh nhà. Thiên chức của người nghệ sĩ là sáng tạo, sáng tạo như là một nhu cầu tự thân của chính văn nghệ sĩ lựa chọn cho mình chứ không phải sự ép buộc khiên cưỡng nào. Tôi nghĩ hiện thực cuộc sống là mảnh đất màu mỡ thôi thúc văn nghệ sĩ sáng tạo nhưng sáng tạo như thế nào để tác phẩm có tầm tư tưởng, mang tính cách và vẻ đẹp tâm hồn Việt Nam, lay động được trái tim người đọc, điều này phụ thuộc vào tài năng, bản lĩnh và cái tâm của người văn nghệ sĩ.

Văn học nghệ thuật Bình Định từng có những tên tuổi lớn và có những đóng góp vô cùng quý giá. Trên nền tảng đó, văn nghệ sĩ chúng ta cần ý thức vai trò, trách nhiệm của mình trong thời đại hiện nay, tiếp tục phát huy nguồn vốn quý đó để nỗ lực làm ra được nhiều tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật có giá trị, góp phần xứng đáng vào nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội tỉnh nhà.

Tôi kỳ vọng và hy vọng Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh sẽ thực hiện đạt được mục tiêu đó.

Kính thưa Đại hội!

Đối với những kiến nghị của Đại hội về những vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách cho hoạt động của Hội trong thời gian tới, tôi đề nghị Ban Chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổng hợp, báo cáo và đề xuất cho UBND tỉnh, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan có liên quan sớm xem xét giải quyết theo thẩm quyền. Quan điểm của UBND tỉnh là luôn quan tâm, ưu tiên cho VHNT phát triển. Tuy nhiên, với vai trò, nhiệm vụ của mình, Hội cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn để kịp thời tham mưu, đề xuất giải quyết các vướng mắc trong quá trình hoạt động của mình.

Kính thưa Đại hội!

Một lần nữa, thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh, tôi kính chúc các vị đại biểu, khách quý sức khỏe, hạnh phúc và thành công!

Chúc anh chị em hội viên dồi dào sức khỏe, có nhiều tác phẩm mới đạt đỉnh cao về tư tưởng và nghệ thuật, hòa chung trong dòng chảy văn học nghệ thuật của cả nước!

Chúc Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Định lần thứ VI, nhiệm kỳ 2022 – 2027 thành công tốt đẹp!

Xin trân trọng cám ơn!

(*) Đầu đề do Tòa soạn đặt.

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

“Đại bàng” và chiếc “tổ to”

Mục tiêu, tầm nhìn phát triển của Bình Định là đến năm 2030, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ…