Mỹ thuật Bình Định, 5 năm nhìn lại…

LTS: Tọa đàm Mỹ thuật Bình Định, 5 năm nhìn lại (giai đoạn 2015-2020) do Hội VHNT Bình Định tổ chức, diễn ra vào chiều ngày 10.12.2020 tại TP. Quy Nhơn, nhân kỷ niệm 69 năm Ngày truyền thống Mỹ thuật Việt Nam.

Tọa đàm đã thu hút sự tham gia của các hội viên Chi hội Mỹ thuật, các đại biểu và văn nghệ sĩ quan tâm đến mỹ thuật với nhiều ý kiến ghi nhận bước phát triển về số lượng và chất lượng đội ngũ; những thành tựu và mặt hạn chế của mỹ thuật Bình Định; đề xuất những kiến nghị, định hướng đưa nền mỹ thuật tỉnh nhà phát triển, hòa chung sự phát triển mỹ thuật khu vực và đất nước.

Văn nghệ Bình Định lược ghi một số tham luận tại tọa đàm.

Họa sĩ NGUYỄN VĂN CẦN

Trong 5 năm (2015 -2020), Chi hội Mỹ thuật đã kết nạp thêm 10 hội viên mới, 6 hội viên được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam. Hoạt động triển lãm mỹ thuật giao lưu được tổ chức thường xuyên với các tỉnh bạn: Phú Yên, Đắk Lắk, Tiền Giang, TP. Hồ Chí Minh; các hội viên Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh chọn Bình Định làm trại sáng tác và triển lãm giao lưu; CLB đồ họa TP. HCM đã mở workshop kỹ thuật đồ họa, hướng dẫn kỹ thuật và giao lưu triển lãm. Với chất lượng chuyên môn cao, Triển lãm Mỹ thuật Bình Định năm 2015 được ghi nhận như một sự tổng kết về hoạt động mỹ thuật Bình Định sau 40 năm thống nhất đất nước; đánh dấu sự trưởng thành của đội ngũ họa sĩ trẻ đồng thời cho thấy sự chín muồi trong sáng tác, khẳng định phong cách nghệ thuật của lớp nghệ sĩ gạo cội với nhiều hướng đi mới, chất liệu mới. Tại Triển lãm khu vực hàng năm, mỹ thuật Bình Định đã thể hiện một tiếng nói riêng, tiếp cận được với mỹ thuật đương đại thế giới cùng những bút pháp, phong cách đa dạng, tạo ấn tượng tốt đẹp với công chúng.

Mỹ thuật Bình Định đã gặt hái nhiều thành công với nhiều gương mặt điển hình như điêu khắc gia (ĐKG) Lê Trọng Nghĩa; các họa sĩ Lê Duy Hồng, Lê Duy Khanh… ĐKG Lê Trọng Nghĩa nhiều năm liên tiếp đạt giải thưởng của Triển lãm mỹ thuật khu vực. Năm 2015, Bình Định chỉ có 1 tác phẩm được chọn treo tại Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 2015, đến năm 2020 Bình Định có 04 tác phẩm được chọn triển lãm tại Triển lãm mỹ thuật toàn quốc. Đặc biệt tác phẩm Chuỗi mộng của ĐKG Lê Trọng Nghĩa đạt giải Ba Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc; giải Nhì (không có giải Nhất) Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2020 và giải A giải thưởng mỹ thuật Bình Định. Những thành công rực rỡ trong 5 năm qua là minh chứng thuyết phục cho thấy mỹ thuật Bình Định đã có những bước đi đúng đắn với những nỗ lực vươn lên, bứt phá thành công và dần hòa mình chung trong dòng chảy của mỹ thuật hiện đại nước nhà.

Điêu khắc gia LÊ TRỌNG NGHĨA

Có thể nói 5 năm qua các họa sĩ Bình Định đã có nhiều nỗ lực sáng tạo. Chúng ta đã có được những thành tích cao trong các kỳ triển lãm khu vực và toàn quốc. 6 họa sĩ  được kết nạp Hội Mỹ thuật Việt Nam từ 2015 đến nay. Rõ ràng đây là một thành tích rất đáng kể có thể tự hào so với nhiều tỉnh bạn. Các hoạt động giao lưu mở rộng ngoài tỉnh, trong nước, quốc tế đã có những cá nhân kết nối và tạo được dấu ấn…

Hiện nay, Chi hội Mỹ thuật có 27 hội viên trong đó có 12 hội viên trung ương. Nhưng nhìn chung hoạt động sôi nổi trong 5 năm qua chỉ khoảng trên dưới 10 họa sĩ. Số còn lại không mặn mà sáng tác và tham gia sinh hoạt. Chưa thấy nhiều người sáng tác trẻ đủ tiêu chí xin gia nhập vào Hội. Đây là điều không vui của Chi hội Mỹ thuật Bình Định.

Từ sau 2015 đến nay, chưa có một cuộc triển lãm quy mô, hay triển lãm nhóm, triển lãm cá nhân nào. Chúng ta chỉ đang cố gắng duy trì mỗi năm trưng bày các tác phẩm mới của anh em tại Văn phòng Hội VHNT. Một yếu tố khách quan tại Bình Định chưa có nơi trưng bày tác phẩm mỹ thuật đúng nghĩa. Và để có một triển lãm cá nhân chắc chắn phải tiêu tốn không ít tiền. Các nghệ sĩ trẻ có yêu cầu quá cao so với các họa sĩ đàn anh từng triển lãm cá nhân trước đó hay chưa thật sự dốc hết tâm lực để đặt dấu ấn trong sự nghiệp sáng tạo; hay sự trăn trở về môi trường nghệ thuật, công chúng thưởng lãm, sự hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng?

Ông Nguyễn An Pha, Chủ tịch Hội VHNT Bình Định trao giải thưởng Mỹ thuật năm 2020 cho các tác giả đạt giải. Ảnh: T.L

Họa sĩ TRẦN TUẤN

Thời đại nào cũng có những quy chuẩn cái đẹp riêng. Song những quy chuẩn có tính thời đại đó lại cần những yếu tố của cái chung mà mọi thời đại đều chấp nhận. Trước hết chính là các yếu tố hài hòa, đẹp khách quan trong từng tác phẩm nghệ thuật quy định. Sau đó nó được quy định bởi tiêu chuẩn lý tưởng mà con người muốn vươn tới, cái tiêu chuẩn mang tính nhân văn cao cả, sự tiến bộ, hoàn thiện hoàn mỹ của tác phẩm…

Muốn thẩm định được cái đẹp phải có thị hiếu thẩm mỹ đúng. Thị hiếu thẩm mỹ lành mạnh bao giờ cũng lấy cái đẹp làm chuẩn mực để thưởng thức, đánh giá sáng tạo và giáo dục, thị hiếu thẩm mỹ giúp cho con người nhận thức được thế nào là đẹp và hướng mọi người đến cái đẹp chân chính mà bất cứ thời đại nào, xã hội nào, lĩnh vực nào cái đẹp cũng giữ vị trí trung tâm của mọi mối quan hệ trong đời sống, trong tâm hồn con người và trong nghệ thuật.

Để thưởng thức và đánh giá đúng giá trị của tác phẩm nghệ thuật cần phải có một thị hiếu nghệ thuật tốt. Thị hiếu nghệ thuật là sự phát triển cao và là bộ phận quan trọng nhất của thị hiếu thẩm mỹ, thị hiếu nghệ thuật là một dạng hoạt động thẩm mỹ bậc cao.

Do vậy, muốn thưởng thức tốt tác phẩm nghệ thuật đòi hỏi mỗi chủ thể phải được giáo dục về nghệ thuật, chọn lọc, đọc nhiều, xem nhiều, phải hiểu cặn kẽ mỗi loại hình nghệ thuật nắm bắt được ngôn ngữ của nó để biểu hiện thái độ của mình trước những giá trị thẩm mỹ nghệ thuật cao đẹp.

Nhà văn LÊ HOÀI LƯƠNG

… Việc làm đẹp thành phố Quy Nhơn nhiều năm qua, với hệ thống tượng nghệ thuật ven biển, rồi tượng nghệ thuật nhạc sĩ Trịnh Công Sơn; nhiều kết cấu nghệ thuật các giao lộ… bị dư luận chê bai khá nặng lời! Giới mỹ thuật Bình Định đã ở đâu? Bình Định thiếu người tài chăng? Vì sao Bình Định có họa sĩ nhiều lần đạt giải tranh cổ động toàn quốc, có nhà điêu khắc đạt giải thưởng quốc gia đình đám, vẫn không có cơ hội đóng góp tài năng mình cho quê hương?

Đương nhiên, các cơ quan tham mưu với lãnh đạo tỉnh: Sở Văn hóa – Thể thao, Hội VHNT có trách nhiệm chính việc này. Riêng Sở Văn hóa – Thể thao là cơ quan thường trực, đã đành. Nhưng Hội, rất nhiều nhà chuyên môn phàn nàn tượng xấu, không phải tượng nghệ thuật mà chỉ là sản phẩm mỹ nghệ công nghiệp…, và chỉ nói với nhau ở quán cà phê chứ không lên tiếng trên báo. Họ sợ mắc lòng chăng? Chỉ có bài của phóng viên Vân Phi về đường tượng, và mới đây, của nhà điêu khắc Lê Trọng Nghĩa về tượng Trịnh Công Sơn trên tạp chí Văn nghệ Bình Định. Dù đáng trân trọng Ban biên tập tạp chí và 2 bài viết phê bình kể trên nhưng vẫn là quá ít cho sự lan tỏa công luận. Về căn bản, giới mỹ thuật Bình Định nợ nhân dân yêu nghệ thuật, yêu thành phố quê hương mình tiếng nói hiểu biết và trách nhiệm.

Gần đây, cách điều chỉnh quy chế giải thưởng Đào Tấn – Xuân Diệu thuận lợi hơn cho các hồ sơ dự giải. Hội VHNT tỉnh tổ chức chấm và trao giải thưởng hàng năm qua Hội đồng nghệ thuật mỹ thuật khu vực là động viên thiết thực. Nhưng 5 năm không có triển lãm mỹ thuật cá nhân, hoặc tập thể, là sự tĩnh lặng đáng buồn.

Tác phẩm Chuỗi mộng của ĐKG Lê Trọng Nghĩa
trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2020 Nguồn: TTXVN

Nhà báo TRẦN QUANG KHANH, Phó chủ tịch Hội VHNT Bình Định

Lãnh đạo Hội VHNT Bình Định luôn đánh giá cao sự nỗ lực của các nghệ sĩ tạo hình đang sinh hoạt tại Chi hội Mỹ thuật Bình Định. Một chi hội có đến 7 thạc sĩ chuyên ngành mỹ thuật trong tổng số 27 hội viên của chi hội là điều rất đáng kỳ vọng.

Như một số ý kiến phát biểu tại tọa đàm, điều đáng tiếc nhất là chúng ta có một đội ngũ nghệ sĩ tạo hình có chuyên môn cao, đạt nhiều giải thưởng ở khu vực và quốc gia song vai trò của các nghệ sĩ tạo hình trong đời sống mỹ thuật tỉnh nhà còn chưa được phát huy đúng mức. Chúng ta còn chưa có tiếng nói đóng góp thiết thực đối với các công trình mỹ thuật ở thành phố Quy Nhơn nói riêng và trong tỉnh nói chung. Tạp chí Văn nghệ Bình Định cũng nhiều lần lên tiếng về sự nhôm nhoam của một số công trình mỹ thuật ở thành phố Quy Nhơn song như thế vẫn chưa đủ để phát huy được tiếng nói của các nghệ sĩ tạo hình trong tỉnh. Về phía lãnh đạo Hội VHNT tỉnh nhà, chúng tôi sẽ có ý kiến mạnh mẽ hơn nữa ở các diễn đàn để các nghệ sĩ tạo hình trong tỉnh góp tiếng nói vào đời sống mỹ thuật của tỉnh. Tuy nhiên mỗi nghệ sĩ tạo hình của Chi hội Mỹ thuật cũng cần nỗ lực nhiều hơn nữa để khẳng định vị thế của mình, mạnh dạn hơn nữa trong việc góp tiếng nói vào đời sống mỹ thuật của tỉnh trên các diễn đàn, nhất là trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

P.V (lược ghi)

(Văn nghệ Bình Định số 92 tháng 12.2020)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Pink Lady Food Photography 2024

Pink Lady Food Photography là cuộc thi ảnh ẩm thực quốc tế được thành lập từ năm 2011 và tổ chức thường niên tại Anh với nhiều hạng mục giải thưởng dành cho các tác giả chuyên và không chuyên…