Mùa xuân của Toa

(VNBĐ – Văn học thiếu nhi). Từ chăn ấm, Toa lắng nghe các nhân vật trong trí óc của mình trò chuyện. Hình như, mùa xuân đã về…

– Không biết đến khi nào tụi mình mới được chủ nhân mặc?

– Thì đợi đi, cũng sắp rồi.

– Cậu Toa kén chọn lắm đấy! Cậu chỉ thích đồ mới thôi.

– Cũng chưa chắc. Năm nay cậu Toa không thi học kì điểm cao thì chẳng có đồ mới mà mặc đâu. Lại phải nhờ đến chúng mình thôi!
A!… A!

Chuyện thi học kì làm Toa giật mình hết muốn nghĩ! Làm thế nào có được mùa Tết ấm cúng nếu như điểm thi không cao?

***

Tấm bảng trắng đầy những dòng chữ. Vết mực viết vội của bé Út lem nhem, tẩy xóa. Tất cả thành viên trong gia đình cần giải quyết vấn đề của mình, nhưng không ai có mặt đầy đủ ở nhà để có thể nghe nhau, nghe hết và rõ ràng một câu chuyện. Vậy là cần tới tấm bảng trắng và cây bút lông màu xanh. Tại sao không sử dụng Messenger và Zalo nhóm? Có một sự thật là ở nhà, chẳng ai muốn kết bạn với nhau, dù ở thế giới ảo, thậm chí Út và Toa đều công khai chặn luôn ông bà và cha mẹ.

Chuyện đầu tiên cần thảo luận là bé Út và Toa cần học thêm môn gì, ai dạy thêm và ai đưa đón. Chuyện thứ hai, ai sẽ là người ở với bà cố ở quê vào những ngày cận Tết. Chuyện thứ ba, ăn cơm hộp đến khi nào mới chấm dứt, chuyện này nhắm trực tiếp vào ba và mẹ của Toa, hai người rất chuộng cơm hộp, thế nên họ cố gắng thuyết phục ông bà nghĩ về những phần cơm hộp giá trị. Chuyện thứ tư, việc nấu nướng ở nhà cần những điều kiện gì, nếu như ba mẹ Toa không đi làm quá kín giờ, ông bà ăn uống theo kiểu người già, đặc biệt là ông của Toa, thích đi ăn cùng với bạn già hơn là ở nhà. Chuyện thứ năm là khi nào mọi người mới có thời gian rảnh để có thể nói chuyện với nhau trong bữa cơm gia đình tự nấu. Chuyện thứ sáu là có nên lắp camera trong nhà hay không, hình như chẳng ai muốn mất tự do vì một cái máy rình rập suốt trong một góc nhà. Có thể còn thêm nhiều vấn đề, nhưng bấy nhiêu đã, để giải quyết xong rồi tính tiếp, ông Toa nói như thế.

Út hay xóa những dòng tin trên tấm bảng. Nó xóa cụt chữ. Nó thích đọc những câu chữ không rõ ràng. Ông là người viết nhiều nhất, viết đến nỗi chật cả bảng nhưng thường sai chính tả và trích dẫn nhiều câu của người khác. Bà viết gọn gàng, đúng chính tả, nhưng như ra lệnh. Ba nó không viết, chỉ đọc. Mẹ nó cũng viết dài như ông nó nhưng đúng chính tả. Bà cố nó gọi điện vô bảo Toa ghi ý kiến của bà lên bảng, Toa và Út đều làm biếng, ghi một nửa, có khi không ghi gì. Cuối ngày nhìn vô thì thấy một bảng chữ xanh.

Thứ tự xem bảng: Ông nó sẽ là người xem đầu tiên vì ông nó không ngủ được. Lúc này ông đã nhấn nhá lên bảng bằng bút lông đỏ, gạch chân những ý chính. Sau đó tới ba nó. Ba nó đi làm sớm, như thường lệ, ba nó kéo kính lên và đi rất nhanh, vấp cả ống quần. Lướt qua vài nội dung cơ bản, ba nó lướt vô phần bà cố ở quê nhiều nhất. Vì ba muốn về quê với bà cố để hít thở khí trời, trốn thành phố. Nó thì đang không muốn học gia sư nên hay xóa các gợi ý gia sư từ gia đình. Toa muốn chơi với bạn bè. Mười bốn tuổi thì bên ngoài có biết bao là trò vui. Nó bắt chước ông viết những câu dài nhưng mà nó không có ý tưởng nên cứ viết rồi xóa, xóa rồi viết. Bà nó sẽ dậy và là người đọc thứ tư. Bà là người xóa bảng và tổng hợp lại ý kiến một cách đầy đủ nhất, nhiều khi bà viết theo ý của bà luôn. Mẹ nó là người cuối cùng đọc được. Lúc này, ý kiến đã được chỉnh sửa khá trơn tru, nhưng các vấn đề vẫn không được giải quyết. Nào là môn nào cần học thêm môn nào không, học phí ra sao, ai giới thiệu. Nào là, cơm hộp vẫn không thể mang lại chất lượng. Cơm nhà thì lại quá phức tạp vì quá nhiều khẩu vị, quá nhiều giờ giấc. Và tất nhiên chuyện ăn chung càng khó khăn hơn…

Toa là người xuất hiện giữa những khoảng đó. Nó thích xóa, nên câu không có nghĩa, rất khó đoán định. Tới buổi trưa, bảng sẽ trống trở lại. Ông nó lại viết gì đó. Bà nó bực bội và chỉnh lỗi chính tả. Ba nó lại thoáng qua như một cơn gió và mẹ nó thì vẫn thắc mắc về những chỗ xóa cầu kì như có dụng ý.

Cuối cùng nó nhận ra, muốn mọi người đọc được phải cần một cái bảng to hơn nữa. Hai cái bảng thì càng tốt. Cũng như chuyện học thêm, nó đã học ở trường, học thêm cô giáo dạy học ở trường, lại học thêm ở gia sư. Hai và nhiều phương án hơn nữa là tốt nhất cho mọi vấn đề cần giải quyết. Nếu như vậy thì chuyện chăm bà cố, có phải là ba nó nên đi vài ngày rồi lại quay về. Ông nó nên lâu lâu ra ăn cơm tiệm, bà nó phải truyền lại bí quyết nấu cơm nhà ngon, muốn vậy mẹ nó phải chịu học. Ba nó nên tạo một trang Web để lưu giữ ý kiến song song với việc viết bảng. Và nhà nó nên có một camera hoạt động nửa chừng, lúc ghi lúc không, để mọi người còn có cảm giác tự do làm những điều mình thích trong trạng thái khó chịu một nửa.

Bà cố từ quê đã lên nhà nó. Giải quyết được vấn đề ai sẽ về quê với bà cố. Bà quyết định lên ăn Tết một nửa thời gian rồi về quê một nửa thời gian còn lại. Bà cố nheo mắt nhìn vào tấm bảng và cây bút lông. Có lúc bà lấy khăn lau hết, vứt luôn cây bút lông chưa đổ mực vào thùng rác vì tưởng không viết được nữa. Bà nói, viết gì mà lắm thế!

Toa thấy những gì đang diễn ra ở nhà cũng như giờ ra chơi trên lớp, mặc cho ai nói gì, Toa vẫn cứ vui chơi và làm công việc của mình. Những ngày này, Toa thấy ba là người lặng lẽ quan sát chiếc bảng trống ấy và thỉnh thoảng lại xóa đi những câu giận hờn của ông, những lời trách cứ văn vẻ của mẹ. Toa biết rằng trong góc nhà ba vẫn đặt một camera nhỏ, nhưng ba chẳng xem được gì vì một hôm mẹ đã trèo lên và lấy mất thẻ nhớ trong máy.

Toa cần một chỗ học thêm mà ở đó cô giáo không bắt phải ở lại học quá giờ, không bắt điểm cao để mẹ chuyển hướng Toa thi vào trường chuyên. Toa sẽ học ở một nhóm nhỏ, có những người bạn mà em yêu thích, để trò chuyện, để còn có cớ đi ăn hàng này nọ. Và trên Facebook, Toa sẽ để chế độ yêu thích một người bạn nào đó, cùng để hình đại diện với bạn ấy mà không bị ai ý kiến.

Một sáng thức dậy Toa thấy trên bảng đầy những lời yêu thương.

– Toa, con hãy chăm học nhé.

– Tôi đi chợ đây.

– Tôi sẽ về ăn cơm đúng giờ.

– Một ngày tốt lành!

Minh họa: Nguyễn Văn Cần

Hình như lâu lắm, không có ngôn từ nào dễ chịu và yêu thương trên chiếc bảng? Đến khi nào con mèo không còn nghe tiếng cãi nhau? Con mèo cũng không còn giật mình khi đang ngủ có ai đó ngang qua giẫm lên và đá cho một phát vì nó ngủ gần chiếc bảng. Con mèo cũng cần ai đó chăm sóc và vuốt đầu chứ. Bút lông xanh và bảng trắng, chúng quan trọng hơn việc cưng nựng một con vật sao? Thì ra Út đã học được mấy câu sến súa trên Facebook rồi chép ra đầy bảng. Không biết sáng mai đọc, mọi người sẽ nghĩ gì, cũng có khi nó không tồn tại đến sáng mai.

Bà cố thắc mắc sao lại phải dồn nén và nói chuyện với cái bảng? Toa nghĩ, may là bà chưa thấy phải nói chuyện với cái điện thoại. Bà cố cũng được lắp một camera ở quê để quan sát tình hình sức khỏe, và để mọi người có cảm giác cùng đón Tết với bà. Bà cố làm bánh in, bà ngồi ở một góc nhà, nắng sớm chiếu tràn vào mâm bột. Bột bánh đã được bà phơi sương từ đêm hôm trước. Bà bỏ ít nhân mè và nén vào khuôn thật chặt. Đâu đó, bánh xếp tròn vào mâm, để sưởi nắng rồi chiều xếp ra dĩa. Buổi chiều ai đó sẽ mang những dĩa bánh in ra đặt ở phần mộ ông bà, thắp cây nhang.

Và lặng lẽ, một mùa xuân nữa đang tới. Gian nhà đã rộng thêm, có đủ chỗ ngủ nếu như tất cả cùng về, nhưng năm nay cũng là một năm ngoại lệ, chỉ có gia đình Toa về, cùng ba mẹ. Ông bà không về. Chú bác cô dì không về. Bà cố cũng sửa soạn và nhắc, cứ làm như mọi năm, theo lệ nhà ta thì ba mươi và mùng một cúng chay, mùng hai và ba cúng mặn. Rồi còn sắp xếp cúng ở nhà từ đường cùng mọi người. Không có máy móc, không có bảng, ai muốn nói gì thì trao đổi trực tiếp, không thì ra vườn lắng nghe thiên nhiên. Nhà bên đã trồng mai, Tết này vàng ươm cả một góc trời, mái hiên mới có, để vui chơi và ngồi ngẫm nghĩ, lắng nghe mình. Toa nghe mãi, nghe mãi tiếng lá của cây bạc hà, thấy lồng phổi như nở ra. Toa nghe được khí trời tụ lại, thấy cả màu vàng thân thương, nét đẹp rất nhà quê của bông vạn thọ bà cố trồng trước nhà.

Có ai đó nhắc về chiếc bảng, cả nhà Toa về quê hết, còn ông bà, bảng có cần không? Bút lông có còn mực? Hình như cô giáo có nhắn điểm số của Toa vào Zalo nhóm phụ huynh, nhưng không nghe mẹ nói gì. Ba đã dặn trước, về quê đón Tết truyền thống, mọi chuyện để sau. Toa yêu bà cố nhất câu nói, để cho tụi nhỏ cảm nhận mùa xuân, cảm nhận khí trời, ăn uống thong thả. Còn việc học, học cả đời, không vội được đâu. Mẹ học được kha khá món Tết. Bà cố chẳng cần cầu kì. Ba Toa dẫn Út thăm mộ ông bà, thăm vườn, thăm họ hàng làng xóm. Toa thì nằm trong phòng ấm, ngủ trễ, lên mạng, online Facebook, cập nhật trạng thái: “Đang hẹn hò với quê nhà thân yêu”. Bạn bè bình luận nhiều lắm, nhưng Toa không có thời gian đọc, vì bận theo chân để bà cố sai vặt rồi.

MẪU ĐƠN

(Văn nghệ Bình Định số 95 tháng 3.2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Nơi yên nghỉ cuối cùng

Màn đêm dần buông xuống, hai bên vệ đường không còn một bóng người. Khải cứ đi lang thang trong vô định, tìm kiếm một cái gì đó mà mình đã đánh mất rất lâu…

Giọt lệ nàng An Nhiên

An Nhiên là tiểu thư trong một hào môn dưới triều Chúa Nguyễn Phúc Thuần. Nàng giỏi cầm, kì, thi, họa, nhan sắc hoa nhường nguyệt thẹn…

Làng dừa bên bờ sóng

Làng tôi nhìn về hướng biển Đông xanh thẳm. Làng như con thuyền bập bềnh bên triền sóng, là lá chắn cho dãy phố sầm uất của thôn Tân Thành, Tam Quan, Hoài Nhơn xưa…