Một số sự thật về nhà thơ Quách Tấn

(VNBĐ – Bình Định mến yêu). Nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu, dịch giả Quách Tấn (04.01.1910 – 21.12.1992), tự là Đặng Đạo, hiệu Trường  Xuyên, sinh ra và lớn lên ở thôn Trường Định, huyện Bình Khê, nay là xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Ông cùng với Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Chế Lan Viên, được người đương thời ở Bình Định gọi là Bàn Thành Tứ Hữu, nghĩa là bốn người bạn thơ ở thành Đồ Bàn.

Năm 1992, nhân 15 năm ngày mất của nhà thơ Quách Tấn, Tạp chí Xưa và Nay có tổ chức kỷ niệm với sự có mặt của gia đình nhà thơ, bạn bè thân hữu ở Bình Định và Khánh Hòa, đặc biệt với sự có mặt của nhà thơ Giang Nam – nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Khánh, người hoạt động cùng thời với nhà thơ Quách Tấn. Trong câu chuyện đàm luận tại buổi họp mặt, có một vấn đề được mọi người quan tâm, đó là hiện nay ở Bình Định, nơi sinh ra ông và Khánh Hòa quê hương thứ hai của ông chưa có con đường mang tên Quách Tấn. Trong khi những người bạn trong nhóm Bàn Thành Tứ Hữu của ông đều có tên đường (Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên được đặt tên đường ở Quy Nhơn, Yến Lan có tên đường ở An Nhơn). Có chăng trong cuộc đời thăng trầm của ông có nhiều khúc quanh mà lịch sử chưa được làm sáng tỏ?

Để làm rõ hơn về những năm tháng nhà thơ Quách Tấn ở Bình Định, đặc biệt là hoàn cảnh ông tham gia làm Phó Tỉnh trưởng và những năm cuối đời sống ở Nha Trang, Tạp chí Xưa và Nay có đề nghị nhà thơ Giang Nam với tư cách người “hoạt động trong tổ chức” viết lá thư nhận xét đánh giá về sự nghiệp của nhà thơ Quách Tấn. Đồng thời để làm rõ hơn về giai đoạn những năm cuối đời của ông ở Nha Trang, chúng tôi trích giới thiệu thêm ý kiến của ông Nguyễn Duy Luân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh Ủy tỉnh Phú Yên.

* Thư của nhà thơ Giang Nam:

Anh Nguyễn Hạnh thân mến!

Trước hết tôi phải xin lỗi anh và các bạn trong ấy về việc chậm có nhận xét đánh giá về sự nghiệp của bác Quách Tấn vì phải để thời gian đọc lại các hồi ký về chính trị, văn hóa nghệ thuật, nghiên cứu… tôi mượn của anh Quách Giao để tìm hiểu vì sao Bình Định có “thành kiến” với một nhân vật nổi tiếng của quê hương mình.

Bây giờ thì tôi có thể khẳng định:
Về sự nghiệp sáng tác nghiên cứu, bác Quách Tấn có uy tín rất lớn không chỉ trong nước mà cả nước ngoài. Bác thuộc thế hệ “vàng” sau Cách mạng tháng 8-1945 cùng với các anh chị tiền bối khác, từ là người cuối cùng của thể thơ Đường luật, đến “Bàn thành Tứ hữu”…
Về việc bác được Đảng bố trí ở lại sau Hiệp định Giơnevơ và làm Tỉnh phó Bình Định trên dưới 1 năm, thì trong hồi ký nói rõ. Tôi nói thêm: Người giao nhiệm vụ cho bác là đ/c Lê Trọng Khoan (không phải Khoang) thuộc Khu ủy Khu V sau đổi vùng vào Khánh Hòa. Tôi cũng là một người hoạt động bí mật nhưng phải tồn tại hợp pháp (cùng với các đồng chí Lê Thanh Liêm, Mai Xuân Cống…) được phổ biến bí mật việc lợi dụng mọi khả năng công khai hợp pháp (nhất là lúc bấy giờ địch rất cần sử dụng những công chức cũ).
Anh Khoan là bạn học trên lớp của tôi, ở trường Quốc học Quy Nhơn; tôi cùng học với em ruột anh là Lê Trọng Kính, và tôi được Tỉnh ủy Khánh Hòa phổ biến việc bác Quách Tấn là “người của ta”.

Tuy nhiên đọc các tập Hồi ký của bác Quách Tấn biết lúc bấy giờ phe “công giáo” cũng đưa vào một Phó tỉnh trưởng và tay này rất ác cảm với Quách Tấn. Không biết hắn có nghi ngờ gì không mà luôn tìm mọi cách đổ tội, dựng chuyện gây khó khăn cho người của ta. Để tự bảo vệ mình (theo hồi ký của Quách Tấn) bác phải ra gặp đích thân Ngô Đình Cẩn để khiếu nại. Cho nên Cẩn đã nhiều lần can thiệp để “cứu”. Địa phương nói chung rất căm thù Ngô Đình Cẩn, “bạo chúa miền Trung” nên các đ/c ở địa phương phản ứng không chấp nhận.
Cũng để thể hiện quan điểm chống chế độ gia đình trị của Diệm, bác có lúc ủng hộ các đảng phái Quốc dân đảng, kể cả những kẻ chống cách mạng như Vương Gia Ngại, Đại Việt cách mạng đảng… (trong Hồi ký viết tay của bác) chứng tỏ sự non nớt buổi ban đầu hoạt động chống chính quyền ngụy.

Đó là những khó khăn, nếu ta không hỏi lại địa phương (Bình Định).

Xin vắn tắt gởi kèm theo một số trích dẫn (tr.3,4).

Chúc sức khỏe và sự năng động của tất cả chúng ta, đặc biệt là tạp chí Xưa và Nay gần đây có những số in nhiều tài liệu quý, mà chúng tôi lần đầu mới nắm được.

Thân mến!

GIANG NAM

* Trích trong tiểu sử và hồi ký của Quách Tấn:

Về tiểu sử: Năm 1929 ông thi đậu bằng Cao đẳng Tiểu học. Vì nhà nghèo không thể tiếp tục học, phải xin đi làm việc để nuôi hai em còn nhỏ.
Ông làm thư ký tòa sứ các tỉnh Huế, Đà Lạt, Nha Trang. Đến năm 1945, ông về Bình Định cùng gia đình. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ông tham gia Ủy ban Ủng hộ Kháng chiến và Mặt trận Liên hiệp Quốc dân huyện Bình Khê tỉnh Bình Định. Năm 1949, ông mở trường trung học tư thục Mai Xuân Thưởng tại thôn An Chánh, huyện Bình Khê và năm 1951 dạy trường công lập trung học Bình Khê. Năm 1954, ông hồi cư về Nha Trang và làm thư ký hành chánh cho đến năm 1965 thì về hưu, ở nhà viết văn, làm thơ. Năm 1987, ông hỏng mắt. Năm 1992, lúc 7h 10 phút ngày 21.02 ông vĩnh viễn đi vào cõi trời thơ mộng. (Trích “Gia tộc Nguyễn Thái Hoàng”, tr.58).

Hồi ký do Quách Tấn viết: (Giai đoạn sau Hiệp định Giơnevơ 1954):

“Một số đông đồng bào có nhà cửa, có bà con từ Phú Yên trở vô đều tìm cách trốn vào Nam. Nhiều người bị bắt trở lại, bị giam cầm và bị hành hạ rất khổ sở. Gia đình tôi bị bao vây nghiêm ngặt. Chúng tôi bình tĩnh lo làm ăn như thường ngày, không để lộ cho một ai biết rằng mình sẽ ở lại hay ra đi. Có một viên công an, làm việc ở liên khu V, thỉnh thoảng đến thăm tôi. Người ấy tên là Lê Trọng Khoang tức Lê Sâm. Một hôm cho tôi biết rằng là thượng cấp xét thấy tôi là người tốt nên muốn cho tôi tập kết ra Bắc. Được “tập kết ra Bắc” lúc bấy giờ là vinh dự rất lớn, chỉ những người có công với kháng chiến mới được hưởng mà thôi, còn tôi bị cán bộ địa phương liệt vào hàng “trí, phú, địa, hào”, là những phần tử “bất hảo” thì sao được hưởng cái vinh hạnh ấy? Nghi hoặc trong lòng nhưng tôi cũng thản nhiên đáp: “Được đi là quý, nhưng sống chung với gia đình đã quen, phải sống riêng một mình nơi xa lạ tôi không thể sống nổi”. Độ nửa tháng sau anh công an đã tới lần nữa và cho biết rằng: “Một đặc ân riêng: Thượng cấp cho tất cả gia đình cùng đi. Tôi cho nhà tôi biết điều ấy và hỏi ý kiến nhà tôi. Trước mặt viên công an, nhà tôi bình tĩnh đáp: Khí hậu xứ Bắc từ Huế trở ra lạnh lắm, tôi không chịu nổi. Mình có đi thì đi chứ tôi nhất định ở lại Bình Định với cha mẹ…”.

Lúc ấy vào mùa đông 1954. Chúng tôi lặng lẽ chuẩn bị trốn vào Nha Trang. Chẳng ngờ viên công an lại đến và báo riêng tôi: “Với tư cách của anh thì ra Bắc hay vào Nam cũng thế thôi. Vào Nam anh nên xin làm việc trở lại. Nhớ chen cho được, bám cho chặt, trèo cho cao”. Lê Sâm không nói gì nhiều, không dặn gì thêm nhưng tôi hiểu hết ý muốn của ông ta.

… Tình trạng đó kéo dài trên dưới 3- 4 tháng trước khi tôi được Tòa đại biểu Chính phủ Trung Việt bổ làm Phó Tỉnh trưởng, đi tiếp thu tỉnh Bình Định.

… Tôi làm Phó Tỉnh trưởng ở Quy Nhơn được gần một năm rưỡi, thì lại bị cất chức đổi ra Huế làm Sở Du lịch. Đến cuối năm 1957, thì tôi vận động xin vào Nha Trang làm thư ký Ty Kiến thiết, rồi đổi sang làm thư ký Tòa Hành chánh cho đến cuối năm 1965 thì về hưu trí”.

* Trích Hồi ký “Thủy chung cùng năm tháng” của ông Nguyễn Duy Luân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Phú Yên (Nxb. Chính trị Quốc gia, năm 2011, tr. 410- 411):

 … Đội chuyên án đề nghị Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Duy Luân đưa Quách Tấn đi cải tạo dài hạn, đốt kho sách. Giám đốc Công an Nguyễn Duy Luân băn khoăn: đưa Quách Tấn đi cải tạo, đốt kho sách là việc làm dễ dàng khi chứng cứ, tài liệu đủ cơ sở. Nhưng tại sao một nhà văn, một trí thức lại quay lưng lại với Tổ quốc mình, với nhân dân mình để đến nông nỗi phải bắt giam, phải đưa đi cải tạo? Trước khi đặt bút ký quyết định đưa Quách Tấn đi cải tạo, đồng chí Giám đốc Công an Nguyễn Duy Luân xuống trại giam để trực tiếp hỏi cung Quách Tấn. Anh em cán bộ trại giam và Công an tỉnh Phú Khánh tỏ thái độ e ngại. Nhiều cán bộ có ý kiến: “Đồng chí cứ quyết định giam là xong, Giám đốc Công an tỉnh xuống thẳng trại giam hỏi cung làm gì cho mệt. Người hiểu biết thì cho rằng mình sâu sắc, kẻ không hiểu biết thì cho rằng mình cần họ”. Nguyễn Duy Luân trả lời: “Khi quyết định sinh mạng chính trị của một con người, chúng ta phải cân nhắc kỹ càng. Các đồng chí cứ bố trí ở tại trại giam cho tôi hai phòng gặp để tôi sẽ bố trí thời gian làm việc mỗi ngày, rồi sau đó quyết định về trường hợp Quách Tấn cải tạo hay không cải tạo”.

Thừa lệnh của Giám đốc Công an tỉnh, công an trại giam đã bố trí hai phòng làm việc để Giám đốc Công an tỉnh trực tiếp làm việc với Quách Tấn. Qua một ngày làm việc trực tiếp với Quách Tấn, đồng chí Nguyễn Duy Luân rút ra những nét cơ bản sau: Ngay từ thuở nhỏ, Quách Tấn có năng khiếu về thơ, văn. Quách Tấn chăm chỉ học hành, trở thành một trí thức, một nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Khi đã có một chỗ đứng trên văn đàn, Quách Tấn thăng tiến trở thành Tỉnh phó của chế độ ngụy quyền Sài Gòn. Từ ngày giải phóng miền Nam, Quách Tấn già yếu, bị một số kẻ xấu mua chuộc, lợi dụng tên tuổi để gây thanh thế, phô trương các hoạt động phản cách mạng. Bản thân Quách Tấn tuổi tác đã cao, để Quách Tấn thấy được chính sách khoan hồng của cách mạng, sau ngày gặp Quách Tấn, Nguyễn Duy Luân quyết định tha cho Quách Tấn. Quyết định giam giữ Quách Tấn, Giám đốc Công an tỉnh Phú Khánh không ký…”.

Qua các tài liệu nêu trên, chúng ta phần nào hiểu hơn về con người Quách Tấn: Một trí thức đương thời có uy tín, một nhà thơ lớn có đóng góp nhất định trên văn đàn dân tộc. Cuộc đời ông trải qua nhiều thăng trầm, nhưng ông luôn vẫn giữ được cốt cách của một nhà Nho, ứng xử như một “kẻ sĩ” trước những biến động của thời cuộc. Một con người như thế, thật xưa nay hiếm!

Có một điều cần nhắc ở đây, đó là tấm lòng của ông với quê hương, đất nước, đặc biệt là đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh. Năm 1960, qua một người bạn ở nước ngoài, ông đã bí mật đón nhận tập thơ Nhật ký trong tù với sự ngưỡng mộ đối với nhà thơ Hồ Chí Minh. Nhật ký trong tù được ông âm thầm dành nhiều thời gian và công sức để dịch ra chữ quốc ngữ (theo ý mình) rồi giấu kín. Đến sau ngày giải phóng ông mới thổ lộ điều này với nhà sử học Dương Trung Quốc qua lời tâm sự: “Không muốn phù thịnh xu thời”… Với vùng đất mà ông gắn bó trọn cả cuộc đời, đó là Bình Định và Khánh Hòa, ông đã đóng góp nhiều tác phẩm khảo cứu có giá trị, đặc biệt là 2 biên khảo Nước non Bình Định và Xứ trầm hương, đã để lại nhiều ấn tượng qua nhiều thế hệ bạn đọc.

Người Bình Định cũng không thể quên, năm 1962, ông cùng các thân hào nhân sĩ huyện Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn) chủ trương cải táng hài cốt chí sĩ Mai Xuân Thưởng bị Pháp chém, khi thi hài không còn trọn vẹn. Với nhà thơ Hàn Mặc Tử, trong thời gian làm Phó tỉnh trưởng, ông đã tranh thủ xin đất ở ngọn đồi Ghềnh Ráng – Quy Nhơn để cải táng mộ phần Hàn Mặc Tử mà ngày nay là điểm viếng của du khách thập phương khi đến Bình Định.

Nói như ông Nguyễn Duy Luân, nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Phú Yên: Khi quyết định sinh mạng chính trị của một con người, chúng ta phải cân nhắc kỹ càng…

Với trường hợp nhà thơ Quách Tấn, hơn 40 năm qua đã có những ngộ nhận đáng tiếc, nhưng không có tổ chức nào đứng ra minh oan cho ông, thậm chí còn có những thông tin sai sự thật (Trang wikipedia thông tin từ năm1963 đến 1965, ông làm Phó Tỉnh trưởng Khánh Hòa!) đáng làm chúng ta phải suy nghĩ!

Với độ lùi của thời gian gần nửa thế kỷ, ngày nay chúng ta đã đủ cơ sở để đánh giá về hành trạng và sự nghiệp của nhà thơ Quách Tấn. Xin hãy trả lại sự công bằng và những giá trị đích thực cho ông.

Nhà sử học NGUYỄN HẠNH (Phó TBT Tạp chí Xưa và Nay)

(Văn nghệ Bình Định số 95 tháng 3.2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Vẻ đẹp quê hương Hoài Nhơn

Thị xã Hoài Nhơn nằm ở phía Bắc tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn 87km, là cửa ngõ giao lưu kinh tế quan trọng ở phía Bắc tỉnh…

Những chỉ dấu lịch sử, văn hóa xứ Hoài

Hoài Nhơn là vùng đất giàu trầm tích văn hóa, là nơi ghi dấu ấn đấu tranh cách mạng mạnh mẽ của Bình Định. Năm tháng đi qua, thế hệ tiếp nối mãi ghi tạc công ơn của cha anh…

Làng bún, làng hoa

Làng chuyên sản xuất bánh tráng, bún số 8 Tăng Long 1 thuộc phường Tam Quan Nam (TX Hoài Nhơn), được UBND tỉnh Bình Định công nhận làng nghề truyền thống vào tháng 8.2020…

Làng chiếu Chương Hòa

Ở thị xã Hoài Nhơn, làng chiếu cói Chương Hòa thuộc xã Hoài Châu Bắc có từ lâu đời, đến nay vẫn tấp nập, tạo nên bức tranh quê đẹp, thơ mộng, nghĩa tình…