Một số hạn chế, khó khăn trong sáng tác, quảng bá văn học, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh hiện nay

(VNBĐ – Tiếng nói văn nghệ sĩ). LTS: Sáng 23.4.2024, tại TP. Quy Nhơn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09.6.2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được trên tất cả các mặt, Hội nghị cũng nêu rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Dịp này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng Bằng khen cho 15 tập thể và 10 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW. Hội VHNT Bình Định là một trong 15 tập thể được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng Bằng khen và Hội VHNT cũng có tham luận tại Hội nghị để làm rõ thêm những kết quả trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW.
VNBĐ trân trọng giới thiệu tham luận của Hội VHNT tại Hội nghị.

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, Đảng đoàn, cấp ủy, Ban Chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) đã lãnh đạo triển khai thực hiện tốt các mặt công tác nhằm phát huy vai trò của văn học nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm con người, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước; qua đó đã góp một phần không nhỏ trong việc triển khai thực hiện tốt nội dung “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Cụ thể, từ 2014 đến nay, Hội đã tổ chức 70 chuyến thâm nhập thực tế sáng tác trong và ngoài tỉnh cho 965 lượt hội viên. Hàng năm, hỗ trợ và tổ chức cho các chi hội, hội viên tham gia Liên hoan, triển lãm, hội thi, hội diễn của khu vực và toàn quốc. Từ năm 2014 – 2023 có 168 tác phẩm văn học, nghệ thuật được xuất bản, phổ biến; trong đó có 11 tác phẩm, công trình về văn hóa truyền thống (nghiên cứu, sưu tầm văn nghệ dân gian, VHNT các DTTS, Bài chòi dân gian, hát Bội, võ cổ truyền Bình Định) góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Nhiều hội viên các chuyên ngành Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Âm nhạc đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm nhóm, triển lãm cá nhân… Nhiều hội viên chi hội Nhiếp ảnh đạt giải thưởng quốc gia, quốc tế, khu vực. Từ năm 2014 – 2023 có 68 tác phẩm đoạt giải thưởng các Hội Trung ương; năm 2022, nhà thơ, nhà viết kịch Văn Trọng Hùng vinh dự được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Trong khoảng thời gian này, Hội VHNT đã hỗ trợ 129 lượt hội viên với 163 tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật được sáng tác, in ấn, phát hành và phổ biến; tặng thưởng cho 40 lượt hội viên đạt giải thưởng cao của các Hội chuyên ngành Trung ương.

Đồng chí Lê Kim Toàn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh
trao Bằng khen của Ban thường vụ Tỉnh ủy cho Hội VHNT Bình Định. Ảnh: P.V

Hội thường xuyên tổ chức hỗ trợ giới thiệu, phổ biến, quảng bá tác phẩm VHNT do các văn nghệ sĩ sáng tác, phục vụ nhu cầu của công chúng thông qua các hoạt động: Liên hoan, trưng bày, triển lãm, giới thiệu tác giả, tác phẩm; hoạt động giao lưu; tích cực phối hợp tham gia cùng các cơ quan liên quan tổ chức các chương trình phục vụ kỷ niệm các ngày lễ lớn, lễ hội… Hội đã hỗ trợ quảng bá tác phẩm, đưa tác phẩm đến công chúng nhân các sự kiện lớn trong tỉnh và ngày truyền thống của các Hội chuyên ngành: Ngày thơ Việt Nam, Ngày Nhiếp ảnh, Ngày Âm nhạc, Ngày Sân khấu, Ngày Mỹ thuật Việt Nam. Nhằm quảng bá, phổ biến tác phẩm hội viên, Hội đã xuất bản 11 tuyển tập: Văn hóa dân gian Bình Định 2011 – 2020; Nghệ thuật Bài chòi dân gian Bình Định; Võ cổ truyền Bình Định; Văn hóa dân gian Bana Kriêm; Văn trẻ Bình Định 2012 – 2018; Nhiếp ảnh Bình Định 2012 – 2018; Mỹ thuật Bình Định 2012 – 2018; Âm nhạc Bình Định 2012 – 2018; Nhà văn Việt Nam tỉnh Bình Định 2011 – 2021; 10 năm thơ Bình Định 2011 – 2021; 10 năm văn xuôi Bình Định 2011 – 2021.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong sáng tác, quảng bá văn học, nghệ thuật còn một số hạn chế, khó khăn như sau:

1. Về sáng tác

– Trong những năm qua, văn nghệ sĩ Bình Định sáng tạo nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật, khẳng định vai trò của văn học nghệ thuật trong việc “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu những tác phẩm có chiều sâu, có tầm vóc lớn phản ánh lịch sử và đời sống phát triển của đất nước, của quê hương Bình Định; chưa có tác phẩm gây tiếng vang, tạo thành sự kiện lớn trong đời sống văn học, nghệ thuật và xã hội.

– Đội ngũ sáng tác văn học, nghệ thuật trẻ có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của văn học, nghệ thuật; bởi các tác giả trẻ, có năng lực, nhiệt huyết và đam mê chính là tương lai của nền văn học, nghệ thuật. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nguy cơ “già hóa” trong lực lượng văn nghệ sĩ ở mức đáng quan ngại. Trong 10 năm qua, Hội VHNT đã 7 lần tổ chức Trại sáng tác văn học nghệ thuật trẻ để phát hiện, bồi dưỡng lực lượng trẻ, nhưng đến nay, số lượng văn nghệ sĩ trẻ chỉ chiếm 15% so với tổng số hội viên. Một số chi hội như: Văn học, Âm nhạc, Nhiếp ảnh có đội ngũ trẻ kế thừa. Các chi hội còn lại như: VHNT các DTTS, Văn nghệ dân gian, Mỹ thuật, Sân khấu… đội ngũ trẻ kế cận rất hiếm. Đặc biệt, việc bồi dưỡng quy hoạch, phát triển nhân lực quản lý, lãnh đạo của Hội cho chặn đường tới hết sức khó khăn.

2. Về quảng bá, phổ biến tác phẩm văn học, nghệ thuật

– Lao động sáng tạo tác phẩm VHNT là niềm đam mê và là trách nhiệm, nhu cầu tự thân thôi thúc của mỗi văn nghệ sĩ. Tác phẩm ra đời được phổ biến đến công chúng, được nhiều người thưởng lãm sẽ là chất xúc tác để người nghệ sĩ tiếp tục nuôi dưỡng đam mê sáng tạo. Tuy nhiên trong thời gian qua, chính sách hỗ trợ sáng tạo, quảng bá, phổ biến tác phẩm, công trình VHNT ở tỉnh ta còn chưa sát với thực tế . Hầu hết việc quảng bá, phổ biến tác phẩm, công trình VHNT đều do văn nghệ sĩ tự lo kinh phí. Các tập sách, các cuộc triển lãm cá nhân, các đĩa thu chương trình âm nhạc… được nhiều giải thưởng của Trung ương và của tỉnh đều do văn nghệ sĩ tự lo kinh phí xuất bản, phổ biến, Hội chỉ hỗ trợ một phần thông qua nguồn kinh phí được cấp, nhưng từ năm 2023 đến nay thì đã phải tạm dừng.

– Cơ sở vật chất, trụ sở làm việc cho cơ quan thường trực Hội hiện nay không đủ điều kiện hoạt động, không đáp ứng được các hoạt động sáng tạo, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật thường xuyên và lâu dài của hội viên; đặc biệt là ở mảng triển lãm mỹ thuật và sinh hoạt chuyên môn của các chi hội.

– Tạp chí Văn nghệ Bình Định in và tạp chí Văn nghệ Bình Định điện tử đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng thông qua các chuyên trang, chuyên mục giới thiệu tác giả, tác phẩm trên tạp chí đã được phổ biến rộng rãi, qua đó góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến với công chúng. Tuy nhiên, trong xu thế chuyển đổi số hiện nay, việc quảng bá trên tạp chí Văn nghệ Bình Định chưa đa dạng, phong phú trên nền tảng số hóa; việc in và phát hành tạp chí in sốn lượng còn hạn chế, chưa phổ biến đến đông đảo bạn đọc trong tỉnh. Nhuận bút cho Tạp chí Văn nghệ Bình Định đã được cải thiện, tuy nhiên so với mặt bằng chung của báo chí cả nước vẫn còn thấp, ảnh hưởng đến việc thu hút tin bài chất lượng cao.

Trong thời gian tới, để có các tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật có chất lượng cao, kịp thời quảng bá giới thiệu rộng rãi tới công chúng, theo chúng tôi cần tập trung vào một số giải pháp sau:

1. Tiếp tục tham mưu hoàn thiện các cơ chế, chính sách về phát triển văn học nghệ thuật, về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đối với sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật của tỉnh; trong đó có việc xây dựng chính sách hỗ trợ sáng tạo, phổ biến tác phẩm VHNT; nâng cao giá trị các giải thưởng VHNT nhằm động viên, khuyến khích sáng tạo.

2. Chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nhận thức chính trị cho đội ngũ văn nghệ sĩ; khuyến khích, tạo điều kiện cho đội ngũ văn nghệ sĩ bám sát thực tiễn đời sống, từ đó sáng tạo nên những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị.

3. Tăng cường tổ chức các cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật với chủ đề thiết thực, phản ánh và phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn học nghệ thuật của quần chúng Nhân dân.

4. Tiếp tục đổi mới công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng những năng khiếu về văn học nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ để luôn có một đội ngũ kế thừa giúp cho nền văn học, nghệ thuật Bình Định phát triển ổn định, lâu dài.

5. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, phục vụ việc sáng tạo, quảng bá tác phẩm của hội viên; đổi mới phương pháp tuyên truyền, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động VHNT, tăng cường phối hợp liên kết với các ngành, các địa phương, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh tổ chức các chương trình văn học nghệ thuật, các cuộc thi chất lượng mang đậm nét đặc trưng văn hóa, con người Bình Định. Qua đó, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật ngày càng cao của Nhân dân và góp phần giới thiệu, quảng bá, phổ biến, lan tỏa các tác phẩm văn học, nghệ thuật đến với công chúng.

HỘI VHNT BÌNH ĐỊNH

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Gỡ khó cho doanh nghiệp

Thượng tuần tháng Bảy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã chủ trì cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan đối thoại trực tiếp với một số hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất…