Mời các bạn đón đọc Văn nghệ Bình Định số 135 tháng 7.2024

Mời các bạn đón đọc Văn nghệ Bình Định số 135 tháng 7.2024

 

Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành nhiều tâm huyết cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc, quan tâm đến văn nghệ sĩ, gần gũi và hiểu tinh thần sáng tạo nghệ sĩ. Tổng Bí thư từng khẳng định: “Đảng không áp đặt, ép buộc, gán cho văn học nghệ thuật một nhiệm vụ “chính trị” khô khan, giản đơn, nhất thời nào, mà hiểu nó như một sứ mệnh, một sức mạnh vốn có của văn học nghệ thuật chân chính, đặc biệt trong cuộc đấu tranh ngày hôm nay!”. Và Tổng Bí thư cũng nhắn gửi rằng: “Làm sao cho mỗi tác phẩm của mình phản ánh chân thực cuộc sống, làm cho người đọc sau khi gấp sách lại đều cảm thấy mạch đời đập dưới bìa sách đóng như mạch máu đập dưới làn da”. Vẫn còn đó những gửi gắm tâm tình cùng những bài học sâu sắc, mời các bạn cùng đón đọc bài viết “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với văn nghệ sĩ” như một nén tâm nhang kính vọng người đi của nhà văn, nhà báo Quang Khanh trên tạp chí VNBĐ số tháng 7.2024.

Bình Định là vùng đất còn nhiều bí ẩn, dẫu trăm năm, ngàn năm đi qua, bao cuộc “khai quật” cất công kiếm tìm của các nhà nghiên cứu lưu dấu vào sử sách, tài liệu lưu trữ, nhưng còn nhiều điều vẫn còn lẩn khuất đâu đó sau lớp bụi mờ thời gian. Hai năm gần đây, nhóm Di sản văn hóa Bình Định tập hợp những người có chung niềm yêu thích tìm hiểu văn hóa, lần tìm dấu tích người xưa đã tổ chức nhiều chuyến điền dã về các địa phương, tìm tòi những di chỉ, di văn của thế hệ trước, triều đại trước và có những thu nhặt bất ngờ. Chúng ta sẽ cùng “đồng hành” với nhóm Di sản văn hóa Bình Định qua bài ghi chép “Theo dấu di sản” của Phi Nguyễn.

Phần Truyện ngắn VNBĐ số này tập hợp nhiều truyện ngắn đặc sắc. Truyện Trăng trong sương của Duyên Phùng lấy bối cảnh về một gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, xoay quanh nhân vật Mẩy – người đàn bà không con, chịu biết bao định kiến từ nhà chồng. Tha thủi phận mình, nhưng đi qua hết thảy, truyện sáng lên bởi sự bao dung, lòng thương cảm của con người. Truyện hấp dẫn bởi lối dẫn truyện giàu tính biểu ngữ, phát huy phép so sánh trong diễn đạt, tạo nhiều hiệu ứng xúc cảm.

Số này, truyện dự thi có sự góp mặt của các cây bút như: Nguyễn Đại Duẫn, Nguyễn Văn Học. Mỗi tác giả mang đến một bản sắc, giọng điệu riêng. Truyện Bóng dừa của Nguyễn Đại Duẫn đậm đặc hình ảnh về Bình Định. Ký ức trở lại với một thời máu lửa, người lính không quản ngại hiểm nguy đấu tranh cho ngày độc lập. Cái đáng quý là truyện hướng đến sự hòa giải, để nguôi quên đi hận thù mà xây đắp cuộc sống mới tươi xanh, làm giàu trên chính quê hương mình và giúp đỡ phận người cơ khổ. Truyện Giọng chim của Nguyễn Văn Học đa tuyến nhân vật, bày xếp lớp lang các chi tiết hướng tới phơi trần một hiện trạng xã hội với những phấn son lừa lọc, ma mãnh của một bộ phận quan chức và lớp người cơ hội. Tác giả đã khéo léo mượn hình ảnh tiếng chim để phơi bày những trò diễn đạo đức, rập khuôn đám đông, sự xói lở trong tâm hồn con người.

Phần Thơ VNBĐ tháng 7, có những tác phẩm mang đậm hình ảnh sông nước Nam Bộ, đằm sâu trữ tình của các nhà thơ tham gia Trại sáng tác Cần Thơ như Nguyễn Ngọc Lối, Vĩnh Tuy, Khổng Trường Chiến. Phần thơ dự thi, bạn đọc sẽ được lắng đọng trong nhiều tác phẩm với ký ức về Bình Định, dấu tích tiền nhân trong niềm kính vọng, những trở trăn phận người, chiêm ngẫm cuộc sống của các tác giả như: Trần Kế Hoàn, Huỳnh Thị Quỳnh Nga, Khét, Đặng Văn Thắng.

Đặc biệt, mục Văn trẻ VNBĐ số này sẽ giới thiệu chùm thơ của nữ nhà thơ My Tiên. Nhà thơ My Tiên vừa ra mắt bạn đọc tập thơ mới – Vùng da thiêng. Thơ chị tạo nên nét riêng bởi tính nữ và cái tôi luôn muốn bung thoát ra khỏi những đường biên của lề thói, để tâm hồn cất cánh bay lên, mở ra những liên tưởng bất ngờ.

Chân dung thơ số này giới thiệu về nhà thơ Thanh Thảo, do nhà thơ Mai Thìn tuyển chọn và giới thiệu. Nhà thơ Thanh Thảo có nhiều gắn bó với Bình Định. “Nơi đây, ông đã viết hàng chục trường ca và thơ về đề tài chiến tranh và hậu chiến. Hơn 30 năm xa Quy Nhơn, nhưng tình yêu với Quy Nhơn, Bình Định vẫn luôn là nguồn xúc cảm lớn cho sáng tác của ông, cả báo chí, tiểu luận phê bình và thơ. Thời gian gần đây, thơ Thanh Thảo đậm đấy tự sự của một người đã đi qua mọi dâu bể cuộc đời, cả riêng và chung…”. Thanh Thảo có nét thơ phóng khoáng, ngôn ngữ biểu đạt phong phú trên nền tứ thơ vững chãi. Như trong chùm thơ, nhà thơ viết: “Nhấp cần câu/ câu giấc mơ ngày cũ/ những giấc mơ/ tớp bóng dưới lục bình/ xanh lên buồn bã (Không đề).

Các chuyên mục Thời đàm, Tản văn, Thơ và lời bình, Đọc sách, Văn học nước ngoài, Văn học thiếu nhi, Nghiên cứu phê bình… và đa dạng hình minh họa của các họa sĩ sẽ mang đến nhiều gam sắc cho bạn đọc. Đặc biệt, VNBĐ số này sẽ giới thiệu một số tác phẩm của các họa sĩ Bình Định được chọn tham gia vào Triển lãm Mỹ thuật Nam miền Trung và Tây Nguyên lần thứ 29.

Kính mời độc giả gần xa đón đọc.
* Bạn đọc có thể đọc báo giấy Văn nghệ Bình Định theo link: https://vannghebinhdinh.vn/van-nghe-binh-dinh-so-135…/
* CTV có thể gửi bài đến Văn nghệ Bình Định qua email:
– vannghebinhdinhtc@gmail.com
– vannghebinhdinhdientu@gmail.com
Trân trọng!

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN