Mời các bạn đón đọc Văn nghệ Bình Định số 100, tháng 8.2021

* Bạn đọc đang cầm trên tay tờ tạp chí Văn nghệ Bình Định số 100.
Số 100 như cột mốc tạm thời để chúng tôi, những người làm tạp chí Văn nghệ Bình Định nhìn lại chặng đường đã qua. Tháng 11.2012, Tạp chí Văn nghệ Bình Định (bộ mới) chính thức xuất bản số đầu tiên sau một thời gian ngừng xuất bản, và đến nay (tháng 8.2021), tạp chí tròn 100 số. Trong số “đặc biệt” này, Ban biên tập tạp chí chân thành gửi lời cám ơn đến cộng tác viên; các cơ quan, đơn vị và bạn đọc đã yêu mến, đồng hành cùng tạp chí trong suốt 9 năm qua.
* Cán mốc 100! Cũng là những chia sẻ chân tình của các nhà báo, nhà văn, các cộng tác viên và những người trong cuộc là họa sĩ, phóng viên, biên tập viên vì sự phát triển của tạp chí và hành trình phụng sự bạn đọc.
* Tính đến 16h ngày 29.8, tại Bình Định, số ca mắc Covid-19 đã lên đến 674, trong đó có 430 ca được chữa khỏi, 6 ca tử vong. Ngày 25.8, UBND tỉnh đã ra Công điện khẩn về việc tiếp tục tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Chuyên mục Thời đàm giới thiệu bài viết của nhà báo Dương Hiếu: “Xã, phường là pháo đài, người dân là chiến sĩ!”. Cuộc chiến chống dịch bước vào thế cam go, trong đó, “mỗi một người dân, mỗi một xã, phường phải ý thức được trách nhiệm phòng chống dịch của mình và đồng lòng góp sức mình vào công cuộc ngăn chặn dịch!”.
* Trong một diễn biến khác, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đời sống nhân dân trong tỉnh gặp nhiều khó khăn, nhất là các vùng tâm dịch. Cả hệ thống chính trị và người dân vừa căng mình chống dịch vừa thực hiện các chính sách đảm bảo an sinh xã hội. Trong gian khó, nguy nan, điều dễ nhận thấy là tình người. Chuyên mục Ghi chép giới thiệu bài viết “Tình người trong đại dịch” của nhóm PV về công tác hỗ trợ, giúp đỡ người dân trong đại dịch trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua…
* Chuyên mục Truyện ngắn kỳ này với sự góp mặt của Trần Thị Tú Ngọc với truyện ngắn “Không có mưa” và Vũ Ngọc Giao với “Tạm biệt chim di”.
– “Không có mưa” viết về cuộc đời hai công nhân ở Trạm khí tượng thủy văn bên kia dãy Cấm Sơn và cô gái tên Mây, chủ quán nước vỉa hè ở thị trấn xứ Mưa. Gọi xứ Mưa nhưng không có mưa. Người đọc như ngạt thở trước cái nóng hầm hập, khô khốc và từng số phận, từng cuộc đời đan xen, nương níu nhau trong sự vùng vẫy, đào thoát… Liệu họ có thoát khỏi định mệnh đã giăng mắc sẵn, như cơ duyên đã từng đưa đẩy họ đến, gặp nhau?
– “Tạm biệt chim di” gần như không có cốt truyện, người đọc như trôi đi trong miên man hồi ức, kỷ niệm của nhân vật qua sự dẫn dắt tài hoa và mẫn cảm của Vũ Ngọc Giao. Ký ức là một phần của cuộc đời, chạy trốn hay chối bỏ vì một lý do nào đó cũng khiến người trong cuộc đau lòng…
* Trang T với sự góp mặt của các nhà thơ trong và ngoài tỉnh: Hồng Phúc, Lệ Thu, Mai Thìn, Lê Anh Hoài, Nguyễn Thành Phong, Trần Quang Khanh, Duyên An, Ngọc Lối
* Mục Nghiên cứu – Phê bình giới thiệu bài viết của nhà văn Lê Hoài Lương: “Thơ là cuộc tìm kiếm chính mình: Trường hợp Phạm Đương”.
Phạm Đương là nhà báo làm thơ, tác giả của 3 tập thơ trong đó có tập “Giờ thứ hai lăm” đạt Giải thưởng Hội Nhà văn năm 2012. “Đọc Phạm Đương thấy một cái tôi luôn quẫy cựa, cái tôi trượt giá, cái tôi không trượt giá. Nhà thơ không có tham vọng cải tạo thế giới ngoài việc nhặt nhạnh chính mình trên đường; nhặt nhạnh những đối tác, đối chứng trên đường; rồi rải ra, nghiêm trang và tùy tiện…”. Nhà văn “đọc vị” nhà thơ, nhà báo bởi còn nhiều điều “thú vị” nữa qua bài viết…
* “Hệ thống di sản văn hóa Chăm trên đất Bình Định đã và đang làm cho các nhà khoa học, du khách trong và ngoài nước hấp dẫn bởi những ngôn ngữ tiềm ẩn của nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc Chăm cổ và nghệ thuật dân gian…”. Bài viết khái lược về văn hóa Chăm và cộng đồng người Chăm H’roi ở Bình Định; qua đó, nêu bật những điểm cần làm sáng tỏ nghệ thuật dân gian của người Chăm H’roi ở Bình Định, bởi đây là bảo tàng sống về cộng đồng người Chăm H’roi hiện nay… Chi tiết qua chuyên mục Bình Định mến yêu của nhà cứu Phương Nam về “Di sản văn hóa Chăm H’roi từ góc nhìn nghệ thuật dân gian”…
* Văn trẻ kỳ này với sự góp mặt của Khổng Trường Chiến với chùm thơ viết trong những ngày giãn cách xã hội tại quê nhà An Nhơn và Đào Thu Hà với truyện ngắn hay về cuộc đời của Lý Chiêu Hoàng. “Tiếng sáo hoàng cung” tái hiện lại đêm cuối cùng trước khi Chiêu Thánh hoàng hậu được vua Trần Thái Tông gả cho Lê Tần, kết thúc 20 năm biệt cung. Một đêm mà ký ức trải dài cho cả đời người, cho yêu thương và những nỗi buồn, cho hạnh phúc và nước mắt vương quyền…
Văn học thiếu nhi với truyện ngắn “Trò chơi” của Nguyễn Đặng Thùy Trang; thơ Lê Giang…
* Chuyên trang Mỹ thuật tiếp tục giới thiệu các tác phẩm mỹ thuật Bình Định gửi tham gia Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên lần thứ 26 năm 2021. Chuyên trang Nhiếp ảnh giới thiệu tác phẩm của nhiếp ảnh gia Võ Hoài Huy tại Liên hoan nhiếp ảnh nghệ thuật TP. HCM lần thứ 46…
* Văn nghệ Bình Định cùng các chuyên mục thường kỳ khác như Tản văn, Văn học nước ngoài, Đọc sách, Thơ và lời bình, Sách mới, Ca khúc, Văn nghệ sĩ Bình Định xa quê… sẽ mang đến cho bạn đọc những giây phút thú vị…
VĂN NGHỆ BÌNH ĐỊNH

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN