* Vào những ngày cuối tháng Bảy này, đợt bùng dịch Covid-19 lần thứ 4 có quy mô lớn, mức độ lây lan nhanh nhất từ trước đến nay với diễn biến rất phức tạp, khó lường. Và Bình Định, qua 4 đợt dịch, không gian sống của người dân nói chung có phần dễ chịu hơn so với nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Đặt tính mạng nhân dân là trên hết, lãnh đạo tỉnh luôn đưa ra những chủ trương kịp với tình hình và không thiếu sự quyết liệt, song các chủ trương của tỉnh đã nhận được sự đồng thuận của nhân dân, sự hưởng ứng tích cực của các địa phương… Mở đầu tạp chí số tháng Bảy, chuyên mục Thời đàm giới thiệu bài viết của tác giả Dương Hiếu: “Tính mạng của nhân dân là trên hết!” về cuộc chiến cam go chống dịch Covid-19.
* Mục Ghi chép có bài viết “Mồ hôi bên những vệt màu” của phóng viên Phi Nguyễn ghi nhận hoạt động sáng tạo của giới mỹ thuật Bình Định trong những tháng gần đây. Theo thông lệ, giới mỹ thuật Bình Định chờ đón Triển lãm Mỹ thuật Bình Định lần thứ II năm 2021, được tổ chức 5 năm một lần tính từ năm 2015 và Triển lãm Mỹ thuật khu vực V, Nam miền Trung và Tây Nguyên năm 2021. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh, các triển lãm chuyển qua online hoặc chờ thời điểm thích hợp, nhưng tác phẩm của các họa sĩ là sự khẳng định quá trình lao động nhọc nhằn, nghiêm khắc, tự ý thức trách nhiệm của người sáng tạo nghệ thuật… Bạn đọc cũng có thể thưởng ngoạn các tác phẩm mỹ thuật của các họa sĩ Bình Định tại Phụ bản Mỹ thuật số này.
* Chuyên mục Truyện ngắn kỳ này với truyện ngắn “Huyết nhân ngải” của nhà văn Nguyễn Hiệp và “Kẻ thừa kế” của Hương Văn.
– “Huyết nhân ngải” mở đầu bằng nghi lễ tẩy trần, “tắm rửa bằng ý thức” trong thăng hoa nhục cảm và cái chết đột ngột của người cha, mở ra câu chuyện về cuộc đời của con gái người trồng huyết nhân ngải. Và phía sau bức màn thần bí về huyết nhân ngải là tham vọng, dục vọng cùng sự u mê tăm tối đẩy con người tới tận cùng bi kịch. Truyện mang nhiều yếu tố huyền hồ, cấu trúc tuyến tính, dẫn dụ người đọc bởi lối viết ảo diệu, tài hoa của Nguyễn Hiệp.
– “Kẻ thừa kế” là câu chuyện về gia đình, những toan tính hôn nhân, chuyện muôn thuở mẹ chồng – nàng dâu, những lỗi lầm quá khứ, cam chịu để yên bề gia đình xoay quanh Hạnh, Phùng và người mẹ chồng. “Kẻ thừa kế” thiên về kể, nhưng có duyên, bởi những bộc bạch, phô phang, phơi bày hết những ẩn khuất, đau khổ và cũng đầy ắp tình người.
* Trang Thơ với sự góp mặt của các nhà thơ trong và ngoài tỉnh: Nguyễn Hoa, Mai Thìn, Khổng Vĩnh Nguyên, Nguyễn Văn Tám, Trần Thanh Phương, Võ Ngọc Thọ, Lê Văn Hiếu, Trần Hà Nam, Trương Công Tưởng, Nguyễn Thanh Xuân, Lê Thị Kim Tiết, Nguyễn Thường Kham.
* “… một đêm hành quân không trăng sao, Đài phát thanh Giải phóng phát đi bài thơ “Sóng vẫn đập vào eo biển” của Lê Văn Ngăn, một cây bút sinh viên đô thị miền Nam”. Và người nghe là anh sinh viên Lê Thành Nghị vừa rời đại học theo tiếng gọi của Tổ quốc lên đường nhập ngũ. Một mối giao cảm kỳ lạ để tác giả Lê Thành Nghị lần theo hành trình thơ Lê Văn Ngăn và “Sóng vẫn đập vào eo biển”… qua chuyên mục Nghiên cứu – Phê bình cùng bài viết nhan đề: “Lê Văn Ngăn và Sóng vẫn đập vào eo biển”. Cùng chuyên mục có bài viết của tác giả Nguyễn Thúy Hường về “Đề tài chiến tranh trên sân khấu truyền thống Bình Định”. Qua ngôn ngữ sân khấu, chiến tranh và đề tài hậu chiến mang đến cho người xem cái nhìn đa chiều, khách quan, góp phần tuyên truyền, giáo dục các thế hệ hôm nay hiểu về lịch sử, sự hy sinh của của thế hệ cha anh vì nền độc lập, tự do.
* Văn trẻ kỳ này là sự gặp gỡ của 3 tác giả trẻ tràn đầy nội lực. Trần Văn Thiên cùng tản văn “Nhà cũ” miên man hoài niệm. Thơ Nguyễn Đăng Khoa bay bổng, đầy sự tươi mới và Trần Đức Tín da diết với tình yêu và nỗi niềm quê cũ…
Văn học thiếu nhi với truyện ngắn “Tóc và khóc” của nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ; thơ My Tiên, Mộc An.
* “Đầm Thị Nại, cửa ngõ thành Đồ Bàn, thành Hoàng Đế, với các cuộc chiến trải từ triều Lý, Trần, Lê với Chiêm Thành, cuộc chiến Tây Sơn – Nguyễn…, nơi ghi dấu những cạnh tranh quyền lực sống mái các vương triều cả ngàn năm qua. Chúng tôi đi, trong cái khoáng đạt tầm mắt và những tri kiến, những giả định về các sự kiện, nhân vật. Thật hiếm có nơi can dự vào lịch sử đất nước, dân tộc, lịch sử một vùng đất như đầm Thị Nại, nơi các chi lưu những con sông lớn Bình Định đổ vào để hội nhập với biển…”. Một ngày khám phá đầm Thị Nại bằng canô cao tốc đầy ắp cảm xúc, nỗi niềm cảm khái và sự trăn trở của tác giả (cùng người đọc) qua chuyên mục Tùy bút “Trên sóng nước Thị Nại” của nhà văn Lê Hoài Lương…
* Tranh, ảnh có hay?
– Bộ tranh Sài Gòn những ngày giãn cách xã hội được họa sĩ Lê Sa Long sáng tác trong những ngày TP. Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách vì dịch covid-19; ghi lại những khoảnh khắc đời thường, sự san sẻ, yêu thương, tinh thần lạc quan, một Sài Gòn bao dung, nghĩa tình, tương trợ nhau vượt qua đại dịch…
– Triển lãm ảnh online No Boundaries for Photography (tạm dịch: Nhiếp ảnh không biên giới) do Hiệp hội Nhiếp ảnh Tunisia tổ chức với mục đích giao lưu, chia sẻ về nhiếp ảnh và góp phần lan tỏa các nền văn hóa trên thế giới. Các nghệ sĩ hội viên Chi hội Nhiếp ảnh Bình Định tham gia cuộc triển lãm này để góp phần quảng bá văn hóa, con người Bình Định với bạn bè quốc tế. Chi tiết trên chuyên trang Cuộc sống qua ảnh…
– Tranh sơn dầu “Vườn nhà tôi” của họa sĩ Bùi Văn Quang theo phong cách hồn nhiên “Naive Art” như một sự ẩn dụ thú vị giữa thời buổi dịch covid với những thuật ngữ thường gặp: giãn cách xã hội, cách ly, cách ly tại nhà, ai ở đâu hãy ở yên đấy… được chọn làm Bìa cho số này.
* Văn nghệ Bình Định cùng các chuyên mục thường kỳ khác như Tản văn, Văn học nước ngoài, Đọc sách, Thơ và lời bình, Ca khúc, Chân dung Văn nghệ sĩ, Văn nghệ sĩ Bình Định xa quê, Làm theo gương Bác… sẽ mang đến cho bạn đọc những giây phút thú vị…
Trân trọng!
VĂN NGHỆ BÌNH ĐỊNH