Những ngày tháng 6, cùng với sức nóng của thời tiết, bản tin phòng chống Covid-19 cũng đang nóng lên từng ngày với các điểm bùng phát dịch, số ca nhiễm mới, các địa điểm phải thực hiện giãn cách để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh… Và tháng 6, chúng tôi, những người làm báo Văn nghệ đã nhận được những lời chúc mừng từ bạn đọc và đồng nghiệp; xin gửi lời chúc tốt đẹp đến các đồng nghiệp, đặc biệt các đồng nghiệp đang xông pha tuyến đầu phòng, chống Covid-19.
Đoàn kết. Yêu thương. Chia sẻ. Và chúng ta sẽ chiến thắng!
* Theo dòng sự kiện, chuyên mục Thời đàm giới thiệu bài viết của tác giả Dương Hiếu về tình hình phòng chống dịch Covid-19 hiện nay: “Bình tĩnh ứng phó với dịch”.
* “Đời tre nứa phụng sự, T’rưng đã là một phần ký ức của người Bana Kriêm ở Vĩnh Thạnh. Để rồi lặng vào đâu đó trong từng nhịp gõ, từ những thân tre, lồ ô thô mộc, qua đôi bàn tay tài hoa biến ảo, chúng đã cất cao giai điệu để chia sớt bao vui buồn, kéo mọi người xích lại gần nhau hơn…”. Qua chuyên mục Bút ký, mời bạn đọc theo chân phóng viên Vân Phi về vùng cao Vĩnh Thạnh, tìm đến những nghệ nhân còn giữ bí quyết chế tác và biểu diễn đàn T’rưng. Của tin còn một chút này! Hãy tìm cách gìn giữ, trao truyền, nối dài sức sống cho T’rưng…
* Chuyên mục Truyện ngắn kỳ này với truyện ngắn “Trả nghiệp” của nhà văn Bùi Ngọc Phúc và “Chim sẽ bay về” của Vũ Thị Huyền Trang.
– “Trả nghiệp” được viết với thủ pháp kết hợp hiện thực và ma mị vốn là sở trường của nhà văn Bùi Ngọc Phúc. Vì lòng tham, Hiến chột cùng đồng bọn táng tận lương tâm đi đào mộ để tìm lộc của người âm. Nhưng luật đời có vay, có trả. Tai ương đổ dồn xuống gia đình Hiến chột. Thậm chí, khi chết Hiến chột cũng chẳng toàn thây, xuống mộ mà miếng ván thiên cũng chẳng được lành… Nghiệp quật, nhân quả hay phúc họa cũng chính từ lòng tham của mỗi người.
– “Chim sẽ bay về” là niềm hy vọng sau cuộc chiến cam go với lửa để giữ rừng. Rừng là tình yêu, là máu thịt, là nguồn sống kết tinh bằng nhiều địa tầng lịch sử… Từng mảnh ký ức, hiện tại đan xen để Thuận, người chiến sĩ kiểm lâm gắn bó với rừng.
* Trang thơ với sự góp mặt của các nhà thơ trong và ngoài tỉnh: Lệ Thu, Lương Định, Phạm Đương, Nguyễn Việt Chiến, Văn Trọng Hùng, Bùi Thị Xuân Mai, Nguyễn Tam Mỹ, Đoàn Mạnh Phương, Phạm Ánh, Hồ Thế Phất, Lê Bá Duy, Lê Ân, Huỳnh Duy Hiếu, Nguyễn Thị Phụng.
* Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Tế Hanh (1921-2021), chuyên mục Nghiên cứu – Phê bình giới thiệu bài viết của PGS.TS Trần Hoài Anh “Tâm thức văn hóa làng quê trong thơ Tế Hanh”. Qua bài viết, tác giả lý giải những yếu tố hình thành nên tâm thức văn hóa làng quê, một phẩm tính trong hành trình sáng tạo thơ của Tế Hanh, có khả năng diệu kỳ trong việc đánh thức tình yêu văn hóa làng quê trong tâm thức người đọc… Cùng chuyên mục có bài viết của TS. Đặng Thị Ngọc Phượng về văn xuôi Bình Định giai đoạn 2009-2019, khẳng định tầm vóc văn hóa của một vùng đất, sức vóc của một đội ngũ viết văn xuôi hùng hậu với nhiều thế hệ nối tiếp nhau…
* Chuyên mục Bình Định mến yêu giới thiệu bài viết “Bình Định nên có tên đường Bàn Thành Tứ Hữu” của nhà văn Lê Hoài Lương. “Bàn Thành Tứ Hữu” quá quen thuộc với người yêu thơ và giá trị văn chương của Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan, Quách Tấn còn mãi với thời gian. Đã có những tôn vinh của hậu thế: tên đường, nhà lưu niệm… Nhưng chưa đủ, chưa hết những lấn cấn trong cách nhìn, cách nghĩ một vài nhà quản lý về những điều ngoài văn chương”. Qua bài viết, tác giả đề xuất: “Rất nên có tên đường Bàn Thành Tứ Hữu, ít nhất là ở Quy Nhơn, nơi được mệnh danh là “thành phố thi ca… Cũng như, rất nên xây dựng một Nhà Lưu niệm Bàn Thành Tứ Hữu, đâu đó trên Đồi Thi Nhân, cạnh mộ Hàn…”.
* Văn trẻ giới thiệu chùm thơ của Trần Quốc Toàn và truyện ngắn “Chợ ký ức” của Đào Thu Hà. Đào Thu Hà lần đầu xuất hiện trên Văn nghệ Bình Định và “Chợ ký ức” được xây dựng trong không gian huyền ảo, bàng bạc trăng, trong ngát hương thơm của hoa bưởi hoài niệm và dòng sông mờ sương, nơi những đôi trai gái dở dang nhưng chưa dứt tơ tình hàng năm đi tìm nhau. Gặp mà như chưa gặp, chưa gặp mà như đã gặp bởi trong họ đã có nhau, cũng như những ẩn ức từ khuất lấp của thời gian và lịch sử…
Văn học thiếu nhi với truyện ngắn “Chú Mèo dễ thương” của Kim Sơn, thơ Bùi Văn Huy, Phạm Anh Xuân.
* Tranh, ảnh có hay?
– Chuyến thực tế sáng tác của các hội viên Chi hội Mỹ thuật về Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh) những ngày đầu tháng 6 đã mang lại nhiều cảm xúc sáng tác cho các họa sĩ. Chuyên trang Mỹ thuật kỳ này giới thiệu một số tác phẩm trực họa của các họa sĩ bằng chất liệu Acrylic từ chuyến đi này.
– Pink Lady Food Photography là cuộc thi ảnh ẩm thực quốc tế được tổ chức thường niên tại Anh. Cuộc thi năm 2021 đã thu hút hơn 10.500 tác phẩm dự thi đến từ 70 quốc gia và kết quả chung cuộc được công bố trực tuyến trên YouTube vào ngày 28.4.2021. Điều đặc biệt là các nhiếp ảnh gia Việt Nam đã giành chiến thắng ở một số hạng mục giải thưởng của cuộc thi này. Chi tiết trên chuyên trang Cuộc sống qua ảnh…
* Văn nghệ Bình Định cùng các chuyên mục thường kỳ khác như Tản văn, Văn học nước ngoài, Đọc sách, Thơ và lời bình, Ca khúc, Chân dung Văn nghệ sĩ, Làm theo gương Bác… sẽ mang đến cho bạn đọc những giây phút thú vị…
Trân trọng.
VĂN NGHỆ BÌNH ĐỊNH