Tháng Năm, chúng ta cùng đón chào nhiều sự kiện trọng đại: Mừng sinh nhật Bác Hồ kính yêu; Ngày hội toàn dân, cử tri cả nước bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp… Nhưng đồng thời, cả nước cũng đang căng mình chống dịch Covid-19. Văn nghệ Bình Định đến tay bạn đọc với nhiều nội dung phong phú cùng hình ảnh trang Bìa là thiếu nữ và hoa sen của họa sĩ Đỗ Duy Tuấn, với niềm tin về cuộc sống hạnh phúc, an yên…
* Ngày 23.5, cùng với cử tri cả nước, hơn 1,2 triệu cử tri Bình Định đã đi bầu ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Bầu cử mùa dịch trong cả nước nói chung và tỉnh Bình Định đã chứng kiến nhiều hình ảnh đẹp đẽ, xúc động thể hiện quyền và trách nhiệm công dân. Bình luận về sự kiện này, chuyên mục Thời đàm giới thiệu bài viết “Bầu cử mùa dịch” của tác giả Dương Hiếu cùng một số hình ảnh về cuộc bầu cử diễn ra trong tỉnh do PV, CTV tạp chí thực hiện.
* Chuyên mục Truyện ngắn kỳ này có sự góp mặt của hai cây bút nữ: Vũ Ngọc Giao với truyện ngắn “Cây vông đồng ngủ muộn” và Hồ Thị Linh Xuân với “Hạnh phúc bé mọn”.
– “Cây vông đồng ngủ muộn” là câu chuyện về tấm lòng nhân hậu của người đàn ông làm nghề chèo đò. Trong một đêm mưa gió, ông đưa tay cứu vớt người đàn bà có hoàn cảnh đáng thương, rồi duyên phận neo níu một tổ ấm nhỏ sớm tối đi về. Nhưng cái nghèo của ông không giữ được người đàn bà mình thương. Thầm lặng nuôi con người lớn khôn, thầm lặng mong người trở về. Một thứ tình yêu lặng lẽ, bền bỉ, cho đi nhưng lại mang đến niềm đau, sự đắng đót từ 3 phía.
– “Hạnh phúc bé mọn” là cách người đàn bà đón nhận hạnh phúc và tự chọn con đường để tìm thấy hạnh phúc. Đàn bà đẹp thì kiêu hãnh. Đàn bà xấu thì luôn phập phồng. Nhân vật của truyện luôn dằn xé, cật vấn vì mình có một ngoại hình cực kỳ xấu nhưng lại được yêu và hạnh phúc. “Hạnh phúc bé mọn” được viết bằng trái tim nhân hậu, nữ tính và đồng cảm, nhiều chi tiết thổn thức người đọc.
* Trang thơ với sự góp mặt của các nhà thơ trong và ngoài tỉnh: Thanh Thảo, Trần Hùng, Trần Vạn Giã, Đào Viết Bửu, Hoa Dã Quỳ, Ngô Văn Cư, Mạc Tường, Nam Thi, Phạm Văn Phương…
* “Đào Tấn và gia đình Nguyễn Tất Thành” là bài viết của nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Khoa mở đầu cho chuyên mục Nghiên cứu – Phê bình kỳ này. Từ tư liệu qua nhiều lần trò chuyện với nhà văn Sơn Tùng, tác giả gửi đến bạn đọc những thông tin về mối quan hệ “tri kỷ vong niên” giữa Đào Tấn (người Bình Định, quan Thượng thư triều Nguyễn và là hậu tổ Tuồng) và Nguyễn Sinh Sắc (cha của Bác Hồ); việc cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được bổ nhiệm quan tri huyện Bình Khê và 3 lần Bác Hồ theo cha đến Bình Định…
Cùng chuyên mục có bài viết của nhà văn Lê Hoài Lương về nhà thơ Mai Văn Phấn với tiêu đề “Mai Văn Phấn – người lữ hành cô độc”. Bài viết này như là một hệ thống tiến trình thơ Mai Văn Phấn, tác giả đã có thơ được dịch ra hơn 30 ngôn ngữ trên thế giới, từng đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam (2010) và gần 10 giải thưởng quốc tế.
* Chuyên mục Bình Định mến yêu giới thiệu bài viết của tác giả Phương Nam về NNƯT, võ sư Lê Xuân Cảnh và dòng phái Bình Thái Đạo. Không có nhiều giai thoại, huyền thoại, nhưng vị võ sư tính tình hiền hòa, trầm lắng này đã dành cả cuộc đời cho nghiệp võ; chắt lọc những tinh túy của từng môn phái mà ông từng theo học để hình thành “bí quyết” rồi truyền dạy cho nhiều thế hệ học trò. Võ đường của ông cũng là một trong những điểm đến thi đấu, giao lưu võ thuật tại các kỳ Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam tại Bình Định.
* “Chuyên sâu mảng nghiên cứu lý luận về văn học thiếu nhi, nhiều năm qua, TS. Lê Nhật Ký đã chọn cho mình một lối đi khó, ít người theo. Với ông, chọn lựa này như một ngã rẽ, nhưng đó như là một cuộc “hợp duyên” khiến ông yêu mến, dốc lòng, dốc tâm gắn bó”. Niềm đam mê và hành trình đeo đuổi lâu dài này, bạn đọc sẽ tìm thấy nhiều thông tin thú vị qua bài viết “Người đi về phía tuổi thơ…” của Vân Phi trong chuyên mục Chân dung Văn nghệ sĩ.
* Văn trẻ giới thiệu truyện ngắn dễ thương “Nhớ một mái hiên” của cây bút trẻ Lê Hứa Huyền Trân; thơ Lữ Hồng, Võ Thị Kim Phượng. Văn học thiếu nhi với truyện ngắn “Thằng Đẹt” của nhà văn Lê Pha Lê, thơ Mộc An.
* Tranh, ảnh có mới?
– Về thăm làng nghề truyền thống trồng cói và dệt chiếu ở Hoài Nhơn vào tháng Ba âm lịch, du khách sẽ cảm nhận được vẻ đẹp thiên nhiên và nhịp sống rộn ràng của làng nghề nơi đây. Trang Cuộc sống qua ảnh giới thiệu chùm ảnh của NSNA Nguyễn Ngọc Tuấn và Trần Bảo Hòa về vẻ đẹp của cói Tam Quan.
– Chuyên trang Mỹ thuật giới thiệu chùm tranh của họa sĩ Stolyarov Vadim (Nga), họa sĩ đạt nhiều giải thưởng và danh hiệu với nhiều phong cách sáng tác, nổi bật nhất là những tác phẩm theo chủ nghĩa hậu hiện đại…
* Thời điểm này, tình hình dịch Covid-19 ở nước ta tiếp tục diễn biến phức tạp. Riêng tại Bình Định, tính đến 16h ngày 28.5, chưa có ca dương tính Covid-19 nào. Tuy nhịp sống có xáo trộn nhưng cơ bản ổn định. Có được thành quả này là nhờ vào tuyến đầu chống dịch luôn vững chắc. Phóng viên tạp chí đã bám sát các tuyến đầu chống dịch và có bài phản ánh: “Vững tuyến đầu chống dịch”.
Văn nghệ Bình Định cùng các chuyên mục thường kỳ khác như Văn học nước ngoài, Đọc sách, Thơ và lời bình, Ca khúc, Làm theo gương Bác… sẽ mang đến cho bạn đọc những giây phút thú vị…
VĂN NGHỆ BÌNH ĐỊNH