Mời các bạn đón đọc tạp chí Văn nghệ Bình Định số 110+111 tháng 6+7.2022

MỜI CÁC BẠN ĐÓN ĐỌC TẠP CHÍ VĂN NGHỆ BÌNH ĐỊNH SỐ ĐẶC BIỆT CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT BÌNH ĐỊNH LẦN THỨ VI, NHIỆM KỲ 2022-2027
Đại hội đại biểu Hội VHNT Bình Định sẽ diễn ra trong hai ngày 08 và 09.8.2022 tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt đối với văn nghệ sĩ Bình Định. Nhiệm kỳ 2017-2022, Hội tiếp tục giữ vững khối đoàn kết, nỗ lực tổ chức các hoạt động VHNT và đã đạt được kết quả khá toàn diện. Trên nguyên tắc tôn trọng, bảo đảm quyền tự do sáng tạo, phát huy tính độc lập, khơi dậy tiềm năng của văn nghệ sĩ, Hội VHNT Bình Định đã giúp tạo nên một khối lượng lớn các công trình, tác phẩm VHNT, trong đó có nhiều tác phẩm chất lượng, đoạt giải cao ở Trung ương, khu vực và địa phương; đồng thời, tiếp tục công việc bồi dưỡng, chăm sóc các tài năng trẻ, tạo nên một đội ngũ sáng tác trẻ chất lượng, bảo đảm sự kế thừa lâu dài…
“Khơi dậy mọi tiềm năng, tâm huyết, nâng cao chất lượng và hiệu quả sáng tạo, đưa đời sống văn học nghệ thuật tỉnh nhà lên một tầm cao mới…” là nội dung cuộc trò chuyện giữa ông Trần Quang Khanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội VHNT Bình Định với PV tạp chí Văn nghệ Bình Định về những thành tựu trong nhiệm kỳ cũng như các mặt công tác chuẩn bị sẵn sàng cho đại hội.
Chuyên mục Thời đàm giới thiệu bài viết “Kỳ vọng và đồng hành” của tác giả Dương Hiếu; cùng chuyên đề “Vững tin, bước vào nhiệm kỳ mới…” là những chia sẻ của đại diện các chi hội chuyên ngành thuộc Hội VHNT Bình Định như một sự kỳ vọng, “đặt hàng” cho nhiệm kỳ mới, 2022-2027…
* Trang thơ với sự góp mặt của các nhà thơ: Lệ Thu, Bùi Thị Xuân Mai, Hồ Thế Phất, Mai Thìn, Nguyễn Hoàn, Phạm Văn Phương, Phạm Ánh, Trần Viết Dũng, Võ Ngọc Thọ, Khổng Vĩnh An Vi, Mạc Tường, Lê Thị Kim Tiết, Văn Trọng Hùng, Thái An Khánh, Vũ Đình Thung, Phạm Thành Trai, Khổng Vĩnh Nguyên, Lê Trung Tín, Đặng Quốc Khánh, Hồng Phúc, Hồ Thế Sinh.
* Chuyên mục Truyện ngắn với sự góp mặt của các tác giả: Nguyễn Mỹ Nữ, Dương Giao Linh, Lưu Thị Mười, Trần Quang Lộc. “Góc phố ba người” của Nguyễn Mỹ Nữ là câu chuyện ấm áp về tình bạn, tình người dù cuộc sống đầy va đập, quăng quật. “Những âm thanh lặng lẽ” của Dương Giao Linh lại là câu chuyện buồn trong đời sống hiện đại, về sự cô đơn của người già. Người mẹ già rời quê lên phố cũng vì thương con, muốn đoàn tụ vui vầy cùng con nhưng hết ngày này tháng nọ bị “nhốt” trong căn hộ chung cư cao tầng. Kết truyện đầy đau xót, cảnh báo. “Cánh cửa bên kia” của Lưu Thị Mười đưa người đọc đến với nỗi đau của người phụ nữ bị chồng và chính người bạn thân phản bội. Đau đớn, dằn vặt rất đàn bà nhưng đứng trước tổn thương của người khác, chị lại chọn một cách xử lý khác. Yếu tố bất ngờ luôn đảo chiều câu chuyện thoát khỏi những logic thông thường và đấy cũng là cách Lưu Thị Mười dẫn dắt người đọc. Với “Giấc mộng phù vân”, Trần Quang Lộc thêm một góc nhìn danh tướng Trần Lựu của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, nhưng cũng đồng thời phóng chiếu những góc nhìn khác về những nhân vật lịch sử cùng thời. Danh lợi phù vân. Có rồi lại không, hay phúc đi liền với họa… Âu đó cũng là cách chọn lựa của kẻ sĩ mỗi thời!
* Tọa đàm 10 năm Văn học Bình Định (2011 – 2021) do Chi hội Văn học và Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Bình Định phối hợp tổ chức, diễn ra vào sáng 25.6.2022 tại thành phố Quy Nhơn. Với 16 tham luận cùng nhiều ý kiến của các đại biểu, tọa đàm đã có những đánh giá, nhìn nhận một cách khái quát về thành tựu của Văn học Bình Định giai đoạn 2011 – 2021. Chuyên mục Nghiên cứu – Phê tình giới thiệu bài viết “Văn học Bình Định 10 năm: Hy vọng và nối tiếp” của nhà văn Lê Hoài Lương; “Bình Định 10 năm trong dòng chảy thi ca đương đại” của nhà thơ Đặng Huy Giang; “Phận nữ trong sáng tác của Thiên Nga Sô Zuôn” của TS. Lê Nhật Ký; “Văn chương Bình Định với mạch nguồn tiếp nối” của nhà thơ Vân Phi như một sự “nối dài” tọa đàm với bạn đọc Văn nghệ Bình Định.
* Cuộc thi sáng tác VHNT về đề tài “Cựu chiến binh tỉnh Bình Định trong thời kỳ đổi mới” đã đến giai đoạn nước rút. Ban tổ chức nhận được nhiều tác phẩm dự thi chất lượng của các tác giả, đặc biệt thể loại Thơ và Bút ký. Văn nghệ Bình Định kỳ này giới thiệu gương điển hình tiên tiến, chân dung nữ cựu chiến binh, thương binh Trần Thị Như Hoa (Thiện Chánh 1, Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn) qua bút ký: “Hương rừng bên bờ biển mặn” của Bùi Tấn Phước; phần thơ dự thi của các tác giả: Nguyễn Thường Kham, Ngô Văn Cư, Nguyễn Đặng Thùy Trang, Khổng Trường Chiến…
* Mỹ thuật Bình Ðịnh giai đoạn 2017-2022 thực sự là một giai đoạn khác biệt. Nhiều họa sĩ được mời dự các trại sáng tác, workshop tại Vũng Tàu, Nha Trang, Hà Nội… tham gia và đoạt giải thưởng tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực, Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc; giải thưởng Mỹ thuật Bình Định hàng năm… Tương tự, giai đoạn 2017-2022 cũng là giai đoạn Nhiếp ảnh Bình Định đạt nhiều thành tựu qua các triển lãm ảnh cá nhân, giải thưởng nhiếp ảnh Bình Định, liên hoan ảnh khu vực, các cuộc thi ảnh trong nước và quốc tế… sẽ được giới thiệu trên chuyên mục Mỹ thuật và Cuộc sống qua ảnh.
* Văn nghệ Bình Định cùng các chuyên mục thường kỳ khác như: Thơ và lời bình, Đọc sách, Tản văn, Ca khúc, Sách mới, Văn học nước ngoài, Văn trẻ, Văn học thiếu nhi, Bình Định mến yêu, Đời sống văn nghệ… sẽ mang đến cho bạn đọc những giây phút thú vị…
*** Bạn đọc có thể đọc Văn nghệ Bình Định qua FanFage
và cộng tác với Văn nghệ Bình Định qua email: vannghebinhdinhtc@gmail.com

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN