Mẹ Sauvage

(VNBĐ – Văn học nước ngoài). Đã 15 năm rồi, tôi chưa trở lại Virelogne. Tôi sẽ trở lại đó để đi săn với bạn tôi là Serval vào mùa thu tới. Bạn tôi đã xây lại lâu đài bị bọn Phổ tàn phá.

Tôi rất thích vùng đất ấy. Đó là một góc ngon lành của thế giới vì nó gợi lên mỹ cảm cho đôi mắt nhìn. Người ta yêu quý nó bằng tình yêu của con tim và trí óc. Chúng tôi ngắm nhìn vùng đất và bị nó quyến rũ. Chúng tôi có những kỷ niệm ngọt ngào với sông suối, rừng rú, ao hồ, đồi núi ở đó và mềm lòng vì những sự kiện hạnh phúc mà chúng tôi có nơi ấy. Chúng tôi nhớ có lần, vào một ngày đẹp trời, chúng tôi đã đến bìa rừng, đến bờ sông và những vườn cây đầy bông hoa và vào một sáng mùa xuân, chúng tôi đã gặp những người phụ nữ trên đường. Hình ảnh của họ lưu dấu trong tim chúng tôi. Họ mặc áo quần màu sáng và để lại trong tâm tư chúng tôi cảm giác khó quên sau lần chuyện trò.

Tôi yêu đồng nội vùng Virelogne, với cây cối lúp xúp, với các con suối chảy qua, giống như là các mạch máu của đất. Ở đó, chúng tôi câu tôm càng xanh, cá hồi và lươn. Tuyệt vời làm sao! Chúng tôi có thể tắm sông và luôn nhìn thấy những cô gái trẻ thơ ngây đang đùa nghịch trong đám cỏ cao trên bờ con sông hiền hòa.

Tôi thấy mình thanh thoát như một con dê, mắt nhìn những con chó sục sạo phía trước. Ở cách tôi 100 mét về bên phải, Serval đang càn quét đồng cỏ linh lăng. Tôi vạch đám cây lúp xúp để tới và phát hiện có một ngôi nhà tranh đã đổ nát. Tôi bỗng nhớ là tôi đã thấy ngôi nhà này lần cuối cùng vào năm 1869. Ngôi nhà khi đó có các dây nho bò lên và có những con gà mái đi lại trước cửa. Có nỗi buồn nào như nỗi buồn khi đứng trước một ngôi nhà đổ nát, trơ khung không?

Tôi cũng nhớ lại là vào một ngày rất mệt mỏi, người phụ nữ chủ ngôi nhà này đã mời tôi một ly rượu nho và Serval đã kể tôi nghe chuyện của gia đình bà. Chồng bà làm nghề săn bắn trộm và đã bị hiến binh giết chết. Con trai của bà tôi đã từng gặp đôi lần. Anh ta cao to, lạnh lùng và cũng là tay săn bắn thú rừng có tiếng. Người ta gọi gia đình bà là gia đình dã man. Đó là tên thường gọi hay biệt hiệu?

Tôi hú gọi Serval. Anh đang đuổi theo một con chim cao cẳng. Tôi hỏi anh, Tại sao người ta gọi họ như thế? Anh kể tôi nghe câu chuyện sau đây.

***

Khi chiến tranh nổ ra, con trai của bà Sauvage được 33 tuổi và nhập ngũ, để mẹ anh ta ở lại một mình. Người mẹ già không thất vọng nhiều vì như người ta nói, bà có tiền.

Bà sống một mình trong căn nhà đã nói ở trên, xa làng xóm và sát bìa rừng. Vả lại, bà không biết sợ vì dạng người già khẳng khiu, thô sáp như bà không biết vui và biết buồn. Hơn nữa, phụ nữ già nông thôn không bao giờ biết buồn vui. Đây là điều thật lạ! Họ thản nhiên, vô tư trước cuộc đời vốn buồn và không mấy sáng sủa. Người trong vùng ồn ào ở quán nước nhưng nét mặt của bà Sauvage thì luôn nghiêm trang. Khuôn mặt bà không bao giờ có nụ cười.

Bà Sauvage tiếp tục sống đơn côi trong ngôi nhà tranh thường bị tuyết phủ. Mỗi tuần bà vào làng một lần để mua bánh mỳ và thịt. Sau đó trở về ngôi nhà ọp ẹp. Để phòng chó sói, bà khoác trên vai cây súng trường sét gỉ của con trai bà và cầm trên tay một cây gậy. Bà bước đi chậm rãi trên tuyết, lưng hơi còng, mắt liếc ngang dọc, nòng súng chĩa lên trên chiếc khăn trùm đầu màu đen dùng để che đầu và mái tóc bạc. Đây là loại khăn người ta giờ không còn thấy nữa.

Một ngày kia, quân Phổ tới. Họ chia nhau ở trong dân, tùy theo khả năng của từng gia đình. Có bốn người lính ở tại nhà bà Sauvage vì họ nghĩ bà giàu có. Đó là bốn người trai trẻ da dẻ vàng tươi, râu vàng, mắt xanh, mập mạp, dù mệt mỏi do chiến trận và là bốn chàng tử tế, dù họ là kẻ chiếm đóng. Họ tỏ ra ân cần với bà, không hại bà, giúp đỡ bà nếu có thể, dù mệt mỏi và hao phí sức lực. Người ta thấy họ tắm gội ở giếng nước vào buổi sáng và nấu nước. Trong những ngày tuyết rơi dày, da họ có màu đỏ và trắng như người phương Nam. Trong khi đó, bà Sauvage đi tới đi lui lo nấu món súp. Người ta còn thấy họ dọn dẹp nhà bếp, cọ rửa sàn nhà, chẻ củi, lột vỏ khoai tây và làm tất cả các công việc nặng nhọc khác. Họ như là bốn đứa con trai đang vây quanh bà mẹ của họ.

Nhưng bà Sauvage không thôi nghĩ về con trai bà. Đó là đứa con trai mũi khoằm, mắt nâu, hàng ria mép dày, như một miếng đệm đen trên môi. Một ngày nọ, bà hỏi những người lính đang trú đóng trong nhà mình:

– Các anh có biết trung đoàn 23 Pháp đang hành quân ở đâu không? Con trai tôi ở đó.

Họ trả lời là họ không biết gì cả. Nhưng họ hiểu được nỗi đau của những bà mẹ có con ra trận nên càng chăm sóc bà nhiều hơn. Bà thương bốn chàng trai kẻ thù này nhiều. Người dân quê không có lòng căm thù. Lòng căm thù chỉ có ở tầng lớp trên. Những kẻ hèn mọn phải chịu thiệt thòi nhiều hơn, vì họ là những người nghèo. Các gánh nặng trên đời làm họ kiệt sức. Họ bị giết bằng búa tạ, là đích của đại bác. Họ là số đông phải hứng chịu sự tàn ác của chiến tranh, vì họ yếu ớt và ít có khả năng kháng cự. Họ không biết đến sự hiếu chiến, danh dự không dễ bị kích động. Họ không nhân danh chính trị để đẩy hai quốc gia vào cuộc chiến đã 6 tháng. Với họ, kẻ thắng không khác kẻ bại.

Người trong vùng nói với bà Sauvage về những chàng trai Đức đang ở nhà bà: – Thế là bốn anh chàng này đã có chỗ trú ngụ!

Một sáng nọ, khi đang ở nhà một mình, bà mẹ già thấy ở đằng xa, trên đồng cỏ, có một người đàn ông đang đi về phía bà. Bà biết rõ, đó là người đưa thư. Anh ta trao cho bà một tờ giấy đã được gấp lại. Bà lấy kính đeo mắt trong chiếc túi bà may ra và đọc:

“Thưa bà Sauvage, xin báo cho bà một tin buồn. Con trai Victor của bà đã bị giết chết hôm qua vì một quả đạn cắt thân thể anh ấy ra làm hai phần. Tôi ở sát bên anh ấy lúc đó, cũng như luôn ở bên anh trong đơn vị. Anh ấy từng nói với tôi là hãy báo trước cho bà biết là nếu còn sống, anh ấy có khi sẽ trở về trong thương tật.

Tôi thấy trong túi anh ấy một chiếc đồng hồ mà anh ấy sẽ đem về tặng bà khi chiến tranh kết thúc.

Xin gởi bà lời chào thân ái

Cesaire Rivot

Khóa 1, Trung đoàn hành quân 23”.

Thư đề ngày gởi 3 tuần trước đó. Bà không khóc, không còn biết đến khổ đau, chỉ đứng thẫn thờ, như trời trồng. Bà ngẫm ngợi: “Thế là Victor đã bị giết”. Sau đó, nước mắt bà tuôn rơi, con tim bà ngập nỗi đau. Bà thống khổ, kinh hoàng khi nghĩ về con trai mình. Bà vĩnh viễn đã không còn được ôm hôn nó! Hiến binh đã giết chết cha nó, giờ bọn Phổ lại giết con trai bà. Con trai bà bị một quả đạn cắt làm đôi. Bà như đang thấy cảnh tượng khủng khiếp: Đầu con trai bà gục xuống, mắt trợn ngược, miệng ngậm một góc của hàng ria mép, như thể đang giận dữ.

Sau đó, người ta làm gì với thi thể của con trai bà? Giá như họ trao lại cho bà thi thể của nó, như người ta đã trao lại thi thể chồng bà cho bà, với viên đạn nằm giữa trán!

Bà nghe có tiếng ồn. Đó là âm thanh của bốn người lính Phổ trở về làng, bà nhét vội lá thư vào túi, lặng lẽ trở lại làm công việc như thường ngày, và âm thầm chùi nước mắt.

Minh họa: Lê Trọng Nghĩa

Bốn người lính vui nhộn vì họ tình cờ bắt được một con thỏ to. Họ ra hiệu với bà Sauvage là bà và họ sắp có món ngon. Bà ngay lập tức chuẩn bị bữa trưa. Nhưng khi thấy con thỏ bị giết, lòng bà đau nhói. Đây là lần đầu tiên bà thấy như thế! Một người lính nắm nắm đấm đấm vào sau mang tai con thỏ, hạ gục nó. Khi con thỏ đã chết, bà lột da nó. Nhưng khi thấy máu, bà kinh hoảng và buông tay ra. Dòng máu ấm đông lại, làm bà run rẩy từ đầu đến chân. Bà nhìn con thỏ bị cắt ra làm hai, màu đỏ ói và hình như nó còn thở.

Khi ngồi vào bàn với những người lính Phổ, bà không ăn một miếng nào. Họ ăn ngấu nghiến, không quan tâm tới bà. Bà ngồi cạnh họ, không nói gì và thản nhiên đến mức họ không nhận ra điều gì, dù ý định của bà đã chín mùi.

Bỗng bà nói, “Tôi vẫn chưa biết tên các anh, dù chúng ta sống với nhau đã một tháng rồi”. Họ không khó để hiểu những gì bà nói và đọc tên họ. Thế là đủ. Bà viết tên của họ ra giấy, kèm theo địa chỉ gia đình họ. Bà lấy kính ra đeo vào và đọc kỹ từng dòng, sau đó bà gấp tờ giấy lại, nhét vào túi áo, phía dưới lá thư báo tin con trai bà bị giết.

Sau bữa ăn, bà nói với những người lính:

– Tôi sẽ giúp các anh.

Bà mang cỏ khô lên gác xép sát mái là nơi họ ngủ. Họ ngạc nhiên với việc làm này nhưng bà nói nó giúp họ bớt lạnh. Họ phụ giúp bà. Họ chất các bó cỏ khô cao lên tới mái nhà. Gác xép với bốn bức tường lớn đã đầy cỏ khô, ấm áp và thơm tho. Bốn người lính sẽ ngủ rất ngon.

Vào bữa tối, những người lính lo lắng khi thấy bà Sauvage cũng không ăn gì. Bà nói với họ bà bị co thắt dạ dày. Sau đó, bà nhóm lửa để sưởi ấm còn bốn người lính Đức thì leo lên gác xép bằng chiếc thang như thường lệ.

Khi cái bẫy đã được đóng lại, bà mẹ già leo lên thang, sau đó nhẹ nhàng mở cửa ra quan sát rồi đi xuống tìm bó rơm bà đã đặt ở nhà bếp. Bà đi chân không trên tuyết, nhẹ đến mức không ai nghe được gì. Thi thoảng, bà lắng nghe tiếng gáy sâu và đều của bốn người lính đang ngủ.

Khi đã chuẩn bị xong, bà quẳng một bó rơm vào nhà và khi nhà bắt lửa, bà quẳng tiếp vào các bó rơm khác, sau đó, bà bước ra xa và đứng ngó.

Sau vài giây, ngôi nhà tranh bùng cháy dữ dội, khủng khiếp. Một luồng lửa vọt ra khỏi cửa sổ hẹp, rực sáng trên tuyết.

Có tiếng la thét trên gác xép, tiếng người vùng vẫy gào rống một cách đau đớn và hãi hùng. Sau đó, cái bẫy đổ sập bên trong, lửa xoáy bay lên từ gác xép, xuyên qua nóc nhà, vọt lên trời như một cây đuốc khổng lồ. Cả căn nhà cháy rực.

Người ta chỉ còn nghe tiếng lửa cháy lép bép, tiếng các bức tường kêu răng rắc và tiếng các xà nhà đổ sụp. Sau đó, mái nhà bất ngờ sụp xuống, khung nhà cháy đen đứng giơ xương trong đám khói và trong những tia lửa sáng đủ màu sắc.

Cả vùng rực sáng vì lửa, sáng như một chiếc khăn trải bàn được nhuộm đỏ. Xa xa, có tiếng chuông rung.

Bà Sauvage đứng im trước căn nhà đổ, tay cầm súng của con trai bà, như thể đang lo lắng là liệu có người lính nào chạy thoát được không.

Khi biết là mọi sự đã hoàn tất, bà quẳng súng vào đống lửa. Có tiếng nổ vang lên.

Dân trong vùng và quân Phổ chạy đến. Họ thấy có một phụ nữ già ngồi im lặng và hài lòng trên một khúc cây. Một sĩ quan Đức nói với bà bằng thứ tiếng Pháp sành sỏi:

– Lính của tôi đâu?

Bà đưa cánh tay gầy guộc chỉ vào đống lửa đỏ đang dần tắt và mạnh mẽ đáp:

– Trong đó.

Mọi người vây quanh bà. Viên sĩ quan hỏi:

– Tại sao nhà cháy?

Bà đáp:

– Tôi đốt.

Người ta không tin, nghĩ rằng vụ hỏa hoạn là do một hành động điên rồ. Khi mọi người vây quanh và chờ nghe, bà kể lại toàn bộ câu chuyện, từ khi bà nhận được lá thư cho đến khi bốn người lính la thét ngôi nhà cháy. Bà cũng không quên nói rõ là bà không thấy hối tiếc khi đốt nhà.

Nói xong, bà lấy trong túi ra hai mẩu giấy và đưa cho mọi người xem bằng ánh sáng yếu ớt còn lại của đám cháy. Bà lấy kính ra đeo và chỉ vào một mẩu giấy và nói: “Đây, con trai Victor của tôi đã chết”. Bà đưa ra mẩu giấy thứ hai, hất hàm chỉ đống lửa đỏ nói: “Đây là tên của chúng, do chúng viết”. Bà lặng thinh đưa mẩu giấy thứ hai cho viên sĩ quan. Ông này chộp lấy hai vai bà. Bà nói:

– Anh hãy kể lại mọi sự và nói với cha mẹ chúng là tôi đốt nhà. Victor Simon ơi, mẹ không bao giờ quên con!

Viên sĩ quan ra lệnh cho bọn lính. Họ tóm lấy bà, đẩy bà đứng vào sát vách tường còn nóng. Sau đó, 12 tên lính đứng đối diện với bà, cách 20 mét. Bà không cử động. Bà biết sự việc. Bà đang đợi.

Theo lệnh, một tràng súng bắn nổ vang. Bà mẹ già không ngã gục. Bà khuỵu xuống như bị cắt hai chân. Viên sĩ quan tiến đến. Bà gần như bị cắt làm đôi, bàn tay nắm chặt lá thư đẫm ướt máu.

Bạn Serval của tôi nói thêm:

– Đó còn là lý do làm cho bọn Đức phá hủy lâu đài của tôi trong vùng.

Tôi nghĩ về những người mẹ của những chàng trai bị chết cháy và hành động anh hùng nhưng dã man của bà mẹ già đã bị xử bắn. Tôi cúi xuống nhặt lên một viên đá nhỏ bị lửa thui cháy đen.

Henri René Albert Guy de Maupassant (1850–1893) là nhà văn nổi tiếng người Pháp. Ông được cho là một tác giả bậc thầy của thể loại truyện ngắn, và là một đại biểu cho các nhà văn thuộc trường phái hiện thực phê phán.
Năm 1888, truyện vừa Viên mỡ bò ra đời, đánh dấu bước thành công của ông trong sự nghiệp sáng tác. Từ năm 1880-1891, ông đã sáng tác khoảng 300 truyện ngắn, 6 tiểu thuyết và các tự truyện…

GUY DE MAUPASSANT (Pháp)

TRẦN NGỌC HỒ TRƯỜNG dịch
Dịch từ nguyên bản tiếng Pháp trong French Short Stories, New York, 1967.

(Văn nghệ Bình Định số 102 tháng 10.2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thơ dự thi của Khét

Thóc, vì sao chọn vàng
– tôi làm nên no ấm
cỏ, vì sao chọn xanh
– không đành nhìn đất bạc

Hương dừa

Đêm, trăng thượng tuần nấp sau gốc dừa. Những tàu dừa lòa xòa đung đưa làm ánh trăng vỡ vụn nhưng cũng đủ sáng trên con đường. Ngày mai tôi sẽ xa Y Muôn, xa mảnh đất này…