Mẫu đơn kết trái

(VNBĐ – Truyện ngắn). 

Minh họa: Lê Duy Khanh

1.

Mén ngồi bệt ở hàng ba, ngó mông lung ra mé rào. Ráng chiều đỏ bầm khiến xóm nhỏ cũng như hâm hấp sốt. Đám dây trắng viền đỏ báo hiệu cách ly y tế giăng chặn lối đi hẹp ngoài con hẻm, bị nắng mưa mấy ngày đã bật tung ra một đầu, bay phơ phất phía trên hàng rào giống y như cái tua cờ phướn nhà đòn báo tang. Xóm yên ắng như nghĩa địa. Nhà nào cũng đóng kín cửa, chen chúc thu lu cùng nhau trong khoảng không chật chội dưới những mái nhà vá víu. Đến bọn trẻ con thường ngày um sùm đá banh, đuổi bắt, uýnh lộn chí chóe, giờ cũng đã quen len lét nơi góc nhà và tránh xa cửa ra vào mỗi khi cánh cửa được mở hé. Mà cả tháng nay, những cánh cửa ấy chỉ mở hé vài lần để nhận thuốc men và thực phẩm chính quyền mang đến cứu trợ. Người ta trở nên lặng lẽ vì sợ hãi cái chết từ thứ vô hình mang tên Covid-19. Những cái mũi không dám hít mạnh, những câu trao đổi bắt buộc cũng ngắn gọn và thầm thì. Tiếng nhạc xập xình, tiếng karaoke ồn ào, tiếng dzô dzô vô cuộc hay cãi nhau sau giờ nhậu, thậm chí cả tiếng ti vi mở lớn đều đột nhiên biến mất như chưa từng có những âm thanh đó nơi đây.

Mén nhớ má dặn, ráng đỏ là phải đóng kín các chớp kiếng cửa sổ lại kẻo dông tới cái mái tôn cũ không có la phông dễ tốc. Gió mang theo hơi nước và mùi đất nồng nặc báo hiệu cơn mưa dông sắp tới. Tiếng gió lòn trên khe mái tôn bập bềnh, rành rạch, lập phập. Mén thấy lạnh và đói. Nó chợt nhớ sáng kho con cá duy nhất còn lại trong tủ lạnh mà dọn cơm ra cái miệng đắng nghét lại bỏ nguyên trên bàn. Đèn nê ông nhấp nhấp chập vài cái loe lóe rồi sáng dần. Thức ăn nguội ngắt nhưng Mén làm biếng hâm, cứ thế bưng chén cơm từ sáng đã khô mặt lên ăn. Cơm khô trào trạo trong miệng, miếng cá mặn đắng. Nó thấy má âm ấm, cổ nghẹn nghẹn rồi òa lên không nín nữa. Nó sợ rằng những lời má dặn nó trước khi đi cách ly là những lời dặn cuối, cái vẫy tay từ ngoài cửa là cái vẫy tay cuối, và khuôn mặt che kín khẩu trang, giấu sau mũ trùm của áo bảo hộ chỉ còn hở đôi mắt là thứ sự sống duy nhất của má nó thấy lần cuối. Nó sợ má cứ thế mà đi không về. Như ba!

Mưa rơi lộp độp rồi ràn rạt trên mái. Tiếng mưa át đi tiếng Mén nức nở, như che giấu giúp nó tiếng gọi ba, gọi má. Mưa nuốt những lời Mén tự sự nỗi ân hận của nó với người cha đã bỏ má con nó đi theo người đàn bà khác. Chỉ có nó và mưa gầm gào như đệm vào cơn thét gào của nó nỗi ân hận rằng nó đã từ bỏ ba mình không thèm dòm mặt ổng suốt sáu năm nay. Đứa trẻ gầy gò ôm chiếc điện thoại đang mở tấm hình duy nhất nhà nó ba người chụp năm nó sáu tuổi đứng bên ngoài sở thú. Tấm hình duy nhất nó giữ lại vì kỷ niệm lần đi chơi hiếm hoi duy nhất với ba má nó trước khi ổng cưới vợ. Họ đang cười rạng rỡ và nó nhỏ thó như cái tên gọi yêu ba nó đặt từ lúc lọt lòng.

Sấm dội cái đùng. Có tiếng sét rẹt rẹt rồi điện phụt tắt. Mén lia điện thoại soi đường vô giường. Nó kéo chăn trùm kín đầu, rùng mình nhắm mắt vì sợ những hình ảnh tưởng tượng trong bóng tối đang nhìn nó giơ nanh múa vuốt. Mưa chi kì quá! Mưa mà như ai ném gạch liên hồi lên mái tôn, rầm rầm khủng khiếp. Mén run bần bật rồi chìm vào cơn mệt lả, ngủ thiếp. Nó không nhớ bao đêm nó sợ hãi như thế này từ khi má đi cách ly, ngày đêm cứ trộn vào nhau và cả những cơn đói khát nó cũng không cảm nhận được nữa. Nó không hề biết, nó đang trải qua trận mưa đá hi hữu kì lạ lần đầu tiên rơi xuống Sài Gòn…

2.

Cò run run đứng lên theo lời bác sĩ. Trời ơi cái chân Cò kỳ quá, như cọng bún bò vắt trên thành tô, nó cứ nhũn chảy ra không theo ý Cò. Cô điều dưỡng nắm tay Cò nâng nhẹ để nó vịn vô, đôi mắt cô qua hai lớp kiếng cận và kiếng chống giọt bắn nom rị rị như ướt nước. Tiếng cô qua hai lần khẩu trang nghe nghẹn nghẹn mà giống tiếng má Hai dễ sợ, khiến Cò bớt ngại chú bác sĩ cao lớn nghiêm khắc nói giọng miền Trung giống ba Cò. Rồi Cò đứng thẳng, vịn tay vô thành chiếc giường cao ngang đầu mình, tiếng Cò cũng kỳ lạ khác hẳn ngày thường. Có lẽ là do họ đút cái ống vô họng rồi Cò ngủ trên cái giường có bao nhiêu là máy vây quanh kia lâu quá chăng. Câu đầu tiên nó hỏi:

– Ba má con đâu cô chú ơi? Cho con gặp ba má con với!

Cô điều dưỡng ngó bác sĩ, bác sĩ xoa đầu Cò nói nhỏ:

– Ba má con đang điều trị ở bệnh viện dành cho người lớn. Con uống thuốc và ăn ngoan, ba ngày nữa bác sĩ làm xét nghiệm lại, nếu con khỏi bệnh bác sẽ liên hệ người nhà đón con về. Thế ngoài ba má, con còn ai là người thân không?

– Con không có ông bà như tụi nó đâu. Ông bà nội con ở ngoài Trung á, mà chết hết rồi. Còn ông bà ngoại ở tít dưới Đồng Tháp á, nhà có mình ên má con trên Sài Gòn hà. Mà ông bà ngoại già dữ lắm, ông ngồi xe lăn còn bà đẩy xe cho ông để ông bán vé số. Ông bà ngoại hông có nhận má là con nữa, ông ngoại biểu ba là thằng tù. Con có má Hai và chị Hai thôi mà…

Nói tới đây, Cò khựng ngang vì biết mình vừa lỡ lời. Kỳ lạ, cô điều dưỡng và chú bác sĩ hông có hỏi Cò thêm điều chi nữa. Cô điều dưỡng ôm Cò vào lòng, bế Cò đặt lên giường rồi vặn cái giường cho cao lên để nó tựa lưng. Vòng tay cô ấm dù qua lần áo bảo hộ màu trắng sột soạt như áo đi mưa, tự dưng làm Cò nhớ ngực má. Chú bác sĩ đi ra sau khi dặn:

– Con nhớ ăn ngoan và tập vận động cùng các bạn nha. Ráng khỏe mai mốt sẽ được về thăm ông bà ngoại.

– Dạ, con biết rồi. Con cảm ơn bác sĩ.

Cái kim cắm vô tay Cò mà nó không thấy đau. Có lẽ Cò quen với cảm giác bệnh viện và các máy móc ở đây nên không còn sợ nữa. Nó nhả nắm đấm nhỏ xíu ra sau khi cô điều dưỡng gắn băng dính cố định cái kim và vặn chỉnh dịch truyền. Cò nhắm mắt, cố gắng thở đều. Đứa bé năm tuổi linh lợi vô tư này từ khi tỉnh dậy sau hồi phục viêm phổi do Covid-19 không hề khóc như những đứa trẻ khác, cũng không hề trông ngóng cha mẹ. Phải chăng nó đã linh tính mà chịu đựng hoặc hi vọng ngày xuất viện sẽ được người thân đón về. Cô biết, hàng trăm đứa trẻ ở đây rồi sẽ phải đối mặt với mất mát đau đớn cả. Đứa mất cha, đứa mất mẹ, đứa mất ông bà hay họ hàng. Cũng không hiếm hoàn cảnh mất cả cha lẫn mẹ như Cò. Nhưng thằng bé hành xử rất khác, kiên cường và lạc quan như chú lính nhỏ. Nước mắt người điều dưỡng chảy xuống má, thấm xuống viền khẩu trang làm nhoè mờ những hình ảnh phía ngoài kính giọt bắn. Cô đã cố gắng kìm nén suốt hơn hai tháng nay trong bệnh viện thu dung trẻ em, chăm sóc những ca bệnh nặng. Trước những đứa trẻ nhạy cảm và kiên cường như Cò, cô luôn quặn thắt ruột gan. Nơi quê nhà, có lẽ thằng cu út của cô cũng đang từng ngày ngóng trông bố mẹ về, mơ ước được bố mẹ ôm vào lòng chở che bao bọc. Mơ ước ấy của con cô cũng thắt ruột, nhưng không vô vọng như đứa trẻ này…

3.

Nhàn cố gắng hít thở như bác sĩ hướng dẫn, cơn đau nơi phổi lan ra vùng ngực, quặn thắt. Mỗi lần hít vào, không khí như khối rau câu đặc trước lỗ mũi khiến nỗ lực hít thở cũng nặng như kéo xe khoai lên dốc. Cái ký ức về những con dốc nơi miền trung du xứ Bắc chiếm đầy khoảng không trước mắt Nhàn. Đến cả cơn đau như xé phía giữa lưng cũng khiến ký ức ấy sống động. Nhàn biết, những cơn đau và khó thở này là do hai lá phổi đã bị tổn thương do vi rút. Nhàn từng viêm phổi, thứ viêm nội tạng đáng sợ nhất rơi vào ngay sau kỳ hậu sản lúc sinh con bé Đẹt. Nhưng cơn đau và khó thở này, có lẽ bằng cả cơn đau viêm phổi cộng với những trận đòn cha đánh bằng đòn gánh sau khi cái xe khoai, xe sắn Nhàn vừa kiệt sức kéo về đến sân nhà.

Lạy trời cho con được sống! Câu nói ấy cứ vang trong đầu Nhàn trong suốt những cơn sốt, trong cả lúc cơ thể như tê liệt, chỉ có đốm sáng trong não bộ rọi lờ mờ ý thức giúp Nhàn cố vùng vẫy để sống. Chưa bao giờ Nhàn cố gắng như lúc này. Nhàn có con Đẹt phải lo, còn thằng cu Cò phải đón về. Nghĩ đến hai đứa trẻ thôi cái sức mạnh le lói trong từng thớ thịt lại muốn vùng vẫy. Nước mắt cứ chực trào khiến nước mũi thêm tắc nghẹn. Nhàn cố vung tay ra hiệu cho chị bác sĩ trợ giúp mình thông tắc đường thở. Cái ống rung rung và tiếng máy hút rè rè rồi cảm giác cái khối đặc loãng bớt. Cố lên Nhàn ơi, mày làm được. Vì hai đứa trẻ bơ vơ ngoài kia, mày phải làm được. Cảm giác hít vào được một chút, sức lực như đuối thêm nhưng lồng ngực nhẹ hơn một xíu. Nhàn cứ rướn người, đầu tự đếm nhịp ráng hít vào thở ra như được hướng dẫn trong cái gật đầu hài lòng của người nữ bác sĩ quân y. Mắt chị ấy là ánh mắt quyết tâm của người lính. Đôi mắt như hai ánh đèn lấp loáng nước đăm đăm nhìn Nhàn, giống y mắt mẹ ngày Nhàn khoác cái túi trên vai rời ngôi nhà trên đỉnh đồi. Nhàn đọc được sự khích lệ, sự an ủi và cả đòi hỏi cô phải sống. Nhàn thấy biết ơn. Có lẽ sau ba thằng Cò, đây là người đầu tiên Nhàn biết ơn tận đáy lòng mình. Chị ấy đã bao nhiêu ngày chưa rời khu bệnh này trong khi chắc chắn chị ấy cũng có những đứa con như cô? Chị ấy chưa từng ngồi xuống trong suốt những lúc Nhàn đủ tỉnh táo để nhận biết những điều xảy ra xung quanh. Những câu y lệnh ngắn gọn. Những cái vỗ lưng đủ mạnh để đủ rung nảy lên nhịp thở cho những lá phổi đang xẹp đi, những vỗ về nhẹ nhàng lên ngực lên vai khích lệ. Tất cả như ngàn thông điệp yêu thương và trách nhiệm không lời.

– Em giỏi lắm. SpO2 lên 92 rồi. Em cứ cố gắng như này để không phải trợ thở nhé. Đừng suy nghĩ gì cả. Việc của em là phải khỏe mạnh lại. Khỏe rồi em mới lo được cho người khác. Chị chắc chắn con em đang ổn. Cứ thế nhé!

Hơi thở dễ dàng hơn. Miếng cháo ấm nóng được bàn tay đeo găng đưa gần tới miệng Nhàn. Cô bé sinh viên tình nguyện năm hai cười trong khẩu trang, khua chiếc muỗng mà đuôi mắt nhắm tít y như diễn viên Hàn Quốc. Miếng cháo ấm trôi xuống cổ, ấm loang vùng ngực và khiến Nhàn bật cái ho nhẹ. Cô bé lôi chiếc điện thoại đã được sạc đầy pin khỏi chiếc túi vải thắt ngang bụng ngoài bộ quần áo bảo hiểm y tế đưa cho Nhàn. Trên màn hình hiện lên mười sáu cuộc gọi nhỡ, hơn ba mươi hai tin nhắn của con Đẹt. Vậy là Nhàn đã xa nó mười sáu ngày rồi. Nhàn gắng ăn thật nhanh hết hộp cháo trong khi vẫn thở theo nhịp, rồi ngoan ngoãn uống số thuốc được đưa. Cô ngả đầu lên thành giường bệnh, lướt nhẹ màn hình đọc tin nhắn của con. Chắc con bé đã hoảng loạn lắm đây khi không thể liên lạc được với mẹ trong suốt hơn hai tuần lễ. Khổ thân con bé. Mười hai tuổi đầu mà đẹt nhách như cái dây khoai nhưng cái tính cương cường cố chấp giống y cha đẻ nó. Sau trận này, có lẽ cô sẽ không giấu nó nữa. Cô đã sai hay đúng khi để con bé giận hờn oán trách cha thằng Cò suốt bấy nhiêu năm?

Giờ là gần hai giờ đêm. Chắc con bé ngủ rồi nên cô không nhắn gọi con nữa. Sau vài tin nhắn hốt hoảng vì mẹ không bắt máy, chắc nó yên tâm bởi cuộc gọi của bác sĩ gọi lại báo mẹ nó đang trong phòng tích cực nên không nghe điện được. Tất cả các tin nhắn nó đều dùng một dòng ngắn gọn: “Con vẫn ổn. Con vẫn âm tính. Con chờ má về”.

Phải chi cô cho nó biết anh ấy không phải là cha nó thì con bé biết đâu sẽ bớt đau hơn? Phải chi cái chết không quá đáng sợ hay quá nhanh và chua xót như thế này thì tuổi thơ của con bé đỡ thiệt thòi khổ sở hơn? Phải chi những người đàn ông đi qua đời cô đều không quá tốt với cô và đều không vắn số. Tiếng tít tít của máy móc đều đều, tiếng xì xì nhè nhẹ của những bình ô xy hỗ trợ khó thở, tiếng y cụ lách cách, tiếng chân vội vã bọc trong lần ủng bảo hộ khắp phòng giờ như âm thanh của sự sống bình thường với Nhàn. Cô chỉ nhớ mang máng cái chiều cô kiệt sức ngất lịm đi ngay cổng khu cách ly của ba mẹ thằng Cò sau khi ký xác nhận là người thân của họ. Họ đã đi mãi, mang theo những bí mật của họ và tình yêu thầm kín của cô…

Nhàn thiếp dần đi.

Ngôi nhà trên đồi có vườn sắn bao quanh lại hiện lên trong giấc mơ. Những tiếng quát tháo lè nhè, bóng chiếc đòn gánh, rồi bóng cây cời củi vung lên phía trên đầu Nhàn. Tiếng mẹ khóc nghẹn phía xa và vỏ chai rượu Lúa Mới lăn lông lốc qua cẳng chân bê bết máu của cô xuống dưới đồi. Bóng người con trai từ xa lao tới, vồng ngực trần đầy mồ hôi phủ úp lên che khoảng đầu và mặt Nhàn. Tiếng cây đòn gánh đập xuống tấm lưng trần của người con trai phát ra âm thanh bịch bịch, truyền qua khoang ngực cùng tiếng tim anh ấy đập, tiếng thở nghẹn lại mỗi khi bóng chiếc đòn gánh đập xuống vang lên mỗi lúc một to trong tai Nhàn. Máu nóng nóng, tanh tanh nhỏ xuống má Nhàn. Tiếng người con trai nói trong hơi thở lời yêu cô. Nhàn nghe tiếng mình hét lên. Khuôn mặt say xỉn đỏ tía như gà chọi, đôi mắt vô hồn lờ đờ thường ngày giờ long sòng sọc cùng những lời miệt thị, chửa rủa, đuổi bỏ của người đàn ông ấy. Đôi mắt thất thần, bạc nhược, bất lực của mẹ…

– Này, chị tỉnh dậy ngay. Chị Nhàn. Tỉnh ngay, không được khóc. Nước mắt làm cho khó thở bây giờ. Hít đều nào!

Nhàn cố rướn mí mắt lên nhìn người bác sĩ đang ngó cô đăm đăm. Nhàn cố gắng nâng người ngồi lên và xoay nghiêng. Cô xua tay từ chối chiếc phễu chụp:

– Chỉ là mơ thôi chị ạ. Em tự thở được. Chỉ là giấc mơ thôi, chị để dành ô xy cho người khác.

Chị bác sĩ phân vân nhìn Nhàn rồi gật đầu quay đi. Ngực Nhàn vẫn đau lắm nhưng không là gì cả. Lưng vẫn nhoi nhói buốt mỗi lần hít sâu vào nhưng không thể đau hơn những tiếng rít chửi rủa từng khoan vào tim Nhàn. Cửa sổ phòng bệnh hưng hửng ánh nắng sắp lên, Nhàn bật điện thoại nhắn tin cho con Đẹt.

– Má sắp được về rồi! Con ráng giữ gìn và ở trong nhà nhen con. Đừng sợ. Má sắp được về nhà với con gái của má rồi!

Màn hình sáng tin nhắn đáp lại ngay khi tin nhắn vừa được gửi đi, cứ như con bé thức chờ vậy:

– Má ơi, hôm qua người ta gọi điện cho con báo tin thằng Cò. Họ bảo nó hết bệnh rồi. Giờ má trong viện nên họ sẽ chở nó về nhà mình…

– Con đón em vô nhà nhen. Con nhớ má dặn gì phải không con? Thương lấy em nhen con!

– Dạ má.

Nhàn thở ra hơi dài. Con bé cương còng nhưng hiểu chuyện và cứng cỏi nên dù hai đứa trẻ, một mười hai, một mới lên năm ở với nhau, cô vẫn yên tâm. Như vậy là ổn rồi.

Ổn rồi! Dẫu hai đứa nhỏ mồ côi không biết sau này sẽ ra sao. Liệu rồi cô sẽ xoay sở nuôi tụi nó thế nào khi trước đây có mình con Đẹt cô đã đủ vất vả. Nhưng giờ thì lo làm gì chuyện đó nữa. Thằng Cò vượt qua cửa tử, cô còn sống đây đã là điều kì diệu rồi.

4.

Cò len lén nhìn chị Hai. Ba dặn nó kêu chị Duyên là chị Hai, không được kêu tên Đẹt. Hồi đầu má có vẻ không thích rồi chặp sau này má cũng gọi chị Hai là con Duyên. Ba hay đùa, má ghen chi lạ. Chị Hai là con của người ơn cho ba cái mạng giờ mới có ba mà trao cho má, má không được nghĩ bậy cho má Hai và ghét chị Hai. Cò thích chị Hai lắm. Trong xóm này, mấy đứa tầm lứa chị Hai còn nể bả, huống chi bọn nhãi tầm tầm với Cò. Tuy chị Hai không bao giờ thèm chơi với Cò, nhưng cả xóm ngầm hiểu, đứa nào ăn hiếp Cò là chị Hai chơi sát ván nó liền. Bữa sinh nhật Cò năm tuổi, má Hai ôm Cò thủ thỉ, tính chị Hai lạnh như cái chén sứ nhưng mà cái lòng chị Hai dễ bể y chang cái chén vậy, Cò cứ sáp vô là chị Hai thương hà. Cơ mà giờ nom mặt bả, Cò hãi hãi.

Ngồi ở hàng ba ngó ra hẻm chán, nhớ ba má vì nghe loáng thoáng mấy người trên xe nói thầm với nhau, Cò linh tính ba má gặp chuyện dữ rồi. Nó nín khóc vì còn tò mò về nhà má Hai gặp chị nhưng lúc lâu chị Hai cứ ngồi im trong nhà không nói gì làm nó vừa tủi vừa sợ hãi. Cò bật khóc. Ban đầu nó cố nín, sau nước mắt tràn ra nhiều quá, cái mũi nghẹt và hơi khó thở, nó nằm vật ra hiên khóc nức nở. Nãy giờ trong nhà ngó ra, Đẹt thấy thằng nhỏ rung rung, biết nó khóc mà không biết làm sao cho hết cái ngượng ngùng vì từ trước tới giờ lỡ tỏ ra hận ba Cò, ghé Cò, thậm chí nói hỗn với cả má Cò nữa. Dù gì, ba cũng bỏ má và Đẹt đi lấy má nó, đẻ ra nó rồi ngó lơ Đẹt. Đẹt đâu cần ổng bả cho quà chi đâu. Cái Đẹt cần là ba cơ mà…

Hình như thằng Cò khó thở. Nó ôm ngực, ho khù khụ. Đẹt chợt thấy sợ. Dù gì, nó là em Đẹt cơ mà. Lỡ như, Cò biến mất y như ba má nó thì sao. Đẹt lao ra, nâng thằng Cò lên rồi ôm chặt lấy nó. Đẹt nghe thấy tiếng chính bản thân nó khóc nấc:

– Nín đi em, chị Hai đây. Chị Hai xin lỗi Cò. Chị Hai thương em mà. Nín đi em trai của chị!

Vòng tay bé xíu của thằng Cò ôm lấy Đẹt. Nước mắt Đẹt rơi trên tóc nó, nước mắt thằng Cò ướt đẫm cả khoảng ngực gầy gò của Đẹt. Chiều chầm chậm sẫm dần ráng đỏ hồng tưới lên khoảng sân xi măng ba đang tráng dở. Thế nào lát nữa cũng mưa giông, nhưng hôm nay Đẹt sẽ không sợ hãi nữa. Đẹt có em trai bên cạnh đây rồi.

– Vô ăn cơm thôi Cò. Chị Hai nấu canh cải ngọt thịt bằm thả cả nấm rơm mà em thích đó. Đồ hôm nay tươi, mấy cô chú trên phường mới mang xuống cho nè. Còn cả lạp xưởng tôm ba mang sang chị Hai để dành từ bữa làm sân, chị Hai chiên cho Cò ăn dặm với trứng tráng nhen. Cò ráng ăn giỏi để mập lên giống như hồi trước là chị Hai cưng.

– Chị Hai, từ giờ em có thể ở luôn đây cùng má Hai với chị Hai hen? Chị Hai hổng làm mặt giận em với ba má nữa hen? Cho em ở đây tới chừng lớn với chị Hai thay cho ba nhen! Kệ ba má mai mốt về tự sinh em bé nữa, rồi em dẫn nó sang đây ở luôn á…

Tiếng thằng nhỏ bi bô ngây thơ khiến mắt Đẹt cay xè. Phải giấu nó chuyện ba má nó chết ngay từ ngày nó được chuyển từ khu cách ly sang viện Nhi. Đẹt muốn gào thét lên, hoặc khóc cùng nó mà Đẹt cố kìm xuống. Chờ má về đã, má dặn vậy và Đẹt hiểu cả. Tô canh nóng chao đảo trên tay Đẹt, dĩa trứng tráng vàng ươm, dĩa lạp xưởng hồng hồng nhòe nhòe do khói tô canh cải xanh mướt hay con mắt Đẹt quẹt chưa cạn hết nước. Đẹt dỗ em ăn trong tiếng sấm đầu tiên báo hiệu cơn mưa sắp trút xuống. Tự dưng, Đẹt thấy không còn sợ bất cứ thứ gì trên đời. Mưa gió, mất điện, ma quỷ giơ vuốt trong tưởng tượng hay những cái bao trắng bó những người mất vì Covid-19 trong cái xóm nghèo của Đẹt đi ngang nhà nữa. Đẹt đã là người lớn, ít nhất là ngay lúc này, đối với thằng Cò.

5.

Má đang thắp tuần nhang thứ hai trên ban thờ tạm cho ba má Cò. Thằng nhỏ phủ phục dưới nền đất, kiên gan không khóc. Đẹt biết, nó chịu đựng dữ lắm. Đẹt ra hàng rào, lúc hái những bông trang đỏ tươi to nhất vô cho má bày bàn cúng, Đẹt thấy những trái nhỏ màu hồng và đen y chang hạt cườm đậu trên những bông trang đã rụng. Má bảo, quê ngoại gọi bông trang là hoa mẫu đơn, tượng trưng cho tình mẫu tử, cho lòng từ bi của nhà Phật. Có duyên lắm mới gặp mẫu đơn kết trái, báo hiệu phúc báo của người trồng. Hơn tháng qua, từ ngày má đi ký nhận xác ba má Cò, hàng bông trang không ai tưới tắm. Vậy mà hoa nở to y cái chén, đỏ roi rói và có bao nhiêu là trái chen chúc. Đẹt ngắt đám trái mẫu đơn bóng tròn màu đen nhưng nhức, bỏ vô cái rổ nhựa bước vô nhà kịp tuần nhang thứ hai rụi xuống. Má nói, hai chị em đốt lên tuần nhang nữa để ba má Cò về chứng kiến, từ giờ Cò là con của má, là em chính thức của chị Hai Duyên.

Mâm cơm cúng ngày dịch covid chỉ có đòn bánh tét, đĩa thịt xào giá và tô canh, thêm nải chuối xanh nhỏ nhoi trên cái bàn học của Đẹt. Má ôm Cò, ê a một hồi rồi nhấp giọng:

– Duyên à, có chuyện má phải nói với con…

– Khỏi đi má. Má định kể cho con về ba đẻ con phải không? Má chỉ gọi đúng tên con mỗi khi có chuyện động tới hai người họ. Con biết rồi má. Mà má đừng có lo, biết ba đẻ con vì cứu má khỏi ông ngoại mà vô tù, rồi vô tù nhận thay ba Cò nhát dao của kẻ thù con biết cả rồi. Má ơi, biết chuyện con càng thương ba, thương má và em Cò hơn. Má đừng có lo.

Nhàn ngạc nhiên ngồi sững. Thằng Cò thủ thỉ:

– Con kể cho chị Hai nghe đó má. Ba má nói con giấu nhưng mà chị Hai tắm con, cởi cái dây chuyền này lộ mất tiêu bức ảnh hai ông ba nhét trong cái mặt dây này. Ba nói ba chị Hai cho ba một mạng, giúp ba thành người tốt bỏ con đường giang hồ nên ba báo đáp má Hai và chị Hai cả đời. Rủi ba chết, con phải ở chung với má và chị Hai…

Đẹt quay qua cột cái vòng tay nó vừa đục lỗ xâu những hạt mẫu đơn thành chuối hạt đeo tay cho thằng Cò. Nó hỏi:

– Mà sao ba đẻ con lại vô tù ha má? Phải ba là người xấu như ba Cò trước đây không?

– Do ba con cứu má khỏi ông ngoại con. Ông ngoại là người nát rượu, mỗi lần say là lôi má ra đập…

– Phải mấy vết sẹo chà bá trên lưng, trên đầu, trên chân má là do ông ngoại không?

– Đúng rồi. Ba đẻ con thương má, chịu đòn thay để cố xin ông ngoại cho cưới má. Rồi vô tình, ba đẩy ông ngoại ra, ông ngoại bị thương nặng nên ba phải vô tù tận miền Trung. Gặp ba Cò trong đó rồi chuyện cứ thế. Má mang thai con vất vưởng ngoài Trung không nơi nương tựa, may nhờ ba Cò ra tù dẫn má vô đây, lo cho má con mình chứ trong lòng, ba Cò luôn coi má là ruột thịt…

Đẹt nhìn má cúi đầu lau nước mắt. Nó hiểu cả. Chỉ má nó thương thầm ba Cò thôi nên khi ba Cò lấy vợ, má buồn hiu hắt. Ba má Cò chịu điều tiếng với lối xóm quanh đây để nó không hay biết sự việc đau lòng về gia đình nó, vì sợ nó tủi phận chết cha. Tự dưng, Đẹt quơ thằng Cò ôm siết. Hai chiếc vòng tay kết bằng hạt mẫu đơn trên tay hai chị em nó lóng lánh. Nó bảo em, không có khăn tang trắng, chị em mình đeo vòng này để tang ba má. Nước mắt nó rớt trên tóc em mà lòng nó thầm thì: Con người ta ở đời, đâu cứ ruột rà mới là biết thương nhau.

Ngoài kia, dây chăng y tế vẫn phơ phất và sự tĩnh lặng của xóm nghèo vẫn mang mang làm người ta bồn chồn. Nhìn miếng sân vá dở dang nhưng Nhàn thấy chưa bao giờ lòng mình tĩnh tại như lúc này. Dịch có thể cướp đi sinh mạng nhiều người, đẩy người ta vào đường cùng nhưng có hai đứa trẻ, Nhàn sẽ làm được mọi thứ và đời chúng nó sẽ ổn thôi.

NGUYỄN THU HÀ

(Văn nghệ Bình Định số 104 tháng 12.2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thơ dự thi của Lê Văn Hiếu

Ta lăn lóc đứng ngồi
Ta lên rừng xuống bể
Nay ta chín – ta vẫn là hạt gạo
Vẫn đăm đắm cánh đồng chiều
Vẫn thương câu hát gánh qua sông…

Mê Cung

Giây phút Minh nhận ra trái tim của mình cũng là một mê cung là khi cậu nhìn vào mắt người con trai đó. Bộ dạng nó áp sát vào người cậu như muốn tìm kiếm ở đó một sự chở che, nương náu và an ổn…