(VNBĐ – Văn học nước ngoài). Chàng trai trẻ, công tước Henri de Hardimont tình cờ đến Aix in Savoy. Chàng hy vọng nguồn nước ở đây có lợi cho con ngựa cái nổi tiếng tên là Perichole của chàng. Nó bị bệnh hô hấp sau khi bị nhiễm lạnh ở Derby. Chàng vừa ăn sáng vừa liếc đọc tờ báo buổi sáng, trong đó có đưa tin về trận đánh dữ dội ở Reichshoffen.
Chàng uống cạn ly rượu Sáctơrơ, đặt tạp dề xuống bàn nhà hàng, lệnh cho người hầu buộc hành lý và hai giờ sau, chàng đi Paris. Đến đó, chàng đi ngay đến trung tâm tuyển lính và tòng quân cho một trung đoàn đang tham chiến.
Chàng sống chưng diện, phù phiếm và đi đây đó đua ngựa từ năm 19 tuổi đến năm 25 tuổi. Tuy nhiên, chàng không quên rằng Enguerrand de Hardimont đã chết trên bờ biển Tunis cùng ngày với thánh Louis và Jean de Hardimont, chỉ huy của các đại đội Tự do dưới quyền của Du Guesclin và François – Henri de Hardimont cũng bị giết chết ở Fontenoy và khi biết nước Pháp thất trận ngay trên đất Pháp, chàng công tước đỏ mặt và thấy khó thở.
Vào đầu tháng 11 năm 1870, Henri de Hardimont trở về Paris cùng trung đoàn của mình. Trung đoàn là một bộ phận của quân đoàn Vinay. Đại đội của anh nằm ở vị trí tiền đồn, đối diện với vị trí cố thủ của đối phương. Đối phương đã nhanh chóng củng cố vị trí và được bảo vệ bằng đại bác của pháo đài Bicetre.
Vị trí của đại đội anh nằm ở một nơi tối tăm. Có một con đường với nhiều cây địa chổi dẫn tới một khu vực bùn lầy và dẫn qua một cánh đồng. Ở giới tuyến có một quán trọ bỏ hoang, cây cối rậm rạp. Những người lính củng cố vị trí của họ ở đó. Họ đến đó vài ngày trước. Đạn chùm làm gãy vài cây non. Tất cả cây cối ở đó đều có dấu đạn trên thân cây. Hình dạng của quán trọ làm người ta rùng mình. Đạn pháo làm thủng mái của nó còn các bức tường hình như đều dính đầy máu. Cành nhánh của cây cối vương vãi khắp nơi, các loại chai đựng rượu lăn lóc, dây xích đu than vãn trong gió lạnh, chữ viết được viết bằng đạn có mặt trên khắp các cánh cửa. Dựng đè lên hình vẽ một con thỏ chết là hai cây cơ chơi bida được cột lại theo hình chữ thập bằng một dây ruy băng. Tất cả gợi nhớ đến những thú chơi đầy mỉa mai của người ta ngày trước. Phủ lên tất cả là bầu trời mùa đông nặng trĩu mây và đầy giận dữ, căm hận.
Chàng công tước trẻ đứng bất động trước cửa quán trọ, súng nhét vào dây nịt bụng, đầu đội mũ không vành, hai bàn tay lạnh cóng đút vào hai túi quần dài màu đỏ còn toàn thân thì run rẩy trong chiếc áo khoác da cừu. Anh đang nằm nghĩ ngợi về những người lính bại trận và buồn bã nhìn ra dãy đồi xa xa đang chìm trong sương mù, thi thoảng ở đó có khói và tiếng súng nổ.
Anh bỗng thấy đói.
Anh cúi xuống, rút ra từ chiếc ba lô đang nằm dựa vào tường một chiếc bánh mỳ. Do không có dao, anh dùng răng cắn và từ từ nuốt xuống.
Nhưng chỉ sau vài miếng, anh thấy đã quá đủ. Bánh mỳ cứng và đắng nghét. Cho tới sáng mai mới có thức ăn tươi, như viên sĩ quan quân nhu đã nói. Đời thi thoảng khó nhọc. Bữa ăn sáng “hợp vệ sinh” hôm qua vẫn còn tươi mới trong trí anh. Sau bữa đó, vào hôm sau, anh ăn bữa tối được nấu quá kỹ. Lúc đó, anh ngồi bên cửa sổ nhà hàng, ăn cốc lếch, trứng chiên bơ và măng tây. Người hầu bàn do biết rõ khẩu vị của anh nên đã mang ra cho anh một chai rượu Leoville đựng trong một cái rổ và anh nhàn nhã rót ra từng ly. Thật tuyệt vời! Đó là quãng thời gian tốt đẹp! Anh khó mà quen được với cuộc sống gian khổ như bây giờ.
Và trong khoảnh khắc bực dọc, chàng trai trẻ quẳng mẩu bánh mỳ còn lại xuống bùn. Vài giây sau, có một người lính từ nhà trọ đi ra, cúi xuống nhặt mẩu bánh mỳ, rồi lùi lại, lấy ống tay áo chùi bùn và ăn ngấu nghiến.
Henri de Hardimont thấy xấu hổ với hành vi của mình. Anh thương cảm nhìn người kia nhai mẩu bánh mỳ một cách ngon lành. Anh ta cao to nhưng xấu trai, đôi mắt ửng đỏ, hàm râu lởm chởm và gần đến mức đôi vai bè nhô ra dưới chiếc áo khoác sờn rách.
“Anh đói à?”, anh tiến tới hỏi.
“Như anh thấy đó”, anh ta trả lời, miệng ngậm đầy bánh mỳ.
“Xin lỗi. Nếu tôi biết anh thích ăn bánh mỳ, tôi đã không quẳng nó đi”.
“Không sao”, người lính đáp. “Tôi không cần thức ăn ngon”.
“Dù gì thì làm như tôi là sai”, anh nói. “Tôi trách tôi. Xin đừng nghĩ không hay về tôi. Tôi có một ít rượu Cognac trong chai. Lại uống với tôi”.
Người đàn ông ăn xong. Chàng công tước và anh ta uống một hơi rượu và họ quen nhau.
“Anh tên gì?”, người lính hỏi.
“Hardimont”, chàng công tước nói mà không đề cập tới tước hiệu của mình. “Còn anh?”.
“Jean – Victor. Tôi vừa gia nhập đại đội này. Tôi mới ra khỏi xe cứu thương. Tôi bị thương ở Chatiflon. Trong xe cứu thương, tôi thấy yên tâm còn ở trạm xá, người ta cho tôi nước hầm thịt ngựa. Dù tôi chỉ bị thương nhẹ nhưng ngài thiếu tá sẽ cho tôi giải ngũ. Thật là tồi tệ cho tôi bây giờ. Tôi lại bắt đầu bị những cơn đói hành hạ. Như anh thấy đó, tôi đói cả đời”.
Lời nói này làm chàng quý tộc vừa ăn uống ở nhà hàng giật mình. Anh sững sờ nhìn người bạn. Người lính buồn bã cười, để lộ ra hai hàm răng trống trơ, trắng như khuôn mặt ốm đau của anh. Anh ta như thể hiểu là người đối diện với mình đang cần có thêm lời giải thích.
“Nào”, anh ta nói nhưng không theo phong cách nói năng quen thuộc của mình, đồng thời đoán rằng người bạn của anh ta hẳn là giàu có và hạnh phúc. “Đi bộ với tôi dọc theo con đường này để ấm chân và tôi sẽ kể anh nghe những chuyện anh có lẽ chưa bao giờ được nghe”. “Tôi được gọi là Jean – Victor chỉ vì tôi là đứa bé bị bỏ rơi. Ký ức hạnh phúc thời ấu thơ của tôi diễn ra ở Cô nhi viện. Chúng tôi ngủ trên ra nệm trắng, chơi đùa trong vườn, dưới các gốc cây to và có một bà xơ tốt bụng chăm sóc chúng tôi. Xơ còn rất trẻ và trắng như dây nến. Xơ sau đó mất vì bệnh phổi. Xơ thương tôi nhất và tôi thường đi dạo với bà hơn là chơi đùa với những đứa trẻ khác. Xơ thường kéo tôi vào lòng bà, đặt bàn tay nhỏ nhắn, ấm áp lên trán tôi. Nhưng cho tới khi tôi được 12 tuổi và xưng tội trước lễ lần đầu, tôi chỉ thấy có đói nghèo. Ông giám đốc cho tôi đi học nghề sửa ghế ở Faubourg Saint – Jacques. Đó không phải là một nghề. Người ta không thể kiếm sống được bằng việc sửa ghế. Bằng chứng là phần lớn thời gian, ông thợ cả chỉ có thể tuyển người học là các cậu bé mù đến từ Trung tâm người mù. Ông thợ cả và vợ ông ta, sau đó bị giết, là hai người bủn xỉn khủng khiếp. Bánh mỳ được cắt ra thành từng miếng nhỏ cho mỗi bữa ăn và lúc nào cũng bị khóa lại trong tủ. Bà vợ ông thợ cả luôn thở dài sau khi múc ra một vá súp vào bữa tối. Hai đứa bé mù học nghề ít bất hạnh hơn. Tụi nó cũng được cho ăn không nhiều hơn tôi nhưng không như tôi, chúng không thấy được cái nhìn ác ý của bà vợ độc ác khi bàn tay bà ta đưa ra dĩa thức ăn. Thật không may mắn, tôi lúc nào cũng thấy đói. Tôi nghĩ, đó có phải là do tôi có lỗi? Tôi làm ở đó ba năm và luôn thấy đói. Ba năm! Người ta chỉ cần một tháng để học nghề này. Nhưng ông quản lý Cô nhi viện không biết gì và không ngờ là bọn trẻ đang bị xúc phạm. Anh ngạc nhiên khi thấy tôi nhặt lên từ bùn mẩu bánh mỳ à? Tôi thường xuyên phải nhặt như vậy và phủi bùn dính vào. Nếu chúng quá khô cứng, tôi phải ngâm chúng trong chậu cả đêm. Thỉnh thoảng tôi có thức ăn trên trời rơi xuống. Đó là những đầu mẩu bánh mỳ bọn trẻ cắn và nhả ra ven đường tới trường. Tôi thường đi lảng vảng ở đó để tìm các đầu mẩu bánh mỳ như thế. Cuối cùng, tôi nghỉ sửa ghế vì không đủ sống. Tôi sau đó làm đủ nghề, vì tôi muốn được làm việc. Tôi làm thợ nề, phụ bán hàng, chùi lau sàn nhà và nhiều nghề khác. Nhưng trời ơi, việc làm bây giờ không sẵn có, hơn nữa tôi thường bị mất việc. Nói chung, tôi không có đủ thức ăn. Trời ơi, tôi đói lả khi đi ngang qua tiệm bánh nướng. Nhưng thật may mắn, vào những lúc đó, tôi luôn nhớ tới bà xơ tốt bụng ở Cô nhi viện. Bà luôn dặn tôi phải sống trung thực và tôi như thấy bà đang đặt bàn tay nhỏ nhắn, ấm áp lên trán tôi. Cuối cùng, vào năm 18 tuổi, tôi tòng quân. Như anh biết đó, lính có lương thực để ăn. Giờ tôi có thể cười, dù đang bị vây hãm và thiếu đói. Anh thấy đó, tôi không nói dối, tôi chỉ thấy rằng tôi luôn bị đói”.
Chàng công tước có trái tim thương yêu xúc động mạnh khi nghe câu chuyện được kể bởi một người đàn ông như chàng, vì những người lính mặc quân phục giống nhau nên họ ngang hàng nhau. Thật may cho chàng công tử bột thường phớt tỉnh mọi sự vì cơn gió đêm đã giúp lau khô dùm nước mắt trên bờ mi chàng.
“Jean – Victor”, anh quay sang nói mềm mại, “Nếu chúng ta sống sót sau cuộc chiến chết chóc này, chúng ta sẽ còn gặp lại nhau và tôi hy vọng tôi sẽ có ích cho anh. Nhưng trong khi chờ đợi cuộc chiến kết thúc, dù ở đây không có tiệm bánh nướng nhưng quân nhu đã cấp cho tôi khẩu phần bánh mỳ nhiều gấp hai tiêu chuẩn nên chúng ta có thể san sẻ cho nhau. Anh hiểu không?”. Sau đó họ xiết chặt tay nhau. Khi đêm xuống, do canh gác mệt mỏi, họ trở lại quán trọ bỏ hoang, nơi có 12 người lính đang ngủ trên rơm. Họ nằm cạnh nhau và ngủ say sưa.
Vào lúc nửa đêm, Jean – Victor thức giấc và thấy đói. Gió làm tan mây và có ánh trăng chiếu vào phòng qua một lỗ thủng trên mái, rọi vào khuôn mặt tuấn tú của chàng công tước đang ngủ như chết.
Khi Jean – Victor đang mến thương ngắm nhìn người bạn thì ông trung sĩ mở cửa đi vào và gọi năm người lính ra tiền đồn canh gác.
Chàng công tước nằm trong số đó nhưng chàng không tỉnh giấc khi được gọi.
“Hardimont, dậy nào!”, viên hạ sĩ quan gọi.
“Nếu anh cho phép, thưa trung sĩ”, Jean – Victor nói. “Tôi sẽ gác thay cho anh ấy. Ảnh ngủ say quá. Ảnh là bạn tôi”.
“Được, nếu anh muốn”.
Năm người lính đi ra và tiếng ngáy lại tiếp tục.
Nửa giờ sau, có tiếng súng xa gần trong đêm. Những người lính ngay lập tức vùng dậy, tay ôm súng, thận trọng bước ra nhìn dọc con đường đang nằm trắng xóa dưới ánh trăng.
“Mấy giờ rồi?”, chàng công tước hỏi. “Tôi phải đi gác tối nay”.
“Jean – Victor đã đi thay cho anh”.
Một lát sau, có một người lính chạy dọc theo con đường tiến về phía quán trọ bỏ hoang. “Có chuyện gì vậy?”, những người lính hỏi anh ta khi anh ta thở hổn hển và dừng lại.
“Bọn Phổ đang tấn công chúng ta. Hãy vào vị trí cố thủ”.
“Các chiến hữu khác đâu rồi?”.
“Họ đang rút về nhưng Jean – Victor tội nghiệp…”.
“Anh ấy ở đâu?”, chàng công tước hỏi.
“Anh bị bắn vào đầu. Không một lời trăn trối”.
***
Vào một đêm mùa đông vừa qua, Henry de Hardimont rời quán bar vào lúc 2 giờ sáng cùng một người bạn, bá tước de Saulnes. Chàng công tước đã mất hàng trăm đồng louis và khá bị đau đầu.
“Andre, nếu anh thích”, chàng nói với bạn mình, “Chúng ta sẽ đi bộ về nhà. Tôi thích hít thở không khí. “Nếu anh thích, tôi cũng thích, dù đi bộ là khá mệt đó”.
Họ bảo người đánh xe ngựa của họ đánh xe về trước rồi bẻ cổ áo khoác lên và đi theo hướng Madeleine. Bỗng có một vật gì đó vướng vào gót giày của chàng công tước. Đó là một mẩu bánh mỳ lớn dính đầy bùn.
Bá tước de Saulner ngạc nhiên khi thấy chàng công tước Henry de Hardimont cúi xuống nhặt mẩu bánh mỳ và lấy khăn tay có thêu huy hiệu của mình lau chùi nó, sau đó đặt nó lên trên ghế, chỗ có ánh sáng chiếu rõ.
“Anh làm gì vậy?”, chàng bá tước cười to. “Anh điên rồi à?”.
“Tôi làm vậy để tưởng nhớ một người bạn nghèo đã chết cho tôi”, chàng công tước nói bằng giọng run run. “Đừng cười! Cười là xúc phạm tôi!”.
François Coppée (1842 – 1908) là một nhà thơ, tiểu thuyết gia người Pháp. Những tác phẩm thơ đầu tiên của ông in từ năm 1864. Năm 1869, tác phẩm “Poème modernes” khá thành công. Tác phẩm văn xuôi đầu tiên của ông xuất bản vào năm 1875 và sau đó là các truyện ngắn và tự truyện. Tác phẩm của ông tập trung vào những biểu hiện cảm xúc yêu thương, lòng yêu nước, niềm vui của tình yêu tuổi trẻ, sự đáng thương của lớp người nghèo khổ trong xã hội
FRANÇOIS COPPEE (Pháp)
TRẦN NGỌC HỒ TRƯỜNG dịch
Nguồn: www.dominiopublico.gov.br/download/texto/guo 10577.pdf
(Văn nghệ Bình Định số 98 tháng 6.2021)