Liên hoan văn hóa cồng chiêng các DTTS tỉnh Bình Định lần thứ II, năm 2023

(VNBĐ – Đời sống văn nghệ). Tối 16.12, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, TP. Quy Nhơn, Liên hoan văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Bình Định lần thứ II năm 2023 chính thức khai mạc.

Những vũ điệu theo tiếng cồng chiêng trong tiết mục “Chiêng mừng – Âm vang Đak Mang”, đến từ đoàn Hoài Ân. Ảnh: P.N

Dự Liên hoan có các đồng chí: Hồ Quốc Dũng – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Anh Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thị Phong Vũ – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; cùng các đồng chí nguyên lãnh đạo; lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh và đông đảo người dân, du khách đến xem và cổ vũ.

Với chủ đề “Âm vang nhịp điệu núi rừng”, Liên hoan văn hóa cồng chiêng là sự kiện có ý nghĩa văn hóa, xã hội sâu sắc nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Định. Về dự Liên hoan lần này, có 07 đoàn với tổng số 242 nghệ nhân, diễn viên, học sinh là đồng bào các DTTS đến từ các địa phương, đơn vị: Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão, Tây Sơn, Phù Cát, Hoài Ân và Trường Phổ thông Dân tộc nội trú – THPT Bình Định. Nét mới của Liên hoan chính là có sự tham gia lần đầu tiên của đội cồng chiêng có tuổi đời rất trẻ là 45 em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú – THPT Bình Định tham gia tiết mục trình diễn cồng chiêng và múa xoang.

Phát biểu khai mạc tại Liên hoan, đồng chí Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh đã ôn lại những giá trị truyền thống của các DTTS tỉnh Bình Định. Hiện tại, Bình Định đang có 39 DTTS sinh sống, trong đó chủ yếu là dân tộc Chăm, Bana, H’rê với lối sống và phong tục tập quán có nhiều sắc thái độc đáo, đa dạng. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn, trong những năm qua, tỉnh Bình Định luôn ưu tiên dành nguồn lực đầu tư hỗ trợ cho vùng đồng bào DTTS; đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Bình Định, giai đoạn 2021 – 2030, trong đó có công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch. Các địa phương triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các DTTS gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2030”, Kế hoạch mua sắm nhạc cụ cồng, chiêng cấp cho các thôn, làng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh;… Việc đầu tư kinh phí mua sắm, trang bị nhạc cụ cồng chiêng cho các thôn, làng đồng bào DTTS trong tỉnh đã tạo điều kiện cho đồng bào được hưởng thụ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình thông qua các hoạt động văn hóa, lễ hội, Tết truyền thống, sinh hoạt cộng đồng tại địa phương. Qua đó, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS, khích lệ sáng tạo những giá trị văn hóa mới, phát huy vai trò của đồng bào các DTTS trong xây dựng và phát triển đời sống văn hóa; góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Dù có mưa phùn nhẹ, nhưng điều đó không làm cản trở chương trình, khán giả đã nán lại rất đông để thưởng thức các phần trình diễn đến từ các đoàn. Bảy tiết mục chính đến từ 7 đoàn đã cho thấy nét đẹp độc đáo trong không gian văn hóa cồng chiêng của từng địa phương. Các tiết mục gồm: Nhạc hội trong Lễ cúng đổ đầu mừng năm mới; Mừng chiến thắng; Làng H’rê vui hội; Bác Hồ kính yêu và mừng Đảng, mừng xuân; Chiêng mừng – Âm vang Đak Mang; Mừng được mùa; Vui cùng Ngày hội. Ngoài ra, chương trình còn có các tiết mục hát múa, biểu diễn võ cổ truyền đan xen để tăng thêm tính hấp dẫn cho Liên hoan.

Các thiếu nữ Bana ở Tây Sơn đang trình diễn điệu múa xoang kết hợp cồng chiêng trong tiết mục “Mừng chiến thắng”. Ảnh: P.N
Tiết mục Nhạc hội trong Lễ cúng đổ đầu mừng năm mới của đoàn Vân Canh. Ảnh: P.N
Tiết mục “Vui cùng ngày hội” của đoàn Vĩnh Thạnh được dàn dựng công phu, đã đạt giải A tại Liên hoan lần này. Ảnh: P.N

Tổng kết Liên hoan, BTC đánh giá cao các đoàn đã quan tâm đầu tư rất bài bản cho Liên hoan lần này. Các tiết mục được dàn dựng có chiều sâu về nội dung, công phu về trình thức và tự tin về phong cách biểu diễn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc địa phương. Trong đó, linh hồn của Liên hoan chính là các loại nhạc cụ: cồng, chiêng, chinh, trống… mang đậm “giai điệu núi rừng” được các nghệ nhân khai thác hiệu quả, kết hợp đa dạng các phương pháp phối âm, hòa tấu, diễn tấu và phong cách trình diễn điêu luyện cộng hưởng cùng những điệu múa xoang nhịp nhàng, uyển chuyển, cuốn hút người xem.

Đồng chí Hồ Quốc Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định trao giải A cho đoàn Vĩnh Thạnh. Ảnh: P.N

Kết thúc Liên hoan, BTC đã trao giải A cho đoàn cồng chiêng huyện Vĩnh Thạnh, giải B cho đoàn Trường Phổ thông Dân tộc nội trú – THPT Bình Định và đoàn An Lão; giải C cho 04 đoàn: Vân Canh, Tây Sơn, Hoài Ân và Phù Cát.

PHI NGUYỄN

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

“Chạm thu” của nhà thơ Mai Hữu Phước

Thơ Mai Hữu Phước nhẹ nhàng, hàm chứa những cảm xúc tinh khôi, trong sáng. Mạch thơ truyền thống được ông dụng công “làm mới” bằng sự tinh tế của ngôn ngữ và cảm xúc…