Lặng thầm câu hát vọng…

(VNBĐ – Ghi chép). Ánh đèn sân khấu sáng lên đến khi tấm màn nhung khép lại, họ không hiện diện trên sâu khấu. Khán giả không biết đến họ, mà chỉ phảng phất đâu đó linh hồn của vở diễn mà chính họ đã góp một phần công sức. Họ chọn sự thầm lặng, lui về phía sau cho câu hát vọng được vang lên…

Ngân lên từ những lặng im
Mắc xích làm nên một bài hát vọng là sự kết hợp giữa tác giả kịch bản – nhạc sĩ – diễn viên. Nhạc sĩ dựa trên nội dung vở diễn mà chắt lọc ca từ, chọn âm điệu phù hợp. Khâu cuối cùng, nghệ sĩ biểu diễn bài hát ấy để chuyển tải linh hồn ca khúc. Theo kịch tác gia Văn Trọng Hùng, hát vọng giúp vở diễn “nói” được điều mà diễn viên chưa thể hiện hết lên sân khấu. Ông đánh giá cao hát vọng trong một vở diễn bởi nó giúp tô đậm thêm lớp kịch hoặc hàm chứa thông điệp của vở diễn. Hát vọng như một đường dẫn đưa người xem đến những hình dung sinh động và để lại nhiều âm vọng về vở diễn.

Những ngày giữa tháng 11, tôi gặp lại NSƯT Đào Duy Kiền khi ông và con trai – NSƯT Đào Trung Nghĩa đang xử lý phần âm nhạc của vở diễn mới Nước Nam niềm khát vọng (kịch bản: Đoàn Thanh Tâm; đạo diễn: NSƯT Hoàng Ngọc Đình). Ông bộc bạch, với vở diễn này, ông chỉ thực hiện duy nhất một ca khúc hát vọng hậu trường được nghệ sĩ hát vọng hát lúc cuối vở diễn. Lời bài hát làm bật lên tiếng lòng của một vị vua đau đáu vì muôn dân: “Ta mong ngày ấy đến gần/ Quân thù sạch bóng thần dân sum vầy/ Lá cờ Tổ quốc tung bay/ Nước Nam độc lập vui ngày tự do”.

Theo NSƯT Đào Duy Kiền, trước đây trong những vở Tuồng cổ, không có hát vọng hậu trường. Hát vọng chủ yếu nằm trong vở mới do Nhà hát công lập dàn dựng. Bản thân ông viết nhạc Tuồng – ca khúc hát vọng đầu tiên trong vở Sư già và em bé vào năm 1969. Ông được xem là một trong số ít những người tiên phong đưa hát vọng hậu trường vào sân khấu truyền thống Bình Định. “Từ thập niên 80, 90 thế kỷ trước, ca khúc hát vọng xuất hiện nhiều hơn và gần như đã thành thông lệ, những vở mới của Nhà hát hầu như đều có hát vọng hậu trường. Hát vọng đã trở thành một phần quen thuộc, tạo nên điểm nhấn trong các vở diễn”, NSƯT Đào Duy Kiền tâm sự. Để viết một ca khúc hát vọng, nhạc sĩ nghiên cứu kỹ lưỡng kịch bản, thuộc nằm lòng các âm điệu từ đó sáng tác ca từ, giai điệu phù hợp. NSƯT Đào Duy Kiền là một bậc thầy lão luyện trong lĩnh vực này. Kế tiếp ông, có cố NSƯT Nguyễn Gia Thiện. Và hiện tại, ông đang truyền hết những gì mình thông hiểu cho con trai – NSƯT Đào Trung Nghĩa.

NSƯT Đào Duy Kiền, một trong những người tiên phong
đưa hát vọng vào sân khấu truyền thống ở Bình Định. Ảnh: V.P

Là thế hệ sau NSƯT Đào Duy Kiền nhưng NSƯT Đinh Văn Nhân cũng đã có hơn 20 năm gắn bó với sáng tác nhạc nền và ca khúc hát vọng. Anh là người chịu trách nhiệm âm nhạc chính cho các vở diễn của đoàn Ca kịch Bài chòi. Anh chia sẻ: “Một vở diễn sân khấu Bài chòi tầm 10 bài nhạc, và thường thì trong đó có 8 bài nhạc không lời và 2 bài nhạc có lời. Đối với những bài hát có lời trong vở diễn, mình phải chắt lọc để gói ghém được nội dung của vở diễn. Như vở diễn Cô thần (kịch bản: Văn Trọng Hùng; đạo diễn: NSND Hoài Huệ) mà nhà hát Nghệ thuật truyền thống đang dàn dựng, mình chỉ viết một ca khúc hát vọng và đặt tên là Trung thần. Ca khúc được nghệ sĩ thể hiện ở đầu và cuối vở diễn, vừa mang tính gợi mở, vừa để người xem lắng lại với hình ảnh của một “cô thần” luôn giữ vẹn trung nghĩa”.

Những nghệ sĩ thầm lặng
Trong số những nghệ sĩ chuyên hát vọng ở Bình Định, người được nhắc nhớ nhiều nhất là NSƯT Kim Thành. Chị sở hữu giọng hát truyền cảm cùng kỹ thuật hát điêu luyện, nhuần nhuyễn các làn điệu của Tuồng. Nhắc về hát vọng hậu trường, chị bộc bạch: “Ca khúc hát vọng thường ngắn thôi. Nhưng nó giữ vai trò khá quan trọng trong một vở diễn. Nhiều khi, ca khúc thể hiện chỉ vài câu nhưng mình phải tìm hiểu kỹ càng cả kịch bản, nắm rõ nội dung, tinh thần của vở diễn. Quan trọng là phải đồng cảm cùng nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu, làm chủ cách nhấn nhá, luyến âm, nhả chữ làm sao để đẩy cảm xúc lên cao trào nhất, da diết nhất có thể”. Vừa nói, nghệ sĩ Kim Thành vừa bắt nhịp lại câu ca xưa trong vở Tiết Giao trả ngọc của kịch tác gia Văn Trọng Hùng: “Hỡi chàng dũng tướng – Hỡi kẻ cầm gươm. Cơ nghiệp đã thành – Giặc dã đã tan. Sao mắt chàng đẫm lệ – Sao trông chàng bâng khuâng. Hãy quên đi, chàng hãy quên đi, thời chinh chiến dâu bể. Chàng hãy quên đi lầm lỗi lúc cầm gươm. Dù bóng ai kia còn đọng lại trong tim. Dẫu day dứt cũng lùi trong dĩ vãng…”. Năm 2003, nghệ sĩ Kim Thành được trao bằng khen Tiếng hát vọng hay trong vở Mộng bá vương tại Liên hoan SKCN toàn quốc. Đó là điều hiếm thấy trong nghệ thuật sân khấu truyền thống, một niềm hạnh phúc lớn của người nghệ sĩ hát vọng. NSƯT Kim Thành đã nghỉ hưu. Tiếp nối chị, sân khấu Tuồng còn các nghệ sĩ khác thể hiện ca khúc hát vọng như NSƯT Hoàng Thanh Bình, NSƯT Thu Thẳm… Họ đều là những diễn viên trụ cột của Nhà hát nên có những thuận lợi nhất định khi tham gia hát vọng hậu trường.

Bên mảng Ca kịch Bài chòi có những gương mặt hát vọng tiêu biểu như NSƯT Thiên Chi, nghệ sĩ Bạch Lan, Thiên An… Năm 2016, khi xem vở diễn Hồn Tháp (kịch bản: Văn Trọng Hùng, đạo diễn Hoài Huệ), nghe tiếng hát vọng của nghệ sĩ Bạch Lan, tôi như bị cuốn theo. Trong vở diễn ấy, nghệ sĩ Bạch Lan vừa là diễn viên – vai nàng Pơ lan vừa đảm nhận vai trò hát vọng hậu trường với những câu hát ẩn gợi về thế giới huyền bí của tháp Chàm, những tâm tư gửi đến mai sau trong việc gìn giữ hồn tháp. Gặp lại nghệ sĩ Bạch Lan, chị xúc động nhắc nhớ về những vở diễn mình góp vai và các ca khúc hát vọng mình tham gia. Chị trải lòng: “Hơn 11 năm gắn bó với đoàn Ca kịch Bài chòi, mình không nhớ hết đã tham gia hát vọng bao nhiêu ca khúc. Trong lòng chỉ tâm niệm, đã nhận bài hát nào là mình nhập tâm, hát bằng tất cả cảm xúc, suy tư của mình. Phải nắm chắc các làn điệu Bài chòi để thể hiện bài hát chỉn chu nhất có thể”. Vừa là một diễn viên năng lực với nét diễn cá tính, có thế mạnh vai giả trai, nghệ sĩ Bạch Lan vừa sở hữu giọng hát vang, nội lực. Chị hát nhiều ca khúc hát vọng, bài hát mà chị tâm đắc nhất trong vở Thời con gái đã xa – một vở diễn nói về những cô gái thanh niên xung phong một thời máu lửa. “Vở ấy, mình vào vai thằng bé Tiến và đạt HCB trong Hội diễn SKCN toàn quốc năm 2010”, Bạch Lan chia sẻ. Nói rồi, như được bắt một nhịp cầu về với quá khứ, nghệ sĩ Bạch Lan cất lời hát: “Có dòng suối nào reo vui như thời con gái. Có dòng sông nào sâu thẳm những thương yêu. Nhớ phút giây nào, tay trong tay bên chiến hào. Nhớ một cuộc đời, đời nhuộm đau môi em…”. Câu hát của chị nghe như vụn lòng người, tôi hình dung đến câu ca ấy hòa quyện trong nền nhạc, sẽ da diết, lắng sâu biết dường nào.

Hát vọng hậu trường, người nghệ sĩ chấp nhận lui về phía sau, cách biệt với những hào quang sân khấu. Vở diễn hoàn thành, mọi ánh hào quang dõi về phía sân khấu, lằng lặng phía sau người nghệ sĩ hát vọng vui niềm vui bé nhỏ, nở nụ cười lành hiền vì hoàn thành công việc, vì đã góp phần nhỏ bé làm nên thành công của vở diễn. Và nói như NSƯT Kim Thành: “Những nghệ sĩ lăn lê bò toài cháy hết mình trên sân khấu, họ xứng đáng nhận được sự quan tâm của khán giả và những niềm vui lớn hơn. Chúng tôi vui trong niềm vui chung khi vở diễn được ghi nhận. Chỉ cần vở diễn ở lại với khán giả, đôi ba người còn nhớ đến câu hát của mình là đã thấy ấm áp rồi”.

PHI NGUYỄN

(Văn nghệ Bình Định số 103 tháng 11.2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Làm nghệ nhân Bài chòi và làm thơ

Lý Thành Long là con nhà nòi hát Bội và Bài chòi dân gian. Từ bé, những làn điệu Bài chòi từ những nghệ nhân bên nhà ngoại đã cuốn hút anh…

Góp lửa cùng đồng đội

Trong chiến tranh và cả trong thời bình, những người lính quân khí luôn có mặt ở mọi nơi, mọi lúc, sát cánh cùng các binh chủng khác hoàn thành sứ mệnh lịch sử…

Soi trong mắt trẻ…

Bằng tình yêu thương, sự quan tâm chân thành, những người lính đã làm cha, làm mẹ “đỡ đầu”, tạo thêm điểm tựa tinh thần để các trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn vững tin đi về phía trước…

Trở lại Trung đoàn 739

Tôi có dịp trở lại với Trung đoàn bộ binh 739 vào những ngày nắng tháng Tám… Thấm thoắt đã 10 năm trôi. Đường vào không phải băng qua con đường đất bụi mù…