Làng dừa bên bờ sóng

(VNBĐ – Tùy bút). Làng tôi nhìn về hướng biển Đông xanh thẳm. Làng như con thuyền bập bềnh bên triền sóng, là lá chắn cho dãy phố sầm uất của thôn Tân Thành, Tam Quan, Hoài Nhơn xưa. Phố Tam Quan xưa là đây chứ không phải những dãy nhà chạy dọc theo quốc lộ IA ngày nay. Phố thị xưa, những cây cầu cong cong; những ngôi nhà cổ kính chạy dọc theo con sông nước xanh trong như lọc; có Bến Đình là nơi giao thương với mọi miền đất nước; có ngôi chùa cổ uy nghiêm, trầm mặc cùng mưa nắng… Những người cao tuổi ở làng tôi còn nhớ tên cái công viên A Sầu có sân chim, vườn cây, hòn giả sơn… đứng bên rừng Quýt – nơi mà người Minh Hương thiên di về đây tạo nên quê kiểng mới. Làng trong tuổi thơ tôi còn có con đường rải đá ven sông, những ngôi nhà cổ nghiêng soi bóng nước, có tiếng chuông nhà thờ kính coong vào mỗi buổi chiều…

Làng tôi giàu có là gió và cát, mùa nào gió ấy. Mùa nắng gió Nồm mang vị biển thổi lồng lộng khiến làn da luôn phớt nhẹ lớp sương muối, rin rít. Mùa mưa, gió và cát đùn đẩy xô bờ.

Thôn Cửu Lợi xã Tam Quan Nam, thôn Công Thạnh xã Tam Quan Bắc là nơi dừa được trồng nhiều nhất ở Hoài Nhơn. Ngày trước, khi khoa học phát triển còn chưa đủ cho dự báo thời tiết kịp tới quê tôi, người dân biết đoán thời tiết dựa vào thiên nhiên, kinh nghiệm của lão nông tri điền, của ngư phủ dạn dày sóng gió theo ngọn gió “Đông phong tín nguyệt”, “tháng Bảy dòm ra tháng Ba dòm vào”, tháng của “chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm”. Buổi sáng trời hanh hao, buổi chiều lại trận mưa rào đổ xuống, nếu không thì phải là một trận gió cát. Tôi ghét cay đắng những trận gió cát, lốc xoáy cuốn cát vào nhà cửa, nồi niêu xoong chảo, vào môi mắt; đùn vào những cây nhãn ven bãi, những rặng phi lao thành những ngôi mộ gió…

Cảng cá Tam Quan. Ảnh: Nguyễn Xuân Tuyến

Thời trước, giao thông trên bộ còn khó khăn, giao lưu chủ yếu bằng đường thủy thì làng tôi vang bóng những chiếc ghe bầu. Phần trên be của chiếc ghe là vài lớp ván mỏng, phần dưới mê được đan bằng cật tre già, lần đầu được trét một lớp phân bò khô, sau trét lên lớp dầu rái, mê ghe rất cứng và dẻo. Những chuyến biển theo mùa, sức kéo là cánh buồm no căng sức gió, xuôi Nam ngược Bắc theo mùa gió. Từ tháng Giêng ghe xuôi Nam mang theo phẩm vật xứ dừa Tam Quan: Dừa xanh trên bến Tam Quan/ Dừa bao nhiêu trái dạ em thương chàng bấy nhiêu (Ca dao). Đến mùng 5 tháng 5 ghe trở về mang theo phẩm vật phương Nam. Hết tháng 5 thì ngược lại.

Làng dựa vào thu nhập chính là sản phẩm dừa, chế biến hải sản và nước mắm.

Ngoài đặc sản về cây dừa, làng tôi còn có nghề chế biến nước mắm. Theo sách Đại Việt Sử ký toàn thư, nước mắm tới Việt Nam từ người Chàm khi đó ở vùng phía Nam Trung Việt. Vương quốc Champa có nhiều thuyền buôn vượt biển đi giao thương với các nước Ả Rập và các nước Địa Trung Hải nên đã nhập cảng nước mắm từ các nước này. Trong Đại Việt Sử ký toàn thư, bản khắc in vào năm 1697 có viết về nước mắm khi đề cập tới việc vua Tống Chân Tông của nhà Tống ở Trung Hoa ban chiếu phong vương cho vua Lê Đại Hành vào năm 997 và bãi bỏ lệnh đòi Đại Việt cống nước mắm do triều đình Trung Hoa đặt ra trước đó. Việc này chứng tỏ người Việt đã làm và dùng nước mắm muộn nhất là vào thế kỷ thứ X.

Nước mắm biểu trưng cho sự đoàn kết và chia sẻ trong bữa cơm của người Việt. Ở đó, chén nước mắm đặt chính giữa mâm cơm. Liệu có món ăn nào tải được giá trị nhân văn lớn lao như vậy hay không? Mẹ ta những rạ cùng rơm/ Thơ là vắt giọt cá cơm mà thành (Đỗ Trung Quân).

Hậu duệ của nghề nước mắm trong đó có bà tôi. Trong số các chủ vựa nước mắm nổi tiếng, ở Thiện Chánh có bà Tựu (tên cúng cơm của bà tôi) cùng với người hàng xóm là bà Lựa; bên kia sông là Chòm Di (xóm làm vi cước cá), Tân Thành có bà Lượng hiện vẫn còn theo nghề và thêm nhiều người khác. Họ có vựa nước mắm mà ngày xưa gọi nhà thùng. Lớn thì có thùng tô nô cao khoảng hai mét, đường kính ba đến bốn mét, được đóng bằng gỗ cây mít để tăng thêm chất cho nước mắm. Nhỏ thì có lu, ảng, tỉn, chát phơi đầy ở góc sân…

Những năm 60 thế kỷ trước, má tôi theo nghề nước mắm như là gia truyền. Bán sỉ thì từ miệt An Lão, Hoài Ân; bán lẻ thì hũ, tỉn, chai, lọ với quang gánh kĩu kịt đi bán dạo từ sáng tinh mơ đến tối mịt, chuyến đi và về bao giờ cũng trĩu nặng. Ai về nhắn với nậu nguồn/ Măng khô gửi xuống cá chuồn gửi lên, gồng lên nước mắm thì gánh về đủ thứ hàng trên nguồn, nên vai luôn trĩu nặng.

Ngày đó, trước sân nhà tôi nơi nào cũng vại cũng chum; lu, chát, hũ, tỉn chất đầy. Có những thứ được bảo quản kỹ, cá cơm muối đến độ chín có rút lù ở dưới đáy. Loại nước mắm đúng điệu phải đựng trong thùng tô nô bằng gỗ mít. Nước mắm nhỉ từng giọt như rút mật đường, nước có màu vàng rơm đến vàng nhạt, thơm cháy mũi. Cứ mỗi buổi sáng, má tôi dạo quanh nhà thùng, kiểm tra từng chén được hứng dưới đáy như người ta thu hoạch mủ cao su; nhìn độ trong, mùi và chất của nó, bà dùng ngón tay quẹt quẹt nơi đầu lưỡi, chép chép mút mút chừng như đo độ nồng nàn… Nước mắm nhỉ để lâu ngày không đổi màu, mùi, để được lâu càng có giá, giống như rượu ủ càng già càng đậm.

Hiện ở Tam Quan có nhiều cơ sở sản xuất nước mắm đã đi xa hơn cái thời làm nước mắm của má tôi hay những người cao tuổi. Họ sản xuất có quy mô và biết quảng bá tên tuổi của mình. Tạo nên tên tuổi cho một thương hiệu là cả một quá trình, họ luôn cải tiến cách chế biến và cách tiếp thị để nước mắm thương hiệu của mình luôn được có mặt trong mỗi bữa cơm gia đình, gây khoái khẩu, đậm đà chất ngon. Nước mắm ngày nay được gia công một ít hương liệu, nên có độ trong vừa phải, có vị mặn đậm đà, khi ăn chỉ rót ra chén, cắt vài lát ớt, gây cay nơi đầu lưỡi, thế là đủ. Nó khác với nước mắm truyền thống, có vị mặn đậm, màu sậm hơn, khó bắt mắt và hơi nặng mùi. Nước mắm truyền thống khi ăn cần nhiều gia vị như tỏi – tiêu – đường – ớt quết nhuyễn, vắt chút chanh làm phụ gia…

Nước mắm gì cũng được
Miễn có mùi để nhớ mà thôi
Mai này em hát đưa nôi
Anh kho cá bống cùng nuôi mẹ già.
(Ca dao)

Ngoài nghề mắm, bà tôi còn có vườn dừa lớn, trẻ thơ tôi đầy ắp những kỉ niệm về mùa giũ dừa. Mỗi năm hai lần, đầu tháng năm và nửa tháng Chạp. Dừa nhiều lắm, người ta tính bằng thiên, mỗi thiên hơn nghìn trái. Bà tôi tuy ít chữ nhưng tính rợ thì rất tài. Bà tính dừa bằng cộng dừa, bẻ ngoặc từng đoạn gọi là bẻ cò. Cứ mỗi lần giũ dừa thì có năm mười cò như vậy. Quên sao được tiếng đập vỏ dừa lách chách của những bà nội trợ làng tôi dội vào cơn mơ tôi còn ngái ngủ mỗi buổi sáng tinh mơ. Vỏ dừa được ngâm trong lu ba, bốn ngày trước cho mềm dễ đập thành sợi. Thằng bé rong chơi dưới rặng dừa xanh ngát, ngắm nhìn những bà nối những sợi xơ đựng trên cái rế treo ở cổ,  đi lòng vòng quanh hai thân cây dừa để tiếp xơ. Nghề thủ công của một thời trông đến khổ sở. Những sợi xơ này bện thành dây neo buộc tàu thuyền, làm sợi dây tơ tình ái cho đôi tình nhân với gàu sòng tát nước đêm trăng, rồi dệt thảm lót chân. Ngày nay, công nghệ sợi bằng vật liệu nylon đã lấn át dây neo xơ dừa. Nghề thủ công xưa đã dần bị mai một…

Đất Tam Quan có độ phì thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp cho dừa phát triển. Nhưng hiện nay, nhiều vườn dừa bị đào gốc để lấy mặt bằng xây nhà, thu hẹp diện tích dừa lại.  Có một thời, nạn tàn phá của bọ cánh cứng làm vườn dừa xơ xác…

Bến Đình (bến Tam Quan) là khu cảng ngày xưa, giờ là cảng cá Tam Quan Bắc, có kè chắn sóng ở cửa biển, dòng sông luôn được nạo vét, cơi nới thuận lợi vào ra cho hàng ngàn chiếc tàu có công suất lớn, đủ sức vươn ra biển cả, chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương xuất khẩu. Nguồn thu nhập bền vững, giàu có riêng cho con người ở đây và cả nước nói chung.

Khu phố Tân Thành sầm uất ngày xưa, giờ vẫn là nơi mua sắm của các bà nội trợ. Dưới bóng đèn đường ấm áp, nam thanh nữ tú vui chơi, giải trí rộn rã lúc đêm về. Những con đường thẳng tắp nối dài phố thị đến Gò Nhãn, giáp ranh Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam là bãi tắm đẹp tuyệt vời, sóng biển rì rào, làn nước trong xanh không thua kém bãi tắm nào trên mọi vùng miền của đất nước đang trở thành khu du lịch đầy tiềm năng.

Thời gian như bóng câu qua cửa sổ. Bây giờ, quê tôi đã là thị xã, là phố là phường, đời sống vật chất đến tinh thần đã dần thay đổi, xứng danh với người phố thị. Thế hệ trẻ hôm nay thay dần lớp người cũ, có tầm nhìn xa rộng để xây dựng quê hương phồn vinh, sánh vai cùng phố thị mọi miền.

NGUYỄN THANH SƠN

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Nơi yên nghỉ cuối cùng

Màn đêm dần buông xuống, hai bên vệ đường không còn một bóng người. Khải cứ đi lang thang trong vô định, tìm kiếm một cái gì đó mà mình đã đánh mất rất lâu…

Giọt lệ nàng An Nhiên

An Nhiên là tiểu thư trong một hào môn dưới triều Chúa Nguyễn Phúc Thuần. Nàng giỏi cầm, kì, thi, họa, nhan sắc hoa nhường nguyệt thẹn…

Khúc hát dòng Lại giang

Vắt mình qua dải đất hẹp miền Trung nhiều nắng gió, dòng mẹ Lại giang như con rồng trườn mình qua bao bãi bồi trước khi hòa vào đại dương mênh mông nơi cửa biển An Dũ…