Lan tỏa văn học địa phương

(VNBĐ – Ghi chép). Từ năm 2018, “Giáo dục địa phương” là một trong những môn học mới trong chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng theo hướng phát triển năng lực, thông qua những kiến thức cơ bản, thực tế từ tỉnh trên cơ sở tích hợp các vấn đề cơ bản của tự nhiên và xã hội giúp học sinh có thêm kiến thức về văn hóa, lịch sử, địa lí, văn học nghệ thuật… của địa phương mình. Những năm gần đây, việc phát triển tủ sách địa phương, đặc biệt là văn học địa phương đã được nhiều trường THPT chú ý hơn. Bên cạnh đó, không ít trường đã tổ chức các hoạt động hữu ích để lan tỏa việc đọc sách trong môi trường học đường.

1.

Đầu năm 2023, trong khuôn khổ Hội thơ Nguyên tiêu ở Bình Định, đã diễn ra cuộc giao lưu đưa Văn học địa phương vào trường Trung học phổ thông do Hội Văn học Nghệ thuật Bình Định và Trường THPT Quy Nhơn phối hợp thực hiện. Việc dạy học văn trong nhà trường và phát triển văn hóa đọc đã được mổ xẻ trên nhiều phương diện. Vấn đề phát triển tủ sách văn học ở thư viện cũng đã được lãnh đạo trường THPT Quy Nhơn quan tâm. Gặp lại thầy giáo Dương Văn Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THPT Quy Nhơn vào những ngày cuối năm, ông cởi mở chia sẻ về hoạt động của thư viện trường và vấn đề đọc sách trong học sinh và giáo viên nơi ông quản lý. Ông chủ ý tạo ra không gian mở để cho học trò khi đến thư viện, ngoài tìm kiếm thông tin, đọc được đầu sách mình quan tâm, còn là nơi mang đến cảm giác thích thú, cho học sinh lưu giữ lại những bức ảnh đẹp. Thầy Minh cho biết, sách liên quan đến địa phương được nhà trường khá chú ý. Ông từng đề nghị mua tạp chí Văn nghệ Bình Định để phục vụ nhu cầu học và đọc của học sinh và thầy cô giáo trong nhà trường. Ông tâm sự, trường vừa mua thêm nhiều đầu sách nghiên cứu với nhiều tư liệu quý về đất và người Bình Định. Khi biết đến một tác phẩm nào đó của Bình Định, hữu ích cho việc dạy và học, đồng thời bổ trợ thêm nguồn thông tin và tạo hứng thú cho việc nghiên cứu, tìm hiểu thêm về quê hương, thư viện trường luôn cố gắng cập nhật. “Nguồn sách thư viện liên tục được bổ sung. Trường cũng tổ chức nhiều hoạt động cho các em tham gia để kích thích hơn việc đọc sách. Chúng tôi tổ chức nhiều chương trình như tặng cuốn sách các em thích đọc nhất cho thư viện trường. Sách sẽ được đóng dấu của trường và lưu giữ cẩn thận. Đó như là một kỷ niệm đẹp cho thời học trò dưới mái trường cấp ba”, thầy Minh tâm sự. Hàng ngày, thư viện trường THPT Quy Nhơn là điểm lui tới của nhiều học sinh và thầy cô. Như đã thành nếp, khi bước vào thư viện, các em trò chuyện, trao đổi với nhau, mỗi em chọn cho mình một góc để xem sách, tìm kiếm thông tin mà mình quan tâm, đồng thời “cập nhật” những hình ảnh với sách để lưu giữ kỷ niệm. Chúng tôi gặp em Lê Thị Diễm Thơ, học sinh lớp 11A4 trường THPT Quy Nhơn đang chăm chú xem các cuốn sách tại thư viện, khi nói về sách, em hứng khởi chia sẻ: “Em hay đến thư viện trường, vì nơi đây có không gian để mình đọc, học bài. Có một số đầu sách mà em thích về kỹ năng sống, các sách về tâm lý, văn học. Một số cuốn tạp chí Văn nghệ Bình Định có nhiều bài viết hấp dẫn. Và nhiều tác giả của Bình Định cũng có ở thư viện, rất tiện cho bọn em tham khảo. Bên cạnh đó, không gian thư viện trường cũng khá dễ thương, bọn em hay lưu lại một số hình ảnh làm kỷ niệm”.

Các bạn học sinh Trường THPT Quy Nhơn đang tìm hiểu thêm các thông tin về Bình Định qua các tác phẩm của các tác giả địa phương. Ảnh: V.P

Ở trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, phong trào đọc sách vẫn luôn sôi nổi, thư viện nhà trường là nơi nuôi dưỡng văn hóa đọc cho nhiều thế hệ học sinh. Hiểu được niềm đam mê đọc sách của học sinh, nhà trường đã tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh xây dựng mô hình thư viện thân thiện, trong đó, công tác phối hợp xây dựng tủ sách được xem là một trong những hoạt động trọng tâm. Thầy Trần Hà Nam, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn nhà trường chia sẻ niềm vui của mình về việc phát triển được thêm nhiều đầu sách. Theo thầy Nam, nguồn sách của trường, nhất là mảng văn học, văn hóa nghệ thuật luôn được bổ sung, từ nhiều nguồn. Nhiều năm nay, các cựu học sinh của trường đã đóng góp khá nhiều đầu sách hay, từ văn học kinh điển đến các tác phẩm về triết học, văn học, nghệ thuật, lịch sử… cho thư viện. Thầy Nam tâm sự: “Đặc biệt, cuối tháng 10.2023, Hội VHNT Bình Định đã trao tặng cho trường gần 30 đầu sách với đa dạng thể loại, làm phong phú thêm tủ sách văn học của trường. Trong danh mục sách vừa cập bến thư viện trường, có các tác phẩm văn học tiêu biểu, các công trình nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học đặc sắc,… Bên cạnh đó, các em còn có cơ hội được tiếp xúc với các tác phẩm văn học của địa phương Bình Định. Sự đa dạng về chủ đề, thể loại của các đầu sách sẽ góp phần thiết thực cho việc đọc kết nối chủ điểm, đọc mở rộng theo thể loại của học sinh trong quá trình học môn Ngữ văn theo định hướng chương trình mới. Với tủ sách văn học phong phú, học sinh trường sẽ có những trải nghiệm thú vị với các tiết học tại thư viện. Ngoài giá trị tư liệu học tập, tủ sách văn học còn góp phần khơi gợi niềm đam mê đọc sách, nuôi dưỡng tình yêu văn học ở học sinh. Với sự đầu tư của nhà trường, sự quan tâm, hỗ trợ của Hội Văn học Nghệ thuật Bình Định, tủ sách văn học của trường sẽ ngày càng phong phú hơn, phong trào đọc sách của học sinh sẽ ngày càng phát triển hơn nữa”.

2.

Dù mới thành lập ba năm trở lại đây, nhưng trường THPT FPT Quy Nhơn đã có nhiều hoạt động hữu ích, giúp sự vận hành thư viện đạt hiệu quả hơn, đồng thời thúc đẩy phong trào đọc sách trong nhà trường, tạo hiệu ứng lan tỏa rõ rệt. Chị Trương Lê Bích Phương, cán bộ thư viện trường cho hay, hiện tại thư viện trường có hơn 1.200 đầu sách, phân loại sách như giáo khoa, sách tham khảo, tâm lý, sách tiếng Anh, tủ sách văn học kinh điển và cả sách văn học địa phương. Nhà trường giao cho thư viện tổ chức nhiều chương trình để kích thích việc đọc ở các em, như lấy sách cũ đổi sách mới, tổ chức “vòng quay may mắn” là một trò chơi nho nhỏ để gia tăng độ tương tác của các em với thư viện. Tháng 12, trường giao cho Tổ Khoa học Xã hội phối hợp với thư viện tổ chức chương trình Tuần lễ sách với nhiều hoạt động bổ ích như vẽ bìa sách, cảm nhận sách… cố gắng tạo hứng thú cho bạn đọc.

Theo cô giáo Đào Thảo Vy, Tổ trưởng Tổ Khoa học Xã hội, trường THPT FPT Quy Nhơn, đầu tháng 12.2023, trường tổ chức chương trình Tuần lễ sách với nhiều hoạt động hết sức ý nghĩa như chương trình Triển lãm “Gặp sách” trưng bày các bìa sách do chính các em học sinh của trường thực hiện; Chương trình Cosplay “Ngược dòng văn học” để cho học sinh hóa trang thành các nhân vật mà các em yêu thích, ấn tượng trong các tác phẩm văn học; chương trình Tranh biện sách “Khối vuông rubic” giúp tăng khả năng hùng biện, khả năng phân tích đa chiều của học sinh trong từng tác phẩm; Chương trình “Hóa thân cùng sách” cho các em nhập vai vào từng nhân vật cụ thể trong sách mà các em ấn tượng… Trong số các chương trình ấy, cuộc thi cảm nhận sách “Khoảng trời tuổi thơ” là nơi để các bạn học sinh tự tin bước lên sân khấu, chia sẻ những quan điểm, góc nhìn của mình về một tác phẩm văn học yêu thích. Qua đó giúp các em phát triển kỹ năng diễn đạt, tăng khả năng tư duy sâu rộng, đồng thời thúc đẩy sự tò mò và khám phá, góp phần xây dựng văn hóa đọc trong trường học. “Khá nhiều cuốn sách hay được các em chọn để chia sẻ những cảm xúc của mình sau khi đọc như Đảo mộng mơ của Nguyễn Nhật Ánh, Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi, Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng. Đặc biệt, có bạn còn chọn tác phẩm văn học của Bình Định, như cuốn Nhặt của nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ”, cô Vy cho hay.

Đêm 06.12, cuộc thi cảm nhận sách “Khoảng trời tuổi thơ” diễn ra tại trường THPT FPT Quy Nhơn. Chúng tôi thực sự bất ngờ vì chương trình thu hút khá đông các bạn học sinh tham gia. Nhiều em ngoài khả năng làm chủ sân khấu, đã thể hiện phần đọc – cảm sách với nhiều xúc cảm đáng quý. Chúng tôi bị chú ý nhiều về phần trình bày cảm nhận sách của em Đặng Trọng Khôi (học lớp 11A4). Khác với những em học sinh còn lại, chọn những tác phẩm đã khá nổi tiếng và được nhiều người biết đến, Khôi chọn cảm nhận cuốn sách mới rợi của một nữ nhà văn Bình Định, tập truyện Nhặt của nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ. Quê ở Phù Cát, vào TP. Quy Nhơn học nội trú ở trường THPT FPT Quy Nhơn, những trang sách từ cuốn Nhặt như làm cậu học sinh lớp 11 này thêm yêu hơn gia đình, bè bạn, có cái nhìn nhân ái hơn trong cuộc đời. Khôi thổ lộ trong phần cảm nhận: “Nhặt xoay quanh câu chuyện về cậu bé Tính. Tính nhặt mọi thứ, để làm hành trang. Nhờ sở thích đó của Tính mà rất nhiều câu chuyện của người thân trong gia đình cho đến hàng xóm, rồi cả người làng lần lượt hiện ra đầy ấm áp bởi những yêu thương và quan tâm dành cho nhau. Qua câu chuyện, nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ muốn gửi gắm tâm tư của mình về một mái ấm gia đình hạnh phúc đến bạn đọc thiếu nhi nói riêng và các độc giả yêu sách nói chung. Khép lại cảm nhận của mình về Nhặt, em nhận định rằng: Sách chính là con thuyền đưa ta đến vùng đất kỳ ảo, ở đây, chúng ta cùng làm quen với những tri thức mới, những người bạn mới. Sách mang lại rất nhiều giá trị đặc biệt cho chính mình. Đôi khi giúp em đắm chìm vào một cuộc phiêu lưu kỳ ảo, lúc thì lại đưa em vào những khu rừng rậm rạp và huyền bí, cũng có những lần sách là người bạn giúp em hiểu sâu hơn về cuộc sống xung quanh mình”. Tại chương trình này, chúng tôi gặp lại Tiến sĩ Lê Nhật Ký (giảng viên Trường đại học Quy Nhơn) đang làm giám khảo chương trình Cảm nhận sách “Khoảng trời tuổi thơ”. Ông đã không giấu nổi niềm vui khi thấy việc đọc sách vẫn còn nhận được sự quan tâm của nhiều cá nhân, đơn vị. Ông tâm sự: “Thời gian gần đây, văn học địa phương đã được chú ý nhiều hơn. Bình Định có nhiều tác giả với những tác phẩm chất lượng đáng để các học viên, sinh viên, người đọc tiếp cận, nghiên cứu, tìm hiểu. Cùng với chương trình giáo dục địa phương, tôi nghĩ rằng việc phát triển tủ sách văn học địa phương trong nhà trường là điều cần thiết để bổ sung vào nguồn tư liệu phục vụ việc dạy và học. Cũng để học sinh, giáo viên trong trường hiểu thêm về những giá trị văn học nghệ thuật của quê hương mình”.

Em Nguyễn Trọng Khôi trình bày cảm nhận của mình về tác phẩm “Nhặt” của nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ. Ảnh: V.P

Bất kì trường THPT nào cũng đều có thư viện, tuy nhiên công suất sử dụng thư viện của nhiều trường học còn khá nhiều hạn chế. Một phần khiến tình trạng ấy xảy đến là bởi số lượng đầu sách của thư viện còn khiêm tốn, các trường chưa đẩy mạnh những hoạt động để khuyến khích việc đọc trong nhà trường. Việc một số trường THPT trên địa bàn tỉnh chú tâm hơn các hoạt động của thư viện trường, các hoạt động khuyến khích việc đọc, phối hợp cùng các đơn vị liên quan để thúc đẩy việc đọc, nhất là tìm hiểu sâu hơn về mảng văn học địa phương là những tín hiệu tích cực, là điểm sáng để thúc đẩy hơn văn hóa đọc, nâng cao thêm chất lượng dạy và học, đồng thời mở ra thêm kênh thông tin để các em học sinh hiểu và yêu quê hương mình hơn.

ĐỨC LINH

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đầy lên ký ức tươi xanh…

Cuối tháng Tư, Hội VHNT phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bình Định tổ chức chuyến giao lưu, thực tế sáng tác tại Đồn biên phòng Cát Khánh, với sự tham gia của gần 40 văn nghệ sĩ, nhà báo…

Độc đáo ẩm thực xứ Nẫu

Bình Định lưu lại trong ký ức nhiều người không chỉ bởi danh lam thắng cảnh, trầm tích văn hóa lịch sử mà còn quyến luyến lòng người bởi thế giới ẩm thực phong phú…

Bừng thức Đề Gi

Đầu năm 2023, khi các phân đoạn của tuyến đường ĐT 639 dọc bờ biển từ TP. Quy Nhơn đến địa phận xã Mỹ Thành (Phù Mỹ) hoàn tất, Đề Gi đã bừng thức…

Ngày xuân đi hội Chùa Bà

Nhón những bước chân trên nền gạch thẫm trong khuôn viên chùa, tôi mường tượng xa xôi về một thuở phồn vinh xưa cũ vào đầu thế kỷ XVII…