(VNBĐ – Thời đàm). Đại hội đại biểu Hội Văn học Nghệ thuật Bình Định lần thứ VI, nhiệm kỳ 2022 – 2027 diễn ra trong môi trường văn hóa vô cùng thuận lợi. Đó là sự quan tâm mạnh mẽ, sự kỳ vọng lớn lao của Đảng và Nhà nước đối với văn nghệ sĩ và văn học, nghệ thuật.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn đánh giá cao vai trò của văn học nghệ thuật và khẳng định đây là mặt trận quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng. Sinh thời, Bác Hồ từng căn dặn: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định, tức là phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân…”.
Từ tháng 7.1998, Hội nghị Trung ương 5, khóa VIII ra nghị quyết chuyên đề “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” đánh dấu một bước ngoặt mới mở đường cho sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, chắp cánh cho văn học, nghệ thuật. Mười năm sau, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, nêu rõ: “Tập trung mọi nguồn lực xây dựng nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng nhân cách con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về chân, thiện, mỹ của các tầng lớp Nhân dân; phục vụ có hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với văn hóa nói chung và văn học, nghệ thuật nói riêng tiếp tục được khẳng định trong Nghị quyết số 33- NQ/TW, được thông qua tại Hội nghị Trung ương 9 (khóa IX), năm 2014 của Đảng. Nghị quyết xác định rõ mục tiêu “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”…
Có thể nói, hơn bao giờ hết, Đảng và Nhà nước đã luôn đánh giá cao vai trò của đội ngũ văn nghệ sĩ và dành cho sự nghiệp phát triển văn hóa nói chung và văn học, nghệ thuật nói riêng sự quan tâm mạnh mẽ và những kỳ vọng lớn lao.
Phát huy truyền thống của “xứ văn chương” từng một thời “Thơ mới” đình đám trên văn đàn cả nước với Nhóm thơ Bình Định mà chủ yếu là “Bàn Thành tứ hữu” gồm: Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Quách Tấn, Chế Lan Viên rồi “Trường thơ loạn” xuất hiện sau đó với những Bích Khê, Hoàng Diệp… và “ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu…, sau ngày đất nước thống nhất cho đến nay, Bình Định luôn có một lực lượng văn nghệ sĩ hùng hậu lần lượt tiếp nối. Ngoài văn chương, đội ngũ nghệ sĩ các chuyên ngành: Mỹ thuật, Âm nhạc, Nhiếp ảnh, Sân khấu, Múa… cũng đã lớn mạnh không ngừng cùng với lực lượng nghiên cứu văn hóa dân gian, văn hóa các dân tộc thiểu số đã làm nên một nền văn học, nghệ thuật Bình Định khởi sắc, đáng tự hào hòa theo dòng chảy của văn học, nghệ thuật cả nước.
Hiện nay, đội ngũ văn nghệ sĩ Bình Định đã phát triển rất đông đảo, chỉ kể những văn nghệ sĩ sinh hoạt trong Hội VHNT của tỉnh đã đạt tới con số hơn 340 người hoạt động trên 8 chuyên ngành: Văn học, Văn nghệ dân gian, Văn nghệ các dân tộc thiểu số, Mỹ thuật, Âm nhạc, Sân khấu, Nhiếp ảnh, Múa… Thời gian qua, đội ngũ này đã cho ra đời một khối lượng tác phẩm đồ sộ và chỉ tính trong 30 năm trở lại, tỉnh đã trao giải thưởng văn học nghệ thuật 5 năm có tên gọi là Giải thưởng Đào Tấn – Xuân Diệu cho hàng trăm tác phẩm chất lượng!
Mặc dù vậy, cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng lực lượng sáng tác văn học, nghệ thuật Bình Định tuy phát triển mạnh về số lượng; các tác phẩm đa dạng về thể loại, phong phú về đề tài và đã xuất hiện ngày càng nhiều những tác phẩm chất lượng, đạt giải cao ở khu vực và toàn quốc nhưng tác phẩm lớn phản ánh sinh động tầm vóc công cuộc đổi mới, có tác dụng tích cực đối với con người chưa nhiều; công tác nghiên cứu, lý luận, phê bình chưa ngang tầm với sự phát triển của sáng tác…
Tại Đại hội đại biểu Hội Văn học Nghệ thuật Bình Định lần thứ VI, nhiệm kỳ 2022 – 2027 chắc chắn phương hướng, mục tiêu cho nhiệm kỳ mới sẽ được xác định cụ thể. Đặc biệt là các giải pháp đề ra nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại từ các nhiệm kỳ trước sẽ được bàn thảo thấu đáo để bước vào nhiệm kỳ mới với tư thế mới – tư thế của sự chinh phục sáng tạo!
Sự nghiệp đổi mới của Đảng và của đất nước đang được đẩy tới tầm cao mới. Cả dân tộc đang đồng lòng, chung tay vượt qua đại dịch Covid -19 và muôn vàn khó khăn, khơi dậy ý chí quật cường, khát vọng phát triển và hào khí non sông để đưa đất nước ta thành một nước công nghiệp phát triển, phồn vinh, hạnh phúc vào giữa thế kỷ XXI.
Văn nghệ sĩ Bình Định hơn bao giờ hết, nhận thức rõ ràng trách nhiệm nặng nề và sứ mệnh vẻ vang của mình là đồng hành cùng dân tộc mình, cùng quê hương, đất nước mình, nỗ lực sáng tạo ra những tác phẩm làm giàu có thêm, nhân ái thêm đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần xây dựng con người toàn diện, làm rạng rỡ thêm truyền thống “xứ văn chương” Bình Định!
DƯƠNG HIẾU
(Văn nghệ Bình Định số 110+111 tháng 6+7.2022)