Khúc đoạn trường của chiến tranh

(VNBĐ – Thơ và lời bình). Cuộc chiến tranh giành độc lập tự do, thống nhất đất nước đã lùi xa 50 năm nhưng trong mỗi số phận con người, mỗi hoàn cảnh đều có một nỗi niềm riêng đau đáu. Nhà thơ Mai Thìn ở Bình Định, cũng có sâu thẳm một vết thương đau trong gia đình, và với phẩm chất của một thi sĩ, ông đã viết nên bài thơ Má tôi và những tiếng chuông. Bằng những hình ảnh thật chân thực và xúc động, bài thơ mang đến một giải tỏa tâm linh, một ám ảnh xa xót từ vết thương do chiến tranh để lại. Từ câu chuyện của gia đình ông: Hai anh em chung một nhà, bố ông là “tử sĩ” bên phía Việt Nam Cộng hòa, chú ruột ông (em bố) thì bên quân giải phóng. Trong chiến tranh, cả hai người đều hi sinh mà không tìm thấy mộ. Bài thơ viết với giọng trầm tự sự, tuần tự như những thước phim quay chậm của tâm trạng. Trước ông, nhiều bài thơ hay viết theo mạch cảm xúc kể chuyện này như Núi đôi của Vũ Cao hay Quê hương của Giang Nam… Chỉ khác những bài thơ đó nói về sự hy sinh của một người, của một phe còn ở bài thơ Má tôi và những tiếng chuông lại dọc ngang hai cung bậc, hai con người chung một gia đình mà ở hai chiến tuyến. Tứ thơ hay và xúc động, xúc động đến từng chi tiết với những nút thắt thật bất ngờ. 

Mở đầu, nhà thơ vẽ nên hình ảnh má mình ở “cùng quê với nhà thơ Xuân Diệu”, thời bao cấp gian khó, ngặt nghèo với nghề dệt chiếu, “lén lên vùng cao bán dạo”. Những tấm chiếu được dệt bằng “những sợi cói mướt mồ hôi”, dệt bằng những chuỗi ngày lam lũ mưu sinh để “nuôi lận đận/ phận mồ côi đi học”. Nhà thơ không nói về đứa con mà chỉ dùng “phận mồ côi”, càng thấy sự nghiệt ngã. Trong đó “mồ côi” để nuôi chí lớn, “mồ côi” trong phận đời nhưng không thể để mồ côi  những con chữ.

Chất tự sự tâm tình nhỏ nhẹ khiêm nhường, cận cảnh và toàn cảnh nhói vào lòng ta cám cảnh: “ba tôi mất khi má mới sinh con/ bát nhang chưa tàn trên bàn thờ không ảnh chú”. Người cha mất khi con vừa mới sinh ra, và cũng là lúc bát nhang trên bàn thờ người chú chưa kịp tàn. Đau thương dồn dập đến với gia đình ấy, và càng thêm trống vắng khi “trên bàn thờ không ảnh chú”. Hai nỗi đau xót xa, hai trĩu nặng tâm tư, hai tâm trạng bi uất khi cả hai người: cha và chú đều không tìm thấy mộ.

Một vô vọng, một khoảng trống, một hẫng hụt! Và một quyết định rất tâm linh cao cả: “tiền tử sĩ không mồ đúc một cái chuông/ gửi trong tịnh thất”. Mạch thơ như đột biến với nhịp điệu thắt lại chứa chất bao tâm sự dồn nén khi: “đêm đêm gióng lên/ tiếng/ hai người đàn bà/ và đứa con chưa biết kêu ba”. Chữ “tiếng” bấy giờ không chỉ là tiếng chuông mà còn là tiếng kêu xé lòng, bung xót của “hai người đàn bà/ và đứa con chưa biết kêu ba”. Hai số phận nương tựa vào nhau, và “đứa con” là điểm tựa tinh thần, niềm an ủi tâm giao. Ba số phận chung một tiếng chuông của người đã khuất. Tiếng chuông bi thương, tiếng chuông bao dung, tiếng chuông nhân hậu, tiếng chuông xoa dịu đi vết thương lòng.

Trong ngày đại thắng mùa xuân thống nhất đất nước với bao niềm vui: “hòa bình về/ cờ hoa tở mở” thì: “nhà tôi vọng tiếng chuông/ nghi ngút/ rớt rơi”. Ở đây như một nghịch cảnh đối lập. Trong khi bên ngoài thì “cờ hoa tở mở”, còn bên trong gia đình ấy là tiếng chuông như bó nhang nghi ngút cháy và tàn nhang rơi rơi. Tiếng chuông không chỉ giải tỏa tâm linh mà còn là niềm bi thương, hy vọng, là cầu nối tâm linh giữa người còn sống với người đã mất. Từ tiếng chuông ấy mà: “hồn chú tôi lạc ở chiến trường Quảng Ngãi/ nương theo mà về”.

Cái hay của bài thơ là tác giả dùng từ mang nhiều thổn thức của tâm trạng. Chỉ một chữ “nương” trong “nương theo mà về” như một cử chỉ nhẹ nhàng, một lối về eo hẹp nhưng cũng đầy chủ động quyết đoán của một vinh danh lặng lẽ.

Sự vận động và cảm xúc của tứ thơ càng về cuối càng cao trào, nén chặt khi: “hai cái chuông treo/ hai mộ phần/ gióng lên/ những giọt cầm hơi/ những giọt cầm canh”. Câu thơ với điệp ngữ “cầm hơi” và “cầm canh” như một cách bấu víu vào tâm linh của người còn sống. Người chết thì “nương” tiếng chuông mà về, còn người sống thì ngày ngày tựa vào tiếng chuông, tựa vào nỗi chờ mong, hy vọng mà “cầm hơi”, “cầm canh” với cuộc đời.

Tôi chợt nhớ đến câu thơ của Trịnh Công Lộc trong bài thơ Mộ gió: “Chạm vào gió như chạm vào da thịt” thì ở đây: “chạm tiếng chuông như chạm vào da thịt, chạm vào hồn người”. Tiếng chuông hội tụ vang vọng, tiếng chuông chan chứa nỗi lòng, tiếng chuông thức tỉnh, tiếng chuông lan tỏa, xót xa. Tiếng chuông đó là sự tái hợp, “hai cái chuông treo/ hai mộ phần” được xây bằng âm thanh, một tượng đài tâm linh được kết nối bằng giao cảm, đồng cảm.

Hai câu thơ cuối nằm riêng một khổ như một sự bình tâm trở lại sau những biến cố đầy nghẹn thắt của tâm trạng: “nghe như thanh bình/ nghe như xa vắng…”. Thời gian rồi sẽ xóa nhòa, khỏa lấp, kể cả nỗi đau, nhưng tiếng chuông vẫn cứ bền bỉ, vẫn kiên nhẫn vang ngân, dẫu đời sau có thể “nghe như thanh bình/ nghe như xa vắng”…

Bài thơ như một vĩ thanh, một khúc đoạn trường của chiến tranh, lan tỏa nhân văn, xa xót…

Má tôi và những tiếng chuông

MAI THÌN

Má tôi làm ruộng ở Gò Bồi
cùng quê với nhà thơ Xuân Diệu
thời bao cấp má dệt chiếu
lén lên vùng cao bán dạo
những sợi cói mướt mồ hôi
nuôi lận đận

phận mồ côi đi học

ba tôi mất khi má mới sinh con

bát nhang chưa tàn trên bàn thờ không ảnh chú

tiền tử sĩ không mồ đúc một cái chuông 
gửi trong tịnh thất
đêm đêm gióng lên
tiếng 
hai người đàn bà

và đứa con chưa biết kêu ba

hòa bình về
cờ hoa tở mở
nhà tôi vọng tiếng chuông
nghi ngút

rớt rơi

bà nội ăn chay trường
tiếng chuông cầu nguyện
hồn chú tôi lạc ở chiến trường Quảng Ngãi
nương theo mà về

tấm bằng Tổ quốc ghi công

hai cái chuông treo
hai mộ phần
gióng lên
những giọt cầm hơi

những giọt cầm canh

nghe như thanh bình 
nghe như xa vắng… 
(Rút từ tập thơ Tạ lỗi với mây xanh, NXB Hội Nhà văn, 2024)
NGUYỄN NGỌC PHÚ

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Sắc màu của tình bạn

Truyện đưa chúng ta vào thế giới của loài rồng, một loài vật ngỡ chỉ có trong huyền sử xa xôi, mơ hồ trong những tô vẽ tưởng tượng của loài người…