(VNBĐ – Nghiên cứu & Phê bình). Thơ sinh ra từ đâu? Từ nỗi buồn, chắc rồi. Và một biểu hiện khác của nó – tột cùng của hoan lạc: cái cô đơn. Những vui vẻ đề huề, những xướng ca, tức cảnh ngâm vịnh, những suy nghiệm vụn vặt, những khéo léo câu chữ…, thật nhiều trên mặt bằng thơ hôm nay; và nếu chỉ vậy, giỏi lắm cũng chỉ là những đèm đẹp và hời hợt, thoảng qua êm dịu hoặc neo gợn chút rồi trôi vèo, tan biến vào vô tăm tích.
Buồn thật, cô đơn thật chứ không phải kiểu màu mè tự tạo. Tự nó, nỗi buồn và sự cô đơn luôn là vẻ đẹp của hồn người. Nhưng cuộc sống không nhiều tạng sang trọng này. Những thanh bần, tự tại thành thơ của kẻ sĩ xưa như một đối trọng với cõi thế ô trọc, vừa tự trào, tự tôn vừa yếm thế. Nó cũng đẹp nhưng còn vương cảm giác sân si, thua thiệt hoặc phép thắng lợi tinh thần. Ở mảng lớn lao khác của nhân quần, những số phận quăng quật để tồn tại, những thấp bé dưới đáy xã hội nỗi mưu sinh, những ngột ngạt bức bối thường trực, những bế tắc tuyệt vọng đời, không có chỗ cho nỗi buồn và sự cô đơn.
Nơi đời sống hầu như không có chỗ cho nỗi buồn và sự cô đơn ấy có thơ không? Có. Hãy đọc Cứ thế mà lớn lên (Nxb HNV, 2016) của Lê Văn Hiếu.
***
Bài dân ca vùng Bình – Trị – Thiên Mười quả trứng có đoạn: “Đi vay đi dạm/ Được một quan tiền/ Ra chợ Kẻ Diên/ Mua con gà mái/ Về nuôi hắn đẻ ra mười trứng/ Một trứng: ung/ Hai trứng: ung/ Ba trứng: ung/ Bốn trứng: ung/ Năm trứng: ung/ Sáu trứng: ung/ Bảy trứng: ung/ Còn ba trứng nở ba con:/ Con: diều tha/ Con: quạ bắt/ Con: mặt cắt xơi/ Chớ than phận khó ai ơi/ Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”. Dù cụ thể một hoàn cảnh, bài ca cũng nêu thuộc tính chung của sự sống: niềm hy vọng.
Nhưng thơ khác. Thơ có thiên chức, “đặc quyền” riêng, và cuộc sống cất lời vô tận mọi cung bậc. Không phải niềm hy vọng, những bế tắc, ngột ngạt trong đời sống đã cất lời như những lạc thú đầy thi vị từ tập thơ Cứ thế mà lớn lên. Chẳng cần tìm kiếm đâu xa, chung quanh thôi, ngó đâu, quờ tay đâu cũng chạm cái bức bối cụ thể:
Trên mái nhà
Ba quả trứng nằm quên không nở
Mẹ trứng bội bạc ra đi
Chạy theo tiếng hót giả
Ngã theo chiếc bóng giả
Cha trứng khàn giọng trở về
Đứng sầu trên máng xối
Chẳng buồn rỉa lông
Lão mèo nhà ta – rình
Chộp được con chim chết
Vuốt râu nhớ một thời trai trẻ
Một bức tranh – buồn
Lòng ta như ba quả trứng
Đang ung.
(Lòng ta như quả trứng)
Chuyện mẹ trứng bội bạc, cha trứng rũ rượi, tuyệt vọng bên ba quả trứng ung và con mèo già vớ bở, đắc ý, là một tứ thơ kỳ lạ. Nó đơn giản như không, về một bức tranh nhân tình thế thái, bằng vài nét tuyệt kỹ. Phác thảo mảng đời sống buồn thành hình khối với tâm trạng, tâm lý các “nhân vật” vậy là quá tinh tế, nhưng sự can dự của nhà thơ từ liên tưởng, so sánh: “Lòng ta như ba quả trứng/ Đang ung” đã đẩy nỗi buồn đến sự ngột ngạt khủng khiếp. Lòng ta – lòng trứng, người quan sát – vẽ tranh, đã thành người trong cuộc. Đó là cái cô đặc của sự nẫu ruỗng, bức bối đến tận cùng!
Còn đây là âm vang từ một chuồng gà chật chội, một nỗ lực thường thấy ở các hoàn cảnh sống muốn “cải thiện”:
Hốt nhiên ngồi nghĩ đến đám gà trong chuồng chật hẹp nhà tôi
Gáy không rõ gáy, cục tác không rõ cục tác, biến giọng
Chúng thèm nắng, mơ mặt trời
Thèm lá cỏ, mơ bới tung bụi đất
Đôi chân thèm chạy nhảy, mơ trèo lên cành cây hét lên một tiếng,
Đôi mắt lờ đờ chúng đã nói.
Mõm chúng đã nói, con lớn vặt lông con bé đã nói,
Những cái cổ tứa máu đã nói.
Ta ngỡ nồi nước sôi đã nói
Mồi nhậu đang chờ người nhậu
Chúng vội vàng vặt lông?
(Trong chuồng gà chật chội)
“Nghe” những đời sống trong không gian chật hẹp cất lời, dù đã “biến giọng”, đầy những “thèm”, những “mơ”; lời “lờ đờ” tuyệt vọng mắt, hoặc tiếng “hét” tuyệt vọng lời, hoặc bứt sát nhau để tồn tại… là một bức tranh khốc liệt. Gà thôi. Còn người đâu, sẽ ra sao cuộc cộng sinh này? Lối thoát “mồi nhậu” chẳng có chút tự trào bi hài nào, mà là một bế tắc, một thất bại.
Đọc thêm một bài nữa, về những loanh quanh sinh hoạt, nhà nào cũng có, rác chẳng hạn: “Không mang áo dơ ra sông giặt/ Nước sông đùng đục thế nào?// Không mang buồn ra chợ kể/ Chợ đã đầy ắp mẹt đớn đau.// Thôi đành sắm sẵn một thùng rác/ Bỏ áo dơ/ Bỏ những nỗi buồn//…//Thùng rác ta đã ném câu thơ viết nhỡ/ Ném mộng mị hoang mang/ Ném những giấc thiên đường// Ném những ruồi mê mật bỏ xác/ Ta tế ruồi/ Bằng khúc lãng quên// Rồi ta cũng sẽ quên nhà mình có một thùng rác/ Sẽ quên mình từng có đồ dơ// Quên mang mặt rầu lù lũ đi buôn chợ/ Quên bến sông trong/ Quên con nước nhờ nhờ…” (Với rác nhà mình).
Có thể nói, với tác giả Cứ thế mà lớn lên, tất tần tật mọi sự, vật, dù sần sùi thô nhám, hay bức bối, trầy xước thế nào, đều có thể thành thơ.
Lê Văn Hiếu người đất đồng An Nhơn – Bình Định, dạt lên đất rừng đất rẫy Lâm Hà – Lâm Đồng mưu sinh. Rượu Bàu Đá với khí chất Bình Định vừa kịp định hình chất trai chàng lãng tử mê thơ, lại gộp với vị tha hương sớm và long đong cơm áo cùng người tứ xứ Lâm Hà, tạo nên phong cách thơ gã. Nó không thể ngang trời tráng chí, không phong lưu gió bụi hào hoa. Mà chỉ hào sảng trong cái chật chội thường trực vây quanh. Và, lấp lánh nhân tình. Mời bạn cùng đọc những câu thơ viết về người thân của gã. Đây, viết về người cha:
Không cần đến nhà ngoại cảm
Con biết chỗ ba nằm
Là mô đất ấy
Là gò đất ấy
Đã biến thành ruộng đồng
Thân thể ba hóa thành lúa
Thành cỏ
Thành con ốc con cá
Thành bụi đời mênh mông
…
Thành cả bướm, rắn, như ám ảnh những người thân; vì người lấy cốt đã chết, mọi sự lạc loài, oan nghiệt. Và gã biết chỗ cha nằm theo cái cách của riêng mình:
Con thấy cây lúa
Con thấy cánh đồng
Con thấy con cua, con ốc
Đang bò trong ruột con…
(Hóa thân)
Còn đây là viết về người phụ nữ tự nhận mình là “miếng giẻ lau”. Bài thơ Giẻ lau với lời ghi (Thơ viết trong ngày 8 tháng 3 – Kính tặng Giẻ…).
…
Giẻ là gì trong phận đời
Tết là gì – giẻ chưa kịp định nghĩa
Huống là ngày tưng bừng
Bên những váy hoa rực rỡ.
Giẻ lau không buồn
Mang dáng dấp kiều nữ
Giẻ lau tách rời
Làm thân phận giẻ.
Tự dưng giẻ lau gõ vào hồn tôi
Giẻ cần gì thơ
Cần gì câu chữ
Xin giẻ lau, lau hộ những trang giấy còn chưa sạch của tôi
Cả đời này tôi yêu giẻ…
Ở bài viết về cha, xác cha không tìm thấy đã biến thành cánh đồng, thành cây lúa, con cua, con ốc “đang bò trong ruột con” là cách viết lạ và cảm động của Lê Văn Hiếu. Nhưng “Giẻ” hẳn gợi ý từ ca dao, những cách tự ví thân phận mình của phụ nữ xưa (đã hẳn xưa?): “tấm lụa đào”, “giẻ chùi chân”…, cái sáng tạo bất ngờ chính ở đoạn kết: người đàn bà của gia đình tận nghèo khó chẳng có khái niệm “tết là gì” bỗng là chỗ vin tựa đầy sám hối của gã chồng mơ màng thi sĩ: “lau hộ những trang giấy chưa sạch”. Câu chữ, thơ, đã như một lạc điệu với chật vật cơm áo huống chi câu chữ ấy có thể còn đèo bòng, tơ tưởng dáng kiều thơm nào đó! Nếu thơ “nịnh vợ” thì “Giẻ” cũng thuộc hàng siêu nịnh. Điều quan trọng là, nó thuyết phục, nó đáng tin, cái khoảnh khắc lương tri thằng chữ nghĩa bừng sáng.
Cái lấp lánh nhân tình trong bừa bộn lo toan, trong chật chội những vụn vặt vây ráp cũng tìm được cách sáng lên với tình, trong thơ gã: “Không thể cất em vào ngăn kéo/ Ở đó còn vài bức thư tình/ Những mảng màu xưa cũ/ Ta chưa nỡ hỏa thiêu/ Ta không nỡ làm em đau/ Sợ cơn gió vô tình/ Quất vào em mắt ứa” (Không thể cất em vào ngăn kéo).
Cũng để làm sang thôi, những tình tang nòi thi sĩ. Nhưng ở khía cạnh đời sống, nó giữ thăng bằng trước những bức bối thường nhật. Cái thường nhật láng giềng rừng rẫy không mấy bạn bè văn chương và lớp ngớp áo cơm, nhà thơ có vô vàn những “bạn” khác: những con thằn lằn, cóc nhái, rắn, chim, những con cua con cá, con kiến…, gần nhất là chó, là mèo. Tất cả ùa vào thơ gã. Là đối tượng mà cũng bầu bạn. Cả đám muỗi vo ve cũng can dự vào trằn trọc suy tư. Đôi khi tự huyễn, hoặc như một liệu pháp: “Ta ngâm mình, ta sen/ Ta nằm chờ con cá lội dưới nước/ Quẩn quanh làm bạn/ Nằm chờ con cua kẹp ngón chân đau điếng/ Đánh lừa cô đơn” (Dưới khe tìm thấy).
Gã như bị bỏ quên ở bìa rừng, xó núi cuộc sống thực, nhưng thế giới rộng lớn hỗn tạp thời công nghệ số vẫn vây bọc, tác động từng ngày. Và gã bật lên, thành thật đến nỗi niềm: “Thiên hạ lành nguyên/ Hay luận chuyện rạn nứt/ Ta trôi trong im lặng// Báo chí ồn ào như chó cắn/ Lùm xùm chuyện đạo thơ/ Chuyện con sãi con vua/ Ta ngứa mắt// Ý nghĩ lem nhem, ngủ dưới chân tóc/ Những sợi ngắn sợi dài/ Bao nhiêu sợi cong cong, ta không biết?” (Loanh quanh những sợi). Có khi phải tự sầy xước, phải làm điều trái khoáy mới bình tâm: “Phải đái dầm một miếng/ phải ướt đẫm quần/ rồi mới ngủ được// Phải chửi đổng một câu/ một câu cay độc/ rồi mới ngủ được// Phải tợp một ngụm rượu/ một ngụm xé họng/ rồi mới ngủ được//…//Những khuôn mặt không cười/ những bàn chân lửng lơ/ như bụi bám bay trên rẻo đất” (Những khuôn mặt không cười).
Những phận đời, phận người khô khốc, sứt sẹo, nhạt hờ đâu đó và cũng từ một mảng đời gã, điềm nhiên, lộc ngộc hoặc nhẹ tênh nảy ra, bước ra, từ thơ gã. Thơ, cuộc bấu víu đầu tiên và cuối cùng của tồn tại gã, có lẽ là đối tác, đối tượng, là bạn đúng nghĩa, duy nhất của gã. Phần trên có nhắc chuyện gã mê thơ, thoạt kỳ thủy, nhưng thơ đã nhanh chóng vừa tri kỷ vừa ám vận đời gã. Riêng với Cứ thế mà lớn lên, gã loay hoay xoay trở, giãi bày cùng thơ rất nhiều lần, mọi cảnh mọi lúc: Bóng mây, Cởi, Cuộc sinh đẻ kỳ quặc, Ghi từ cánh đồng chết, Khúc ánh sáng, Ngọng nghịu thơ, Những chiếc bóng, Rỗng và những ngày rỗng, Thử neo nỗi buồn, thử neo thơ, Trái tim lạnh…
Cứ thế mà lớn lên cũng là tên một bài thơ trong tập, nôm na lời phi lộ về sự hiện hữu của gã, quy luật và lầm bụi, nguồn cội và sinh khởi. Có thể nói thêm, cứ thế mà… thơ. Và có vẻ cuối cùng, gã đã thực sự yên tâm, tìm thấy lựa chọn của đời mình: “Không cần vái lạy/ Không cần tụng niệm/ Để có được câu thơ đẹp” bởi mọi thứ chỉ cần thuận theo lẽ tự nhiên, và đúc kết vừa đơn giản vừa uyên áo: “Nhớ mảnh trăng giấu trong hòn cuội/ Quay về, ngậm một miếng rồi đi…” (Xuôi dòng).
***
Hơn 80 bài thơ trong Cứ thế mà lớn lên tuần tự cũng nhờ máy tính sắp xếp tình cờ theo alphabet chứ không cần chia nhóm, đan xen giọng điệu. Chẳng sao cả. Dù thơ tình, thơ thế sự, thơ về quê hương, người thân, về thân phận người, về chó, gà, chim, kiến… Không cần sắp xếp bởi tất cả đều sinh ra từ thế giới riêng, kiệt cùng và bất lực. Ở đó, con người và thơ vật vã cất lời. Sẽ không có câu thơ đèm đẹp, ý thơ mơn man ve vuốt. Nó “ngửa bài” đến đớn đau mà thăng hoa.
Ai đó từng mô tả việc làm thơ nặng nhọc: “phu chữ” hoặc tinh lọc từ cả tấn nguyên liệu để có từng gờ-ram quặng chữ, là ở ý khác. Với Lê Văn Hiếu, mối quan hệ giữa nhà thơ và thơ vừa tri âm tri kỷ vừa cộng sinh. Và bằng một thái độ nhất quán đến quyết liệt: “Tôi tự nguyện cong mình/ Oằn lưng/ Chữ lép thì có gì để cõng//…// Những cuốn sách thời thượng/ Những cuốn sách còn thơm mùi mực mới/ Thơm thịt da của nàng, sợi tóc của nàng// Tình yêu vô sinh chưa chịu nảy mầm/ Trang giấy giòn khô vỡ ra tiếng khóc” (Cuộc sinh đẻ kỳ quặc). Hoặc: “Người cầm cày vẽ hoa trên luống cày/ Người cầm bút vẽ gì trên luống bút/ Vẽ bóng của mình chăng?// Đã có nhiều nhà văn/ Vẽ bóng mình to/ Ngôi nhà luôn thơm ngát// Nhỡ có một con sâu/ Đã rú lên: -giết, giết!// Hôm qua/ Cô sơn nữ làng tôi, gỡ từng con sâu/ Nhẹ nhàng giữ từng cánh hoa, không vết xước…” (Ghi từ cánh đồng chết). Và đây nữa: “Làm xong câu thơ/ Nằm giãy đành đạch/ Rồi khóc// Bức bối chữ// Ghét/ Cởi áo/ Cởi quần/ Cởi tất cả// Ống xương lạnh/ Móng chân móng tay lạnh/ Nghe chúng ta ra vào nhau lạnh// Chữ cứ ỳ ra/ Sau cơn mưa/ lì lì con dốc// Ta leo lên/ Tuột/ Ta chui xuống/ Trượt// Làm xong câu thơ/ Rồi nằm sấp, nằm úp/ Nấc…” (Cởi).
Đương nhiên, số phận đã gắn gã vào thơ, và cũng như bao nhà thơ khác, cảm giác bất lực luôn thường trực. Những ngột ngạt, bức bối đời sống chẳng thể làm gã sợ, chùn bước, nhưng thơ – “người tình trăm năm”, vừa là sự cận kề vin tựa, thấu hiểu, vừa khiến gã nỗ lực không ngừng trong âu lo:
Ta gọt ta
Như gọt bài thơ cho tròn câu chữ
Đời gọt ta
Cho vừa vặn phận đời.
Ta ngửa mặt hỏi trời
Ta đã đủ làm một gã nhân tình bé nhỏ?
Giữa trời
Nghe tiếng thở dài của gió
Bước hững hờ- bóng mây…
(Bóng mây)
Gã có xứng là một “nhân tình bé nhỏ” của thơ chưa, thực ra cũng chẳng cần câu trả lời. Dù nồng nhiệt tưởng thưởng hay hờ hững, im tiếng. Gã luôn ý thức một cách nghiêm cẩn cùng nỗ lực, loay hoay với số phận mình – người và thơ. Ít nhất, gã đã có cả thế giới những con sâu, cái kiến đồng hành, chia sẻ, có long đong phận người cùng cất lời, lời thấu triệt mà cận nhân tình. Thô nhám, sần sùi và lấp lánh.
***
Nhiều người kêu hoảng lên về sự lạm phát thơ hiện nay. Vô vàn những Câu lạc bộ thơ, Hội thơ nảy nở, lây lan. Viết và in. Sang trọng, và thị trường. Thơ trên trang nhà. Bán hàng online cũng vần vè mấy câu. Chẳng sao cả, thơ và na ná thơ. Vui chơi để sống hay cầu may danh phận cũng được. Vì vàng thau không bao giờ lẫn lộn. Con người thường ảo tưởng, rồi tự sinh tự diệt.
Cứ thế mà lớn lên là tập thơ thứ 6 của Lê Văn Hiếu. Đã có một giọng thơ không lẫn vào đâu. Đã có những tứ thơ bật ra từ những điều ngỡ như không thơ. Quờ tay ra quanh mình, à mà không cần, chỉ nhìn vào bản thể mình, gã cũng có thơ. Thơ thật. Bức bối đời, vắt kiệt trí lực cho từng con chữ cũng trăn trở, day dứt, Lê Văn Hiếu là một kẻ thực sự dấn thân. Và chúng ta đã có, gã, một thi sĩ.
LÊ HOÀI LƯƠNG
(Văn nghệ Bình Định số 95 tháng 3.2021)