Khánh thành tượng thi sĩ Yến Lan

(VNBĐ – Đời sống văn nghệ). Sáng 29.9, tại Nhà lưu niệm thi sĩ Yến Lan (phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn), Hội VHNT Bình Định phối hợp cùng UBND thị xã An Nhơn, Hội VHNT thị xã An Nhơn và gia đình nhà thơ tổ chức khánh thành tượng thi sĩ và chương trình thơ – nhạc tưởng nhớ 25 năm ngày mất của thi sĩ Yến Lan (15.8.1998 – 15.8.2023 âm lịch).

Đại biểu thực hiện nghi thức khánh thành tượng thi sĩ Yến Lan. Ảnh: Nguyễn Hùng Cửu

Tại buổi lễ, các đại biểu, văn nghệ sĩ và người yêu mến thi sĩ Yến Lan thành kính dâng hương tưởng niệm nhà thơ; đại biểu lãnh đạo Hội VHNT, UBND thị xã An Nhơn, Hội VHNT An Nhơn và gia đình thực hiện nghi thức khánh thành tượng thi sĩ Yến Lan đặt tại khuôn viên Nhà lưu niệm. Tượng được đúc bằng chất liệu đồng, cao 60cm, được đặt trên khối đá cao 105cm, rộng 50cm và phần đế (gồm 02 bậc cấp) cao 40cm. Tượng do UBND thị xã An Nhơn tặng, nhà điêu khắc Lê Trọng Nghĩa thực hiện.

Sau phần nghi thức khánh thành tượng là chương trình thơ – nhạc với chủ đề “Nhà thơ Yến Lan với quê hương” gồm nhiều tiết mục diễn ngâm các tác phẩm của nhà thơ Yến Lan như: Bến My Lăng, Cánh màn trong nắng, Bình Định 1935…;  các tác phẩm thơ viết về Yến Lan của các tác giả: Mai Thìn, Trần Như Luận, Nguyễn Thị Phụng… cùng các ca khúc của các nhạc sĩ: Lê Trọng Nghĩa, Trọng Mật…

Thi sĩ Yến Lan tên thật là Lâm Thanh Lang, sinh ngày 02.3.1916, quê An Nhơn. Ông sáng tác thơ từ sớm và cùng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Quách Tấn hợp thành nhóm bạn thơ “Bàn Thành Tứ Hữu” nổi tiếng. Ngoài mảng thơ sáng tác trước 1945 sớm làm nên tên tuổi trên văn đàn và các tập thơ được Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2007 như: Những ngọn đèn (1957), Tôi đến tôi yêu (1965), Lẵng hoa hồng (1968) viết trong những năm tháng ở miền Bắc, Yến Lan còn để lại hơn 500 bài thơ tứ tuyệt được viết trong những năm cuối đời trên quê hương An Nhơn.

PHI NGUYỄN

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

“Thơ ngày tháng cũ” của Trần Xuân Toàn

Trần Xuân Toàn không chuyên chú với thơ. Nhưng chính sự am tường, đồng cảm là ngọn nguồn cảm xúc của anh với thơ, dù rời rạc nhưng nó bắt kịp sự đồng điệu giữa tâm hồn…