(VNBĐ – Bút ký). Trong đêm khuya vắng giữa nhà sàn ấm hơi lửa, tiếng đàn goòng bật lên những thanh âm róc rách như dòng suối mát. Nơi đây, tiếng đàn goòng như một kết nối đối với người Bana Kriêm, cũng là thang âm của xao động núi rừng giữ chân lãng khách. Tôi lại về Vĩnh Thạnh để nghe trong ché rượu cần thơm thơm, âm thanh dìu dặt của đàn goòng, thăm thẳm những xa xưa, thăm thẳm những nỗi niềm…
Nghệ nhân & tiếng goòng
Đàn goòng là một trong những nhạc cụ truyền thống thông dụng của người Bana Kriêm. Nó còn được gọi là preng, có nơi gọi là hơ yoh hay teng neng (tinh ninh). Đàn goòng thường được người Bana, Xê Đăng, Gia Rai, Mạ… sử dụng. Tôi nghe tiếng đàn goòng trong nhiều dịp về các bản làng miền núi. Không gióng giả như cồng chiêng, chẳng âm vang như blơng khơng, nhạc goòng âm lượng chỉ vừa đủ cho một không gian khiêm tốn. Đặc biệt, càng ở không gian tĩnh mịch, thinh lặng, nhất là vào buổi đêm, tiếng goòng càng dễ làm người nghe bồi hồi. Cách đây đã nhiều năm, tôi về làng Kon Blo ở Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh), NNND Đinh Chương đã cho tôi nghe những âm thanh đàn goòng ở khoảng sân trước nhà sàn của ông. Tiếng đàn như dìu bước chân tôi lang thang về miền nào đó xa ngái. Tâm hồn tôi như kẻ mộng du đi lạc giữa bạt ngàn đồi cỏ xanh rì, đang bước chân trên thửa ruộng bậc thang tắm táp dưới cơn mưa phùn báo hiệu những ngày cuối hạ. Đến khi nghe tiếng người nghệ nhân làng Kon Blo hỏi thấy tiếng đàn thế nào, tôi chỉ biết cắc cớ trả lời: “Hay và quyến rũ lạ, bác ạ”.
Đêm đó, tôi ngủ lại nhà NNND Đinh Chương, ông kể tôi nghe về bao câu chuyện của người Bana Kriêm, về sự say mê của ông với những làn điệu dân ca và các loại nhạc cụ mà ông học hỏi cách chơi và chế tác từ những tháng ngày trước năm 1975. Không chỉ giỏi múa, hát, kể hơmon, Đinh Chương còn là bậc thầy về chế tác và biểu diễn các loại nhạc cụ của đồng bào Bana. Khi nói đến đàn goòng, ông say sưa khoe cây đàn tự tay ông đi chọn ống mò o, làm cần, chọn bầu loa, gắn dây, căn chỉnh âm… Ông bảo, đàn goòng sử dụng trong nhiều dịp của người Bana, tiếng đàn chia sẻ niềm vui khi người làng được mùa, làm vơi đi nỗi buồn những lúc một mình hay những hôm lên rẫy, hay đó cũng là tiếng tâm tình để cho đôi trai gái tỏ bày tình cảm.
Về lại Vĩnh Thạnh lần này, tôi được chan hòa trong cảnh sắc thiên nhiên núi rừng mênh mang, đặc biệt là chứng kiến cuộc hội ngộ của những nghệ nhân làng, nghe tiếng goòng bên dòng Tà Má với nhà nghiên cứu (NNC) văn hóa dân gian Yang Danh, nghệ nhân Đinh Y Đem, nghệ nhân Đinh Ngọc Lối. Chẳng hẹn mà gặp, một cách ngẫu hứng, họ ngồi lại, ôn lại bao chuyện cũ xưa và nói về tiếng đàn đã từng ngự trị trong tâm khảm bao người Bana Kriêm trước đây. Anh Đinh Văn Đem (sinh năm 1970, ở làng Hà Ry, xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh) người chơi đàn t’rưng hàng đầu của huyện Vĩnh Thạnh cũng là người chơi đàn goòng hay tại đây như cởi mở hơn khi nói về đàn goòng. Bị bại liệt đôi chân từ bé, tiếng đàn như xoa dịu đi mọi nỗi đau thể xác, dìu anh qua mọi phiền ưu trong cuộc đời. Anh sải bàn tay nhẹ hều lướt qua những mỏm đá ven suối Tà Má để hòa điệu cùng tiếng đàn tiếng hát của những nghệ nhân làng. Từ làng bên, ông Đinh Ngọc Lối (sinh năm 1959, ở khu KlotPok, thị trấn Vĩnh Thạnh) cũng đến bên suối Tà Má. Mang cây đàn goòng đưa lên ngang ngực, ông cũng thả thân mình đung đưa cùng nhịp điệu. Ông học cách chơi đàn từ ba, rồi cứ ê a mà hát ca theo kiểu hoang dã núi đồi. Họ chơi đàn theo những khúc hát dân ca của người Bana Kriêm. Đôi lúc, họ còn ngân tiếng đàn với những giai điệu hết sức quen thuộc. Nghe một lúc, tôi nhận ra tiếng đàn goòng mà nghệ nhân Đinh Ngọc Lối chơi đang phổ theo bài hát Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Rồi nhiều những bài khác nữa, khi ngồi, khi đứng, tiếng goòng như gõ vào vắng xa những âm thanh làm người khác thích thú.
NNC Yang Danh bảo rằng: “Đàn goòng có sau hơn rất nhiều năm so với các loại đàn như t’rưng, plơng khơng, tơ‘lía… Đàn goòng có cấu tạo khá đơn giản nên cũng dễ học hơn một số loại nhạc cụ khác. Nhưng để chơi hay, buộc phải tập luyện nhiều, đặc biệt là phải học thuộc nhiều bài dân ca Bana Kriêm để đàn goòng phong phú âm điệu hơn”. Chúng tôi đắm chìm vào những âm điệu ấy đến khi mặt trời ngả bóng khuất sau ngọn núi Gió đằng xa của Vĩnh Thạnh.
Giai điệu tâm tình
NNC Yang Danh đã có nhiều công trình ghi chép lại những nét văn hóa đặc sắc của người Bana Kriêm, trong đó có cả cách chế tác, trình diễn từng loại nhạc cụ truyền thống. Theo ông, việc chế tạo đàn goòng không mấy phức tạp. Người ta lấy một đoạn ống cây mò o, để mắt ở hai đầu ống mà người Bana Kriêm gọi là Kơtú. Sau đó chọn vị trí đặt cần cây đàn, khoét lỗ và cố định cần đàn. Cần cây này chủ yếu là để chỉnh các âm điệu cho thật chuẩn theo ý muốn của người sử dụng. Tiếp đến, ta đặt toàn bộ mười ngón tay trên ống thân cây đàn để chọn khoảng cách giữa sợi dây đàn này với sợi dây đàn kia. Những sợi dây này phải là những sợi kẽm lớn hơn sợi tóc, dẻo và bền. Đo được khoảng cách giữa sợi dây này với sợi dây kia rồi, ta lấy ống cây mò o đã được chặt, chuốt sẵn, chừa một đoạn chừng một bàn tay người lớn, sau đó đục thông một lỗ rộng lọt một ngón tay trỏ người lớn; đây là một lỗ chuẩn, đồng thời cũng là lỗ móc để đặt các cần dây của nhạc đàn. Sau khi xác định khoảng cách từng loại dây, bây giờ tiếp tục phải tìm khoảng cách của từng loại cây cần dây đàn. Người chế tác khoan tiếp một lỗ, cách lỗ móc chừng ngang ngón tay cái người lớn. Đã có hai lỗ, người chế tác tiếp tục khoan năm lỗ nữa để tương ứng với các nốt nhạc Son, La, Rê, Mi, Đố trong các bài dân ca của người Bana Kriêm. Nhạc đàn goòng âm thanh không kêu to, không vang xa, nên muốn nghe rõ hơn người ta phải cắm theo một hoặc hai “loa” làm từ trái bầu khô đã lấy hết hạt bên trong. Hai “loa” được gắn hai đầu của cây ống nhạc đàn goòng, để có tiếng vang xa hơn. “Đàn goòng sử dụng rất rộng, làn điệu dân ca Bana hát được những bài gì, dù buồn hay vui, nhanh hay chậm, đàn goòng đều thể hiện được. Âm điệu chính của đàn goòng thể hiện ba sắc thái: Sôi nổi, rộn ràng; Buồn; Giai điệu giao duyên; Giai điệu ru con”, NNC Yang Danh chia sẻ.
Một chiều muộn sau cơn mưa, trời mát dịu, tôi cùng nhà nghiên cứu Yang Danh đến thăm một nghệ nhân lớn tuổi chơi đàn goòng. Nhà ông ở ngay dưới chân hồ Định Bình, thuộc làng Thanh Quang, xã Vĩnh Hiệp. Ông tên Đinh Khuôi, sinh năm 1949. Ông là một trong số ít những nghệ nhân lớn tuổi của cộng đồng người Bana Kriêm trình tấu nhuần nhuyễn đàn goòng. Như cây cổ thụ mang linh hồn của rừng sâu hoang dại, Đinh Khuôi đặc sệt nếp sống người Bana Kriêm, yêu văn hóa Bana Kriêm như máu thịt. Ông thổ lộ: “Tôi chơi đàn goòng từ nhỏ, học từ cha và các cụ ở làng. Tôi có thể chơi đàn goòng theo giai điệu của hơn 30 bài dân ca Bana Kriêm”. Có thể trình diễn đàn goòng theo nhiều bài hát hiện đại nhưng Đinh Khuôi bộc bạch, ông vẫn thích hơn cả khi sử dụng đàn goòng để thể hiện những giai điệu dân gian của đồng bào Bana mình, nó gần gũi, mộc mạc và thân thương vô chừng.
Cuộc trò chuyện của hai nghệ nhân lớn tuổi mở ra thêm nhiều điều thú vị. Như được cời thức điều gì đó, NNC Yang Danh thêm phần nhiệt thành khi nói về đàn goòng. Ông nhấn mạnh về giai điệu của đàn goòng, người Bana Kriêm tạo điểm khác biệt của đàn goòng với những dân tộc thiểu số khác khi trình diễn đàn theo giai điệu của dân ca Bana. Như khi nói về giai điệu giao duyên, NNC Yang Danh nói đến một không gian trữ tình. Một buổi sớm mai, khi màn sương còn phủ nhẹ trên mặt lá, khi gian bếp nhà sàn nhà ai đã đỏ lửa, mặt trời còn ngủ muộn chưa kịp thức giấc, chàng trai thoáng thấy bóng người con gái nhà bên mà mình thầm thương trộm nhớ, liền lấy cây đàn goòng rồi thanh thót cất lên: “Truh jăr puih mak/ Pơ kao A.droong ‘mâu, ’mâu phu,/ Pơ kao K.prak ‘brông ‘brang truh/ Hăm ‘moih, oh h.nhei – hăm ‘moih/ Vă, be ba a.dring chơng năm…” (Tạm dịch: Ngày mai trời nắng đẹp/ Hoa Adroong mùi thơm ngát/ Hoa nghệ rừng đỏ nụ/ Em thấy có thích không,/ Nếu được, ta vui cùng…). Nghe tiếng nhạc cây đàn goòng ngân lên thổn thức, cô gái nhà bên cũng đem hạ cây nhạc đàn hehô xuống, rồi cũng trả lời bằng giai điệu: “Năr khei liêm bu bí vă ‘moih/ Mâu phu pơ kao Adroong bu bí hanh/ ‘Mâu phu pơ kao kprak bu bí vă/ Inh lah, hli akei đâng trôm,/ Inh hli kon oong đâng pơ kao?…” (Tạm dịch: Ngày đẹp, đi rừng ai chẳng muốn/ Hoa Adroong thơm, ai chẳng biết/ Nụ hoa kprak, ai chẳng muốn nhìn,/ Chỉ sợ con kiến trong ổ/ Chỉ sợ hoa thơm có con ong?). Câu chuyện như chảy vào trong những thang âm giai điệu, làm kẻ hay mơ mộng như tôi thêm yêu thích những ngân rung từ tiếng goòng dưới chân hồ.
Nghe trong niềm nỗi…
Theo nhà nghiên cứu VHDG Yang Danh, so với các loại nhạc cụ cổ truyền khác của người Bana Kriêm, hiện nay ở các làng, đàn goòng vẫn còn được lưu giữ và phát huy giá trị, được các nghệ nhân trình diễn trong các lễ, hội lớn nhỏ. Tuy nhiên, so với trước đây, người sử dụng và chế tác loại nhạc cụ này đã giảm đi khá nhiều. Tôi còn nhớ rõ sự nuối tiếc của nghệ nhân Đinh Văn Đem khi hỏi thăm anh về những người còn sử dụng đàn goòng trong làng. Ánh mắt anh khi ấy thật buồn, giọng anh trầm lắng xa xăm: “Trong làng, chỉ còn bốn người biết chơi loại đàn này. Tôi là người trẻ nhất trong số ấy…”. Tôi như lặp lại cảm giác man mác ấy trong đêm ngồi cùng người nghệ nhân già ở làng Thanh Quang. Ông Đinh Khuôi chỉ cười nhẹ tênh như đã chấp nhận, ông nói: “Không tìm ra người học. Mấy đứa trẻ bây giờ chỉ thích đồ điện tử tiện lợi. Thực tế, đã có nhiều loại nhạc cụ truyền thống cũng đã mai một”. Tôi hiểu rằng, đằng sau lời nói ấy là thăm thẳm nỗi niềm. Không xót sao được với những người thế hệ ông, đặc sệt văn hóa Bana Kriêm đang tận mắt thấy những giá trị văn hóa cổ truyền mà mình từng chăm chút, lưu giữ dần biến mất.
Nhiều lần, tôi như hẫng đi một nhịp vì khi ghé thăm các làng, thay vì được nghe những âm điệu mang sắc màu của núi rừng, của độc đáo bản địa thì chỉ còn tiếng pha tạp của âm thanh điện tử, loa kẹo kéo mà mỗi nhà trang bị cho “bằng vai phải lứa” với người ta. Nguyên bản cây đàn, có nơi còn không lưu giữ được khi họ độ chế lắp ghép tùy tiện, như trường hợp của một làng vùng cao ở huyện Hoài Ân mà trong một chuyến đi đầu năm 2023 tôi và nhà nghiên cứu Yang Danh đã chứng kiến, họ thay bầu ống cây đàn bằng một… thùng nhựa, cồng kềnh và mất tính thẩm mỹ.
Đã nhiều năm trước, tôi nghe đến việc những nghệ nhân dự định đề xuất các ngành văn hóa và cơ quan liên quan để mở lớp truyền dạy và chế tác nhạc cụ truyền thống. Nhưng ý định ấy vẫn chưa thành hiện thực. Việc cấp thiết này không phải nhiệm vụ của riêng ai, những lần lữa sẽ vô tình chôn vùi biết bao giá trị. Rời Vĩnh Thạnh, dõi nhìn về ngọn núi Gió, tôi như thấy ở đó những gương mặt khắc khoải của già làng. Chẳng biết rồi những lần sau trở lại, tiếng đàn goòng còn thổn thức đâu đây hay chìm khuất vào cõi nào vắng bặt.
PHI NGUYỄN