Huyết Nhạn

Minh họa: Nguyễn Chơn Hiền

(VNBĐ – Truyện ngắn). Đoàn người cứ rơi rớt dần trên đường rút lui, lẩn trốn sự truy quét của quân Nguyễn Ánh. Lúc đầu, Hoàng Thái hậu Bùi Thị Nhạn bàn với vua Quang Toản và Khang công Trần Quang Thùy theo sông Đuống về Nam Sách. Nhưng quân Nguyễn từ Vị Hoàng đã tấn công Hải Dương nên đành phải hướng về Bắc Giang, cố gắng vượt sông Cầu đến sông Giang. Hai thổ hào Vũ Thám và Trần Huy Giao theo nhà Nguyễn, kích động đám đông dân chúng truy đuổi khiến mọi người càng thêm rệu rã, mệt mỏi.

Bùi Thị Nhạn ngước mắt nhìn bầu trời xanh thẳm. Những cánh chim tự do bay lượn phía trên chẳng cần biết đến những điều đang diễn ra dưới mặt đất. Bùi Thị Nhạn cúi nhìn đoàn người, từ hơn một ngàn quân bảo hộ, giờ chỉ còn lại hơn một trăm người. Khúc sông Xương Giang vẫn hờ hững chảy. Nàng chống kiếm, đứng dậy. Nàng nhớ Tiên đế. Nhớ những ngày tháng tung hoành cùng Tây Sơn Ngũ Phụng thư. Nhớ những vị tướng của Tây Sơn đã ngã xuống. Nàng tự hỏi mình, triều đình nhà Tây Sơn đã có những dấu hiệu suy yếu từ lúc nào mà nàng chẳng nhận ra. Từ lúc Tiên đế băng hà. Từ lúc người anh trai Bùi Đắc Tuyên của nàng chuyên quyền, mưu đồ bất chính. Nàng mải sống trong những bi lụy nữ nhi thường tình mà bỏ qua tất thảy. Nàng không làm tròn trách nhiệm Tiên đế giao phó. Mai này, nàng còn mặt mũi nào đi gặp người.

Những ký ức cuồn cuộn như từng lớp sóng xô hết đợt này đến đợt khác tràn đầy trong suy nghĩ của Bùi Thị Nhạn.

***

Người cung nữ của Bắc Cung chạy vào, quên cả phép tắc lễ nghi, quỳ xuống dập đầu hốt hoảng:

– Hoàng Thái hậu, xin người hãy cứu Bắc cung hoàng hậu.

Hoàng Thái hậu Bùi Thị Nhạn giật mình, vội vàng hỏi:

– Bắc cung hoàng hậu gặp chuyện gì mà ngươi phải chạy tới đây cầu cứu? Nhanh nói ta nghe.

Người cung nữ không dám ngẩng đầu, nghẹn ngào:

– Bẩm Hoàng Thái hậu, Thái sư cho quân lính đến áp giải Bắc cung hoàng hậu, nói Bắc cung hoàng hậu đầu độc Tiên đế.

Hoang đường! Bùi Thị Nhạn bật đứng dậy. Thái sư Bùi Đắc Tuyên ngày càng lộng quyền, tự tung tự tác. Nàng vỗ mạnh tay xuống mặt bàn:

– Đi! Để ta xem có ta ở đây, ai dám thêu dệt những chuyện hoang đường như vậy!

Dù đã từng đố kị, ghen tị vì sự sủng ái Tiên đế dành cho Bắc cung hoàng hậu Lê Ngọc Hân, chưa bao giờ Hoàng thái hậu Bùi Thị Nhạn nghi ngờ nàng có liên quan đến cái chết của Tiên đế. Tình cảm của Tiên đế dành cho Ngọc Hân và tình yêu, sự ngưỡng mộ Ngọc Hân dành cho Tiên đế, Bùi Thị Nhạn là người chứng kiến, thậm chí đã từng ao ước, mong đợi. Nàng nhớ như in những tháng ngày lòng mình dằn vặt, ghen tuông trước tình yêu ấy…

Năm Bính Ngọ, Bắc Bình Vương lấy danh nghĩa “phù Lê diệt Trịnh” chinh phạt Bắc Hà thắng trận trở về, đem theo nàng công chúa “cành vàng lá ngọc” đang ở độ tuổi đôi tám mơn mởn, tràn căng sức sống Ngọc Hân. Kể từ đó, ngoài những lúc bận rộn sự vụ, triều chính, người đắm chìm trong nhan sắc ấy. Chính nàng – Chính cung Hoàng hậu – dù mang trong lòng sự ghen ghét, đố kị đàn bà thường tình của kiếp chung chồng cũng phải thừa nhận Ngọc Hân công chúa là người tài sắc vẹn toàn. Khuôn mặt trái xoan hiền dịu, nụ cười thùy mị, giọng nói nhẹ nhàng xứ Bắc Hà, dáng hình yểu điệu thanh tao và cả ngón đàn điêu luyện, réo rắt say đắm lòng người. Vẻ đẹp của Ngọc Hân như đối lập với nàng. Nàng xuất thân là võ tướng, quen gươm đao, cung nỏ, nào biết đến cầm, kỳ, thi, họa. Có lẽ, nét dịu dàng của Ngọc Hân đã làm mềm đi trái tim đã quen với chiến trận của Hoàng thượng, gieo vào lòng người những ngọt ngào, êm ái và cả những thư thái sau những tháng ngày gian khổ rong ruổi trên chiến trường, đối diện với kẻ địch, chỉ có giáo gươm và những tiếng hô xung trận. Bùi Thị Nhạn đã có lần được nghe Ngọc Hân đàn. Tiếng đàn trầm buồn, tha thiết và lay động. Nếu không có một tâm hồn trong sáng, một trái tim thanh cao thì có lẽ không thể cất lên những tiếng đàn rung động lòng người đến chừng ấy. Đã bao lần, tim Bùi Thị Nhạn như bị ai cứa khi bắt gặp ánh mắt dịu dàng Hoàng thượng dành cho Ngọc Hân. Ánh mắt ấy chưa bao giờ dành cho nàng. Chuyện tình của Hoàng thượng và công chúa Ngọc Hân đã thành giai thoại ở chốn nhân gian, người người ngưỡng mộ. Người dân ở kinh thành chắc hẳn còn mãi nhắc đến và mơ mộng về cành hoa đào Xuân Kỷ Dậu. Vừa đại thắng trước 19 vạn quân Thanh, áo bào còn vương mùi thuốc súng, Hoàng thượng đã vội cho ngựa trạm đem cành đào Nhật Tân vào tận Phú Xuân để tặng Bắc cung hoàng hậu Ngọc Hân để báo tin mừng chiến thắng, và cũng là để Ngọc Hân nhìn thấy cành hoa báo xuân đặc trưng của xứ Bắc. Không đắm say, không trân quý thì chẳng có người đàn ông nào lại để tâm đến điều ấy.

Chính nàng, dù đã là Chính cung Hoàng hậu mà cũng ngưỡng mộ đấy thôi!

Hoàng thượng thường tự hào nhắc lại đám cưới của người và Ngọc Hân công chúa vào năm 1786 giữa kinh thành Thăng Long. Người đã dâng 200 lạng vàng, 2.000 lạng bạc và 20 tấm đoạn làm sính lễ đón dâu. Ngày cưới, cờ quạt, tán lọng muôn hồng ngàn tía bày rực rỡ, trai gái trong kinh thành đổ ra xem đông như trẩy hội. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để biết vị trí của Ngọc Hân trong lòng người có ý nghĩa nhường nào.

Đã bao lần Bùi Thị Nhạn tự hỏi lòng mình có ghen, có giận, có oán trách hay không?

Có người đàn bà nào nhìn thấy, biết được phu quân của mình yêu, thương, nâng niu một người đàn bà khác mà lại không ghen, không giận. Nhưng oán trách, thù hận thì nàng không làm được. Oán trách ai, thù hận ai? Phu quân của nàng ư, người đàn ông nàng đã si mê từ ngày còn là thiếu nữ, từ ngày mới gia nhập đội nữ binh Tây Sơn, trở thành một trong Tây Sơn Ngũ Phụng thư ư? Chính nàng đã lựa chọn con đường này, lựa chọn việc rời quân ngũ, trở thành một người vợ, một ngời mẹ thì làm sao có thể oán trách. Hận Ngọc Hân ư? Nàng ấy cũng đâu có tội tình gì. Tội của nàng ấy là yêu và được yêu ư? Người ta bảo chốn thâm cung chất chứa nhiều âm mưu, nhất là những người đàn bà trong cung cấm lại càng có nhiều thủ đoạn để tranh sủng, để loại bỏ “tình địch”. Nhưng những năm tháng cùng đội nữ binh Tây Sơn, sự kiêu hãnh của một nữ tướng không cho phép nàng sử dụng những mưu kế bẩn thỉu ấy. Nàng không muốn dùng những quanh co, vẹo vọ để đối xử với người khác. Dù rằng, người con gái ấy là người mà phu quân của nàng yêu tha thiết, là người khiến nàng hàng đêm vò võ đối diện với cái bóng của chính mình.

Có đôi khi, đặt vào vị trí cùng là phận đàn bà, nàng thấy lòng mình có chút đồng cảm với Ngọc Hân.

Cô công chúa mới mười sáu tuổi đầu, chưa từng rung động vì bất cứ một người đàn ông nào, chưa từng yêu ai chấp nhận gả cho người đàn ông mình chưa từng quen biết để đổi lấy sự bình an của vương tộc nhà Lê. Lúc được đưa đến dinh Uy Quốc công, chắc hẳn nàng cũng hồi hộp, lo sợ. Rồi nàng lại rời xa gia đình, rời xa Thăng Long để theo chồng về Phú Xuân. Nhà Lê ngày càng mục ruỗng, dòng tộc tan tác chẳng biết ai còn ai mất, phận gái theo chồng, nhớ thương, đau xót cũng chỉ có thể ngậm ngùi vọng cố hương. Ngọc Hân được Hoàng thượng trân trọng, yêu mến cũng coi như là niềm an ủi của nàng ấy. Và để đáp lại, nàng ấy cũng yêu Hoàng thượng bằng cả trái tim thiếu nữ của mình, bằng sự mến mộ một người anh hùng, bằng sự say mê một người đàn ông mạnh mẽ và quyết đoán. Bùi Thị Nhạn có thể cảm nhận được tình yêu của Hoàng thượng dành cho Ngọc Hân cũng như tình yêu của Ngọc Hân dành cho Hoàng thượng đã vượt qua sự ràng buộc ban đầu là hưng vong vương tộc nhà Lê.

Nhìn ánh mắt Ngọc Hân công chúa dành cho Hoàng thượng, Bùi Thị Nhạn ngỡ như bắt gặp thứ tình cảm thủa ban đầu của mình. Ngày ấy, nàng cũng là một cô thiếu nữ hồn nhiên và mơ mộng, trót vướng vào ánh mắt của vị anh hùng áo vải mà mê luyến cả một đời. Đã từng ước mơ mình cùng người đàn ông ấy như đôi chim nhạn liền cánh một đời một kiếp.

Ngày ấy, nàng là đứa con gái út được cha mẹ và các anh chiều chuộng, nâng niu. Nàng không thích học cầm, kỳ, thi, họa mà thích học võ, học kiếm để phòng thân. Nàng là cô ruột của nữ tướng Bùi Thị Xuân nhưng lại ít tuổi hơn nên thường theo Xuân luyện tập võ nghệ. Rồi nàng theo Bùi Thị Xuân gia nhập Đội nữ binh Tây Sơn. Chính những ngày trong Đội nữ binh, nàng gặp Đại Tổng quản Nguyễn Huệ.

Ngay lần đầu gặp gỡ, nàng đã bị cuốn hút ngay bởi nét khí khái, mạnh mẽ đầy nam tính của vị Đại Tổng quản. Gương mặt rắn rỏi dày dặn sương gió chiến trường, ánh mắt sáng kiên nghị như nhìn thấu tâm can người đối diện khiến nàng vốn là người con gái mạnh mẽ, thẳng thắn, giỏi võ nghệ cũng phải đỏ mặt ngượng ngùng. Dường như Đại Tổng quản Nguyễn Huệ cũng cảm mến nàng. Chàng thường ghé qua doanh trại nữ binh, chỉ cho Bùi Thị Nhạn một vài thế võ, hỏi han nàng mấy chuyện vu vơ. Nhưng nàng chỉ dám giấu nỗi tương tư của mình trong lòng còn chàng cũng chẳng thể mở lời vì chàng là người đã yên bề gia thất. Mối tình chưa kịp nảy nở cứ thế đành vuột mất. Mãi đến khi chính thất Phạm Thị Liên qua đời, mãn tang vợ, Đại Tổng quản Nguyễn Huệ mới mang trầu cau qua nhà hỏi cưới nàng. Nàng rời quân ngũ về chăm lo cho gia đình bên chồng, chấp nhận trở thành người phụ nữ tề gia nội trợ sau hậu viện. Những đứa con lần lượt ra đời, trở thành niềm hạnh phúc vô ngần của nàng, giúp nàng quên đi những tù túng nơi hoàng cung ngột ngạt.

Bao đêm nàng tự hỏi mình, Hoàng thượng lạnh nhạt với nàng phải chăng bởi Ngọc Hân. Không! Có lẽ còn bởi một nguyên nhân sâu xa khác. Nguyên nhân một phần còn đến từ anh trai Bùi Đắc Tuyên của nàng.

Trước khi xuất binh ra Bắc đại phá quân Thanh, vị tướng tài của Tây Sơn chính thức lên ngôi Hoàng đế, lấy hiệu là Quang Trung. Ngài tấn phong nàng là Chính cung và Ngọc Hân là Bắc cung hoàng hậu, lập Quang Toản làm Thái tử. Anh trai của nàng cậy em gái là hoàng hậu nên không coi ai ra gì, nghênh ngang ra vào cung cấm. Tuyên thường bày các trò chơi để mua lòng Quang Toản nên Quang Toản rất thích người cậu này, mải mê chơi đùa đến sao nhãng học hành. Nàng đã nhắc nhở Quang Toản nhưng chỉ được vài hôm mọi sự lại đâu vào đấy. Vì chuyện này mà không ít lần hoàng thượng trách móc nàng là hoàng hậu, là mẹ mà không quan tâm, bảo ban con mình. Tình cảm bởi thế mà nhạt dần, nàng chẳng biết phải làm cách nào để cứu vãn lại. Nàng vẫn biết anh trai mình là kẻ ít học, lêu lổng. Ngày còn sống, thân phụ của nàng đã bao lần phải phiền não vì đứa con trai không tu chí phấn đấu, chỉ biết ăn chơi đàn đúm, trêu hoa ghẹo nguyệt và lẻo mép không ai bằng. Biết vậy nhưng làm sao cắt đứt được. Nàng và Bùi Đắc Tuyên cùng chảy chung dòng máu họ Bùi trong huyết quản, nàng là chỗ dựa cho Tuyên mà Tuyên cũng là chỗ dựa của nàng. Làm sao có thể đứng vững khi cắt bỏ mối quan hệ, ràng buộc gia tộc. Nhất là khi hoàng thượng càng lạnh nhạt thì nàng càng cần dựa vào gia tộc, dựa vào người thân của nàng.

Nàng là Chính cung Hoàng hậu đấy nhưng nàng chẳng còn nhớ chính xác bao đêm, chỉ có mình nàng đối diện với chiếc bóng của chính mình trên vách tường câm lặng. Nàng tự an ủi mình, hoàng thượng là anh hùng, là một vị dũng tướng cương quyết trên chiến trường và ôm mộng nắm trong tay cả thiên hạ. Nhưng từ xưa đến nay, có mấy anh hùng qua được ải mỹ nhân. Nàng có cố nhen ngọn lửa tình yêu của cái thủa ban đầu cũng chẳng thể nào làm được.

Chẳng thể nào nhen lên ngọn lửa tình yêu của cái thủa ban đầu nữa. Tất cả đã chấm dứt rồi. Phú Xuân chìm trong màu trắng tang tóc và đau thương. Hoàng thượng băng hà!

Trái tim nàng như chết lặng. Chẳng riêng gì nàng, chẳng ai muốn tin hoàng thượng, vị anh hùng với những chiến công lừng lẫy lại ra đi nửa chừng như thế khi bao nhiêu dự định còn dang dở. Thành Phượng Hoàng trung đô chưa xây xong, dự định phổ cập chữ Nôm còn chưa thực hiện được. Kế hoạch tái chiếm Gia Định chưa bắt đầu. Khát vọng đòi lại từ triều đình nhà Thanh các vùng đất Mân, Côi, Âu, Việt bị mất từ ngàn xưa đã theo người anh hùng đi mãi. Bùi Thị Nhạn như kẻ mộng du. Những lời dặn dò cuối cùng của hoàng thượng, của người chồng đầu gối tay ấp, của người anh hùng vĩ đại trong trái tim thiếu nữ hư hư thực thực. Nàng lịm dần trong nước mắt và những tiếng nấc đau đớn, nghẹn ngào. Bắc Cung hoàng hậu ôm lấy nàng. Hai người đàn bà góa bụa, hai người đàn bà chung nỗi đau mất chồng lặng lẽ bên nhau, chia sẻ nỗi mất mát lớn lao. Tiếng khóc của Ngọc Hân cũng như xé ruột xé gan.

“Mà nay áo vải cờ đào
Giúp dân dựng nước biết bao công trình
Nghe rành rành trước vua Nghiêu Thuấn
Công đức nhiều ngự vận càng lâu
Mà nay lượng cả ơn sâu
Móc mưa tưới khắp chín châu nhượm nhuần
Công đức ấy mà nhân dường ấy
Cõi thọ sao hẹp bấy hóa cung?…”(*)

Hoàng thượng băng hà, Thái tử lên ngôi, nàng thành Hoàng Thái hậu. Anh trai nàng, Bùi Đắc Tuyên cũng được phong làm Thái sư. Khuôn mặt giả vờ tỏ ra đau buồn kia làm sao giấu được dã tâm của Tuyên, giấu được tham vọng của Tuyên. Tuyên là anh trai của Hoàng Thái hậu, là cậu của nhà vua. Mà Cảnh Thịnh thì còn nhỏ quá, lại thích ông cậu luôn bày những trò vui nên nhất nhất nghe theo Tuyên. Thế lực của Tuyên ngày càng lớn. Tuyên mỗi ngày càng thêm lộng hành. Hoàng Thái hậu Bùi Thị Nhạn chìm đắm trong nỗi đau mất chồng, đến khi sực tỉnh nhớ ra thì thế lực của Thái sư đã vững chắc, khó lòng lay chuyển.

***

Hoàng Thái hậu Bùi Thị Nhạn bước vào điện. Bắc cung hoàng hậu Ngọc Hân tiều tụy đứng giữa chính điện. Xiêm y mộc mạc, dung nhan bơ phờ, cặp mắt hơi sưng đỏ có lẽ vì khóc quá nhiều vẫn không che giấu được phong thái cao quý của nàng. Thái sư Bùi Đắc Tuyên lớn tiếng buộc tội:

– Tiên đế băng hà chính do ả hạ độc. Lý do ư? Lý do rành rành trước mắt ai cũng nhìn thấy. Ả mang hận vì chính tay Tiên đế đã diệt trừ nhà Lê nên rắp tâm trả thù. Tiên đế đang tuổi tráng niên, vì lý gì lại có thể ra đi đột ngột như thế nếu không phải bởi vì trúng độc.

Có vài tiếng bênh vực yếu ớt cho Ngọc Hân. Nhưng nhiều người sợ phe cánh của Bùi Đắc Tuyên nên cúi đầu im lặng. Hạt mầm nghi ngờ đã được gieo vào lòng một vài người khác. Ngọc Hân đứng thẳng lưng, ánh mắt nàng sáng quắc, vẻ quật cường như nhìn thấu tâm can của Thái sư Bùi Đắc Tuyên. Hoàng Thái hậu cũng nhìn thấu điều ấy. Nàng là em gái Thái sư, còn lạ gì tính nết của anh trai mình. Tuyên sợ những người ở phe chống đối lấy danh nghĩa tôn phò hoàng tử Nguyễn Quang Đức, con trai của Ngọc Hân lật đổ Cảnh Thịnh. Chắc Thái sư nghĩ nàng sẽ thuận theo Thái sư, theo bàn cờ mà ông đã sắp xếp. Đây là cơ hội để nàng trả thù. Cái sự ghen tuông của đàn bà từ xưa đến nay là thói thường tình, nhất là đàn bà chung chồng. Nhưng Bùi Thị Nhạn từng là một nữ tướng. Nàng từng cầm gươm, từng luyện võ, nàng không thể lấy cái nhỏ nhen thường tình của đàn bà để mưu hại một người đàn bà khác. Lửa giận bốc lên trong lòng Bùi Thị Nhạn. Tuyên bảo vệ ngai vàng hay bảo vệ cái chức Thái sư của mình. Dù vì bất cứ lý do gì cũng không thể đổ vấy tiếng xấu, hắt cái vết nhơ giết chồng ngàn năm không thể gột rửa sạch lên vai một người đàn bà. Tiếng nói của Hoàng Thái hậu mạnh mẽ vang vọng trong đại điện:

– Thái sư, ngài có bằng chứng Bắc cung hoàng hậu đầu độc Tiên đế thì trình lên, ta sẽ xét xử một cách công tâm, đòi lại công bằng cho Tiên đế.

Thái sư Bùi Đắc Tuyên tái mặt giận dữ. Bùi Thị Nhạn cầm tay Ngọc Hân, ngậm ngùi:

– Các vị đại thần ở đây, hẳn các vị chưa quên bài văn tế của Bắc cung hoàng hậu: “Chín từng ngọc sáng bóng trung tinh, ngoài muôn nước cũng trông vẻ thụy/ Một phút mây che vùng Thái Bạch, trong sáu cung thoắt đã nhạt hơi hương/ Tơ đứt tấc lòng ly biệt…/ nẻo hoàng tuyền xa cách mấy trùng, ngao ngán thêm từng cơn biệt duệ/ Chén hoàng thủy kính dâng một lễ, xét soi xin thấu cõi dương gian”.

Không khí trầm xuống, bùi ngùi. Bùi Thị Nhạn nghẹn ngào:

– Các vị cũng biết, trước lúc lâm chung Tiên đế dặn dò các vị đại thần phải phò trợ Thái tử, dặn dò ta chăm lo cho Bắc cung và các hoàng tử, công chúa. Nay người vừa mất, các ngươi lại đổ vấy tội cho Bắc cung, như vậy liệu các ngươi có mặt mũi nào mà đi gặp Tiên đế nữa hay không?

Những người có mặt tại Đại điện cúi đầu im lặng. Thái sư Bùi Đắc Tuyên không che giấu sự tức tối ngập tràn trong mắt. Bùi Thị Nhạn biết. Nhưng chính sự rối ren, vua còn nhỏ tuổi nào đã quán xuyến được hết chuyện triều chính. Ngô Thời Nhậm và Trần Văn Kỷ đã xa dần chuyện dự bàn chính sự. Nàng chẳng biết có thể tin ai, dùng ai vào lúc này ngoài người anh trai Thái sư và vợ chồng Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu. Càng lo lắng, càng hoang mang không biết phải làm thế nào, nàng càng chìm trong hồi ức về Tiên đế, càng chìm trong nỗi sầu muộn, càng oán trách ông trời bất công mang Tiên đế đi quá sớm khi sự nghiệp của nhà Tây Sơn còn dang dở. Ngọc Hân còn có thể khóc, còn có thể giãi bày nỗi lòng qua khúc vãn bi ai, còn có thể nhờ nhật nguyệt chứng giám: “Chữ tình nghĩa trời cao đất rộng/ Nỗi đoạn trường còn sống còn đau/ Mấy lời tâm sự trước sau/ Đôi vầng nhật nguyệt trên đầu chứng cho”. Ngọc Hân còn có thể tìm đến cửa chùa, tìm đến tiếng mõ, tiếng kinh để nương tựa nỗi buồn đau trong tâm can, còn nàng, Hoàng Thái hậu Bùi Thị Nhạn, nàng chỉ có thể tự gặm nhấm nỗi đau xót của mình, tự nhủ mình phải mạnh mẽ, cứng rắn để cùng nhà vua gánh vác trọng trách mà Tiên đế để lại. Nước mắt cũng chỉ có thể âm thầm rơi những khi một mình mà thôi.

***

Bắc cung hoàng hậu cũng đi theo Tiên đế rồi. Trời Phú Xuân se sắt buồn. Hoàng Thái hậu Bùi Thị Nhạn nhốt mình trong cung chẳng thiết ăn uống. Nàng thấy nỗi cô độc mỗi ngày gặm nhấm tâm hồn mình. Từng người, từng người lần lượt rời bỏ nàng mà đi. Anh trai nàng, Thái sư Bùi Đắc Tuyên cũng đã phải trả giá cho những mưu đồ quá quắt, cho thói tự tung tự tác bằng chính tính mạng của mình. Tuyên ủ mưu soán nghịch, muốn lật đổ Cảnh Thịnh đưa con trai mình là Bùi Đắc Trụ lên ngôi báu. Âm mưu bị phát hiện, hai cha con Tuyên bỏ mạng dưới dòng sông Hương. Tuyên phải trả giá cho những hành động bất nhân, bất nghĩa, bất tín của mình, chẳng thể trách ai được. Nhưng Tuyên đi rồi, nàng mất một người anh ruột thịt. Triều đình ngày càng rối ren. Đôi vai nhỏ bé của một đứa trẻ như Cảnh Thịnh và đôi vai gầy gò của một người đàn bà như Bùi Thị Nhạn liệu có còn đủ sức gánh vác triều đại Tây Sơn này nữa hay không. Cuộc chính biến năm 1795 tựa như một cú giáng xuống hai đôi vai vốn đã phải gồng lên bởi gánh nặng của trọng trách. Bùi Thị Nhạn thấy trước mắt mình mờ mịt, u tối. Hệt như ánh thứ ánh sáng yếu ớt lọt qua căn phòng trong tẩm cung mà nàng giam mình, lặng lẽ và cô độc.

Phú Xuân thất thủ. Nơi Bùi Thị Nhạn từng hạnh phúc, từng khổ đau, từng hờn ghen, từng ngưỡng mộ, nơi lưu giữ những hồi ức của nàng, nhà Tây Sơn đã không thể giữ lại được nữa. Lửa rừng rực rực cháy như muốn thiêu đốt tất cả. Phú Xuân thất thủ trước quân Nguyễn. Đội nữ binh của Bùi Thị Xuân hộ giá Hoàng Thái hậu Bùi Thị Nhạn cùng vua Cảnh Thịnh ra Bắc với mong muốn khôi phục lại được triều Tây Sơn, giành lại những vùng đất đã mất. Nhưng vận trời chỉ cho đến thế. Nhà Nguyễn đánh đến Thăng Long, quân sĩ cầu sinh bỏ trốn, chỉ còn lại Đại đô đốc Nguyễn Văn Tuyết và Trần Thị Lan bảo vệ Cảnh Thịnh và Bùi Thị Nhạn chạy lên vùng núi phía Bắc.

***

Dòng hồi ức của Bùi Thị Nhạn đột ngột bị cắt đứt bởi những tiếng reo hò đuổi giết. Tung tích của đoàn người bị lộ. Quân Nguyễn đã truy tìm đến nơi. Bùi Thị Nhạn vung kiếm cố bảo vệ những đứa trẻ. Quân Nguyễn đông quá. Để truy đuổi, Nguyễn Ánh cho cả đạo quân hơn một ngàn người truy sát. Bùi Thị Nhạn bị thương. Nhưng nàng đã thấy con dâu nàng, vợ của Trần Quang Thùy mang theo mấy đứa trẻ xuống thuyền, chèo ra giữa dòng Xương Giang. Nàng cần chiến đấu để con thuyền ấy đến được làng Hữu Trụ, nơi dự phòng kế tiếp của Tây Sơn.

Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết trúng đạn. Trần Thị Lan bị thương nặng. Bùi Thị Nhạn đưa tay bịt vết thương bên mạn sườn Trần Thị Lan. Máu từ vết thương trên cánh tay nàng cũng tứa ra, nhỏ từng giọt thấm xuống đất. Hai vị nữ tướng của Tây Sơn Ngũ Phụng thư tựa vào nhau, chẳng cần nói một lời mà cùng chung một suy nghĩ. Hai thanh kiếm cùng được đưa lên, quyết tuyệt!

Giây phút từ giã cuộc đời, trước mắt Bùi Thị Nhạn hiện lên hình ảnh cánh chim nhạn chao nghiêng giữa nền trời xanh thắm, tiếng hót của chú chim tự do ấy vút cao, ngân mãi trên tầng không thăm thẳm.

* Ai tư vãn

Đào Thu Hà; Sinh năm: 1988
Hiện đang sinh sống và làm việc tại Đắk Nông
* Tác phẩm đã xuất bản:
Cuộc phiêu lưu của Ỉn Hồng (Truyện thiếu nhi – 2013); Ma tình (Tiểu thuyết – 2013); Chuyện tình mình rất khác (Tập truyện ngắn – 2014); Hàng xóm phù thủy (Truyện thiếu nhi – 2015); Chúng ta từng chung một đoạn đường (Tập truyện ngắn – 2017).

ĐÀO THU HÀ

(Văn nghệ Bình Định số 102 tháng 10.2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Trăng trong sương

A Lếnh đi. Đêm bị gió bẻ nham nhở, hòn đá kê một chân kiềng gãy, mỏi tê dại, mắt Mẩy đỏ khé. Sương trắng như đàn bà đốt củi ướt hong váy ngày mưa…

Thơ dự thi của Khét

Thóc, vì sao chọn vàng
– tôi làm nên no ấm
cỏ, vì sao chọn xanh
– không đành nhìn đất bạc

Hương dừa

Đêm, trăng thượng tuần nấp sau gốc dừa. Những tàu dừa lòa xòa đung đưa làm ánh trăng vỡ vụn nhưng cũng đủ sáng trên con đường. Ngày mai tôi sẽ xa Y Muôn, xa mảnh đất này…