(VNBĐ – Bút ký). Người ta biết nhiều đến chị vì chị là một doanh nhân thành đạt, một nhà hảo tâm nhưng ít người biết chị từng là chiến sĩ giải phóng có mặt ở Trường Sơn trong những năm tháng chiến tranh ác liệt với nhiều nhiệm vụ gian khó, hiểm nguy. Với tôi và đồng đội của chị, chị như một loài cây rừng mọc ra từ một kẹt đá, e ấp khoe sắc dưới bóng đại ngàn và lặng lẽ tỏa hương bên bờ biển mặn. Chị là Cựu chiến binh (CCB), thương binh 3/4 Trần Thị Như Hoa ở khu phố Thiện Chánh 1, phường Tam Quan Bắc, thị xã (TX) Hoài Nhơn.
Hoa thắm
Chị Hoa sinh năm 1953, là con cả trong một gia đình đông con ở xã miền núi Hoài Sơn (Hoài Nhơn). Ba chị là cơ sở cách mạng bị địch quản thúc suốt thời gian tạm chiếm mảnh đất Hoài Sơn. 12 tuổi, chị theo dì lên Bảo Lộc (Lâm Đồng) trông nhà, giữ trẻ cho vợ chồng một người Tàu kiếm cơm, nhằm chia bớt gánh nặng cho gia đình. Cuối năm 1967, chị trở về nhà và gia nhập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh của xã với nhiệm vụ liên lạc và cảnh giới. Đầu năm 1968, hưởng ứng lời kêu gọi “Tòng quân chiến đấu giải phóng miền Nam” do xã Hoài Sơn phát động, chị là người đầu tiên tình nguyện đăng ký tham gia. Tinh thần “thép” của đứa con gái, tuổi còn nhỏ này đã tác động đến tinh thần tòng quân của thanh niên nam nữ, làm thành một phong trào lớn loang rộng khắp các xã. Dù không được xã chấp nhận nhưng ý chị đã quyết. Chị về mua sẵn một đôi dép cao su, một chiếc võng ni lông giấu kỹ trong đống rơm. Ngày thanh niên Hoài Sơn tập kết về xã Hoài Hảo để lên đường đi các mặt trận, chị viết thư để lại cho gia đình rồi chạy đến năn nỉ các anh bộ đội nhận quân. Các anh cảm được cái ý chí của chị nên đã đồng ý. Sau 3 ngày đêm băng rừng vượt núi lên Trường Sơn, chị đến được căn cứ và được phiên chế vào đại đội 8/3, tiểu đoàn 246, trung đoàn 240, quân khu V. Đơn vị chị có gần 100 nữ, nhiệm vụ chính là vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực phục vụ cho chiến trường các tỉnh: Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam. Ngày, chị vác trên vai 45 – 65kg vượt nhiều đèo dốc suốt 6 giờ liền. Chị đi từ 5 giờ sáng đến khi về lại lán trại cũng là lúc trời sập tối. Nhìn chị với dáng người nhỏ nhắn, chỉ nặng hơn 30kg, vác trên vai thùng đạn 65kg, ai cũng lo lắng. Thấy mọi người ái ngại, chị cười: “Ở nhà, em quen gánh vác đường núi rồi. Em là con cháu gia đình ba đời bần cố nông chứ không phải tiểu thư đâu!”. Và rồi, những lúc vác hàng đến điểm tập kết trước, chị còn quay lại vác rước cho những chị lớn tuổi. Chị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được nhận nhiều giấy khen của đơn vị và được bầu chọn là Chiến sĩ thi đua, dự Đại hội Thi đua toàn quân Quân khu V cuối năm 1969.
Đầu năm 1970, đơn vị chị chuyển đến vùng rừng núi phía Tây tỉnh Quảng Ngãi. Nơi đây chiến trường ác liệt, chiến sĩ ta hy sinh rất nhiều. Chị được cấp trên cử đi vùng an toàn để nhận quân bổ sung. Đường ra đã khó vì bom dập pháo vùi, đường vào lại càng khó hơn vì địch phục kích dày đặc, trong khi chỉ mình chị dẫn dắt mấy mươi anh lính trẻ đang là sinh viên từ Bắc vào. Chị không vội đưa tân binh đi ngay mà tổ chức truyền đạt kinh nghiệm chiến trường, động viên tinh thần chiến sĩ và quán triệt mệnh lệnh đi đường. Nhờ làm tốt công tác này mà chị đã đưa được tất cả chiến sĩ mới về đến đơn vị. Những tháng cuối năm 1970 là thời gian khó khăn nhất đối với các đơn vị giải phóng đóng quân ở vùng rừng núi này. Các tuyến đường vận chuyển bí mật hay ngụy trang đều bị chốt chặn. Máy bay trinh sát địch quần đảo suốt ngày đêm. Biệt kích Mỹ được thả dày xuống rừng… Đơn vị chị cũng bị cô lập. Xót xa trước cảnh thiếu lương thực, chị nhớ đến những rẫy sắn mì, khoai lang của người đồng bào bỏ hoang ven đường lúc đi nhận quân, cẩn thận vẽ lại sơ đồ rồi bàn bạc với chỉ huy, xin được đi trước. Thế là chị và mấy anh lính trẻ cắt rừng đến rẫy và đưa được lương thực về lán, giải quyết được cái đói mờ mắt suốt mấy mươi ngày qua. Sau chiến công này, chị được kết nạp vào Đảng và tiếp tục được bầu chọn là Chiến sĩ thi đua, dự Đại hội Thi đua toàn quân Quân khu V lần thứ 2.
Cuối năm 1971, theo yêu cầu của đơn vị, chị về Quân khu học nghiệp vụ y tá. Sau 6 tháng, chị được cấp bằng tốt nghiệp loại giỏi và được điều động trở lại chiến trường Ba Tơ (Quảng Ngãi). Lần này, chị được phân công phụ trách một đội Phẫu – Cứu thương cho một cánh quân giải phóng. Trong một trận đánh kéo dài suốt mấy mươi ngày đêm, chị bị thương ở chân do địch tập kích bất ngờ. Chị tự băng bó vết thương và bình tĩnh chỉ huy Đội đánh lui toán địch, kịp thời sơ tán thương binh, tiếp tục việc giải phẫu, sơ cứu, ghi chép hồ sơ bệnh án và tổ chức cho dân công chuyển thương binh về tuyến sau… Chị thường xuyên phải đối mặt với những lời mắng nhiếc của thương binh khi họ lên cơn đau. Chị kể: “Trong một đêm không nghỉ, trạm chị tiếp nhận một thương binh tên Trần Trọng Đô – người ở tỉnh Nam Định. Anh Đô bị cụt một chân, mù hai mắt, mất nhiều máu, luôn miệng la hét, đòi chết. Biết anh hoảng loạn tinh thần, chị vừa điều trị, chăm sóc, vừa động viên, khuyến khích anh vượt qua bệnh tật bằng nhiều cách, thậm chí mắng yêu. Lúc thưa việc, chị gợi chuyện quê hương, kể chuyện làm ăn ở miền Bắc… dần dần anh lấy lại được bình tĩnh và hợp tác để chị chữa trị”.
Cuối năm 1973, chị được ra Bắc an dưỡng và học văn hóa. Sau một năm, chị tiếp tục trở lại chiến trường Quảng Ngãi vừa chăm sóc thương binh tại bệnh xá Trung đoàn 240 vừa vận chuyển hàng hóa. Công việc rất dày nhưng lúc nào chị cũng vui vẻ, yêu đời. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, chị được điều về Tổng trại Tù Binh 4 ở An Nhơn (Bình Định) để phụ khám bệnh, phát thuốc. Tại đây, không có hộ lý nên chị phải làm luôn công việc vệ sinh phòng bệnh. Năm 1976, khi bệnh xá Trung đoàn chị được điều động sang chiến trường Campuchia, chị được phục viên… Sau gần 8 năm phục vụ trong quân ngũ với cấp bậc cuối cùng là thượng sĩ, chị luôn được đồng đội tin yêu, quý mến, như lời chia sẻ của chị Trần Thị Na – nguyên Tiểu đội trưởng tiểu đội chị Hoa, nay ở tổ 4, khu phố 5, phường Bồng Sơn (Hoài Nhơn): “Hồi đó, Hoa nhỏ người nhưng việc gì cũng hoàn thành xuất sắc. Nhiều lúc đơn vị gặp gian nguy, bế tắc, tưởng nó gục ngã trước nhưng không ngờ nó lại là người cứu nguy”… Chị Hoa xứng đáng được nhận nhiều giấy khen, bằng khen, huy chương và huân chương Chiến công giải phóng các hạng.
Vượt trên gió muối
Cuối năm 1976, chị Hoa lập gia đình. Chồng chị là người cùng đơn vị, đang công tác tại Trạm Hải sản Tam Quan. Chị theo chồng về sống trong khu tập thể cơ quan anh. Hơn một năm sau, đứa con đầu lòng của anh chị chào đời cũng là lúc anh nhận lệnh Tổng động viên sang chiến trường Campuchia. Chị ôm con quay về mảnh đất Hoài Sơn, tá túc nhà cha mẹ già và xin vào làm Hợp tác xã Nông nghiệp. Ngoài công việc đánh máy, chạy thư cho Hợp tác xã, chị còn tranh thủ phụ sản cho nhà hộ sinh, vỡ rẫy trồng mì, bốc thuốc Nam… để trang trải cuộc sống.
Hoàn thành xong nghĩa vụ, chồng chị trở về, anh chị lại có thêm 3 người con nữa. Nhận thấy cuộc sống ngày càng khó khăn, anh bàn với chị xuống Tam Quan làm ăn bằng việc mua bán. Chị nghĩ suốt mấy đêm liền: “Lâu nay, mình quen rừng núi, xuống dưới đó sống được không? Mình chưa biết gì về buôn bán, liệu có làm được?…”. Rồi nghĩ đến tương lai các con, chị đã đồng ý.
Đến vùng đất mới, vừa ổn định được chỗ ở thì chồng chị xin được việc làm ở Ty Thủy sản Bình Định, cơ quan đóng ở Quy Nhơn. Như vậy là anh chị tiếp tục sống xa nhau. Chị vẫn một thân nuôi 4 con thơ… Chưa kịp quen với nơi ở mới, chị thấy trong người khang khác. Đi khám, bác sĩ kết luận chị bị thai trứng, phải mổ bỏ và điều trị dài ngày. Chị thất thểu về báo tin cho gia đình và dắt con thơ gửi nhờ ông bà ngoại. Chị đem chiếc nhẫn 3 phân vàng – quà mừng cưới của họ hàng phía chị – ra ngắm lần cuối rồi đem đi bán để lấy tiền nhập viện… Ra viện, chưa kịp làm được việc nặng thì một năm sau chị bị dính ruột. Các cơn đau dữ dội liên tục ập đến, khiến chị kiệt sức. Bác sĩ khám bệnh cho chị bảo: Bệnh này phải mổ nhưng tỉ lệ sống rất thấp. Tùy chị và gia đình. Nhớ lại chuyện chiến trường, chị từng động viên, khuyến khích thương binh chấp nhận đau để mai sau không tàn phế, chị mạnh miệng quyết định mổ. Đồng đội chị, nhiều người biết tin đã vận động quyên góp ủng hộ cho ca mổ thành công. Nhưng oái ăm thay, những ngày nằm điều trị tại bệnh viện Đa khoa tỉnh, chị phát hiện chồng chị có người phụ nữ khác. Nước mắt chị rơi ướt đẫm giường bệnh. Gia đình biết chuyện, liên tục động viên, an ủi. Ngày chị ra viện cũng là ngày chồng chị bỏ cơ quan, cùng người phụ nữ kia vào tỉnh Sông Bé lập nghiệp. Đến năm 2006, anh mới quay về làm thủ tục ly hôn.
Về nhà, trong tay chị chỉ còn vài nghìn đồng của đồng đội cho, nhìn 4 đứa con đang tuổi ăn tuổi học, chị giàn giụa nước mắt. Có lúc chị nghĩ đến cái chết nhưng rồi nghĩ lại: chết lúc này là hèn nhát nên chị gạt phắt và nung nấu khát vọng vươn lên như những cây dương vươn mình trên cát trắng…
Để có tiền ăn cho 5 mẹ con, đầu tiên, chị đi đội cát, khiêng cá thuê. Cá và cát đều nặng, chị làm luôn trưa mới đủ tiền ăn trong một ngày. Thấy các chủ hàng vứt bỏ đầu cá, chị nhặt về phơi khô rồi đạp xe lên Đăk Mang, Bok Tới (Hoài Ân) đổi gạo, mì lát. Thương mẹ cực khổ, các con chị đến trường một buổi còn một buổi dắt díu nhau đi bốc cá, phơi cá thuê… Biết hoàn cảnh chị khó khăn, nhiều đồng đội cũ đã gom góp được 4 chỉ vàng cho chị mượn làm vốn. Chị suy nghĩ kỹ rồi quyết định dùng số tiền ấy buôn bán nước mắm. Chị chọn mua nước mắm ngon ở Tam Quan rồi chở bằng xe đạp về quê Hoài Sơn, lên các huyện Hoài Ân, An Lão để bán. Hằng ngày, chị đi từ 3 giờ sáng, vào tận các làng đồng bào vùng cao, đến 8 giờ tối mới về đến nhà. Tiền lời, chị dành dụm mua thêm nước mắm và trang trải cuộc sống. Quá trình mua bán, chị đã nắm bắt được nhu cầu dùng nước mắm của người đồng bằng, người vùng cao và học hỏi được cách làm nước mắm truyền thống. Năm 1989, chị sắm mới vật dụng và bắt đầu tập làm nước mắm. Để có một mẻ nước mắm đẹp, ngon như ý, chị phải đợi mất 6 tháng. Trong khoảng thời gian này, chị vẫn mua bán bình thường. Chị làm mẻ một, mẻ hai đến mẻ ba mới thành công. Trong suốt quá trình này, chị đã liên tục học hỏi thêm kinh nghiệm về kỹ thuật chượp, ủ cá đến tinh lọc nước mắm. Dần dần, chị đúc kết được cách làm nước mắm cho từng loại cá và nước mắm chị làm đã được người tiêu dùng các huyện phía Bắc tỉnh đón nhận.
Nhận thấy nước mắm làm ra không đủ bán, chị Hoa mạnh dạn mở rộng cơ sở sản xuất từ 40m2 lên 400m2 và đăng ký bản quyền với nhãn hiệu “Như Hoa Tam Quan”. Cơ sở của chị sản xuất theo công nghệ truyền thống, nguyên liệu chính vẫn là cá cơm, cá mác, cá sơn trộn với muối theo tỉ lệ: 3-1, ủ trong thùng gốm, sau 6 tháng rút – lọc lấy thành phẩm rồi phân loại nước mắm. Tiếng lành nước mắm “Như Hoa Tam Quan” ngon, “Hữu xạ tự nhiên hương” đồn xa, khách thập phương tìm đến đặt mua ngày một nhiều. Để nhiều người biết đến sản phẩm của mình, chị Hoa đã tích cực tham gia nhiều hội chợ, triển lãm, hội thảo ở tỉnh, khu vực và cả nước. Năm 2002, nước mắm “Như Hoa Tam Quan” được Ban Tổ chức Hội chợ – Hội thảo “Bình Định tiềm năng và Hội nhập” trao huy chương vàng; năm 2003 tiếp tục được nhận huy chương vàng tại Hội chợ triển lãm “Sản phẩm mới – Công nghệ mới” ở Hà Nội và cũng trong năm này, sản phẩm nhận được Cúp vàng chất lượng, an toàn thực phẩm tại “Tuần lễ xanh quốc tế Việt Nam” tổ chức tại Huế.
Để đáp ứng đủ nước mắm cho hơn 70 đại lý lớn, nhỏ trong nước và một số bạn hàng ở Lào, Campuchia, chị Hoa tiếp tục mở rộng cơ sở sản xuất lên đến 4.000m2, đầu tư hàng tỷ đồng mua sắm vật dụng làm nước mắm “sạch” thay cho những vật dụng cũ. Hiện, trung bình mỗi tháng cơ sở chị cho ra thị trường 30.000 lít nước mắm chất lượng, nhiều nhất là nước mắm cá cơm có độ đạm từ 160N – 300N. Sau khi trừ hết các khoản chi phí, cơ sở chị thu về hơn 1,2 tỷ đồng/ năm.
Tỏa hương
Tôi gặp chị trong một ngày gần cuối tháng Chạp vừa qua, khi đại dịch Covid 19 vẫn còn len lỏi nhiều làng quê, góc phố ở TX. Chị bươn người giữa mưa phùn, mang quà Tết đến tặng những người già neo đơn ở phường Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn). Chị bảo: “Đi cho kịp ngày để người ta sắm Tết. Họ già cả neo đơn, mình chậm trễ là mang tội”. Câu nói của chị khiến tôi tò mò…
Được biết từ khi gầy dựng được thương hiệu, chị Hoa rất quan tâm đến đồng đội cũ. Chị thường xuyên thăm hỏi, tặng quà cho những đồng đội tuổi cao sức yếu, hỗ trợ kinh phí khi họ đau bệnh nằm viện và tiếp nhận con em họ vào làm trong cơ sở chị với nhiều quy định ưu tiên. Chị cho anh chị em thương binh mượn vốn buôn bán, chăn nuôi; cho con em thương binh vay vốn đóng tàu vươn khơi không tính lãi và sẵn sàng hỗ trợ tinh thần, vật chất khi đồng đội cũ đi tìm hài cốt liệt sĩ. Đồng đội của chị dù ở tỉnh xa, khi đau bệnh hoặc gặp rủi ro, nghe được là chị đến ngay. Chính chị là người đã vận động và hỗ trợ rất nhiều kinh phí để xây dựng nhiều ngôi nhà Đồng đội, nhà Tình nghĩa ở địa bàn tỉnh ta. Anh Bùi Thanh Tùng ở xã Hoài Châu (Hoài Nhơn) – CCB chiến trường Campuchia bày tỏ với tôi rằng: “Tôi với chị Hoa không quen biết nhưng nghe tin gia cảnh tôi: nhà dột, vợ chết để lại hai đứa con thơ; tối đến, cha con ôm nhau nằm dưới bàn thờ; chị đến thăm, rơi nước mắt, tự bỏ tiền túi cộng tiền xin được 50 triệu đồng ủng hộ tôi sửa nhà, giúp tôi sớm ổn định cuộc sống”.
Với người nghèo, chị sẵn sàng giúp đỡ bằng nhiều cách: Cho mượn vốn làm ăn, nhận vào làm việc, sắm cho thuyền thúng buôn bán… Nhờ đó, nhiều hộ đã thoát nghèo vươn lên khấm khá như cơ sở nước mắm Như Mười, Hải Long (Tam Quan Bắc), Nguyễn Thị Kim (Hoài Phú)… Chị luôn đi đầu trong các phong trào: xóa đói giảm nghèo, ủng hộ bão lụt, phòng chống dịch… Chị trực tiếp ủng hộ nhiều xe lăn cho người tàn tật, tôn, ngói lợp nhà sau bão cho nhiều người dân ở địa bàn Hoài Nhơn và nhiều lương thực, nhu yếu phẩm trị giá hơn 80 triệu đồng cho công tác phòng chống dịch Covid – 19. Suốt 10 năm làm Đội trưởng đội Cựu TNXP phường Tam Quan Bắc không lương, chị đã tự bỏ tiền túi mua quà tặng anh em trong đội mỗi khi Tết đến. Chị bảo: Họ tự nguyện làm việc chung thì mình cũng có gì đó để động viên tinh thần.
Chị Hoa rất tích cực trong công tác phong trào các Hội: Nông dân, Phụ nữ, nhiều nhiệm kỳ là ủy viên BCH Hội CCB phường, TX, tỉnh. Dù ở cấp nào chị cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được anh chị em tin yêu. Ông Nguyễn Tường Vân – Chủ tịch Hội CCB TX Hoài Nhơn bày tỏ niềm tin khi làm việc bên chị: “Đồng chí Trần Thị Như Hoa luôn biết phát huy tốt phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, không xao nhãng, không nản lòng, quyết vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Đồng chí có nhiều đóng góp cho công tác Hội và phong trào đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên quê hương Hoài Nhơn. Anh chị em trong Hội CCB TX đang học tập chị những điều ấy”. Còn chị, chị chỉ mỉm cười: “Mình còn sống là may rồi. Làm được gì có ích cho đời thì mình cứ làm thôi!”… Chị xứng đáng nhận được nhiều Bằng khen của TW Hội CCB Việt Nam, Hội TNXP Việt Nam, Bộ LĐ – TB và XH và Thủ tướng Chính phủ.
BÙI TẤN PHƯỚC
(Văn nghệ Bình Định số 110+111 tháng 6+7.2022)