(VNBĐ – Thời đàm). Cuộc làm việc thứ hai giữa lãnh đạo 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai để bàn chuyện sáp nhập mang tên “Hội nghị triển khai thực hiện chủ trương của Trung ương về việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh” đã diễn ra tại Bình Định hôm 26.4 (trước đó ngày 04.4, tại tỉnh Gia Lai đã có cuộc làm việc thứ nhất). Đề án sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định đã hoàn thiện, được thông tin tại Hội nghị và nhận được sự thống nhất cao giữa Ban Thường vụ 2 tỉnh, cả về nguyên tắc sắp xếp tổ chức bộ máy và phân công cán bộ và dự thảo quyết định thành lập Ban Chỉ đạo hợp nhất; thành lập các Tiểu ban phục vụ đại hội tỉnh Đảng bộ Gia Lai mới. Hội đồng Nhân dân 2 tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết thống nhất chủ trương sáp nhập.
Theo chủ trương của Trung ương, Bình Định và Gia Lai sẽ sáp nhập nguyên trạng, lấy tên tỉnh mới là Gia Lai, trụ sở Trung tâm chính trị – hành chính đặt tại TP. Quy Nhơn. Diện tích tự nhiên của tỉnh Gia Lai mới rộng 21.576,53 km², với hơn 3,58 triệu dân; dự kiến có 135 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 110 xã và 25 phường). Gia Lai và Bình Định đều có những ưu thế riêng, sau hợp nhất chắc chắn ưu thế của địa phương này sẽ hỗ trợ cho địa phương kia. Tỉnh mới sở hữu hệ thống hạ tầng chiến lược gồm hai sân bay: Phù Cát và Pleiku, cảng biển Quy Nhơn, cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh cùng mạng lưới giao thông liên vùng đồng bộ với trục Quốc lộ 19 – tuyến huyết mạch nối Tây Nguyên với Biển Đông và khu vực tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam. Tuyến cao tốc Quy Nhơn – Pleiku đang được đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian di chuyển, thúc đẩy giao thương, phát triển du lịch và logistics. Tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây và tuyến đường Đà Nẵng – Tây Nguyên – Bình Phước đang được quy hoạch, tạo thuận lợi tăng cường liên kết vùng, thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao. Chính vì vậy mà việc hợp nhất tỉnh Bình Định và tỉnh Gia Lai sẽ giúp tăng cường liên kết vùng giữa Tây Nguyên và Nam Trung bộ, hình thành trục kết nối Đông – Tây và mở ra không gian phát triển mới với định hướng phát triển nền kinh tế xanh, bền vững, kinh tế tuần hoàn dựa trên cách mạng công nghiệp 4.0 với các trụ cột tăng trưởng chủ yếu: công nghiệp, dịch vụ du lịch, logistics; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo…
Theo định hướng sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, các tỉnh hợp nhất cần đảm bảo 6 tiêu chí về Diện tích tự nhiên; Quy mô dân số; Lịch sử, truyền thống, văn hóa dân tộc; Địa kinh tế; Địa chính trị và Quốc phòng, an ninh. Tỉnh Bình Định và tỉnh Gia Lai có mối quan hệ, nét tương đồng về lịch sử, văn hóa, chính trị, quốc phòng, an ninh… sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự hòa hợp và sự bổ trợ lẫn nhau trong quá trình phát triển. Cuộc hợp nhất 2 tỉnh sẽ giúp tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số; xây dựng thế trận khu vực phòng thủ liên hoàn, nâng cao hiệu quả tổ chức, chỉ huy, điều hành lực lượng vũ trang, bảo đảm phối hợp chặt chẽ trong xử lý các tình huống phức tạp về quốc phòng, an ninh.
Theo yêu cầu tiến độ, trên cơ sở kết quả của lần làm việc thứ 2 này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy 2 tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng 2 địa phương phối hợp chặt chẽ để hoàn thiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định gửi trình báo cáo Trung ương trước ngày 01.5.2025. Đồng thời, đi đến thống nhất đối với nguyên tắc sắp xếp tổ chức bộ máy và phân công cán bộ đảm bảo bộ máy mới hoạt động tốt sau sáp nhập.
Đồng chí lãnh đạo cao nhất của cả 2 tỉnh đều phát biểu, đặt quyết tâm cao, khẳng định việc hợp nhất tỉnh Bình Định và Gia Lai và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh sẽ mở ra cơ hội phát triển trong tương lai, đưa tỉnh Gia Lai (mới) có đủ tiềm năng và lợi thế để trở thành trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa của vùng Trung bộ và Tây Nguyên; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, hiện đại; phát triển công nghiệp, dịch vụ du lịch, cảng biển – logistics; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trung tâm chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.
Tính đến cuối tháng Tư, 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai đã thực hiện phương án tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng chính quyền 2 cấp theo đúng tiến độ bảo đảm cùng cả nước hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trước ngày 30.6 để vận hành cấp xã mới vào ngày 01.7.2025 và đến ngày 01.9.2025 sẽ vận hành tỉnh mới.
Hơn bao giờ hết, cuộc cách mạng về cải cách tổ chức bộ máy hệ thống chính trị của đất nước, tỉnh ta đang được cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân rất quan tâm. Bên cạnh những ý kiến đồng thuận, vẫn còn đấy những tâm tư, băn khoăn về việc dôi dư cán bộ, công chức thất nghiệp; việc khó khăn về môi trường, điều kiện làm việc sau hợp nhất…
Hy vọng tất cả đều được các cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị lắng nghe, tiếp thu, ghi nhận và có chế độ giải quyết thấu đáo…
DƯƠNG HIẾU