Hội thảo “Văn học nghệ thuật Bình Định 50 năm xây dựng và phát triển”

(VNBĐ – Đời sống văn nghệ). Sáng 22.4, Hội Văn học Nghệ thuật Bình Định tổ chức hội thảo “Văn học nghệ thuật Bình Định 50 năm xây dựng và phát triển” nhằm tổng kết những thành tựu trong 50 năm xây dựng và phát triển nền văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh nhà kể từ ngày đất nước thống nhất. Hội thảo là hoạt động thiết thực chào mừng Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Bình Định; 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và chào mừng Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ mới 2025 – 2030 tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.

Dự hội thảo, có đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành, hội đoàn thể của tỉnh; lãnh đạo Hội VHNT Gia Lai; các nhà nghiên cứu, giảng viên, văn nghệ sĩ thuộc các chuyên ngành của Hội.

Hội thảo “Văn học nghệ thuật Bình Định 50 năm xây dựng và phát triển”. Ảnh: P.N

Sau ngày đất nước thống nhất, văn nghệ sĩ Bình Định ở hai miền hợp lại một nhà và trở thành những người sáng lập Hội VHNT Nghĩa Bình – tiền thân của Hội VHNT Bình Định ngày nay. Năm 1989, tỉnh Bình Định được tái lập, Hội VHNT tổ chức đại hội lần thứ I với 120 hội viên. Qua sáu kỳ đại hội, Hội hiện đã có 375 hội viên. Đến nay, Bình Định cũng đã thành lập được 8 chi hội chuyên ngành Trung ương, tập hợp 119 hội viên là thành viên các hội chuyên ngành Trung ương.

Qua 50 năm, Hội VHNT Bình Định không ngừng phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động và có nhiều thành tựu nổi bật: Xuất bản và phổ biến hàng trăm tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật thuộc các thể loại: Văn học, Văn nghệ dân gian, Văn học Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Âm nhạc, Sân khấu, phục vụ công chúng và đạt nhiều kết quả cao qua các cuộc thi, các kỳ liên hoan, triển lãm, hội diễn trong nước và quốc tế; Bình Định vinh dự có 03 văn nghệ sĩ được nhận Giải thưởng Nhà nước: nhà thơ Yến Lan, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn, nhà thơ – nhà viết kịch Văn Trọng Hùng; đến nay, Bình Định có 19 NSND, 54 NSƯT; 07 NNND, 35 NNƯT; tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động tạp chí in và tạp chí điện tử; phát hiện, bồi dưỡng được nhiều gương mặt trẻ xuất sắc, bổ sung vào lực lượng kế cận cho đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà và cả nước…

Các đại biểu tham quan khu trưng bày các công trình nghiên cứu, tác phẩm văn học Bình Định từ 1975 đến nay. Ảnh: P.N

Hội thảo đã thu hút 19 tham luận giá trị của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh: Nhà thơ Lệ Thu, nhà văn Lê Hoài Lương, TS. Châu Minh Hùng, PGS.TS Hồ Thế Hà, họa sĩ Đặng Mậu Tựu, TS. Nguyễn Huỳnh Huyện, nhà văn Phạm Kim Sơn, TS. Võ Minh Hải, nhà thơ Vân Phi, NĐK Lê Trọng Nghĩa, NSNA Đào Tiến Đạt, biên đạo Hoàng Việt, nhạc sĩ Thế Tuyên, NSNA Từ Như Huyền Trân, ThS. Trần Xuân Toàn… Các tham luận nhìn nhận sâu sắc các khía cạnh VHNT Bình Định suốt 50 năm qua về những thành tựu, cũng như tồn tại, qua đó có nhiều ý kiến đề xuất tâm huyết cho việc xây dựng, phát triển nền VHNT tỉnh nhà.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo. Ảnh: P.N

Kết luận Hội thảo, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Mai Thìn khẳng định suốt 50 năm qua, đội ngũ văn nghệ sĩ Bình Định luôn có tinh thần đoàn kết, trách nhiệm với đất nước, với quê hương, lớp trước vun bồi cho lớp sau, tạo được một dòng chảy liên tục trên dòng VHNT cả nước. Họ đã đóng góp rất nhiều tác phẩm, công trình VHNT giá trị, đạt nhiều giải thưởng cao trong tỉnh, trong nước và quốc tế, qua đó góp phần gìn giữ các giá trị đạo đức và truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc của đất nước. Ông đánh giá cao những nỗ lực không ngừng nghỉ và những đóng góp đầy tâm huyết của đội ngũ văn nghệ sĩ trong thời gian qua. Kỳ vọng trong thời gian tới, đội ngũ văn nghệ sĩ sẽ tiếp tục giữ vững ngọn lửa đam mê sáng tạo, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng đa dạng của công chúng, vừa góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần phong phú, lành mạnh, giàu bản sắc, góp phần làm đẹp thêm diện mạo văn hóa của tỉnh nhà trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Ông cho hay, trên cơ sở những ý kiến, tham luận được trình bày tại Hội thảo lần này, Ban Thư ký sẽ tổng hợp, ghi nhận đầy đủ và tiến hành tổng kết, từ đó xây dựng báo cáo đề xuất gửi đến các cơ quan chức năng. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của văn học nghệ thuật tỉnh nhà trong thời gian tới.

Nhà thơ Mai Thìn, Chủ tịch Hội VHNT Bình Định trao bản thảo chép tay Bộ từ điển “Văn thi liệu tầm nguyên tự điển” của nhà nghiên cứu Đặng Quý Địch cho Trung tâm Lưu trữ lịch sử. Ảnh: P.N

Tại hội thảo, Hội VHNT đã trao Bộ từ điển “Văn thi liệu tầm nguyên tự điển” (ở dạng bản thảo viết tay dày 4.258 trang, hơn 15.000 từ) của nhà nghiên cứu Đặng Quý Địch cho Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định; đồng thời, tổ chức trưng bày các công trình nghiên cứu, tác phẩm văn học Bình Định từ 1975 đến nay.

PHI NGUYỄN

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN