Hội thảo khoa học “Mai Xuân Thưởng với phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX”

(VNBĐ – Thời sự). Sáng 20.5, tại TP. Quy Nhơn, Sở VH&TT, Sở KH&CN, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh, Trường ĐH Quy Nhơn, Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (Trung tâm ICISE) và Hội đồng họ Mai tỉnh Bình Định phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Mai Xuân Thưởng với phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX”. Tham gia hội thảo có nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đến từ Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Viện Sử học Việt Nam, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển… và các giảng viên, văn nghệ sĩ quan tâm đến lịch sử Bình Định.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày các tham luận, hướng đến các nội dung chính, như: Làm rõ thân thế, sự nghiệp, vai trò của Mai Xuân Thưởng với phong trào Cần Vương; Làm rõ thêm nhiều tồn nghi về Mai Xuân Thưởng nộp mình hay bị giặc Pháp bắt?; Phong trào Cần Vương tại Bình Định qua nguồn tài liệu đương thời; Vai trò, ảnh hưởng của phong trào Cần Vương tại Bình Định với phong trào yêu nước Trung kỳ và cả nước; Công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Lăng Mai Xuân Thưởng…

Cuộc khởi nghĩa do Mai Xuân Thưởng lãnh đạo tuy thất bại nhưng đã khơi dậy trong quần chúng Nhân dân truyền thống quật cường, tinh thần yêu nước sâu sắc, được thế hệ sau suy tôn. Một số tồn nghi về ông đã có những góc nhìn chung từ hội thảo. Kết luận tại Hội thảo, GS.TSKH Vũ Minh Giang – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cho rằng: “Với nhiều nguồn sử liệu được các chuyên gia, nhà nghiên cứu, học giả cung cấp, thảo luận tại Hội thảo, cùng với những phân tích, đánh giá khoa học, logic đã xác định Mai Xuân Thưởng bị giặc Pháp bắt và xử trảm. Những ý kiến đóng góp còn lại tại Hội thảo cần có nghiên cứu sâu hơn trên tinh thần khoa học để có những nhận thức mới về Mai Xuân Thưởng cho đến thời điểm này…”.

Mai Xuân Thưởng sinh năm Canh Thân (1860), mất năm Đinh Hợi (1887), người thôn Phú Lạc, tổng Phú Phong, huyện Tuy Viễn, tỉnh Bình Định (nay là thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Ông là một trong những thủ lĩnh đầu tiên ở tỉnh Bình Định, ở khu vực Nam Trung kỳ và trên cả nước tham gia khởi nghĩa chống Pháp theo mệnh lệnh của vua Hàm Nghi trong dụ Cần Vương năm 1885. Tiếp sau Đào Doãn Địch, Mai Xuân Thưởng là đầu lãnh của phong trào Cần Vương ở Bình Định chống thực dân Pháp vào cuối thế kỷ XIX, ông được nghĩa quân suy tôn Bình Tây Nguyên soái. Hoạt động chống Pháp của nghĩa quân Mai Xuân Thưởng không chỉ ở Bình Định, mà còn mở rộng ra các tỉnh như: Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận… làm cho bộ máy cai trị của Pháp và tay sai khốn đốn, lung lay. Lo sợ vì sự lớn mạnh của phong trào, thực dân Pháp ra tay đàn áp khốc liệt. Phong trào thất bại, biết không thể dụ hàng được Mai Xuân Thưởng, ngày 15.4 năm Đinh Hợi (1887), Pháp đã xử tử ông. Thi hài của ông được Nhân dân mai táng tại quê nhà thôn Phú Lạc, xã Bình Thành. Sau đó được cải táng tại ngọn đồi cao thuộc thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, là nơi khi xưa Mai Xuân Thưởng chọn làm căn cứ chống Pháp. Đây cũng là nơi xây dựng di tích lịch sử Lăng Mai Xuân Thưởng để hậu thế tưởng nhớ vị anh hùng này.

PHI NGUYỄN

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Phát huy bảo vật quốc gia

Bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học. Do đó, bảo tồn và phát huy giá trị bảo vật quốc gia là góp phần gìn giữ di sản…