(VNBĐ – Bình Định mến yêu). Bình Định là cái nôi của Bài chòi và Hát bội, nơi đây đã hình thành nên nền nghệ thuật Ca kịch Bài chòi độc đáo như ngày nay. Trải suốt gần một thế kỷ qua, Ca kịch Bài chòi Bình Định vẫn sống mãi trong lòng dân với nhiều vở diễn đã lấy biết bao nước mắt của khán giả, trong đó đáng kể nhất là hình ảnh người phụ nữ.
Dù là đề tài dân gian, lịch sử hay hiện đại thì hình tượng người phụ nữ trong nghệ thuật Ca kịch Bài chòi luôn được quan tâm, chú trọng phản ánh dưới nhiều góc độ khác nhau. Tuy nhiên, nổi bật nhất là hình ảnh người phụ nữ Việt Nam với những phẩm hạnh đáng quý về đức hy sinh, tần tảo, chịu thương chịu khó, tấm lòng nhân ái, vị tha và luôn giữ được vẻ đẹp thanh khiết vốn có của phụ nữ Việt.
Với đề tài dân gian, nghệ thuật Ca kịch Bài chòi đã dàn dựng nhiều vở diễn, ngợi ca hình ảnh người phụ nữ đảm ngoan, hiếu thảo và thậm chí là thương cảm cho thân phận người nữ trong xã hội cũ. Tiêu biểu là hình tượng các nhân vật: Nàng Xuân Nương trong vở Lâm Sanh – Xuân Nương; Nàng Thoại Khanh trong vở Thoại Khanh – Châu Tuấn là những người phụ nữ giàu đức hy sinh, hiếu thảo, cam chịu đến cùng cực và luôn nhận thiệt thòi về mình. Dù bị chà đạp, hành hạ về thể xác lẫn tinh thần nhưng nàng Xuân Nương vẫn không kháng cự mà âm thầm chịu đựng đến hy sinh cả tính mạng mình. Điều đó cho thấy sự bất lực của người phụ nữ trong xã hội cũ. Số phận của họ thật mỏng manh, không được coi trọng dưới nhiều tầng lớp áp bức.
Còn nhân vật Thoại Khanh luôn hiếu thảo với mẹ chồng và làm tròn trách nhiệm, bổn phận của người vợ hiền, đã làm lay động bao trái tim người xem qua nhiều thế hệ. Thoại Khanh đã không ngần ngại hy sinh một phần thân thể mình để cứu mẹ chồng lúc đói, bằng việc “lóc thịt” mình cho mẹ ăn nơi rừng sâu núi thẳm và đánh đổi đôi mắt để đổi lấy mạng sống cho mẹ chồng. Hành động này của Thoại Khanh là minh chứng cho tấm lòng hiếu kính phi thường của nàng dâu thảo. Nàng cũng không quản ngại sương gió đoạn trường để đưa mẹ chồng đi viễn xứ tìm con trai – Châu Tuấn, là một biểu tượng đẹp và đầy xúc động về đạo làm dâu vẹn tròn chữ hiếu với mẹ chồng.
Về đề tài lịch sử chiến tranh, nghệ thuật Ca kịch Bài chòi Bình Định cũng ghi dấu ấn đậm nét với nhiều vở diễn xây dựng hình tượng người phụ nữ kiên cường, bất khuất, anh dũng trong chiến đấu nhưng đầy bao dung, rộng lượng và giàu đức hy sinh trong cuộc sống thường nhật. Đó là các vở: Điều không thể mất kể về hình tượng nữ thanh niên xung phong tên Nhâm và các đồng đội đã cống hiến tuổi xuân cho Cách mạng. Chị hy sinh cả tình riêng để hết lòng phục vụ Tổ quốc. Hay vở Thời con gái đã xa đề cập đến bi kịch cuộc đời của những cô gái thanh niên xung phong đi làm đường Trường Sơn bị những vết thương cả về thể xác lẫn tinh thần. Họ chịu nhiều thiệt thòi khi trở lại cuộc sống thường nhật. Ngay cả niềm khao khát về quyền làm vợ, làm mẹ cũng gặp điều bất hạnh. Họ rất cần sự cảm thông và chia sẻ của những người được hưởng hòa bình hôm nay.
Vở Bài chòi Người tử tù mất tích lại ẩn chứa một nỗi đau riêng của người phụ nữ tên Hà, có chồng là một chiến sĩ cách mạng biệt động thành, bị bắt đày ra Côn Đảo và kết án tử hình. Ở hậu phương, chị và con cũng bị địch chia lìa dã man. Gánh chịu nỗi đau mất chồng, mất con, chị lang thang suốt 20 năm trời để tìm chồng, con trong trạng thái điên loạn, thất thần.
Hay nhân vật Tâm (Người vợ trẻ của chiến sĩ cộng sản đã hy sinh khi hoạt động cách mạng trên “tàu không số” vận chuyển vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật từ Bắc vào Nam) trong vở Biển và tôi đã cố nén nỗi đau mất chồng, tiếp tục cùng đồng đội làm cơ sở cách mạng ở làng chài để có những thông tin quan trọng giúp nhiều chuyến tàu không số cập bến an toàn.
Nhân vật má Bưởi trong vở Má tôi ngày ấy lấy cảm hứng từ một bà mẹ Việt Nam anh hùng có thật trong cuộc sống. Bà là người giàu đức hy sinh, che chở, nuôi giấu các chiến sĩ văn công cách mạng để họ mang lời ca, tiếng hát phục vụ nhân dân và bộ đội. Trong một trận càn quét tàn khốc của địch, má Bưởi đã ngã xuống trong niềm đau xót và tiếc thương của nhân dân. Hình ảnh bà trở thành một biểu tượng đẹp về người mẹ, người vợ trọn đời cống hiến và hy sinh cho cách mạng.
Thông qua các tác phẩm nghệ thuật Ca kịch Bài chòi đề tài chiến tranh đã phần nào lột tả được hình ảnh những người phụ nữ Việt Nam giàu đức hy sinh, có tấm lòng nhân ái, vị tha trong cuộc sống nhưng cũng rất mạnh mẽ, cương quyết chống kẻ thù, làm tốt vai trò, nhiệm vụ trước Đảng, trước nhân dân.
Phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, các vở Ca kịch Bài chòi về đề tài hiện đại tiếp tục xây dựng hình tượng người phụ nữ rất gần gũi, chân thật và mang tính thời sự trong cuộc sống đời thường. Đó là các vở như: Nỗi đau lòng mẹ xoay quanh cuộc đời bất hạnh của bà Nhân – người mẹ một đời cơ cực lầm than, “lặn lội thân cò” nuôi con vất vả, gian nan tháng ngày. Một mình bà hy sinh tất cả vì những đứa con. Thế nhưng, đến khi các con khôn lớn, thành người lại không giành thời gian chăm sóc, nuôi nấng nổi mẹ già lúc “chiều tà xế bóng” khiến “nỗi đau lòng mẹ tràn trề bao năm”. Rồi đến một ngày, người mẹ già yếu, mất đi thì những đứa con bất hiếu của bà mới nhận ra ơn sinh thành, dưỡng dục và tình mẫu tử thiêng liêng cao quý hơn tất cả, nhưng đã muộn màng bởi:
Công cha nghĩa mẹ ơn dày
Mẹ đâu có kể lời nào với con
Còn vở Bài chòi Nửa đời hương phấn là tấn bi kịch cuộc đời của cô gái tên Hương đã chịu cảnh khổ cực từ nhỏ, lầm lỡ sa chân vào nghề buôn hương bán phấn. Dù trải qua muôn vàn cay đắng, nhưng với tấm lòng tự trọng, bản tính hy sinh vì hạnh phúc của những người mình yêu thương, Hương đã nhận sự thiệt thòi về mình, thanh thản tìm quên “nửa đời hương phấn” trong chiếc áo nâu sồng ở chốn thiền môn”.
Với đề tài nước ngoài, thông qua những thủ pháp nghệ thuật đặc trưng, nghệ thuật Ca kịch Bài chòi đã “Việt hóa” nhiều tác phẩm và dàn dựng thành công, được công chúng nồng nhiệt đón nhận. Trong đó có hình ảnh người phụ nữ mang tầm khái quát, ẩn chứa những đức tính gần gũi với tính cách của người Việt, đem lại nhiều cảm xúc cho khán giả thưởng thức. Tiêu biểu là tác phẩm nghệ thuật Chuyện tình nàng Si Ta phỏng tác từ sử thi Ramayana của đất nước Ấn Độ.
Hình ảnh người vợ hiền, xinh đẹp Si Ta đã đồng cam cộng khổ, cùng chồng (hoàng tử Pơ Rim) vượt qua bao gian truân của cuộc sống. Tuy vậy, quỷ dữ đã gieo vào lòng chàng thói ích kỷ, giận hờn, luôn nghi ngờ sự thủy chung của vợ mình nên chàng đã sai khỉ Hanuman đưa Si Ta vào rừng xử chém. Không còn tình yêu và niềm tin nơi người chồng tệ bạc, nàng Si Ta đã một mình vượt qua trăm khó ngàn khăn, sinh con trong khổ đau tột cùng. Sau 15 năm gặp lại, với tấm lòng vị tha cao cả, nàng Si Ta đã để lại đứa con trai cho chồng và tìm đến cái chết để xóa đi mọi giận dữ, oán hờn. Nàng Si Ta là hiện thân của người phụ nữ giàu lòng bao dung, nhân ái, không so bì thiệt hơn.
Có thể nói, bằng ngôn ngữ sân khấu, nghệ thuật Ca kịch Bài chòi đã khắc họa khá rõ nét và đa chiều về hình tượng người phụ nữ Việt Nam, qua các thời đại luôn trung trinh tiết liệt và hội tụ đủ những phẩm chất đáng quý, như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu từng trao tặng chị em 08 chữ vàng “kiên cường, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Nhưng tùy từng thời điểm và hoàn cảnh lịch sử khác nhau mà những phẩm chất ấy có điều kiện để “ươm mầm” và trỗi dậy mãnh mẽ. Nghệ thuật Ca kịch Bài chòi ra đời từ dân gian với những thế mạnh của mình là “mảnh đất màu mỡ” để ca ngợi và tôn vinh những “bông hoa đẹp nhất” trong “vườn hoa đa sắc màu” của nghệ thuật.
THÚY HƯỜNG
(Văn nghệ Bình Định số 102 tháng 10.2021)