(VNBĐ – Bút ký dự thi). Trong chiến tranh, anh lặng lẽ gom đạn, bom, pháo lép của địch đem về cải tiến thành nhiều loại vũ khí. Sau khi thử nghiệm thành công, anh tổ chức truyền đạt trong toàn tuyến và cung cấp kịp thời cho đồng đội chiến đấu. Trong thời bình, anh đảm trách kỹ thuật cho công tác huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu…
Anh chính là những người lính quân khí trong Lực lượng vũ trang Nhân dân Việt Nam ở tỉnh ta, luôn có mặt ở mọi nơi mọi lúc, sát cánh cùng các binh chủng khác hoàn thành sứ mệnh lịch sử.
Cải tiến đạn pháo của địch
Từ năm 1965, chiến sự trên đất Bình Định diễn ra ngày càng dày. Phía Bắc sông La Tinh trở ra, bộ đội chủ lực Quân giải phóng và Quân lực Việt Nam Cộng hòa có không vận Mỹ yểm trợ, liên tục đụng độ. Quân giải phóng càng đánh càng mạnh, đối phương càng lúc càng suy nên địa bàn hoạt động cũng ngày càng bị thu hẹp. Phía Nam sông trở vào, Sư đoàn Mãnh Hổ của Nam Triều Tiên tăng cường lùng sục nhưng luôn bị bộ đội địa phương đánh chặn. Nhiều toán lùng sâu lên rừng, vướng phải mìn của du kích, bị thiệt hại nặng nề… Để có đủ vũ khí tiêu hao sinh lực địch, tiến đến làm chủ chiến trường, người lính quân khí từ tỉnh đến huyện luôn theo dõi sát tình hình chiến sự trên địa bàn rồi bí mật gom đạn, bom, pháo lép địch đem về cải tiến thành vũ khí của ta. Nhờ theo dõi được tầm bắn, hướng bay, độ cao và địa hình mà người lính quân khí ước tính được số lượng bom, pháo lép sau một trận pháo kích hoặc rải bom của địch. Riêng bom bi, họ biết chắc: một lần rải, máy bay phóng ra 19 ống, mỗi ống chứa 20 quả, cả thảy có 380 quả phủ kín một vùng đất rộng trên mười héc ta. Trong số đó có hơn 2/3 nổ ngay khi chạm đất, số còn lại nằm chờ…Thấy pháo bắn, bom rơi, lính quân khí dù ở đâu, làm gì cũng lập tức lấy giấy bút đánh dấu tọa độ rồi hôm sau tìm đến tháo ngòi nổ, cạy kim hỏa, chuyển về. Họ biết được tính năng, nguyên lý hoạt động của từng loại nên chủ động gom nhặt mọi nơi, mọi lúc. Không lâu sau, họ có được một lượng lớn thuốc TNT, ngòi và kíp nổ.
Thời gian này, dọc theo dãy núi phía Tây tỉnh ta có nhiều hang, hầm chứa thuốc nổ bom pháo thu được và nhiều xưởng sửa chữa vũ khí với nhiều tổ: thuốc, mộc, rèn, nguội, hoạt động rất nhịp nhàng và bí mật. Tôi được nghe các cựu chiến binh (CCB) ngành Quân khí ôn lại nhiều chuyện cũ, đầy cảm phục khi họ hoạt động tại các xưởng: Hóc núi Nghĩa Điền (Ân Nghĩa, Hoài Ân), Soi Bà Quyên (Cát Lâm, Phù Cát), sườn Núi Bà (phía Cát Chánh, Phù Cát).
Thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ, bộ đội địa phương và du kích tỉnh ta chỉ được trang bị các loại súng chiến lợi phẩm từ cuộc kháng chiến chống Pháp trước đó, gồm: súng trường Mas 1936, trung liên Mas 24/29 và đại liên Mas. Các loại súng này dùng chung cỡ đạn 7.50 mm. Phía đối phương, lính chủ lực cấp trung, sư đoàn được trang bị súng hệ 1 của Mỹ, gồm Grante M1, trung liên, đại liên Browning chung cỡ đạn 7.62 mm. Đến cuối năm 1963, đạn súng Mas trong tay bộ đội và du kích không được dồi dào vì không còn sản xuất. Trên chiến trường lúc này, nhiều đơn vị vũ trang phải tiết kiệm từng viên đạn. Nhưng nhờ sự sáng tạo và tận tụy của người lính quân khí mà khó khăn này sớm được tháo gỡ. Đạn 7.62 mm của đối phương sau nhiều trận tập kích thu được, lính quân khí đã cắt ngắn và tóp đầu vỏ để vừa cỡ nòng súng Mas bằng cách tạo ra khuôn ép từ buồng đạn súng hỏng. Họ miệt mài cải tiến và cung cấp hàng nghìn cơ số đạn cho các đơn vị vũ trang đứng chân trên địa bàn.
Ngoài đạn súng, lính quân khí còn cải tiến đạn cối 60 mm chiếu sáng thành thủ pháo; dùng lò xo cánh đuôi bom bi lắp vào ngòi nổ để tạo mìn bom bi; nấu thuốc nổ từ bom lớn, tạo ra hàng trăm quả bộc phá cung cấp cho lực lượng đặc công đánh cầu, đồn. Họ gò tole hoặc nhôm thành vỏ thủ pháo; giã thuốc TNT lấy được từ địch, rây lấy phần mịn, nhồi vào trong, ém chặt bộ lửa lựu đạn. Khi sử dụng, người lính chỉ cần bật nắp, rút dây nụ xòe, ném vào mục tiêu. Đối với các loại mìn, lính quân khí cho thêm vài chục mảnh thép cắt nhọn nhồi chung với thuốc rồi gắn các loại kíp nổ phù hợp với việc chôn, giật, mắc, gài… Tiếng nổ của mìn, thủ pháo và các loại trái nổ làm từ tay người lính quân khí đầy uy lực, khiến đối phương vừa mất mục tiêu vừa khủng hoảng tinh thần.
Thử nghiệm, truyền đạt
Sau khi cải tiến hoặc tạo vũ khí mới, lính quân khí thường tổ chức thử nghiệm để biết được hiệu quả. Thông qua đó, họ có thể thêm, bớt thuốc nổ và thiết bị hỗ trợ nhằm phát huy tối đa tính năng của vũ khí. CCB Đặng Hà Thụy – nguyên cán bộ ngành quân khí về hưu, đang sống tại phường Hoài Thanh Tây (Hoài Nhơn) – nói vui: “Ngành bom đạn của chúng tôi đi đâu cũng phải có giấy bút, khoan quay tay, kíp nổ, dây cháy chậm, dây điện và máy điểm hỏa mìn Claymore. Khi cần, chúng tôi thử nghiệm ngay!”. Rồi ông kể: Tháng 3.1967, sau hai ngày đêm mắc kẹt trên núi Hòn Dung, gần sân tập Trung tâm huấn luyện Địa phương quân Gò Trạm (Cát Hanh, Phù Cát), thấy giữa sân có một gian nhà trống lợp tole và lịch trình đi – về của lính Cộng hòa, ông bàn với các chiến sĩ đi cùng thử nghiệm cách đánh số đông bằng đầu đạn pháo 105 mm chôn cạn. Các chiến sĩ đồng ý rồi tìm nhặt về một đầu đạn nhưng ngòi nổ đã bị dập nát. Ông dùng khoan quay tay khoan xuyên vỏ thép tại điểm truyền nổ, lấy ngòi nổ của lựu đạn M26 lắp vào rồi đem chôn dưới nền cát giữa nhà trống sân tập. Đầu buổi chiều, lính vào nhà trống học lý thuyết. Đùng!… Một tiếng nổ đinh tai xé toạc mái tole. Một cột khói đen cuộn lên cùng nhiều mảnh tole bay lả tả…
Sau khi chế tạo quả mìn chống tăng mặt lõm, ngòi đè nổ, trọng lượng 5 kg thuốc nổ với bom bi, thấy xe tăng Mỹ từ Núi Một (Cát Hanh, Phù Cát) lên xuống địa bàn xã Cát Sơn hằng ngày, cán bộ Thụy cùng đồng chí Nguyễn Cận – xã đội trưởng Cát Hiệp (Phù Cát) – đem đến cầu Bà Lễ (trên đường đi Cát Sơn) chọn điểm đánh thử nghiệm. Mìn được chôn sâu dưới vệt bánh xích xe tăng vừa đi hôm trước nên rất khó phát hiện. Đầu giờ chiều ngày chôn mìn, một đoàn xe quân sự từ hướng Núi Một lên. Đi đầu là chiếc M113, tiếp là chiếc Jeep. Hai chiếc giẫm qua điểm chôn quả mìn như không hề có chuyện gì. Đến chiếc thứ ba: tăng M41 chở đầy lính, giẫm qua, quả mìn phát nổ. Một tiếng nổ long trời lở đất, cột khói bốc cao trên mười mét, chiếc xe lật úp vào vách đất, bốc cháy ngùn ngụt.
Tháng 7.1967, trên đường đến Núi Bà vận chuyển pháo sáng của lính Nam Triều Tiên bỏ lại, một tổ quân khí tỉnh đội kịp phát hiện một đại đội lính Mãnh Hổ đang lùng sục các hang đá. Qua ẩn nấp – theo dõi, tổ biết được điểm nghỉ chân của chúng là một bãi trống lưng chừng núi. Các anh bàn bạc và thống nhất cách đánh kết hợp các loại vũ khí tự tạo, gồm: 6 quả lựu đạn, 2 quả mìn Claymore và một khối thuốc nổ 5 kg chôn giữa. Dây truyền nổ cho chạy ngầm trong đất, đầu mối neo vào chiếc nồi nhôm chúng bỏ lại. Sáng hôm sau, tầm 9 giờ, chúng đổ quân phía chợ Gồm (Cát Hanh, Phù Cát) rồi lóc cóc trèo lên núi. Đến bãi trống thường nghỉ, chúng quây quần ăn uống, chạm phải chiếc nồi nhôm, số vũ khí tự tạo đồng loạt phát nổ. Tiếng nổ xé trời cùng tiếng la hét, gào thét trong máy bộ đàm, náo loạn cả sườn núi…
Sau khi thử nghiệm thành công, người lính quân khí ghi vào sổ tay những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm trong cải tiến và tạo mới để truyền đạt lại cho người trong ngành và nhiều binh chủng khác. Họ truyền đạt bằng cách chỉ cho người sử dụng các cách: gài, chôn, giật, bấm điện; phối hợp tổ chức tập huấn trong toàn ngành và du kích các xã về những điểm mới, cần thiết. Trong tập huấn, người phụ trách luôn có học liệu bằng những mô hình thật để giới thiệu và trình bày; cho học viên thực hành nhiều lần các bài tập: cải tiến, tạo mới, gài, bấm, chôn, gỡ và cách nhận dạng dấu vết chôn, gài của quân ta. CCB Võ Bá Cự – chiến sĩ quân khí tỉnh đội trong kháng chiến, nay về hưu, đang sống tại xã Hoài Mỹ – cho biết: “Cứ có điểm gì mới và hay, anh em chúng tôi lại phối hợp tổ chức truyền đạt cho nhau, không phân biệt tuyến huyện hay tỉnh. Nhờ vậy lực lượng vũ trang tỉnh ta luôn đủ vũ khí và nhiều cách đánh, khiến đối phương không kịp trở tay”.
Bảo quản, phục vụ
Người lính quân khí luôn coi trọng khâu bảo quản. Bảo quản tốt, vũ khí sẽ không ẩm mốc, rỉ sét hoặc rơi vào tay giặc. Theo đó, lực lượng vũ trang sẽ tự tin để tiến chắc, đánh chắc. Trong chiến tranh, ngành Quân khí luôn có kho tập kết bom, pháo lép và kho vũ khí cải tiến hoặc tạo mới. Các kho chứa của họ thường là những hang đá khô ráo, thoáng mát, nằm giữa sườn núi. Bên trong, thuốc nổ, thiết bị và vũ khí tự tạo, cải tiến được xếp vào hòm, thùng gỗ, chất vào các ngóc ngách theo từng loại. Miệng hang thường chỉ đủ một người mang vác ra – vào và luôn có người cảnh giới. Theo CCB Trần Văn Hoàng – chiến sĩ quân khí thời chiến tranh, nay nghỉ hưu, sống tại xã Cát Lâm (Phù Cát): Không thể biết được số lượng kho vũ khí của lính quân khí vì tỉnh có kho tỉnh, huyện có kho huyện. Tất cả đều nằm trong bí mật. Hơn nữa, mặt trận đến đâu, lính quân khí đến đó. Họ đến, ắt sẽ có kho chứa mới.
Vũ khí tự tạo và cải tiến từ tay người lính quân khí tỉnh ta trong những năm tháng chiến tranh ác liệt đã kịp đến tay bộ đội: trinh sát, đặc công, công binh, cảnh vệ, du kích và cả bộ đội Sư đoàn 3 Sao Vàng lúc đánh phát sinh. Trước sau có đến nghìn lượt. Mặc dù có vài rủi ro trong quá trình gom nhặt, cải tiến, như vụ thiếu uý Nguyễn Thế Lâm và một đồng đội hy sinh vì bom phát nổ trong lúc cưa bỏ đoạn có ngòi (do không tháo được ngòi nổ của quả bom 250 kg ở Nhơn Phong, An Nhơn). Vụ 4 chiến sĩ cõng bom bi trên địa bàn xã Cát Chánh (Phù Cát) hy sinh vì một người trượt ngã khiến bom bung nổ… nhưng người lính quân khí luôn lạc quan. Đại tướng hồi hưu Kim Jin Sun – nguyên đại úy, Đại đội trưởng đại đội 11 của Sư đoàn Mãnh Hổ Nam Triều Tiên từng tham chiến ở địa bàn tỉnh ta – trong cuốn hồi ký của mình (Theo thư viện Ebook) đã bày tỏ sự hãi hùng khi đối mặt với bom mìn của quân giải phóng. Nó khiến ông canh cánh lo âu, không thể nghĩ ra được điều mới mẻ và ám ảnh ông suốt cuộc đời…
Tiếp nối truyền thống
Trò chuyện với thiếu tá Đào Thanh Hòa – Trưởng ban Ban Quân khí Bộ CHQS tỉnh – tôi được biết hiện nay số lượng cán bộ, chiến sĩ trong ngành Quân khí ở tỉnh ta không nhiều. Ở tỉnh có 3 người trong biên chế và một đại đội Kho; Trung đoàn 739 và 11 huyện, thị, thành phố, mỗi đơn vị có một trợ lý quân khí và một thủ kho. Tuy vậy, ngành Quân khí luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, lan tỏa được ngọn lửa tin yêu trong cán bộ, chiến sĩ toàn tỉnh. Thượng úy Lê Ngọc Trương – Trợ lý tác huấn Ban CHQS huyện Phù Mỹ – chia sẻ: “Nhờ có nhiều thiết bị và mô hình học liệu do cán bộ, chiến sĩ quân khí làm ra mà anh em chúng tôi truyền đạt – tiếp thu nhanh kiến thức. Chắc chắn đợt kiểm tra tới, đơn vị tôi sẽ có nhiều chiến sĩ đạt loại giỏi!”. Đúng vậy! Nhờ sáng tạo, cải tiến, bảo quản tốt, cấp phát đủ nên mọi hoạt động: huấn luyện, diễn tập, hội thi, hội thao… luôn diễn ra thông suốt, an toàn và chất lượng. Năm 2019, Đại đội kho Vũ khí – Đạn tham gia hội thi: “Kho quân khí tốt, Thủ kho quân khí giỏi” của Quân khu 5, đạt giải Nhất khối 11 tỉnh, thành phố. Năm 2022, Đại đội Kho tiếp tục đạt giải Nhất hội thi “Kho Vũ khí – Đạn cấp chiến thuật, chiến dịch” do Quân khu tổ chức.
Ban Quân khí Bộ CHQS tỉnh Bình Định là đơn vị tiên tiến của phong trào “Thi đua Quyết thắng” trong lực lượng Vũ trang tỉnh ta giai đoạn 2019 – 2021 và là đơn vị “Quyết thắng” trong phong trào “Thi đua Quyết thắng” cấp quân khu năm 2022, xứng đáng với truyền thống: “Tận tụy, dũng cảm; giữ gìn súng đạn; phục vụ đánh thắng” của ngành Quân khí.
Cục Quân khí thuộc Tổng cục Kỹ thuật của Bộ Quốc phòng Việt Nam được thành lập ngày 16.9.1951. Đến tháng 11.1958, Cục sáp nhập với Cục Quân giới mang tên Quân giới. Ngày 27.7.1961, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 được thành lập. Trong cơ quan Quân khu có Ban Quân giới trực thuộc Phòng Hậu cần. Đến cuối năm 1964, các tỉnh đội thuộc Quân khu 5 đều có Tiểu ban Quân giới, đảm bảo được công tác tiếp quản, điều hành: trạm, xưởng, kho đến tận tuyến huyện và khắp các chiến trường. Do tình hình chiến sự ngày một khác đi, ngày 24.10.1966, Cục Quân giới được Bộ Quốc phòng tách thành hai: Cục Quân giới và Cục Quân khí. Từ đây, BCHQS các tỉnh chỉ còn Ban Quân khí. Cán bộ, chiến sĩ Quân khí được phân bổ đều đến các huyện đội và kho vũ khí – đạn. (Đề cương tuyên truyền: 70 năm truyền thống Ngành Quân khí, do Cục Quân khí biên soạn) |
BÙI TẤN PHƯỚC