Gỡ “thẻ vàng” thủy sản

(VNBĐ – Thời đàm). Ngày 21.4, tại TP Quy Nhơn đã diễn ra một hội nghị lớn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Bình Ðịnh tổ chức, với sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành và 28 tỉnh, thành phố ven biển trong cả nước: Hội nghị triển khai những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Đây có thể coi là một nỗ lực nhằm sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC) ngay trước khi đoàn thanh tra lần thứ tư của EC trở lại.

“Thẻ vàng” của EC là thẻ phạt đối với quốc gia vi phạm quy định hàng hóa hải sản khi nhập khẩu vào thị trường Châu Âu (EU) đều phải khai báo, xác nhận nguồn gốc, đảm bảo không vi phạm quy định IUU. Khi quốc gia nào bị rút “thẻ vàng” sẽ bị công bố rộng rãi trên thế giới, hàng thủy sản nhập vào EU sẽ bị tăng cường kiểm tra với thời gian kéo dài làm tăng rất cao chi phí.

Từ ngày 23.10.2017, EC cảnh báo thẻ vàng đối với sản phẩm khai thác hải sản của Việt Nam vì chưa kiểm soát được hoạt động khai thác IUU tại vùng biển ngoài Việt Nam; công tác quản lý nghề cá chưa tương đồng với nghề cá khu vực và thế giới, đặc biệt chưa đáp ứng được các quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm khai thác của EC.

Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều giải pháp quyết liệt để chống khai thác IUU, gỡ “thẻ vàng”. Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU, các ban, bộ ngành và 28 tỉnh, thành phố ven biển đã tích cực trong công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành, triển khai các giải pháp chống khai thác IUU.

Tuy nhiên sau ba lần thanh tra, EC vẫn chưa gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam. Kết quả cuộc thanh tra lần thứ ba diễn ra vào tháng 10.2022, EC đánh giá cao sự phối hợp tốt giữa các cơ quan chức năng tham gia chống khai thác IUU, khẳng định tình hình chống khai thác IUU tại Việt Nam đã chuyển biến tích cực hơn rất nhiều so với lần thanh tra lần thứ hai vào năm 2019 như: đã hoàn thiện khung pháp lý; công tác theo dõi, quản lý đội tàu, giám sát sản lượng lên bến; thực hiện xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác trong nước và nhập khẩu; công tác thực thi pháp luật, xử phạt vi phạm hành chính đã được cải thiện và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Song EC cũng đã chỉ ra những hạn chế chống khai thác IUU của Việt Nam như: Thực thi khung pháp lý còn hạn chế và không đồng đều; số lượng tàu mất kết nối còn cao; hệ thống kiểm soát chưa ngăn chặn hiệu quả thủy sản có nguồn gốc từ khai thác IUU; vấn đề liên quan đến truy xuất nguồn gốc, kiểm soát thủy sản nhập khẩu dưới dạng container; đặc biệt là tình trạng tàu cá Việt Nam bị bắt giữ ở vùng biển các nước láng giềng mà chỉ cần còn một tàu vi phạm vùng biển nước ngoài sẽ không gỡ được “thẻ vàng”!

EC tiếp tục đưa ra bốn khuyến nghị gồm: khung pháp lý; hoạt động quản lý đội tàu, theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá; việc xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác; thực thi pháp luật, xử lý vi phạm.

Sáu tháng qua, bám sát bốn khuyến nghị của EC, các bộ, ngành, địa phương đã rất quyết liệt triển khai công tác chống khai thác IUU.

Ðến nay, Việt Nam đã hoàn thiện về cơ chế pháp lý, chính sách trong công tác quản lý thủy sản. Các nội dung thực hiện so với khuyến nghị của EC đã có chuyển biến nhưng vẫn chưa đạt, cụ thể: số lượng tàu cá đăng ký mới đạt 96%, tàu đã lắp thiết bị giám sát hành trình đạt 97,5%, sản lượng hải sản đánh bắt được giám sát qua cảng mới chỉ đạt 28,5%, 80% số tàu cá nộp nhật ký khai thác và khai báo trước một tiếng khi cập bến; trong khi EC yêu cầu tất cả phần việc nói trên đều phải đạt 100%!

Nhiều tàu cá dài trên 15m không cập vào cảng cá được chỉ định mà cập vào các bến cá khác để bốc dỡ sản phẩm. Về xác nhận nguyên liệu, việc xác minh thông tin về loài, số lượng, thời gian đánh bắt còn hạn chế; độ tin cậy của giấy xác nhận nguyên liệu chưa cao. Về chứng nhận nguồn gốc thủy sản thì chưa được kết nối liên thông; chưa xác minh đầy đủ thông tin tàu khai thác chuyển tải vào Việt Nam; chưa có giải pháp kiểm soát nguồn gốc thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam bằng container. Việc thực thi pháp luật cũng còn rất hạn chế dù tàu vi phạm còn nhiều. Trong khi năm 2022 cả nước có 84 tàu vi phạm, năm 2023 có thêm 16 tàu nữa, thế nhưng đến nay mới chỉ xử lý được 10 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài và chưa xử lý vụ môi giới đưa tàu cá đi đánh bắt bất hợp pháp nào…

Tháng Năm đang tới là thời gian dự kiến đoàn thanh tra của EC sẽ trở lại. Phải hoàn thiện 100% các yêu cầu mà EC đưa ra là ưu tiên số một! Một cơ chế giám sát hiệu quả với những quy định pháp lý chặt chẽ, bảo đảm thực thi nhất quán, đồng bộ từ Trung ương tới địa phương; nâng cao chế tài, bảo đảm đủ sức răn đe, xử phạt thật nghiêm các trường hợp vi phạm. Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao ý thức, nhận thức của ngư dân. Ðồng thời tính toán xây dựng lộ trình chuyển đổi nghề thích hợp để phía EC có thêm thông tin tham chiếu trong quá trình tháo gỡ “thẻ vàng”!

DƯƠNG HIẾU

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

“Đại bàng” và chiếc “tổ to”

Mục tiêu, tầm nhìn phát triển của Bình Định là đến năm 2030, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ…