Giá trị mới từ lá phiếu tín nhiệm

(VNBĐ – Thời đàm). Hoàn thiện thể chế cho công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ là việc làm thường xuyên của Đảng nhằm không ngừng xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng nhiệm vụ đặt ra trong thời kỳ mới. Từ nhiều năm qua, các quy định về công tác xây dựng Đảng nói chung và công tác cán bộ nói riêng được đẩy mạnh xây dựng và luôn được cải tiến. Nhiều văn bản, quy định trong việc bổ nhiệm cán bộ, quy hoạch cán bộ và lấy phiếu tín nhiệm bộc lộ sơ hở đã được điều chỉnh. Quy định số 262-QĐ/TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội ban hành ngày 08.10.2014 đã được thay thế bằng Quy định số 96-QĐ/TW ngày 02.02.2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị là một ví dụ.

Quy định mới này được xác định cụ thể là nhằm thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Đồng thời, góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cán bộ; giúp cán bộ “tự soi”, “tự sửa”, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện trong công tác; là cơ sở quan trọng để cấp ủy, tổ chức đảng đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ; nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý, giám sát cán bộ.

Khác với quy định trước, Quy định 96 nhấn mạnh việc lấy phiếu tín nhiệm là nội dung quan trọng trong đánh giá cán bộ, được thực hiện định kỳ chứ không đơn thuần là một trong những kênh thông tin tham khảo. Theo đó, những trường hợp có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định. Đây là một giá trị mới của lá phiếu tín nhiệm tạo nên bước thay đổi quyết liệt, trở thành thước đo quan trọng phản ánh năng lực cũng như quá trình hoạt động của cán bộ quản lý, lãnh đạo. Giá trị mới thứ hai của lá phiếu tín nhiệm theo Quy định 96 là đã xác định rõ nội hàm tín nhiệm gồm phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao bên cạnh một loạt bổ sung khác như kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương của cá nhân cũng như gia đình trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước; việc thường xuyên giữ mối liên hệ với cấp ủy nơi cư trú.

Ngoài giá trị nội hàm của lá phiếu tín nhiệm được tăng lên, Quy định 96 còn có nhiều nét mới khác. Đó là thời điểm lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện định kỳ vào năm thứ ba (năm “bản lề”) của nhiệm kỳ và về quy trình lấy phiếu. Quy định mới chia làm hai nhóm lấy phiếu tín nhiệm, gồm: các chức danh cấp ủy; chức danh, chức vụ, lãnh đạo quản lý trong hệ thống chính trị và các chức danh cán bộ do Quốc hội và HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Những cuộc lấy phiếu tín nhiệm trong quá khứ còn bị đánh giá là mang tính hình thức, thiếu thực chất mà nguyên nhân được chỉ ra là do một bộ phận người đứng đầu cấp ủy nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của việc lấy phiếu tín nhiệm; vẫn còn nể nang, dĩ hòa vi quý, tinh thần tự phê bình, phê bình chưa cao; có biểu hiện lợi ích nhóm. Hệ quả của nó là một số cán bộ đạt phiếu tín nhiệm cao nhưng sau đó lại vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật.

Về mặt văn bản, Quy định số 96 đã cụ thể hơn, chặt chẽ hơn và quyết liệt hơn, dù vậy thì bất kỳ một biện pháp nào cũng có tính hai mặt. Việc lấy phiếu tín nhiệm liên quan đến sinh mệnh chính trị của cán bộ. Nếu kết quả tín nhiệm thấp thì có thể đưa ra khỏi bộ máy dù là lãnh đạo ở cấp nào! Ở đây vẫn tồn tại mặt trái có thể bị lợi dụng nếu kết quả đánh giá của lá phiếu tín nhiệm bị sai lệch. Trong thực tế vẫn có tình trạng cán bộ tốt lại bị mất phiếu tín nhiệm do hệ quả của tình trạng nội bộ mất đoàn kết, bè cánh, lợi ích nhóm hoặc thiếu thông tin… Chính vì vậy mà lá phiếu tín nhiệm chỉ có giá trị thực chất khi người bỏ phiếu được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ và vấn đề nội bộ của cơ quan được xem xét xử lý tốt!

Giá trị của lá phiếu tín nhiệm càng lớn thì trách nhiệm của người cầm nó cũng phải được tăng cường tương xứng!

Làm cán bộ dù ở cấp nào, không ai muốn mình ở trong diện tín nhiệm thấp, còn tín nhiệm thấp đến mức bị xử lý, phải từ chức càng không ai muốn. Do vậy Quy định 96 thực sự là một áp lực để rèn luyện đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, nhất là cán bộ lãnh đạo cấp cao. Đây là mặt tiến bộ, là động lực để mỗi cán bộ thực hiện chủ trương tự soi, tự sửa mình.

DƯƠNG HIẾU

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

“Đại bàng” và chiếc “tổ to”

Mục tiêu, tầm nhìn phát triển của Bình Định là đến năm 2030, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ…