Duyên dáng áo dài

(VNBĐ – Bút ký). Khi luận về trang phục phụ nữ Việt thì mười người như một đều đồng quan điểm rằng khó có trang phục nào so bì với áo dài truyền thống. Vừa kín đáo, dịu dàng vừa duyên dáng, thanh thoát, áo dài tôn lên vẻ đẹp của chị em và luôn là thứ trang phục lịch lãm, sang trọng.

1.

Tôi không rõ chính xác áo dài có tự khi nào. Khi lần tìm xuất xứ thì các tài liệu tin cậy đều cho rằng tiền thân áo dài được gọi là áo ngũ thân cổ đứng và áo dài được định hình từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1739-1765). Theo tháng năm, áo dài có những cách tân nhưng về cơ bản vẫn giữ hai phần chính: phần trên tôn lên nét đẹp hình thể và phần dưới tạo nét mềm mại, thướt tha, bay bổng.

Áo dài đã quen thuộc trong đời sống. Từ bé, tôi đã thấy ở mẹ tôi, các chị tôi; rồi những cô bạn cùng lớp, cùng trường đẹp nền nã trong tà áo dài. Các mẹ các cô hay mặc áo dài vào dịp cưới hỏi và rất nâng niu trân giữ. Trong chiếc tủ đứng khắc chạm rồng phượng chỉ cất giữ những gì thực sự quý giá, mẹ tôi vẫn luôn dành chỗ cho chiếc áo dài. Và tôi cũng không sao quên được cái cách mẹ mang áo dài ra, trải lên chiếc mền được gập làm đôi, khẽ khàng ủi chiếc áo dài với từng nét đi êm như ru. Khi ướm áo vào người, anh em tôi trầm trồ thốt lên: “Đẹp quá!” thì nụ cười của mẹ thêm đằm thắm nồng hậu.

Bao nhiêu năm đi qua, chiếc áo dài và hồi ức về những người phụ nữ thân thương dịu mát một miền ký ức trong tôi. Hình ảnh nữ sinh với chiếc áo dài trắng tinh khôi trên chiếc xe đạp vẫn luôn khiến tôi xao xuyến. “Có phải em mang trên áo bay,/ Hai phần gió thổi, một phần mây/ Hay là em gói mây trong áo,/ Rồi thổi cho tà áo trắng bay” (Tương tư – Nguyên Sa). Trong quyển tùy bút Quê hương (NXB Lửa thiêng), nhà văn Võ Phiến đã dành hẳn hai bài để nói về chiếc áo dài và đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố “gió” đã giúp chiếc áo dài Việt đẹp đến thoát tục. Ông viết: “Áo dài Việt Nam vừa theo sát những nét tuyệt mĩ của thân người, lại vừa thêm cho tấm thân ấy sự linh động phơi phới mà nó vẫn ao ước. Những tà áo nhẹ ve vẩy phất phơ trong gió làm cho một thân hình nặng nề nhất, cục mịch nhất, cũng hóa ra thanh thoát”. Áo dài đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều sáng tạo nghệ thuật, nó lặng lẽ đi vào đời sống văn hóa tinh thần người Việt. Vì lẽ đó, nhà văn Võ Phiến từng đúc kết: Khi chiếc áo dài đã tự liên hệ được như thế với thi ca, ngôn ngữ, với tiểu thuyết, nếp sống… thì chắc chắn nó cũng phản ảnh phần nào một nét tâm hồn dân tộc.

2.

Áo dài truyền thống dù đã quá đỗi gần gụi với người Việt, thậm chí được xem là “quốc phục” trong tâm tưởng nhiều người nhưng vì lý do nào đó, về mặt pháp lý, áo dài vẫn chưa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Vài năm trước, những sôi nổi “bản quyền” về áo dài lần nữa gây chú ý khi ở tuần lễ thời trang Trung Quốc xuân – hè 2019 diễn ra tại Bắc Kinh, nhà thiết kế Trung Quốc đã giới thiệu những mẫu áo có phom dáng và cấu trúc không khác gì áo dài Việt Nam mang thương hiệu Ne-Tiger. Công nhận áo dài là quốc phục Việt Nam đó là điều cần kíp và cũng là mong muốn của rất nhiều nhà văn hóa cũng như nhà thiết kế thời trang Việt. Nhưng suốt nhiều năm qua, áo dài vẫn chưa rõ ràng “danh phận” dù được phụ nữ Việt “sủng ái”.

Với phụ nữ Bình Định, áo dài vẫn được rất yêu chuộng, bằng chứng là trong tỉnh vẫn tồn tại hàng trăm tiệm may lớn nhỏ phục vụ nhu cầu may mặc áo dài. Trong số đó có một số địa chỉ may áo dài đặc sắc. Những ngày giữa tháng Mười này, tôi tìm gặp chị Bi, một trong số ít người may áo dài có “thương hiệu” tại An Nhơn. Chị Bi tên thật Nguyễn Thị Ngọc Hà (sinh năm 1968), tiệm may của chị ở góc cuối đường Quang Trung ở phường Bình Định. Hơn 20 năm gắn bó với áo dài, chị đã là bạn ngày ngày của chiếc máy may, thước đo, cây kéo, sấp vải đủ màu sắc và những cuộn chỉ to tướng. Bị khuyết tật từ bé, chị Bi coi công việc may mặc và những người khách quen là niềm vui xua đi quạnh quẽ cuộc đời.

Chị Bi mưu sinh bằng nghề may thường phục trước khi chuyển hẳn sang may áo dài (năm 2000). Chị say sưa chia sẻ khi nhắc về nghề. Sự tỉ mỉ, tinh tế trong đường kim mũi chỉ, rồi cách chọn vải, tạo phom dáng phù hợp với từng đối tượng khách đã giúp áo dài cô Bi “hữu xạ tự nhiên hương”. Tà áo chị may luôn thẳng mượt, không hề chênh phô, không lộ chỉ.

Cùng hoàn cảnh khuyết tật như chị Bi, chị Phan Thị Hòa (sinh năm 1977), chủ tiệm may Yên Hòa trên đường Trần Bình Trọng (TP Quy Nhơn) cũng gắn bó với áo dài truyền thống hơn 20 năm qua. Lúc 10 tuổi, sau một tai nạn, chân của chị Hòa bị khập khiễng mãi. Chị Hòa học may khi mới 17 tuổi, lúc chị ở Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật Nguyễn Nga. Từ năm 2001, chị bắt đầu may áo dài. “Ban đầu may đủ kiểu, về sau, khách hàng đến đặt may áo dài quá nhiều nên tôi chuyển hẳn sang may áo dài”, chị Hòa bộc bạch. Vì đồng cảm với những hoàn cảnh như mình, nên chị Hòa tạo điều kiện để nhiều chị em khuyết tật có thêm việc làm. Tiệm may của chị có 10 người làm, trong đó một nửa là người khuyết tật. Em Nay H’Uên (sinh năm 1993, người Gia Rai, quê ở Gia Lai) đầu quân cho nhà may Yên Hòa từ năm 2015. Đã thạo việc, H’Uên có thể ráp hoàn chỉnh chiếc áo dài và hiện đang phụ trách công đoạn “sửa áo”. H’Uên cười hiền: “Công việc của em là “bắt lỗi” trang phục. Khi các bạn may xong, chi tiết nào thừa thẹo, đường may chưa chuẩn, em chỉnh sửa lại để hoàn thiện”.

Chị Phan Thị Hòa (bên trái) thao tác cắt viền cổ áo dài, hướng dẫn cho các em làm trong tiệm may. Ảnh: V.P

Hiện tại ở Quy Nhơn có tầm 10 nhà may chuyên về áo dài truyền thống. So với một số nhà may khác thì nhà may Lý có thâm niên hơn cả. Chủ tiệm may Lý trên đường Lê Hồng Phong do bà Nguyễn Thị Lý (71 tuổi) mở và duy trì từ năm 1972. Giai đoạn trước 1975, áo dài gần như là trang phục phổ biến của phụ nữ khi ra đường, khi ấy tiệm may Lý đã nổi tiếng. Bà Lý với bản tính chịu khó, biết lắng nghe và nhiệt tình cùng sự khéo tay may giỏi đã được nhiều khách hàng tin tưởng từ đó đến nay. “Với sự đa dạng về khách hàng từ học sinh, giáo viên, công sở… đến các chị các cô ngồi sui, cả khách hàng Việt kiều, tiệm may luôn có nhiều chất liệu và kiểu mẫu từ đơn giản đến kiểu cách để phục vụ quý khách”, bà Lý cho hay. Từ cơ sở của bà Lý, nhiều học viên đã trưởng thành, có người đã ra mở tiệm riêng. Bà Lý không sao nhớ hết số lượng học trò mà mình truyền nghề. Bà bộc bạch: “Tôi dạy nghề nhiều người trong và ngoài tỉnh, cả người nước ngoài nhưng vui nhất là con gái cũng yêu thích áo dài, nối nghiệp tôi”. Chị Quách Nguyễn Quế Chi, con gái bà Lý, người hiện tại đang phụ trách nhà may Lý, tâm sự: “Từ nhỏ tôi đã tiếp xúc với vải vóc, đã quen với đường kim mũi chỉ, cách nhận dạng phom dáng từ mẹ. Việc học may áo dài không hẳn là một tiếp nối nghề truyền thống của gia đình mà thực sự đây là công việc yêu thích, mang đến cho tôi nhiều niềm vui”.

3.

Áo dài truyền thống không có sự khác biệt giữa các vùng miền, chỉ khác nhau ở sở thích và cảm nhận của người mặc cùng thợ may. Có người thích tà áo gọn gàng, có người thích tha thướt. Tùy theo tính cách người sử dụng mà áo dài có kiểu cách khác nhau. Nhà thiết kế Ánh Hồng (TP. Quy Nhơn) cho rằng, nét riêng của áo dài Bình Định chỉ có thể thể hiện trực diện bằng hình ảnh, những phác họa trên áo dài để những dáng hình, chi tiết ấy vừa là điểm nhấn của áo vừa trở thành tín hiệu nhận diện. Ánh Hồng từng theo học các khóa chuyên sâu về áo dài do nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam (Chủ nhiệm CLB Áo dài Việt Nam) giảng dạy. Năm 2020, chị là đại diện duy nhất của Bình Định vào chung kết cuộc thi thiết kế “Tự hào áo dài Việt”. Đây là cuộc thi nằm trong chuỗi các hoạt động sự kiện “Áo dài – Di sản văn hóa Việt Nam”. Với bộ sưu tập Phụ nữ Bình Định với áo dài di sản, chị đã đạt giải Khuyến khích cuộc thi. Bộ sưu tập này, chị thiết kế 5 mẫu áo mang màu sắc của vùng đất Bình Định. Chị đưa hình ảnh Bãi Trứng, Hòn Sẹo, Thác K50, Eo Gió và Tháp Đôi vào trang phục áo dài để tôn lên nét đẹp của quê hương Bình Định. Vì mong muốn áo dài Bình Định khi đi ra gặp gỡ bạn bè sẽ để lại dấu ấn nào đó, một nét riêng về quê hương xứ Nẫu nên chị Ánh Hồng đang lên ý tưởng thực hiện bộ sưu tập áo dài chuyển tải trong nó dáng nét về đời sống văn hóa Bình Định. Chị trải lòng: “Tôi muốn tri ân quê hương bằng những thiết kế áo dài mang nét bản sắc văn hóa bản địa như phác họa nét đẹp của nghệ thuật Hát bội, Bài chòi hay về một thế võ của nữ tướng Bùi Thị Xuân…”. Dù vậy chị vẫn luôn cảnh giác để chiếc áo dài không phải “gánh” quá nhiều những ý đồ nghệ thuật khiến trở nên cầu kỳ và nặng nề.

Mẫu áo dài Tháp Đôi của NTK Ánh Hồng (Ảnh NVCC)

VÂN PHI

(Văn nghệ Bình Định số 102 tháng 10.2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Góp lửa cùng đồng đội

Trong chiến tranh và cả trong thời bình, những người lính quân khí luôn có mặt ở mọi nơi, mọi lúc, sát cánh cùng các binh chủng khác hoàn thành sứ mệnh lịch sử…

Soi trong mắt trẻ…

Bằng tình yêu thương, sự quan tâm chân thành, những người lính đã làm cha, làm mẹ “đỡ đầu”, tạo thêm điểm tựa tinh thần để các trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn vững tin đi về phía trước…

Trở lại Trung đoàn 739

Tôi có dịp trở lại với Trung đoàn bộ binh 739 vào những ngày nắng tháng Tám… Thấm thoắt đã 10 năm trôi. Đường vào không phải băng qua con đường đất bụi mù…

Trọn tình yêu với đảo xanh

Tôi may mắn có chuyến đi thực tế đến Đại đội Hỗn hợp đảo Cù Lao Xanh lần thứ hai, sau gần 10 năm. Bao cảm xúc thân quen chợt ùa về khi chiếc tàu vừa cập cầu cảng…