(VNBĐ – Thời đàm). Đó là kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định tại Hội nghị nâng cao chất lượng công tác quản lý, quy hoạch đô thị; quy hoạch và phát triển xây dựng nhà ở, khu đô thị, khu dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh được tổ chức vào ngày 06.6.2024. Kết luận của Chủ tịch của UBND tỉnh có nhiều phần, trong đó ngoài việc đánh giá chung, đặt ra nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành và chính quyền các cấp còn bày tỏ quan điểm, nhiệm vụ của công tác quản lý, quy hoạch. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Cần tạo bước đột phá về nhận thức, đổi mới tư duy tổng thể trong công tác quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch; phải cẩn trọng song trong quy hoạch rất cần đột phá, khác biệt, đẳng cấp, tự tin và hiện đại. Quy hoạch phải có tư duy, tầm nhìn dài hạn kết hợp phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên với tư duy đột phá để quy hoạch cho đẹp, phù hợp; hạn chế làm thay đổi cảnh quan thiên nhiên, bổ sung các yếu tố hiện đại đặc sắc…
Trong tình hình tốc độ đô thị hóa đang diễn ra rất nhanh, nhất là ở các khu vực ngoại ô thành phố Quy Nhơn, thị xã An Nhơn trên đà lên thành phố và thị xã Hoài Nhơn… Nhiều nơi trên địa bàn tỉnh đang như một công trường lớn thực hiện quy hoạch đô thị; quy hoạch và phát triển xây dựng nhà ở, khu đô thị, khu dân cư nông thôn. Nhìn chung công tác quy hoạch và triển khai quy hoạch đã từng bước đi vào nề nếp, ngày một bài bản hơn; đã hình thành một số khu đô thị đẹp, có điểm nhấn; diện mạo đô thị ngày càng khang trang, hiện đại. Dù vậy, công tác quản lý, quy hoạch đô thị; quy hoạch và phát triển xây dựng nhà ở, khu đô thị, khu dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại. Đó là, một số khu đô thị, khu dân cư chất lượng chưa cao, quy hoạch và kiến trúc chưa đẹp, chưa tương xứng với điều kiện tự nhiên và thiên nhiên; một số khu dân cư, tái định cư quy hoạch chưa đồng bộ, thiếu tầm nhìn nên phải làm đi làm lại. Công tác quy hoạch, nhất là các khu tái định cư ở nông thôn chưa chặt chẽ. Công tác chuẩn hóa quy hoạch đô thị thực hiện chưa tốt, thiếu đồng bộ về hạ tầng; số tầng, chiều cao, khoảng lùi… chưa bảo đảm yêu cầu về mặt kiến trúc và mỹ quan đô thị. Các khu đô thị, khu dân cư đẹp, có điểm nhấn kiến trúc độc đáo chưa thấy xuất hiện. Hạ tầng chưa được quy hoạch, quản lý theo hướng chuẩn hóa; chưa được quy hoạch đầu tư đồng bộ; chưa theo định hướng đô thị xanh, đô thị thông minh…
Các tồn tại, hạn chế trên xuất phát từ tư tưởng dễ dãi, đơn giản và lạc hậu trong quy hoạch của chính quyền và các chủ thể tham gia các công đoạn từ khâu lập đến khâu triển khai, thực thi quy hoạch. Nhận thức đơn giản về quy hoạch từ chủ đầu tư dẫn đến việc lựa chọn tư vấn không bảo đảm năng lực khiến chất lượng các đồ án quy hoạch cũng theo đó mà kém cỏi. Thêm vào đó là công tác tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch chưa tốt; việc công bố công khai quy hoạch cho người dân và doanh nghiệp biết để thực hiện còn hạn chế. Công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm cũng chưa thường xuyên và nghiêm minh…
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX xác định: Phát triển du lịch và phát triển kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa là trụ cột tăng trưởng của tỉnh. Để phát triển du lịch, đưa Bình Định nói chung và thành phố Quy Nhơn nói riêng thành trung tâm văn hóa phía Nam của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo tinh thần Nghị quyết 26/NQTW ngày 03.11.2022 của Bộ Chính trị, thiết nghĩ cần bắt đầu từ công tác quy hoạch, quản lý và thực hiện tốt công tác quy hoạch trong từng giai đoạn, từng thời kỳ, từng bước để làm đẹp, cái mới cần phải chuẩn và đẹp; cái cũ phải từng bước chỉnh trang theo chuẩn và hướng đến cái đẹp. Công tác quản lý quy hoạch, quản lý phát triển đô thị bắt buộc phải tuân thủ các quy định hiện hành; bám sát định hướng về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam và các định hướng của hệ thống quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh Bình Định.
Trong bài phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đặc biệt nhấn mạnh: Công tác quy hoạch phải bảo đảm hiện đại, tầm nhìn dài hạn, dự báo sớm – xa – rộng; không để xảy ra việc giai đoạn phát triển sau phải thực hiện phá bỏ, làm lại gây lãng phí nguồn lực xã hội…
Mặt khác, cần chuẩn hóa và cụ thể hóa trong công tác quy hoạch, kiến trúc đảm bảo các yếu tố đẹp, đồng bộ, đầy đủ hệ thống hạ tầng, định hướng phát triển hướng đến quy hoạch xanh, quy hoạch thông minh.
DƯƠNG HIẾU