Đô thị mới dưới chân Núi Bà

KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH BÌNH ĐỊNH (31.3.1975 – 31.3.2025)

(VNBĐ – Bút ký dự thi). Nhiều người ví Núi Bà là mái nhà xanh của quân giải phóng trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt. Dãy núi có 66 ngọn, cao tầm 800m so với mực nước biển, có nhiều gộp – hang đá, là nơi hoạt động của nhiều huyện ủy, thị ủy ở tỉnh ta. Nơi đây từng đào tạo nhiều lớp cán bộ cơ sở, mở nhiều đợt tập huấn cho lực lượng vũ trang và là bàn đạp để tiến công “Đồng khởi Khu Đông”, “Xuân Mậu Thân”. Đế quốc Mỹ đã trút xuống Núi Bà và xung quanh hàng trăm tấn bom đạn, chất độc hóa học nhằm hủy diệt màu xanh khiến nhiều xóm làng dưới chân núi tiêu điều, xơ xác. Xã Cát Hanh là cửa ngõ ra – vào duy nhất ở phía Tây của quân giải phóng nên liên tục bị vây ráp, lật tung, chà xát, thiêu rụi, tưởng chừng không còn sự sống nhưng kỳ diệu thay vùng cát trắng ấy vẫn dồi dào sức sống và vươn lên mạnh mẽ sau ngày đất nước thống nhất.

Ký ức dân “vùng trắng”
Quanh Núi Bà đâu đâu cũng hứng chịu mưa bom bão đạn song tan hoang nhất là xã Cát Hanh. Bởi nơi đây là điểm đầu của dãy Núi Bà, là vùng đệm nối Khu Đông với các xã phía Tây, nối các huyện ủy trên núi với Tỉnh ủy và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đứng chân ở núi Hòn Chè (Cát Sơn) và Hòn Tre, Hòn Nọc (Cát Lâm). Vùng đệm này bình yên sẽ nuôi sống hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ quân giải phóng trên khắp các dãy núi phía Tây tỉnh, trong đó có nhiều đơn vị bộ đội Sư đoàn 3 Sao Vàng. Chính vì vậy mà quân địch tập trung ở vùng đất Cát Hanh rất đông đảo. Núi Một nằm giữa ấp Chánh An và Mỹ Hóa, có lính Mỹ đồn trú với mấy chục họng pháo luôn chực chờ nhả đạn. Đỉnh núi Hòn Ngô ở ấp Vĩnh Trường và ấp Tân Hóa có lính Mãnh Hổ của Nam Triều Tiên. Núi Lường Cày ở ấp Khánh Lộc và các gò, cầu ở các ấp đều có đông đảo lính Cộng hòa bám tiền đồn. Đó là chưa kể lực lượng lính bảo an, thám báo, bình định nông thôn… ở Chi khu Phù Cát tăng cường về Cát Hanh.

Khi phát hiện dấu vết quân giải phóng trên vùng đất này, chúng lùng sục, bắt bớ, tra khảo. Không tìm ra manh mối, chúng bắn phá tan tành hòng uy hiếp tinh thần quân giải phóng và những ai che giấu cán bộ. Nhiều lúc, chúng kết hợp nhiều lực lượng viễn chinh, nhiều sắc lính, dội pháo – đi càn – đốt – giết – bắt bớ – hãm hại cả dân thường. Chỉ tính riêng tháng 01 năm 1966, lính Nam Triều Tiên và lính Cộng hòa đã tiến hành 3 đợt càn quét vào các thôn: Khánh Phước, Khánh Lộc, Vĩnh Long, Vinh Kiên, Tân Xuân, sát hại 53 thường dân, đốt cháy 170 nóc nhà và giết gần 200 con trâu bò.

Ông Nguyễn Xuân Thành, bảy mươi tuổi, ở thôn Chánh An, còn nhớ rõ: “Giữa năm 1966, từ Núi Một, Mỹ dội pháo vào ấp Chánh An. Khói cuộn, cây đổ, nhà cháy. Cả ấp chỉ còn sót lại 3 nóc nhà nhưng loang lổ vết thương. Tui đứng ở đầu ấp nhìn thấy nhà mình phía cuối đồng trơ xương mà lòng quặn thắt!”.

Không uy hiếp được tinh thần người dân Cát Hanh, Mỹ Ngụy thực hiện hàng loạt cuộc dồn dân, lập ấp chiến lược tại chỗ. Chúng bắt dân chặt cây, gai rào ấp hòng ngăn quân giải phóng tiếp cận Nhân dân. Người Cát Hanh nhanh trí đã biến ấp chiến lược kiểu này thành nơi tránh trú an toàn cho cán bộ, chiến sĩ vũ trang. Ban ngày, chúng kiểm soát được các ấp nhưng ban đêm ấp là nơi diễn ra hoạt động móc nối, tiếp tế, cùng bàn phương án phối hợp tác chiến giữa các cánh quân giải phóng với cơ sở mật và du kích. Đã có không ít cuộc chạm trán nảy lửa bên trong rào chiến lược và phía thất bại thảm hại vẫn luôn là lính Cộng hòa hoặc lính Nam Triều Tiên. Nhận thấy không hiệu quả, chúng sớm bỏ ấp chiến lược tại chỗ, quây dựng nên khu dồn ở ấp Hòa Hội rồi dồn dân các ấp còn lại vào đây để dễ bề kiểm soát, ly gián quân – dân. Mỗi lần chúng dồn dân, Cát Hanh lại trở thành vùng trắng. Nhiều người mắt mờ tai điếc, tật nguyền xin ở lại trông coi nhà cửa nhưng chúng nhất quyết không cho. Cụ bà Lê Thị Bân, 84 tuổi, ở thôn Khánh Phước, bùi ngùi nhớ lại: “Nhà tui bị cháy 3 lần nên chẳng còn gì. Lúc nào tui cũng trong tư thế chạy giặc. Tui luôn sẵn đôi gánh. Một đầu, tui để vài cái nồi, mấy cái chén, ít lon gạo, túm mì khô và mớ củi. Đầu còn lại, tui để trống. Khi có biến, tui ẵm thằng con nhỏ bỏ vô đầu gánh còn trống, gánh chạy. Vừa chạy, tui vừa dìu theo con gái chị. Có những chuyến chạy dài ngày, heo, gà ở nhà mất hết. Không biết chúng bị bắn chết, bắt đi hay trốn ở đâu mà sân vườn trống trơn!”…

Đô thị mới dưới chân núi Bà
Kỳ diệu thay, khi hòa bình lập lại, “vùng trắng” hoang tàn Cát Hanh đã nhanh chóng hòa mình cùng với cả nước xây đời mới. Anh Nguyễn Tẫn – Phó Chủ tịch UBND xã tự hào nhớ lại: “Lúc ấy, Cát Hanh đã khác biệt. Ngoài việc thành lập và tổ chức các Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sản xuất đủ lúa, mì cung cấp cho xã viên như bao địa phương khác, xã đã thành lập HTX Vận tải! Chính nhờ phát triển kinh doanh vận tải mang lại doanh thu cao mà thiếu, đói theo đó sớm được khắc phục. Đời sống Nhân dân nhanh chóng ổn định. Vui hơn nữa là trong giai đoạn này, Cát Hanh được Nhà nước trao tặng danh hiệu: Anh hùng Lao động ngành Giáo dục, trong khi trước đó đã nhận được danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân”.

Một góc xã Cát Hanh hôm nay. Ảnh: UBND xã Cát Hanh

Theo chân anh Trần Văn Thông – Bí thư Chi bộ thôn Chánh An, tôi đi một vòng quanh xã Cát Hanh anh hùng. Và tôi không còn chút mảy may cảm giác mình đang đi trên vùng đất từng tan hoang, đổ nát do chiến tranh. 50 năm kể từ ngày quê hương giải phóng đủ để một người sinh ra – lớn lên – học hành – thành đạt nhưng 50 năm để làm thay đổi diện mạo của một vùng đất vốn “trắng”, với 11 thôn xơ xác, 4 anh hùng LLVT Nhân dân, 127 mẹ Việt Nam anh hùng, 665 liệt sĩ và hơn 500 thương bệnh binh… thì quả thật kỳ diệu!

Trước mắt tôi bấy giờ là quang cảnh phố thị của thôn Vĩnh Trường. Thôn có tuyến ĐT 633 dài 19,4 km chạy ngang. Tuyến đường này nối quốc lộ 1A tại ngã ba Chợ Gồm với ĐT 639 tại Đề Gi (Cát Khánh) nên lưu lượng xe cộ qua lại tấp nập. Thôn có hơn 70% hộ dân buôn bán, làm dịch vụ và công nhân. Nhà cửa nơi đây san sát, nhiều tầng. Bảng hiệu, đèn màu lấp lánh. Thỉnh thoảng xuất hiện nơi mặt tiền đường nhà nghỉ, khách sạn, quán cà phê – giải khát trang hoàng lung linh, du dương tiếng nhạc… làm nên dáng vẻ một đô thị trẻ tao nhã. Chợ Gồm họp một tháng sáu phiên chính, còn lại phiên phụ. Dù là chợ xã nhưng rất khang trang, hàng hóa không kém gì chợ huyện. Nhiều nhất là hải sản và củ hành hương từ các xã phía biển chuyển lên. Ngoài Chợ Gồm, xã Cát Hanh còn có 2 chợ nữa là: Phù Ly và Hòa Hội. Sức mua bán ở hai chợ này không thua kém Chợ Gồm.

Thôn Hòa Hội nằm phía nam trung tâm xã. Nơi đây từng là khu dồn ngột ngạt, nay là khu công nghiệp với nhiều công ty giàu tiềm năng, sản xuất nhiều mặt hàng xuất khẩu mang về nguồn thu lớn cho ngân sách tỉnh. Khu công nghiệp thu hút hàng nghìn lao động, giúp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương và các xã, huyện lân cận. Giờ vào ca, các ngả đường trước cổng các công ty: chế biến gỗ, sản xuất vật liệu xây dựng, linh kiện điện tử… tấp nập người từ các nơi đổ về. Những đoàn xe container nối đuôi nhau đưa hàng xuống cảng càng làm cho khu công nghiệp thêm sống động. Giờ làm việc, bên trong các nhà xưởng, âm thanh tiếng máy rì rào như tiếng gió mơn man những hàng dừa dưới chân Núi Một.
Đi về phía Tây, qua các thôn: Mỹ Hóa, Tân Xuân, Tân Hóa… Tôi không khỏi ngạc nhiên về những trang trại: gà, vịt, heo, được quy hoạch trên những vùng cát trắng trước đây. Nhiều vườn xoài, cam, chanh, mãng cầu, thỉnh thoảng xuất hiện giữa các trang trại, rất thích mắt. Có vườn đang cho quả, vườn đang ra hoa trắng xóa, vườn vừa xong vụ… tất cả đều xanh mướt. Càng vào sâu theo hướng đường Tây tỉnh, tôi bắt gặp hàng loạt rẫy keo nguyên liệu đang trong độ tuổi làm lõi đứng san sát thành những trảng xanh nối tiếp đến tận bìa rừng. Cây nào cây nấy to bằng chiếc phích nước, suôn mượt, đẹp như tranh. Nhìn cây, tôi nghĩ ngay đến cuộc sống no đủ của người dân nơi này.

Những vườn điều ở xã Cát Hanh nhìn từ trên cao. Ảnh: UBND xã Cát Hanh

Đến thôn Chánh An – thôn từng bị cháy rụi trong chiến tranh, tôi được anh Thông giới thiệu mô hình trồng đậu phộng xen canh dưới tán dừa xiêm. Tôi không khỏi bất ngờ khi mọi vườn nhà đều có mô hình này. Anh cho hay: Mô hình này chỉ áp dụng khi cây dừa còn nhỏ hoặc dừa trồng thưa. Bóng dừa sẽ chắn được sức nóng của thời tiết để đậu phộng đâm tia làm hạt. Hệ thống nước phun sương tưới đậu sẽ giúp dừa bung rễ hút chất rộng, ra trái nhiều và phòng được đuông dừa cắn phá đọt. Mô hình này được người dân Chánh An thực hiện gần 20 năm nay. Hiện, đậu phộng đã cho được 30 tạ/ ha, dừa xiêm cho 01 triệu đồng/ năm. Tham quan một số vườn, tôi nhận thấy mô hình này hiệu quả. Vườn nào đậu phộng cũng xanh tốt. Bụi đậu nở to, nhiều hoa. Phần tiếp giáp với mặt đất, đậu đâm nhiều tua để tạo nhiều hạt. Dừa xiêm đang kỳ cho trái. Trung bình mỗi cây có đến 5 buồng. Mỗi buồng 10 trái trở lên.

Thôn Khánh Phước nằm dọc bờ Nam sông La Tinh, tiếp giáp với núi Đầu Voi – một quả núi thấp nhô khỏi dãy núi phía tây tỉnh ta. Địa bàn thôn từng là tuyến đường huyết mạch kết nối các vùng và các cánh quân trong kháng chiến nên cũng bị đánh phá tan tành. Nhiều gia đình mất sạch tài sản và gần hết người thân. Nhưng giờ đây, trước mắt tôi chỉ là màu xanh của lúa trải dài ngút ngát trên những cánh đồng mẫu lớn và màu xanh của dừa bao trùm những xóm nhỏ hiền hòa, thơ mộng. Ông Đặng Văn Hạnh – Bí thư Chi bộ thôn – phấn khởi, chia sẻ: “Khánh Phước nay hết nhà ở đơn sơ rồi. Lúa Khánh Phước đạt 75 tạ/ ha. Con em trong thôn đều học hành bài bản, có việc làm và thu nhập ổn định. Đời sống Nhân dân đã thật sự an vui!”…

Xã Cát Hanh càng đẹp hơn khi mức sống của người dân đã đạt mức 62,2 triệu đồng/ người/ năm. Hộ cận nghèo giảm còn 2,02%. Năm 2016, xã đạt chuẩn nông thôn mới; năm 2022 đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và hiện đang xây dựng đô thị loại 5. Năm 2021, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT cho Ban An ninh (nay là Công an xã).

Những thành quả ấy đẹp tựa pha lê.

BÙI TẤN PHƯỚC

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Nơi lưu dấu hồn thiêng

Núi Bà – không chỉ là một danh thắng, một căn cứ cách mạng, mà còn là một phần của lịch sử, của văn hóa, của lòng tự hào xứ sở.

Lính đảo, tọa độ trong mắt tôi

Lính đảo tiền tiêu, chịu nhiều thiệt thòi. Nhưng ý thức mạnh mẽ nhiệm vụ của mình, các chiến sĩ ở Đại đội hỗn hợp đảo Cù Lao Xanh luôn vững vàng chắc tay súng, gìn giữ bình yên…

Ngân lên lời thơ xứ sở

Hội thơ Nguyên tiêu Bình Định 2025 do Hội VHNT Bình Định phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức với chủ đề “50 mùa xuân trên quê hương”, diễn ra vào ngày 11 và 12.02 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh

Cho giai điệu cất lời

Mô hình cà phê nhạc hát cho nhau nghe đang ngày càng phát triển, nhất là trong bối cảnh xã hội hiện đại. Dù ở phố hay về huyện, ta không khó để tìm ra những quán với mô hình này…