(VNBĐ – Ghi chép). So với nơi khác, sự đổi thay ở thôn Chánh Thắng thuộc xã Cát Thành, huyện Phù Cát là chưa nhiều nhưng với bà con ở làng quê lọt thỏm giữa bốn bề rừng núi này sau 47 năm đất nước thống nhất, cuộc sống đã thay đổi thần kỳ!
Ngày ấy…
Qua gần nửa thế kỷ nhưng tôi vẫn chưa quên tiếng trống ngực dồn dập khi đặt bước chân đầu tiên lên mảnh đất quê hương sau 10 năm bị hốt lên khu dồn. Khi đi tôi còn là đứa bé, hình ảnh quê nhà tôi mang theo là Hòn Chuông trên dãy núi Bà cao chót vót, là cánh đồng xanh lọt giữa bốn bề rừng núi, là cây xoài sẻ tỏa hương vào mùa trái chín… Sau 10 năm trở về, trong niềm vui bất tận là chút ngỡ ngàng với khung cảnh vừa lạ, vừa quen.
Không có lối mòn nào dẫn vào thôn! Sau khi định hướng, cha con tôi băng qua lớp cỏ dày tìm về khu vườn cũ. Đi trên “nệm cỏ”, bàn chân cách mặt đất phải đến 2, 3 tấc nên bước chân cứ bồng bềnh, bồng bềnh. Khu vườn cũ, nơi có ngôi nhà tranh vách đất nấp dưới bóng xoài, giờ mọc dày tảo nhơn, nhiều cây thân to bằng cột nhà, cao ngút mắt. Không có thời gian để nghỉ, cha con tôi lo đốn hạ cây tảo nhơn vừa để phát hoang khu vườn vừa lấy gỗ làm cột, kèo, đòn tay… dựng căn nhà tạm chờ bà nội, mẹ và các em tôi về có nơi tá túc.
Những tháng ngày sau đó, tôi thành nông dân thuần thục việc cầm cuốc, cầm cày lo khai hoang, vỡ hóa. Trong khi khai hoang phát dọn cỏ, không ít người gặp ổ heo rừng. Và tôi hồ hởi cùng mọi người đuổi theo chúng đến tận chân núi.
Năm 1976, trong đợt nghĩa vụ quân sự đầu tiên sau giải phóng, tôi háo hức đăng ký đi bộ đội nhưng sau đó lại được chọn vào ngành công an. Lần xa quê này hình ảnh tôi mang theo cũng là cánh đồng xanh giữa bốn bề rừng núi và khu vườn có rặng tảo nhơn cao chót vót. Ở đơn vị, tôi luôn ngóng về quê nghèo. Những lúc tuần tra xuyên đêm, cơn buồn ngủ ùa về bước chân bồng bềnh, chơi vơi khiến lòng tôi quay quắt nhớ ngày đầu tiên về Chánh Thắng.
Những năm 80, 90 thế kỷ trước, Chánh Thắng còn heo hút, đìu hiu và đói nghèo còn quanh quẩn đâu đó trong những căn nhà không cửa nẻo, trống trước, trống sau. Lối nhỏ vào thôn quanh co, phải trèo đèo lội suối. Những bận về thăm nhà, tôi phải lội ngược con suối nhỏ gần cây số.
Ban đêm, thường là sau bữa cơm, nhà nào cũng tắt đèn để tiết kiệm dầu thắp. Những hôm ở lại nhà qua đêm, tôi và cha nằm trên chiếc giường tre kê sát góc nhà. Đốm lửa trên điếu thuốc của cha không khiến ông không nhìn thấy nét đăm chiêu của con trai. Biết đến bao giờ tôi về thăm nhà mà không còn phải lội suối! Các cháu tôi đi học không phải dậy từ lúc gà gáy canh đầu, dò dẫm trên lối mòn lầy lội đến vài, ba cây số để kịp giờ đến lớp. Và, biết bao giờ bữa cơm nhà tôi và những nhà khác không còn lợn cợn những lát khoai mì, khoai lang và ngọn đèn dầu không phải tắt vội lúc đầu hôm…
Bây giờ…
Những ngày này, buổi sáng sương mai dùng dằng tan muộn, từ đỉnh dốc đầu thôn nhìn vào, Chánh Thắng như được phủ chiếc khăn voan. Phía sau làn sương mỏng đó là cánh đồng xanh trải dài đến chân núi xa hòa với cây rừng; là con đường bê tông xi măng thẳng tắp; là những ngôi nhà tươi màu ngói mới ẩn hiện dưới tán cây vườn…
Phía trường tiểu học ở thôn Chánh Thắng, tiếng trẻ nô đùa xôn xao. Đạp xe đi học trên con đường bê tông đã là thú vui của học sinh cấp II, cấp III! Điện về, cuộc sống của bà con thay đổi với những T.V, quạt máy, tủ lạnh… Chuyện thời sự, chính trị trong tỉnh, trong nước và cả thế giới râm ran ở các cuộc tụ tập! Thanh niên cũng tụ năm, tụ ba trắng đêm bên màn hình T.V khi có trận bóng đá hay được tường thuật trực tiếp. Quán xá xuất hiện, sáng cà phê, điểm tâm, chiều bi – da giải trí…
Chánh Thắng “thung lũng tình yêu” của tôi đang vươn tới sự giàu đẹp, trù phú. Du lịch xanh đang là xu hướng phát triển mà quê tôi lại được thiên nhiên ưu ái ban tặng nguồn nước nóng vô tận với nhiều khoáng chất có lợi cho sức khỏe con người. Công ty Dược và Trang thiết bị y tế Bình Định đã từng khai thác nguồn nước nóng này để cho ra thị trường sản phẩm nước khoáng Chánh Thắng và thương hiệu đó còn đến bây giờ. Nước khoáng nóng Chánh Thắng thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nhân. Dự án Khu du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng Chánh Thắng đang được xúc tiến từ một doanh nghiệp có trụ sở ở TP. HCM. Hiện tại hạ tầng khu du lịch đã làm xong phần cầu, đường; dịch vụ du lịch chưa có nhưng vẫn có nhiều người tìm đến. Khi Khu du lịch lịch sinh thái – nghỉ dưỡng Chánh Thắng hoạt động, bà con quê tôi sẽ có thêm việc làm, có thêm thu nhập…
Sau Tết Nhâm Dần, em tôi gọi điện, hồ hởi: “Thôn mình đang chuẩn bị lắp hệ thống chiếu sáng từ thôn Chánh Thiện vào bằng kinh phí xã hội hóa, anh chung tay với bà con chứ?”. Với tôi, đó là tin vui đầu năm, tôi trả lời không chút do dự: “Có chứ! Và góp nhiều hơn bà con một chút để tỏ lòng hướng về quê hương”.
Vậy là, đêm đêm ánh điện sẽ soi đường đi về của bà con quê tôi!
Cái mới! Niềm vui mới từ Chánh Thắng cứ vậy mà hiện dần và lan tỏa!
MAI LINH GIANG
(Văn nghệ Bình Định số 109 tháng 5.2022)