Dệt những sắc màu

(VNBĐ – Bút ký). Từ những đôi bàn tay khéo léo, họ dệt nên sắc màu thổ cẩm. Để trong tiếng chiêng vọng ngân núi rừng, lửa đỏ lên ấm một vùng bản thượng, ấm cả mắt nhìn những bộ trang phục truyền thống tung tẩy theo từng điệu xoang, trong niềm vui hội làng.

Công phu nghề dệt
Người vùng cao vốn rất coi trọng thổ cẩm truyền thống, xem đây là món đồ không thể thiếu trong nhà. Người ta xếp vào bên trong chiếc ché hoặc thùng gỗ những bộ thổ cẩm, cất kỹ để những dịp đặc biệt như cưới hỏi, lễ hội mới mang ra mặc. Nhà nào nhiều đồ thổ cẩm, cho thấy sự sung túc giàu có. Và cũng không ít gia đình, xem trang phục thổ cẩm là một tặng phẩm mà cha mẹ để lại cho con cháu, làm của để dành. Ở Bình Định, nghề dệt thổ cẩm được cộng đồng người Bana, Chăm H’roi thầm lặng gìn giữ. Có thể kể đến các làng nghề dệt thổ cẩm nổi tiếng như làng Hà Ri (xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh), làng dệt xã Vĩnh An (huyện Tây Sơn), làng dệt Hà Văn Trên (xã Canh Thuận, huyện Vân Canh)… Bao tháng năm qua đi dẫu mưa dẫu nắng, những ngày không lên rẫy, họ lại bầu bạn với khung cửi, miệt mài tạo nên hoa văn.

Nhiều năm trước, khi cùng nhà nghiên cứu Yang Danh ghé thăm làng Hà Ri, chúng tôi gặp Yá Đem, một nghệ nhân đã gắn bó với nghề dệt thổ cẩm từ khi hơn mười tuổi. Dệt thổ cẩm đã là công việc thường nhật của bà. Với bà, thổ cẩm là một trong những đặc điểm then chốt để nhận diện bản sắc của người Bana. Bà kể về những ngày dệt thổ cẩm còn khó khăn về nguyên liệu. Khi ấy, tháng Ba lên rẫy trồng bông đến tháng Tám, tháng Chín thu hoạch. Sau đó phơi khô quả, kéo bông quay sợi. Ngoài bông, còn cây gai rừng. Cây gai thì lấy dao cạo lớp vỏ bên ngoài, đập dẹt vỏ, phơi khô rồi dùng tay xé nhỏ, xoắn hai, ba sợi lại rồi đem ngâm với nước cơm cho sợi kết lại. Thuốc nhuộm là củ, vỏ cây được lấy từ rừng về. Ấy vậy, mà sản phẩm thuần tự nhiên được dệt thủ công ấy lại có sức bền và tuổi thọ khó ai bì kịp, có áo đã hơn 50 năm vẫn giữ độ sắc nét của màu, chưa chịu mờ phai theo thời gian.

Việc may mặc thổ cẩm giờ đây đã tiện lợi hơn khi nguyên liệu có sẵn khá dồi dào. Những năm gần đây, người dệt thổ cẩm đã dễ dàng mua sợi len từ các chợ đầu mối. Len sau khi mua về được người thợ tháo ra và đưa vào xa kéo sợi để se len thành chỉ. Chị Đinh Thị Xuân Bông, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Canh Thuận, tổ trưởng tổ dệt của làng dệt thổ cẩm Hà Văn Trên tỉ mỉ phân tích: “Khi quay xa phải đều tay, nhịp nhàng giữa tay se sợi và tay quay xa, chỉ mới săn đều, sợi mới dai để dễ dệt thành vải. Sau đó, sợi được cuộn thành những cuộn to và đem đi nhuộm màu để tấm vải có màu sắc. Chuẩn bị nồi nước màu nhuộm: trộn màu và nước theo tỉ lệ nhất định, thêm 1 nắm sáp ong, 1 lon gạo và củ dính. Đun sôi nồi nước màu nhuộm và để nước nguội bớt, sau đó nhúng sợi đã xử lý vào cho đến khi sợi ngấm đều màu. Thông thường sợi nhuộm xong được phơi dưới trời nắng một ngày là đã có thể cuốn lại thành búp để lên khung dệt”. Theo ông Yang Danh, thổ cẩm của người Bana thường có màu tươi sáng. Màu đen với đỏ là hai màu chủ đạo kết hợp với các màu trắng, xanh, vàng tạo ấn tượng nhờ sự tương phản. Họa tiết trên các sản phẩm thổ cẩm của người Bana thường trang trí đối xứng, hài hòa. Để làm một bộ trang phục truyền thống, mất khá nhiều thời gian vì được làm hoàn toàn thủ công. Đổi lại, chất liệu của trang phục thổ cẩm rất bền, dùng được rất lâu.

Chị em phụ nữ làng Hà Văn Trên cùng nhau dệt thổ cẩm. Ảnh: V.P

Như hồn chiêng bắt lấy cái tai, ngấm vào da thịt, ăn sâu vào những giấc mơ trẩy hội no ấm mùa màng, thì sắc màu thổ cẩm làm say đắm những ánh nhìn, cũng đã thành một phần tất yếu của đời sống cư dân các cộng đồng bà con miền núi, gắn chặt với những hoạt động văn hóa của họ.

Phải lòng với thổ cẩm
Ông Yang Danh nói: “Trước đây, phụ nữ Bana ai cũng biết dệt thổ cẩm. Nhà có con gái được chăm chút làm nghề, khi nào dệt được hoa văn, phối màu, tạo họa tiết thông thạo mới cho lấy chồng. Theo thời gian, người dệt thổ cẩm ít dần nhưng hầu như ở mỗi làng đều có vài ba hộ biết dệt”. Trong một lần về Kon Trú, làng ở lưng chừng núi xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh, tôi gặp bà Đinh Thị Lữ, nghe bà bộc bạch: “Dệt thổ cẩm chủ yếu cho gia đình và bà con ở làng dùng”. Bà Lữ làm rẫy, đôi tay thô sần, chai sạn nhưng những hoa văn trên tấm vải bà dệt lại hết sức sắc sảo. Rồi lại gặp mẹ con chị Đinh Thị Thươn ở làng Kon Giọt 1, xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn với chiếc khung cửi bóng lộn màu thời gian. Những cây thước bằng gỗ đen cũng nhẵn bóng vì sự cọ xát, chung đụng với vải vóc. 12 tuổi, chị Thươn đã học cách kéo sợi, cách dệt từ mẹ từ bà và những người lớn tuổi trong làng. Hơn 30 năm qua, chị chung thủy với nghề dệt. Sau chị, cô con gái Đinh Thị Liên cũng đã thạo nghề và từng tham gia biểu diễn dệt thổ cẩm truyền thống trong Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc miền núi. “Em dệt được các loại trang phục cơ bản, nhưng về các họa tiết thì cần học thêm nữa”, Liên tâm sự. Thời gian dệt và hoàn thiện một bộ trang phục phải tính tuần, tính tháng, thế nhưng lúc nào chị Thươn cũng có sản phẩm để trao đổi, bán bởi như đã thành thói quen, hễ rảnh rỗi là chị lại ở bên khung dệt. Chị cho hay: “Thổ cẩm của người Bana dùng nhiều họa tiết hoa văn hình học với các đường thẳng, đường cong, hình tam giác. Nhiều họa tiết là sự cách điệu để diễn tả về nhà Rông, tượng trưng cho sự đủ đầy. Có lúc, một cách ngẫu hứng, mình dệt những hình ảnh là con vật gần gũi nuôi trong nhà, hay dệt hình các cô gái Bana đang trong điệu múa xoang mừng lúa mới”. Theo anh Đinh La, cán bộ văn hóa xã Vĩnh An thì hiện tại, những gia đình giữ nghề như hộ chị Thươn còn khá nhiều. Cả xã còn tầm 75 hộ dệt thổ cẩm. Bà con dệt chủ yếu để sử dụng và một số trao đổi mua bán để kiếm thêm thu nhập. Nhiều bà con ý thức giữ nghề truyền thống và mong mỏi phát triển được.

Khi tiếp xúc với các cộng đồng dân tộc thiểu số tại Bình Định, một điều thú vị là hiện nay, trang phục của người Chăm H’roi ở Vân Canh với người Bana gần như giống nhau. Ghé thăm nhà của bà Rah Lan Lộc ở làng Kà Sim (xã Canh Thuận, huyện Vân Canh) tôi được mục sở thị các trang phục được nữ nghệ nhân Chăm H’roi này dệt và được cộng đồng người Chăm H’roi sử dụng nhiều thập kỷ nay. Các họa tiết, hình khối trang phục thật khó tìm điểm khác biệt với thổ cẩm người Bana. Trong công trình nghiên cứu Văn hóa người Chăm H’roi ở huyện Vân Canh tỉnh Bình Định của hai cố tác giả Đoàn Văn Téo và Nguyễn Xuân Nhân cũng đã đề cập đến “sự tiếp biến văn hóa trang phục” này. Và nhà nghiên cứu Lưu Hùng trong bài Ghi chép về Chăm H’roi trên Tạp chí Đông Á cũng đã viết rằng: “Cho đến giữa thế kỷ này (thế kỷ XX) họ còn giữ được bộ trang phục của người Chăm. Sau đó người Chăm H’roi mặc như người Bana, bộ quần áo dài đàn ông và chiếc áo dài đàn bà đã bị quên lãng. Năm 1977, chúng tôi có dịp đến Vân Canh và không thể phân biệt nổi người của hai tộc này qua trang phục”. Đã có một sự hòa nhập gần gũi. Và những lựa chọn nhất quán trong quá trình cộng cư của hai cộng đồng tộc người, ít nhất là về mặt trang phục.

Hướng mở
Trong khi một số làng nghề loay hoay với việc giữ nghề thì vấn đề bảo tồn, phát triển nghề truyền thống dệt thổ cẩm trong cộng đồng người Bana ở Vân Canh đang có những điểm khởi sắc đáng ghi nhận. Tại địa phương này, nghề dệt truyền thống còn nhiều nơi nhưng tập trung và phát triển mạnh nhất là ở làng Hà Văn Trên. Dưới tiết trời tháng Chạp, làng Hà Văn Trên hiện lên trong mắt tôi bình yên và xinh đẹp. Thỉnh thoảng trên đường làng, tôi bắt gặp những ánh mắt to tròn, đen láy của các em nhỏ xinh xắn trong bộ trang phục truyền thống. Khi tôi đến nhà văn hóa làng đã có một số chị em dệt thổ cẩm. Anh Đinh Văn Mười, thôn trưởng Hà Văn Trên tự hào chia sẻ: “Làng Hà Văn Trên có 103 hộ thì hơn một nửa đã gắn bó với nghề dệt thổ cẩm. Sản phẩm làm ra được khá nhiều người ưa chuộng, họ tìm về mua. Nghề này cũng đã góp thêm một phần thu nhập đáng kể cho bà con”. Tiếp lời anh Mười, Nguyễn Kim Hùng, cán bộ phục trách văn hóa xã Canh Thuận cho hay: “Huyện Vân Canh đã khảo sát và có kế hoạch sửa chữa lại nhà văn hóa Hà Văn Trên để cơi nới thêm không gian trưng bày các sản phẩm truyền thống mang tính đặc trưng của địa phương. Trong đó, sản phẩm đặc sắc nhất của làng là các loại trang phục, sản phẩm được làm từ vải thổ cẩm”.

Chị Xuân Bông, tổ trưởng tổ dệt Hà Văn Trên, bộc bạch: “Làng cũng thành lập tổ dệt thổ cẩm để duy trì và phát triển nghề. Ngoài các mẫu hoa văn truyền thống, các chị, các mẹ hiện đã sáng tạo thêm nhiều mẫu mã, hoa văn cách tân để sản phẩm đẹp hơn, phù hợp hơn với nhu cầu hiện nay. Dù nghề dệt thổ cẩm chưa đem lại nguồn thu nhập lớn cho phụ nữ trong làng, nhưng chị em phụ nữ cũng gắn bó để giữ gìn nghề truyền thống của dân tộc mình”. Tại một góc nhà văn hóa, các chị trong tổ dệt thổ cẩm vừa rôm rả chuyện trò vừa thoăn thoắt dệt họa tiết. Tôi chú ý đến chị Đinh Thị Kem, ngoài bốn mươi tuổi, một thành viên trong tổ dệt của làng khi người phụ nữ này xử lý rất thuần thục các khâu dệt vải, điệu nghệ luồn chỉ. Chỉ sau vài phút chuyện trò, dáng hình hoa văn trên tấm vải chị Kem thực hiện đã dày dặn hơn. Chị thổ lộ: “Làm riết rồi quen tay. Nếu như tập trung thì tầm 5 ngày sẽ hoàn thành chiếc áo nam. Áo nữ điệu đàng hơn, nhiều hoa văn họa tiết hơn nên tốn nhiều thời gian hơn”.

Người Bana Kriêm với trang phục truyền thống trong ngày hội làng. Ảnh: V.P

Theo anh Nguyễn Xuân Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện, huyện Vân Canh có nhiều hộ dệt thổ cẩm, nhưng tập trung đông ở làng Hà Văn Trên. Nhờ nguồn nguyên liệu sẵn có, cùng kỹ thuật dệt được truyền lại từ nhiều đời nay mà phụ nữ làng Hà Văn Trên tạo ra được những sản phẩm thổ cẩm tinh xảo. Năm 2020, Phòng Kinh tế – hạ tầng phối hợp với Trung tâm Thông tin – Ứng dụng KH&CN Bình Định tiến hành thực hiện thiết lập, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Vải thổ cẩm Hà Văn Trên”. Huyện đã có kế hoạch tổ chức lễ công bố nhãn hiệu vào cuối tháng 12.2021 nhưng vì dịch đang diễn biến phức tạp nên đã hoãn chờ qua Tết cổ truyền. Vải thổ cẩm Hà Văn Trên đã được Nhà nước bảo hộ giúp cho các hộ sản xuất an tâm hơn. Huyện Vân Canh cũng đã có kế hoạch phát triển làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống tại làng Hà Văn Trên đồng thời xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái.

NGUYỄN VĂN

(Văn nghệ Bình Định số Xuân Nhâm Dần 2022)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Lính đảo

Dường như, tôi có duyên nợ với Đại đội hỗn hợp đảo Cù Lao Xanh đóng quân ở xã Nhơn Châu, nên ngay sau lễ phát động Cuộc thi viết về đề tài LLVT, tôi chọn lính đảo…

Sức trẻ ở đảo tiền tiêu

Sự bất ngờ thú vị nhất của tôi trong chuyến đi này là được “ba cùng” với những người lính Cụ Hồ: cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt…

Bí ẩn La Vuông

Khám phá La Vuông, không chỉ khám phá vẻ đẹp, không khí mát mẻ sảng khoái mà còn khám phá những bí ẩn được kể dưới mây ngàn…

Làng bún, làng hoa

Làng chuyên sản xuất bánh tráng, bún số 8 Tăng Long 1 thuộc phường Tam Quan Nam (TX Hoài Nhơn), được UBND tỉnh Bình Định công nhận làng nghề truyền thống vào tháng 8.2020…