Dấu ấn chợ Giã, xóm Giã, cửa Giã (Qui Nhơn) qua lịch sử và ca dao Bình Định

(VNBĐ – VHDGBĐ). Ngay từ thời Champa và Thái Đức – Nguyễn Nhạc, đầm Thi Nại đã được xem là đầu mối quan trọng của “hệ thống trao đổi ven sông”, kết nối giữa các chợ trong tỉnh với cả vùng Tây Nguyên rộng lớn. Theo đó, vùng đất Qui Nhơn xưa đã hội tụ được các yếu tố cần thiết như địa thế cửa biển Thi Nại, nguồn tài nguyên phong phú và con người cần cù, khoáng đạt… Tất cả đã tạo nên nền tảng cần thiết cho sự ra đời của trung tâm phố thị cổ ven đầm Thi Nại tại ấp Chánh Lộc, thôn Vĩnh Khánh, năm 1837. Phố trưởng Trần Đức Hiệp, cai trưởng Ngô Văn Phóng trực tiếp quản lý, thu hút đông đảo các thương nhân phương Tây, người Hoa, người Việt đến đây buôn bán, tạo nên dấu ấn “Nậu nguồn” gắn liền với hoạt động giao thương cùng với biết bao nỗi niềm lưu luyến: Ai về nhắn với Nậu nguồn/ Măng le gửi xuống cá chuồn gửi lên.

Sợi dây liên kết “lên nguồn, xuống biển” được các “thuyền hộ – thuyền buôn” đảm trách với các trục kết nối sông Kôn, qua ngã Vạn Gò Bồi – Kẻ Thử – Cửa Thi Nại – Đầm Thi Nại, thiết lập nên một hệ thống trao đổi nội địa, thu gom sản vật tập trung về phố thị. Các chợ ven đầm như: chợ Cẩm Thượng (tục gọi chợ Triều), chợ Dinh, chợ Ma – bến Vạn, chợ Thượng Lộc (1803) (còn gọi là chợ Chánh Thành, chợ Thi Nại, tên dân gian: chợ Giã) là nổi tiếng hơn cả, được phản ánh vào trong thơ ca dân gian:

Muốn ăn đi xuống
Muốn uống đi lên
Dạo khắp bốn bên
Chợ Thành, chợ Giã
Chợ Dinh bán chả
Chợ Huyện bán nem.

Hay:

Anh nguyện cùng em chợ Giã cho chí Cầu Đôi
Nguyền lên Cây Cốc xuống Vạn Gò Bồi giao lân…

Về các tên gọi Giã, Cửa Giã, Thi Nại, trong Nước non Bình Định, nhà văn Quách Tấn cắt nghĩa như sau: “Giã là làm cá. Trước kia nơi lưỡi cát Qui Nhơn chỉ có người chài lưới ở để làm nghề mà thôi, và cửa Qui Nhơn, thời bình, chỉ có ghe thuyền đánh cá ra vào hàng ngày. Cho nên mới gọi là Cửa Giã”(1); “Cửa Giã nói trong bài ca là cửa Thi Nại: Cửa Giã có hòn án ngoài/ Các lái chạy ngoài gọi hòn Lao Xanh”(2); “Cửa Thi Nại thường gọi là cửa Qui Nhơn”(3); “Tên Thi Nại chẳng những dùng để chỉ cửa biển, mà còn dùng luôn đầm nước ở phía Bắc, vùng biển phía Nam và lưỡi cát chạy ở giữa đầm và biển”(4).

Trong kết cấu chữ Nôm, chữ Giã (𦩳) được kết hợp giữa bộ Chu (舟), lấy ý với chữ Giả (者), lấy âm. Như vậy, từ chỗ chỉ nghề làm cá, phương tiện thuyền bè, di chuyển đi lại trên vùng sông nước, Giã được dùng làm địa danh cho một vùng đất khá rộng lớn; được nhắc tới nhiều trong ca dao Bình Định:

– Anh về dưới Giã bao lâu
Ngó lên cây Cốc thấy lầu ông Tây.

– Anh về dưới Giã thăm nhà
Ghé vô em gửi lạng trà Ô Long.

– Thương em anh để đó đã
Anh vô trong Giã anh mua bộ chén chung chè.

Như vậy, những Xóm Giã, Chợ Giã, Cửa Giã thường dùng bấy lâu nay là phù hợp và khả tín trong cách viết, cách dùng làm tên riêng.

Tìm hiểu nguồn gốc địa danh, chúng tôi thấy những Xóm Giã, Chợ Giã, Cửa Giã tập trung chủ yếu trên địa phận của làng (thôn) Chánh Thành.

Đầu ở thế kỷ XVIII, vùng đất trải dài ven đầm Thi Nại từ chóp Mũi Cổ Rùa lên đến quán Chẹt (gần ngã ba Đống Đa hiện nay) có tên chung là thôn Vĩnh Khánh.

– Năm 1803, Vĩnh Khánh được chia làm hai ấp là Cẩm Thượng tứ chánh khách hộ ấp và Thượng Lộc tứ chánh khách hộ ấp.

– Năm 1837, chính quyền đổi ấp Thượng Lộc ra ấp Chánh Lộc, vẫn thuộc thôn Vĩnh Khánh, đồng thời nâng cấp lên thôn Chánh Lộc vào năm 1839.

– Năm 1856, thôn Chánh Lộc đổi tên thành thôn Chánh Thành.

– Năm Thành Thái thứ 11, ngày 12.7.1899, thị xã Qui Nhơn chính thức được thiết lập. Đến ngày 14.3.1900, Toàn quyền Đông Dương khi ấy là Boulloche ra Nghị định, quy định cụ thể ranh giới của thị xã Qui Nhơn như sau: “Địa giới của thị xã Qui Nhơn được tạo thành từ hai thôn Cẩm Thượng và Chánh Thành”.

– Ngày 02.7.1932, chính quyền đương thời ban hành Nghị định có nội dung loại bỏ các làng xã tại Qui Nhơn và chia thành 5 khu: “Xóa bỏ các làng Chánh – Thành, Cẩm – Thượng và Hung – Thanh; Tất cả các làng này từ trước đến nay đều thuộc vào Phủ của Tuy – Phước, tỉnh Bình – Định”.

* Chợ Giã
Vì lẽ trên mà phần nhiều tên riêng của làng thường được gắn với chợ làng và chợ Giã cũng buộc phải thay đổi (chợ Thi Nại, chợ Thượng Lộc, chợ Chánh Thành). Trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, tác giả Lê Quang Định (biên soạn năm 1803) cho biết: “至上禄市,俗名 𢄂 𦩳 Chí Thượng Lộc thị tục danh chợ Giã” (đến chợ Thượng Lộc, tục gọi tên là chợ Giã). Vào các năm 1792 – 1793 và 1801, chợ Giã (𢄂 𦩳) đã trở thành nơi giao chiến khốc liệt giữa quân Tây Sơn và quân chúa Nguyễn. Nhiều tài liệu lịch sử xưa cũng như nay đã ghi chép về sự kiện này:

– “Năm Nhâm Tý (1792) nhà vua (Gia Long) thân đem châu sư đóng ở cửa biển Thi Nại, thì đô đốc của giặc là Thành (đô đốc Nguyễn Thành) bỏ chạy, nhà vua đóng quân ở chợ Thi Nại, phủ dụ nhân dân rồi rút quân về. Năm Quý Sửu (1793), đại binh lại tiến đánh Qui Nhơn, thuyền vua đóng ở cửa biển Thi Nại, sai Võ Tánh đánh phá được bảo giặc ở chợ Thi Nại”(5).

– 1.530 tầm (tương đương 3.2km tính từ cầu Tân Hội, tục gọi Cầu Đôi) đường toàn cát mịn, phía Nam dọc theo núi, phía Bắc có gò tục gọi là Núi Miệt, dưới gò này có tháp, trước mặt tháp có miếu thờ công thần, đến chợ Cẩm Thượng, tục gọi là Chợ Triều, hai bên chợ có quán xá rất trù mật, khách đi đường có thể nghỉ lại đây(6).

– “444 tầm (tương đương 948m tính từ chợ Cẩm Thượng) đường toàn bằng cát mịn, hai bên phố xá liền nhau, là nơi buôn bán rất tấp nập, khách đi đường nghỉ lại rất tiện. Sau lưng phố này trông ra hướng Bắc là dọc theo đầm biển cạn (đầm Thi Nại), nước sâu và mặn, thuyền bè có thể ra vào, đến chợ Thượng Lộc tục danh chợ Giã (Giạ), hai bên chợ có quán xá rất đông đúc, khách đi đường có thể nghỉ lại đây. Ngày trước quân ta đại phá thủy quân tư đồ Dũng (Vũ Văn Dũng) của Tây Sơn tại nơi này(7).

Cuốn Lịch sử thành phố Quy Nhơn của Đỗ Bang và Lê Tấn Hiểu cho biết: Chợ Giã ở gần đình làng Chánh Thành, gần chợ Lớn Quy Nhơn (nay là Trung tâm thương mại Quy Nhơn Plaza), và “dấu tích bến Giã, chợ Giã còn lại một bãi cát gần bờ đầm rộng chừng 50m…”(8).

Vị trí đình làng Chánh Thành nay chính là khuôn đất với ước lượng diện tích 50m x 90m thông hai đầu đường Lê Thánh Tôn, Trần Hưng Đạo ôm trọn góc của hai ngã tư Phan Bội Châu – Lê Thánh Tôn, Lê Thánh Tôn – Trần Hưng Đạo với hướng đình quay về phía đầm Thi Nại đối diện với nhà thờ Chính tòa xây dựng năm 1938 (nhà thờ Nhọn).

Qua khảo sát thực tế, so sánh khoảng cách về các cự ly thì có thể xác định chợ Cẩm Thượng nằm ở vị trí khoảng giữa của đường Ỷ Lan và đường Phan Đình Phùng hiện nay. Tương truyền, trước đây, thuyền bè từ các vùng trong đầm đến chợ đều lấy mốc cây Gòn rất lớn và cao dưới đoạn dốc đường Ỷ Lan – Đặng Trần Côn làm chuẩn để các thuyền cập bến. Cho đến thập niên 90 của thế kỷ XX, chợ này vẫn còn tồn tại dưới tên gọi “chợ Bạch Đằng”. Sau khi chợ Đầm được xây dựng thì chợ này mới không còn nữa.

Từ vị trí chợ Cẩm Thượng 444 tầm (tương đương 948m tính từ chợ Cẩm Thượng) tìm được vị trí chợ Giã tương ứng từ số nhà 168 Bạch Đằng (tọa độ: 13.7756580 Bắc 109.2337090 Đông) đến 138B Bạch Đằng (tọa độ: 13.7764300 Bắc 109.2343360 Đông) nằm trong phạm vi tính từ đường Hàn Thuyên đến đường 31-3, đồng thời so sánh tỷ lệ xích 1:100.000 ở bản đồ Carte Économique de L’Annam Province de Binh Dinh (Bản đồ kinh tế xứ Trung Kỳ tỉnh Bình Định) năm 1925 có đánh dấu biểu tượng Chợ Giã, lãnh sự quán Pháp trên bản đồ, có sự tương đồng ở các vị trí được xác định (tương đối) phù hợp cho nhận định về chợ Lớn Qui Nhơn khi ở năm 1932 chợ Giã (chợ Chánh Thành) bị cơn bão lớn tàn phá và được di dời về vị trí mới là chợ Lớn Qui Nhơn sau này: “Mặt chợ giáp đường Tăng Bạt Hổ (xưa là đại lộ Boulevard Odend’hal kéo dài đến khu I). Phía Tây giáp hông nhà đèn, đường Phan Bội Châu (xưa là đường Rue jules Ferry)”.

Ở những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, chợ vẫn còn tồn tại nhưng ở qui mô nhỏ có tên là chợ Hàn Thuyên đến nay thì không còn nữa.

* Xóm Giã
Tác phẩm Le Royaume D’Annam của M. A. Bounais (xuất bản tại Paris, năm 1885), có nhắc đến Xóm Giã: “Cảng Quin – Nhon, hay còn gọi là Thi – Nai mà chúng tôi nhìn thấy khoảng 5 dặm từ Hon – Dat, là một cảng mở cho người Châu Âu theo Hiệp ước ngày 15.3.1874. Chúng tôi nhìn thấy các tòa nhà lãnh sự của Pháp, một pháo đài ở phía Đông, bên trái các tòa nhà là xóm Giã có người Hoa sinh sống…”. Khi xem bức ảnh chụp tòa nhà Lãnh sự Pháp năm 1888 (Résidence de France à Qui – Nhon), chúng tôi thấy phía bên trái cách khoảng 50m, có hình ảnh “cầu Đá” vươn ra đầm Thi Nại (hướng chụp từ phía đầm Thi Nại). Câu hỏi được đặt ra là, “Cầu Đá” trên thực địa hiện nay ở vị trí nào?

Hai bức ảnh Trú sứ (lãnh sự) Pháp chụp cùng vị trí năm 1888

Xem lại bức không ảnh chụp Qui Nhơn năm 1942, so sánh bản đồ quân sự Qui nhơn năm 1964, 1969 kết hợp với khảo sát thực địa, phỏng vấn cư dân sở tại (xác nhận nơi đây có tên xóm Cầu Đá), nghe qua lời kể (linh mục Khôi, năm nay 92 tuổi), chúng tôi xác định vị trí “Cầu Đá” có điểm khởi đầu tại tọa độ 13.7760360 Bắc và 109.2374640 Đông (địa chỉ 117 đường Lê Văn Hưu), phía sau lưng tòa Giám mục Qui Nhơn kéo thẳng hướng ra phía đầm có độ dài 500m và uốn theo hình vòng cánh cung hầu như nằm trọn trên đường Đống Đa rẽ phải xuống cảng (điểm cuối có tọa độ 13.7784580 Bắc, 109.2455590 Đông), có tổng chiều dài 1.200.000 m. Từ đây, chúng ta xác định được tòa nhà lãnh sự của Pháp cách vị trí “Cầu Đá” 50m có vị trí tọa độ là 13,7758430 Bắc, 109,2360200 Đông (địa chỉ 74 đường Bạch Đằng). Năm 1945, tòa nhà này còn có tên là Tòa Đốc bộ đường (Dinh Tỉnh trưởng, tức dinh Công sứ cũ), nằm trên khu đất nhượng địa 2,5 ha theo Hiệp ước Giáp Tuất năm 1874.

Qui Nhơn năm 1942

Và, “bên trái các tòa nhà (lãnh sự của Pháp) là xóm Giã” (hướng từ phía biển vào) với “hai bên phố xá liền nhau, là nơi buôn bán rất tấp nập”, trong phạm vi ước lượng tính từ đường Trần Cao Vân cho đến đường 31/3 hiện nay. Tuy nhiên, về mặt văn hóa, nhóm địa danh “ở Giã” “dưới Giã”, “trong Giã”, “xuống Giã” có phạm vi ước lượng lớn hơn, “dùng luôn đầm nước ở phía Bắc, vùng biển phía Nam và lưỡi cát chạy ở giữa đầm và biển”.

Như vậy, làng Chánh Thành xưa với những tên gọi Cửa Giã, Chợ Giã, Xóm Giã nhắc nhở rằng nơi đây đã từng hiện hữu một nền văn hóa thương mại cảng thị phát triển rực rỡ, dựa trên nền tảng tư duy trọng thương, nhuần nhị trong nét giao lưu văn hóa đặc sắc của vùng đất Qui Nhơn, Bình Định. Vùng đất ấy giờ đây vẫn tiếp tục sứ mệnh lao động, cống hiến làm nên một thành phố Qui Nhơn hiện đại…

HOÀNG BÌNH

Bút danh: Hoàng Bình.
Năm sinh: 1975.
Nơi sinh: Hải Phòng.
Quê quán: Ân Thường Tây, Hoài Ân, Bình Định.
Điện thoại: 0935.544.426 – 01682.739.753.
Email: hoangbinh01@gmail.com.
Hội viên Chi hội VNDG Bình Định.
(Hội VHNT Bình Định).

HOÀNG BÌNH

(Văn hóa dân gian Bình Định 2011 – 2020, NXB Văn hóa – Văn nghệ 2020).

* Chú thích:

(1) Quách Tấn (2004), Nước non Bình Định (tái bản), Nxb Thanh Niên, Hà Nội, tr. 195.

(2) Quách Tấn, Sđd, tr. 194.

(3) Quách Tấn, Sđd, tr. 194.

(4) Quách Tấn, Sđd, tr. 194.

(5) Quốc sử quán (1968), Đại Nam nhất thống chí – Tỉnh Bình Định (Tu Trai Nguyễn Tạo dịch), Nha Văn hóa – Bộ Quốc gia Giáo dục, Sài Gòn, tr. 45.

(6) Lê Quang Định (2005), Hoàng Việt nhất thống địa dư chí (Phan Đăng dịch), Nxb Thuận Hóa, tr. 250.

(7) Sđd, tr. 250.

(8) Đỗ Bang, Nguyễn Tấn Hiểu (1998), Lịch sử thành phố Quy Nhơn, Nxb Thuận Hóa, tr. 161.

(9) Nhiều tác giả (1988), Chợ Quy Nhơn – Lịch sử và truyền thống, Tài liệu lưu hành nội bộ, Quy Nhơn, tr. 26.

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN