(VNBĐ – Đời sống văn nghệ). Sáng 18.12, tại TP. Quy Nhơn, Chi hội Văn nghệ dân gian (VNDG) Việt Nam tỉnh Bình Định đã tổ chức Đại hội lần thứ VI, nhiệm kỳ 2025 – 2030.
Trong nhiệm kỳ V (2019 – 2024), Chi hội phát triển 01 hội viên mới, nâng tổng số 13 hội viên sinh hoạt tại Chi hội. Các hội viên tích cực nghiên cứu, xuất bản hàng chục đầu sách có giá trị, trong đó có tập sách in chung của Chi hội: Văn hóa dân gian Bình Định, sưu tầm & nghiên cứu 2011 – 2020. Nhiều hội viên đạt giải cao các giải của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Hội VNDG Việt Nam, Giải thưởng VHNT Đào Tấn – Xuân Diệu… Đặc biệt, trong nhiệm kỳ qua, Chi hội đã tạo điểm nhấn nổi bật khi tổ chức thành công các cuộc tọa đàm: Tọa đàm về Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn; Tọa đàm Thành phố Quy Nhơn xưa và nay dưới góc nhìn lịch sử – văn hóa; Tọa đàm Nhà lá mái Bình Định. Bên cạnh đó, nhiều hội viên trong Chi hội tích cực tham gia vào các tọa đàm, hội thảo khoa học như: Tọa đàm khoa học về khôi phục Lễ hội đổ giàn An Thái – Nhơn Phúc; Hội thảo khoa học quốc gia “Văn hóa văn nghệ các dân tộc thiểu số Quảng Ngãi và Nam Trung bộ”…
Nhiệm kỳ VI (2025 – 2030), Chi hội tiếp tục tổ chức các hoạt động điền dã, thực tế sáng tác, nghiên cứu sưu tầm; tăng cường phổ biến, giới thiệu di sản văn nghệ dân gian Bình Định đến các trường học trong tỉnh; thực hiện tuyển tập bài viết về văn nghệ dân gian của hội viên; phát triển hội viên mới; phối hợp biên soạn, thực hiện Đề án phát triển Quy Nhơn trở thành trung tâm văn hóa phía Nam của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…
Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành khóa VI gồm 03 thành viên: Trần Xuân Toàn, Lê Nhật Ký và Nguyễn Văn Ngọc; nhà nghiên cứu Trần Xuân Toàn tái đắc cử Chi hội trưởng; đồng thời bầu 04 đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội VNDG Việt Nam nhiệm kỳ 2025 – 2030.
PHI NGUYỄN