Chuyển đổi số “đi từng ngõ, gõ từng nhà”

(VNBĐ – Thời đàm). Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu, chuyển đổi số đang là yêu cầu tất yếu, khách quan đối với mỗi quốc gia và trong mọi lĩnh vực. Ở nước ta, chuyển đổi số đã đi vào nhiều văn kiện và nghị quyết của Đảng. Chương trình chuyển đổi số quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 6.2020 là mốc thời gian đánh dấu việc Việt Nam chuyển từ giai đoạn ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử sang giai đoạn tập trung chuyển đổi số toàn dân, toàn diện; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

Ngày Chuyển đổi số quốc gia, 10.10 hằng năm được coi dịp để đánh giá và đẩy nhanh các hành động với tầm nhìn 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp, cùng chung tay để hiện thực hóa khát vọng một Việt Nam hùng cường vào năm 2045!

Triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ngày 03.6.2020 về “Phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 20.9.2021, “Về chuyển đổi số tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Văn bản quan trọng này định hướng cho cả hệ thống chính trị của tỉnh nỗ lực thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số với 3 trụ cột chính: phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ban, sở, ngành, UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch, với mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình cụ thể để triển khai thực hiện, như tổ chức các hội nghị, tập huấn nhằm đổi mới tư duy, nhận thức về chuyển đổi số; hoàn chỉnh cơ chế, chính sách; phát triển hạ tầng số, nền tảng số; đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến; tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ năng số cho người dân thông qua tổ công nghệ số cộng đồng với tinh thần “đi từng ngõ, gõ từng nhà”.

Mục tiêu chung của Bình Định là đến năm 2025, tỉnh cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội, đưa tỉnh nhà vào nhóm khá trong cả nước về chuyển đổi số; xây dựng thành công chính quyền số; công nghệ số được ứng dụng toàn diện trong mọi lĩnh vực, thay đổi tích cực đến phương thức sống, cách làm việc của người dân. Chuyển đổi số hướng đến phục vụ lợi ích của người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và sự phát triển bền vững của địa phương; giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, kết hợp xây dựng văn hóa, văn minh thời đại số. Ưu tiên chuyển đổi số trên các lĩnh vực: giáo dục, y tế, quản lý hành chính, du lịch, nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, phát triển kinh tế biển, giao thông vận tải và logistics,… góp phần tích cực trong việc nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của hệ thống chính trị.

Quá trình chuyển đổi số đã nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin; bước đầu triển khai các ứng dụng, xây dựng chính quyền điện tử và đã triển khai hiệu quả hệ thống phần mềm quản lý văn bản tại các cơ quan Nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành; gửi, nhận văn bản điện tử liên thông giữa các cơ quan trong tỉnh, liên thông với các bộ, ngành Trung ương qua trục liên thông văn bản quốc gia,… Tỉnh đã xây dựng được 13 cơ sở chuyên ngành phục vụ chuyển đổi số, hạ tầng công nghệ thông tin cấp xã cơ bản ổn định; cổng dịch vụ công của tỉnh đã kết nối với 5 cơ sở dữ liệu chuyên ngành: cơ sở dữ liệu đăng ký doanh nghiệp; cơ sở dữ liệu về bảo hiểm; hệ thống cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến; hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch; hệ thống cấp mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách… Nhiều địa phương có mạng máy tính nội bộ theo địa bàn.

Dẫu vậy, công cuộc chuyển đổi số vẫn còn đó những cản trở khi một số lãnh đạo cơ quan, đơn vị chưa nhận rõ tính cấp bách của vấn đề; tại một số ban, sở, ngành, địa phương cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin thiếu về số lượng và kỹ năng tham mưu tổ chức triển khai chuyển đổi số; cơ sở dữ liệu của các ngành đã xây dựng còn rời rạc, cát cứ; công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng tại các cơ quan, đơn vị còn nhiều bất cập, rủi ro…

Năm 2025 đã cận kề, để quá trình chuyển đổi số diễn ra hiệu quả, bền vững, thực chất và đồng bộ, trước hết cần nêu cao trách nhiệm của “người đứng đầu”. Chuyển đổi số phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài và xuyên suốt của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương. Việc ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả cung ứng dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp cần được đẩy mạnh hơn nữa. Cần có chính sách ưu tiên thu hút các doanh nghiệp công nghệ số đầu tư vào tỉnh; tập trung cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao, sẵn sàng tham gia vào quá trình chuyển đổi số…

DƯƠNG HIẾU

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Chống hoạt động IUU bao giờ kết thúc?

Sau bảy năm bị áp thẻ vàng (2017 – 2024) và qua bốn đợt thanh tra của EC, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thay đổi và đã có sự chuyển biến tích cực: ban hành Luật Thủy sản và các văn bản…