(VNBĐ – Thời đàm). IUU là viết tắt của từ Illegal, Unrepoted and Unregulated Fishing, nghĩa gọn là hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý. Các quy định về IUU có hiệu lực từ 01.01.2010, chính thức thiết lập một hệ thống để ngăn chặn và loại bỏ việc nhập khẩu các sản phẩm thủy sản bị đánh giá là có hoạt động IUU vào thị trường Châu Âu (EU), nhằm hướng tới ngành kinh tế thủy sản minh bạch, trách nhiệm, bền vững.
Ngày 23.10.2017, Ủy ban Châu Âu (EC) cảnh báo thẻ vàng đối với các sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam với lý do chưa kiểm soát được hoạt động khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; công tác quản lý nghề cá tại Việt Nam chưa tương đồng với quản lý nghề cá khu vực và thế giới, đặc biệt là chưa đáp ứng được các quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm hải sản khai thác của EC.
Việt Nam hiện đứng thứ ba thế giới về xuất khẩu thủy sản và EU là một trong ba thị trường xuất khẩu hải sản chủ lực. Ngay sau khi Việt Nam bị thẻ vàng, gần 100% hàng hóa bị dừng tại hải quan EU để kiểm tra (thay vì kiểm tra theo xác suất), gây phát sinh chi phí rất lớn, khách hàng mất nhiều thời gian (02 – 03 tuần thay vì chỉ 01 – 03 ngày) để nhận hàng, lượng hàng hóa xuất khẩu vào EU giảm mạnh. Một số mặt hàng đặc thù của thị trường EU muốn chuyển hướng sang thị trường khác cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Có thể nói sự tác động dây chuyền của thẻ vàng rất lớn. Nếu thẻ vàng chuyển thành thẻ đỏ, thiệt hại xuất khẩu riêng sang EU có thể lên đến 518 triệu USD; ngành khai thác, chế biến thủy sản có khả năng giảm ít nhất 30% so với công suất hiện tại. Lúc đó, đời sống của ngư dân và vị thế chính trị của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng như thế nào là điều có thể lường trước!
Sau bảy năm bị áp thẻ vàng (2017 – 2024) và qua bốn đợt thanh tra của EC, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thay đổi và đã có sự chuyển biến tích cực: ban hành Luật Thủy sản và các văn bản trong năm 2017 hướng tới việc phát triển thủy sản và nghề cá bền vững; thành lập Ban chỉ đạo quốc gia chống hoạt động IUU; tăng cường lắp đặt VMS (thiết bị giám sát hành trình) trên tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên; hỗ trợ ngư dân theo dõi vị trí, lộ trình, ngư trường khai thác, nhập nhật ký, theo dõi hiệu quả khai thác, giúp tối ưu chi phí cho mỗi chuyến ra khơi. Công tác xác nhận nguồn gốc thủy sản tại các cảng cá cơ bản đảm bảo; mạnh tay xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động IUU. Về chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác được giám sát và tổ chức triển khai thực hiện theo quy định của Luật Thủy sản, Hiệp định về các biện pháp quốc gia có cảng (PSMA), cơ bản đáp ứng yêu cầu; kiểm soát tốt việc tàu cá ra vào cảng, kiểm soát sản lượng thủy sản bốc dỡ tại cảng; hoạt động đóng tàu mới đều theo tiêu chuẩn luật quy định và tiêu chuẩn của EU… Việt Nam đã lập quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản, quy hoạch lại đội tàu khai thác cho phù hợp với trữ lượng nguồn lợi, phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm; kiểm soát nguồn gốc thủy sản từ khai thác của tàu nước ngoài cập cảng Việt Nam…
Dù vậy, công cuộc chống hoạt động IUU, gỡ cảnh báo thẻ vàng của EC vẫn tiếp diễn vì vẫn còn nhiều việc phải tiếp tục giải quyết như: tình trạng tàu cá ngư dân vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; việc xử phạt các hành vi vi phạm quy định về mất kết nối thiết bị giám sát hành trình có lúc chưa nghiêm túc; việc truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác vẫn còn yếu. Những điều này dẫn đến nguy cơ cao EU nâng cảnh báo lên thẻ đỏ!
Khai thác hải sản xa bờ là thế mạnh của tỉnh Bình Định. Thực hiện khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU, nhất là từ sau đợt kiểm tra của Đoàn Thanh tra EC vào tháng 10.2023, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt triển khai khắc phục những tồn tại, đã hoàn thành việc cấp đăng ký cho 942 tàu cá “3 không”; 100% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên tham gia hoạt động đánh bắt hải sản đều lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; tàu cá xuất, nhập cảng cá đều qua kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ; công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản, xác nhận, chứng nhận sản phẩm thủy sản khai thác được thực hiện đảm bảo theo quy định. Tồn tại lớn nhất trong chống hoạt động IUU ở Bình Định là việc tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình. 9 tháng đầu năm 2024 đã có 10 tàu cá của ngư dân Bình Định bị nước ngoài bắt giữ (07 tàu neo đậu và xuất bến tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và 03 tàu xuất bến tại tỉnh Kiên Giang), trong đó có 09 tàu chiều dài dưới 15m, hành nghề câu mực! Quyết liệt khắc phục tình trạng này, thời gian qua lãnh đạo tỉnh Bình Định đã chỉ đạo một mặt nắm cụ thể các tàu cá của ngư dân Bình Định hoạt động ở ngoài tỉnh, tổ chức nhiều đoàn công tác gặp gỡ trực tiếp chủ tàu và thuyền trưởng để tuyên truyền, vận động; hỗ trợ một phần việc lắp đặt VMS trên tàu cá có chiều dài từ 13 – 15m, mặt khác xử lý nghiêm khắc (thậm chí khởi tố hình sự) các trường hợp vi phạm khai thác. Tỉnh cũng đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp tổ chức rà soát, cơ cấu lại đội ngũ tàu cá, đối với nhóm tàu có chiều dài dưới 15m hoạt động khai thác không hiệu quả và các tàu cũ cần có chính sách hỗ trợ để chủ tàu xả bản và chuyển đổi nghề.
Đặc biệt tỉnh đã chỉ đạo tăng cường trách nhiệm đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; sẵn sàng tổ chức kiểm điểm Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện có tàu cá vi phạm lãnh hải nước ngoài như đã làm đối với hai huyện Phù Cát và Phù Mỹ trong tháng 9 năm 2024!
DƯƠNG HIẾU