(VNBĐ – Bút ký). Mỗi người một cách, một phong thái riêng, nhưng họ đều chung một niềm đắm đuối với văn học nghệ thuật, văn hóa Bình Định, để lại dấu ấn sâu đậm qua từng trang viết, từng công trình nghiên cứu.
Tháng năm còn giữ
Họ là những nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu ở lứa tuổi trên dưới tám mươi, đã đi qua những thời khắc lịch sử của đất nước.
Nhà thơ Lệ Thu (sinh năm 1940, quê Tuy Phước) thuộc thế hệ học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội và trở thành phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, có một ký ức mạnh mẽ về Bình Định những năm sắp giải phóng. Năm 1973, bà trở về quê hương Bình Định, tham gia tác nghiệp ở chiến trường khu Đông. Khi nhắc về những năm tháng ấy, bà nhớ như in mùa lúa chín tháng Ba năm 1974 khi trở lại quê nhà Tuy Phước: “Những người dân trong vùng địch ra làm ruộng ở vùng trắng. Cứ mỗi ngày, trên mỗi đám ruộng vừa gặt hái lại xuất hiện một bao lúa phủ rạ kín đáo để bên bờ. Đó là lúa dân dành cho cách mạng”. Vào thời điểm mà hai bên còn giằng co quyết liệt đó, bà đã viết bài thơ như lời “di chúc”: “Con ơi con! Mẹ ghi vào quyển sách/ Mai lớn khôn con sẽ học lời này:/ Phải biết thương người và hãy sống mê say/ Nếu phải chết, chọn cái chết nào đẹp nhất.// Mẹ gửi lại cho con cả bầu trời, trái đất/ Một niềm tin của cả dân tộc anh hùng/ Và tấm lòng trong trắng, thủy chung/ Con giữ lấy, mai sau cần lắm!”.
Tuổi trẻ của nhà nghiên cứu Yang Danh (sinh năm 1946, quê Vĩnh Thạnh) gắn với những biến động lớn của đất nước. 13 tuổi, ông tập kết ra Bắc, chưa biết chữ. Trường học sinh miền Nam đã giúp ông trưởng thành, mở rộng tri thức, cho ông những tình cảm ấm áp như gia đình. Đặc biệt, ở đây, ông đã có cơ hội 3 lần được gặp Bác Hồ. Mỗi lần gặp gỡ, ông đều cảm nhận sự giản dị, gần gũi và ắp đầy tình thương của Bác. Ông giữ kỹ Huy hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ” do Bác tặng năm 1962, sau đó trao lại cho Bảo tàng tỉnh Bình Định. Ông trải lòng: “Bác gặp, động viên, dặn dò chúng tôi, những học sinh miền Nam, Tây Nguyên khiến ai cũng thấy vui. Bao năm đi qua, tôi luôn gắng làm hết sức để xứng đáng với những điều mà Bác dặn dò”. Tuổi trẻ của ông gắn liền với những biến động lịch sử. Câu chuyện chàng thiếu niên Yang Đêu – chính là ông – đã dám đốt cả làng Tà Điệk để ngăn chặn quân địch lập căn cứ quân sự, vẫn được nhiều người nhắc lại. Ngọn lửa năm ấy đã thiêu rụi hơn trăm nóc nhà tranh vách nứa, nhưng cũng mở ra một con đường mới, bảo vệ vùng đất thiêng liêng của quê hương. “Đó là chuyện tày trời, giờ nhớ lại, không hiểu sao hồi ấy gan vậy. Những ngày ở Bắc, tôi nóng ruột nóng gan mong ngày đất nước thống nhất, để có cơ hội về lại quê nhà, làm điều gì đó cống hiến cho quê hương mình”, ông chia sẻ.
Năm mươi năm trước, khoảnh khắc lịch sử của ngày 31.3, tỉnh Bình Định được giải phóng, đã khiến bao người xúc động. Chiến tranh khép dần lại những đau thương, và cũng mở ra những trang mới cho những phận người. Với nhà thơ Lệ Thu, bà vừa vui sướng ngập tràn vừa trắc ẩn cho những hoàn cảnh là nạn nhân của chiến tranh. Dù bao đổi thay, quê hương bà vẫn thế, vẫn làng Bình Lâm, vẫn tháp Chàm, vẫn những con đường chân quê và dáng người nông dân hiền lành giản dị. Lưu dấu lại ngày vừa giải phóng, bà ghi trong nhật ký: “Hôm nay, giữa những ngày quê hương giải phóng, niềm vui sướng tràn ngập trong lòng. Nhưng nỗi đau thương của hàng mấy chục năm trời cứ ùa ập đến. Nhìn những người dân lam lũ, những gia đình có con là lính, là sĩ quan ngụy đang sợ hãi, bối rối… lòng ta bỗng nhói đau”. Ngày hòa bình, bà tiếp tục đóng góp cho quê nhà, năm 1990, bà giữ chức Chủ tịch Hội VHNT Bình Định vào những ngày đầu thành lập, cùng nhiều văn nghệ sĩ khác củng cố vị thế của nền văn học nghệ thuật tỉnh nhà.
Những nhịp chảy thênh thang
Cũng thuộc thế hệ học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, sau ngày đất nước thống nhất, nhà thơ Bùi Thị Xuân Mai (sinh năm 1948, quê ở huyện Vĩnh Thạnh) đã tham gia ngành văn hóa tại quê nhà. Năm 1990, sau khi tái lập tỉnh, bà được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh Bình Định. Bà kể: “Chúng tôi phải thực hiện tất cả chức năng nhiệm vụ của ba đơn vị trước đây, khẩn trương ổn định tổ chức, thực hiện nhiệm vụ trọng tâm chính là giúp tỉnh quản lý và xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trên toàn tỉnh. Đồng thời, tại Trung tâm cũng phải thành lập các Câu lạc bộ chức năng để quần tụ các văn nghệ sĩ trong tỉnh và thành phố tham gia đẩy mạnh phong trào, tạo không khí sôi nổi cho hoạt động văn hóa văn nghệ nói chung. Đặc biệt, Câu lạc bộ Văn học Xuân Diệu được thành lập từ ngày 19.5.1990, ngay từ đầu đã thu hút trên ba chục anh chị em thành viên, sau đó phát triển dần và đã bền bỉ duy trì hoạt động nhiều thập niên sau”. Cũng từ những năm tháng gắn kết với ngành văn hóa, về sau, bà về làm Phó Tổng biên tập báo Bình Định, nhưng những hoạt động ngành văn hóa, những tình cảm với quê hương, với đồng đội cứ thúc giục bà viết, làm dày thêm những trang sách mộc mạc và ân cần. Ngoài hồi ký Ở lại với dòng sông – viết về quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Trung Tín – bà đã in các tập thơ Hạt cát vàng (1990); Cầu trăng (1994), Dòng sông thao thức (2000), Từ Krông Bung (2003), Lời ru bếp lửa (2005), Những vì sao lặng lẽ xanh (2015), Nên một mùa mưa hoa (2024); truyện Tam thể và cún con (2022)…

Dành niềm quan tâm đặc biệt với văn hóa, nhà nghiên cứu Yang Danh sau khi trở lại quê nhà năm 1983, ông đã bám sát địa phương, thực hiện các công trình sưu tầm, nghiên cứu của mình. Ông đã in hơn chục công trình nghiên cứu “đặc sệt” về dân tộc mình. Trong đó, nhiều công trình đạt nhiều giải thưởng: Cột cúng – Chơ Mrững của người Bana Kriêm (Giải Ba A, Hội VNDG Việt Nam – 2013), Lễ tục cưới hỏi của người Bana Kriêm (Giải Ba B, Hội VNDG Việt Nam – 2014), Công cụ săn bắt chim, thú, tôm cá của người Bana Kriêm (Giải Ba A, Hội VNDG Việt Nam – 2016), Rông truyền thống của người Bana Kriêm – Bình Định (Giải Ba A, Hội VNDG Việt Nam – 2019), Bếp lửa, cầu thang nhà sàn của người Bana Kriêm (Giải Ba B, Hội VNDG Việt Nam – 2020), Trống Pơ nâng – Sơ gâc của người Bana Kriêm – Bình Định (2022)…
Đặc biệt, năm 2023, ông in Văn hóa dân gian Bana Kriêm Bình Định dày dặn và kỳ công mà ông tâm đắc. Suốt nhiều năm nay, nhà nghiên cứu Yang Danh là người tham gia biên soạn từ điển Bana Kriêm, tiến hành điền dã, ghi âm và chuyển ngữ những bài sử thi của người Bana xưa, tham gia giảng dạy các lớp đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số. Ông bộc bạch: “Đã 50 năm kể từ ngày tỉnh Bình Định được giải phóng. Đây cũng là một chặng đường dài, một dấu mốc để mỗi người như chúng tôi nhìn lại mình. Tôi muốn làm nhiều hơn nữa để lưu giữ những giá trị văn hóa của người Bana Kriêm nhưng cái tuổi, cái sức mình cũng dần hạn chế công việc hơn xưa. Điều tôi hy vọng nhất là những người trẻ, sẽ tiếp tục kế thừa, và làm giàu thêm vốn văn hóa Bana Kriêm qua việc thực hành và nghiên cứu lưu giữ”.
Tỏa bóng quê nhà
Dành một tình cảm đặc biệt cho quê hương xứ sở, nhưng nhà văn Nguyễn Thanh Hiện (sinh năm 1940, quê An Nhơn) có một cách thức thể hiện khác. Với ông, quê hương không chỉ là nơi chốn, mà còn là cảm hứng bất tận, nơi ông gửi gắm những suy tư về nhân sinh. Ông học Cử nhân giáo khoa triết học Tây Phương, Đại học Văn Khoa Sài Gòn. Thời chiến tranh Việt Nam, ông từng tham gia trong phong trào sinh viên chống chiến tranh ở Sài Gòn. Sau 1975, ông công tác tại Sở Văn hóa Thông tin và Hội VHNT Bình Định. Ông ghi dấu ấn với những bài bút ký độc đáo về sự đổi thay của một vùng đất, lật xới những trăn trở đời người ở những thập niên 80, 90 thế kỷ trước. Ngoài các tập truyện, tiểu thuyết ông in chính thức như Khoảnh khắc ngày và đêm (truyện ký, 1986), Khúc rọ rưa (truyện ngắn, 1998), Trở lại Xương Quơn (tiểu thuyết, 2007), Người đánh cắp sự thật (tiểu thuyết, 2008), ông còn có lượng bản thảo đồ sộ, với 16 tiểu thuyết, 18 trường ca, 07 tập truyện ngắn. Ông viết nhiều, đều và khá mới. Văn ông không dễ đọc, như một xác lập riêng. Tôi ấn tượng những trang văn ông viết về ngôi làng của mình. Và quẩn quanh đó, chứa bao suy tư, chiêm nghiệm của ông từ tọa độ đó mà nhìn ra vạn vật. Như trong Những tổ khúc rời (2018), từ không gian làng quê, ông viết những dòng thơ hiện đại: “…ở trong làng, buổi sớm, nghe lũ bò ù đòi gặm cỏ, nghe lũ gà con chiu chít kêu mẹ, tôi cứ giật mình nghĩ đến cách thức tồn tại của cái thế giới rộng lớn sung mãn và chu đáo, và tôi vẫn cứ thủng thẳng bước đi trên mảnh đất quê em với những ý nghĩ mang hình thù về sự luyến tiếc, tôi luyến tiếc một mùa thu tĩnh lặng, luyến tiếc một mùa xuân thơm mùi hoa trái, ai xé nát một mùa thu tĩnh lặng, làm tan nát một mảnh trời xuân, sự lỡ tay của con người làm hỏng cả những nét đẹp vốn có của đất trời”. Ông khá sành về việc lập web, tự chăm chút làm bìa cho sách của mình, chọn tranh minh họa cho bài viết của mình và bè bạn. Trang ông lập trangvietmoi.com còn lưu dấu những sáng tác của những người đem lòng yêu mến văn chương. Có lần, ông nhìn bọn trẻ chúng tôi, có khi bật ra đôi lời, mà tôi hiểu ra rằng, ông vừa thương vừa lo cho bọn tôi, với bao thứ phải đối diện trong cuộc sống phía trước, ông bảo, viết gì thì viết, phải đẹp hơn, sống thì phải thẳng lưng, ráng giữ mình…

Trong đời sống hiện đại, tiếng súng đã lùi xa, nhưng chúng ta dễ thấy sự hiện diện những nhiễu loạn giá trị. Nhà thơ Lệ Thu luôn xem trọng giá trị đạo đức, tự trọng của người nghệ sĩ. Lẽ đó, bà từng bảo, nhà văn phải sống có nhân cách thì mới nói được những điều đúng đắn, khách quan. Lặng lẽ và can trường, bà viết không nghỉ ngừng và đã in 13 tập thơ, mỗi tập thơ đều như hàm chứa một quan điểm sống, sự chân thành và sâu sắc của bà. Cuốn Nhật ký nữ nhà báo chiến trường của bà cũng được Nhà xuất bản Hội Nhà văn in lại, ra mắt vào những ngày còn xuân này. Với bà, tình yêu quê hương, đất nước luôn bền chặt theo năm tháng, bởi vậy bà luôn mong vọng: “Chạnh niềm sương khói mênh mang/ Chẳng mong đến được Niết bàn – Thiên thai/ Chỉ mong biển rộng sông dài/ Nước non mãi trọn hình hài nước non”…
Dẫu mỗi người một lĩnh vực, một con đường, nhưng họ đều chung một tấm lòng với quê hương, với con người. Những con người ấy, dẫu tháng năm qua đi, vẫn miệt mài viết, miệt mài lưu giữ. Họ đã sống trọn vẹn với văn hóa, văn chương, để lại những giá trị bền vững cho đời sau, lặng lẽ tỏa bóng trên quê nhà.
ĐỨC LINH