(VNBĐ – Thờii đàm). Ngày 24.11.1946, trong bối cảnh chiến sự căng thẳng ở Hải Phòng và Hà Nội, một sự kiện đặc biệt đã diễn ra: Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất! Hội nghị có ý nghĩa thật to lớn, là minh chứng cho sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với văn hóa, cũng như vai trò của văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước, đặt cơ sở cho nền văn hóa mới ở Việt Nam. Tròn 75 năm, ngày 24.11.2021, Hội nghị Văn hóa toàn quốc bằng hình thức trực tuyến đến 63 tỉnh thành được tổ chức trên ý nghĩa phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại để văn hóa trở thành động lực khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Dõi theo Hội nghị có thể thấy nội dung xuyên suốt là việc hệ thống lại các quan điểm của Đảng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa; đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua cũng như kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước; triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; thống nhất phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045.
Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quán triệt tại Hội nghị đã nhấn mạnh đến nhiệm vụ nâng cao nhận thức của người dân về phát triển văn hóa! Hội nghị đã dành thời gian lắng nghe những hiến kế tâm huyết từ các cơ quan, đơn vị làm văn hóa; những chia sẻ của các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ về xây dựng văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới.
Đặc biệt đến dự Hội nghị đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu tâm huyết. Chấn hưng văn hóa khơi dậy khát vọng phồn vinh được coi là nội dung xuyên suốt trong bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư. Có thể nói những vấn đề cốt lõi, trọng tâm trong đường lối phát triển văn hóa của Đại hội XIII thể hiện qua bài phát biểu của Tổng Bí thư chính là cơ sở để chấn hưng văn hóa của dân tộc. Bài phát biểu đặc biệt quan tâm văn hóa, chính trị, trước hết là văn hóa trong Đảng, văn hóa trong hệ thống chính trị, sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ, công chức trong văn hóa ứng xử, gắn bó với nhân dân và tất cả là vì nhân dân. Đối với văn học, nghệ thuật, đồng chí Tổng Bí thư cũng đã thẳng thắn chỉ ra rằng, trong thời kỳ đổi mới không có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật hay và hầu như không có tác phẩm có giá trị xuất sắc, xứng tầm thời đại như giai đoạn trước kia… Có thể nói đánh giá này, một lần nữa khiến giới văn nghệ sĩ trong cả nước nghiêm khắc nhìn lại chính mình. Xuyên suốt các thời kỳ lãnh đạo cách mạng, mỗi thời kỳ, nhiệm vụ cách mạng có sự thay đổi, song vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong quan điểm, tư duy của Đảng không thay đổi, vẫn đúng như lời Bác Hồ nói: “Văn hóa phải được coi trọng ngang chính trị, kinh tế, xã hội”; “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”; “văn hóa, văn nghệ là một mặt trận, anh chị em (văn nghệ sĩ) là chiến sĩ trên mặt trận ấy”… Dù được kỳ vọng lớn song thực chất trong suốt thời kỳ đổi mới đất nước, đội ngũ văn nghệ sĩ vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng đó. Lời nhắc nhở của đồng chí Tổng Bí thư, một lần nữa đặt trọng trách trên vai văn nghệ sĩ, để mỗi văn nghệ sĩ nhìn lại chính mình trong quá trình hoạt động nghề nghiệp đồng hành cùng đất nước, nỗ lực sáng tạo ra những tác phẩm mang tầm vóc thời đại. Bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư cũng đã đề ra những giải pháp, định hướng, những quyết sách cho phát triển văn hóa hết sức chuẩn mực, đáp ứng sự mong đợi của ngành văn hóa, của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức. Bởi vì, suy cho cùng, muốn văn hóa phát triển đòi hỏi phải có cơ chế, có chính sách, có đường lối, có chủ trương… tạo ra các điều kiện.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc đặc biệt thu hút sự quan tâm của giới trí thức, các nhà nghiên cứu văn hóa, giới văn nghệ sĩ và toàn xã hội. Có hàng chục tham luận chất lượng được gửi đến Hội nghị dù có rất nhiều tham luận không được trình bày trên diễn đàn. Song tất cả sẽ được nghiên cứu thấu đáo nhằm thể chế hóa, giúp giải quyết những vấn đề thực tiễn trong phát triển văn hóa, con người Việt Nam, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội.
Với những nội dung quan trọng, sâu sắc và mang tầm chiến lược xuyên suốt thời kỳ đổi mới, những tình cảm sâu sắc và kỳ vọng của Tổng Bí thư và Đảng ta, có cơ sở để tin tưởng sự nghiệp phát triển văn hóa tới đây sẽ được quan tâm đúng mức, đúng tầm, thật sự là nền tảng tinh thần của xã hội và “soi đường cho quốc dân đi”!
DƯƠNG HIẾU
(Văn nghệ Bình Định số 103 tháng 11.2021)