Chân giang hồ còn đi rong chơi…

(VNBĐ – Chân dung Văn nghệ sĩ).

1.

Gặp lần đầu, thấy anh đốt thuốc phì phèo, đội mũ bụi bặm, thỉnh thoảng còn nghe hơi thở có mùi men, dễ nghĩ tay này chắc bặm trợn lắm. Nhưng ngồi với anh hồi lâu, mới thấy anh thật hiền, nụ cười hồn nhiên. Đến khi anh cất tiếng hát ấm vang nồng nàn, mười ngón tay dạo khúc guitar điệu nghệ, người nghe mới nhận ra dường như anh đã gửi bao trầm luân, nổi chìm đời mình vào đâu đó xa mờ trong thanh âm, trong giai điệu, ca từ anh sáng tác.

Lê Trung Tín làm thơ, viết nhạc từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường. Anh tự mày mò, nghiên cứu qua sách báo, rồi học hỏi ở những người biết nhạc. Ca khúc của anh giàu chất thơ. Người yêu nhạc nhớ đến anh với nhiều ca khúc như: Lời rong rêu hát, Tình tự quê hương, Em mơ làm bồ câu trắng, Ngày mai của em, Dư hương (thơ Lê Bá Du), Niệm khúc (thơ Quang Vĩnh Khương), Làng ven sông (thơ Lệ Thu), Gió thiếu phụ (thơ Trần Quang Khanh)… Bên cạnh đó, anh còn tham gia viết khá nhiều nhạc phim, viết chung với nhạc sĩ Bảo Phúc. Anh tâm sự: “Nhạc sĩ Bảo Phúc vừa như người thầy vừa là người bạn. Mình gặp anh Bảo Phúc trong những năm tháng ở Sài Gòn khi tìm thầy học nhạc và rồi kết thân, hợp tác làm nhạc và dàn dựng chương trình cho các đoàn ca nhạc ở các tỉnh, thành”. Lê Trung Tín thường viết lời, Bảo Phúc phổ nhạc. Hai người kết hợp viết nhiều nhạc phim, trong đó, có những phim nổi tiếng như Tình yêu còn lại, Mùa chim én xôn xao…

Sáng tác nhiều, nhưng trong nhạc Lê Trung Tín thường có hình ảnh quê hương, về vùng đất Diêu Trì, Tuy Phước. Từng con hẻm nhỏ, từng góc quán quen, từng khuôn mặt người quê với những sần sùi, thô tháp lời ăn tiếng nói, cả tiếng còi tàu vào ga đã khẽ khàng đi vào ca khúc của anh. Cứ nghe anh hát về Diêu Trì, xứ sở này hiện lên thật trữ tình: “Có một hôm, lòng tôi bỗng thoáng/ tiếng hát rất trẻ trung như tiếng em xuân thì/ Nắng về đây nhuộm vàng một buổi chiều/ gió tìm ai, hoàng hôn tung tóc rối/ ôi những chiều Diêu Trì xao xuyến lòng tôi hoài” (Bâng khuâng một thoáng Diêu Trì). Anh yêu nơi anh lớn lên và như một hy vọng, anh muốn con mình dẫu mai này đi đâu vẫn nhớ về nguồn cội. Trong một ca khúc thiếu nhi, anh viết: “Này con ơi con ơi/ giờ nằm ngoan trong nôi/ một mai con khôn lớn lên/. Dù như chim bay cao/ này con ơi con ơi/ xin con yêu lấy quê nhà/. Dù chỉ là một dòng sông quê chảy êm đềm qua những thôn làng/, dù chỉ là một bờ tre xanh/, dù chỉ là câu hò đêm thanh/, dù chỉ là nét cười duyên quê/, dù chỉ là gió lùa qua hiên…” (Ru con trong nắng quê nhà).

Lê Trung Tín là kẻ si mê trong tình yêu. Anh đồng điệu với bao chuyện tình trắc trở. Có lần nghe chuyện tình buồn của người anh vì hành trình áo cơm để tình nhân ở quê nhà đi lấy chồng, anh đã viết ca khúc Xanh nụ thương đau. “Bây giờ ta về quê cũ cây già đứng khóc. Im tiếng ve sầu buổi ấy trên đường lứa đôi. Tim ta ai biết rằng đau vì thương nhớ nhau. Em đi em trối lại câu xin hẹn đời sau. Bây giờ sau lần nắng cháy cây tình khô héo. Em tưới cây bằng nước mắt ươm nụ thương đau”. Một đoạn tình buồn, day dứt và nuối tiếc. Khi nghe anh hát lên, cứ ngỡ anh hát về chính cuộc tình mình…

Lê Trung Tín đang sống một mình trong căn nhà cũ tại một con hẻm của thị trấn Diêu Trì, Tuy Phước. Nhiều người sốt sắng: “Ở một mình vậy, làm sao tránh được những quạnh quẽ…”. Nghe vậy, anh huơ tay, cười rộ: “Có sao đâu. Sáng la cà với lũ bạn cũ, thuốc lá với ly cà phê đen ở quê chưa tới mười ngàn, gia tẩm thêm hương vị của cuộc sống không ngừng chuyển động xung quanh. Chiều làm việc nhà, đọc sách, viết nhạc. Khi nào cao hứng, lại ngồi cùng bằng hữu, dăm ba ly rượu gạo. Và hát. Cứ thế!”.

2.

Năm 1999, Lê Trung Tín ra tuyển tập ca khúc Lời rong rêu hát. Khi ấy, cố nhạc sĩ Châu Đức Khánh nhận định: “Lê Trung Tín đến với ca khúc như là tìm về một nơi để dễ dàng thổ lộ những lời yêu thương sâu kín nhất trong đáy lòng đối với quê hương, với mẹ, với bạn bè mình. Có khi như là tìm về một nơi ẩn náu, một nơi để kể lể với chính mình về những chuyện tình buồn… Khi đối diện với niềm vui, ca khúc của anh trong trẻo như pha lê. Khi gặm nhấm nỗi buồn, nó là những giọt nước mắt lặng lẽ. Không ồn ào. Không phô trương. Nhưng đầy đủ tố chất để gọi đó là một tấm lòng”.

Lê Trung Tín hay nói vui rằng, âm nhạc như là một cuộc dạo chơi với anh. Nếu đúng vậy, thì hẳn rằng anh là một kẻ ham chơi chính hiệu. Anh bước vào cuộc chơi này, rồi mải mê, mắc míu…

 

 

Mười năm nay, vì bệnh tim mạch, anh phải đặt stent. Bạn bè lo lắng thì anh chỉ cười, nhẹ hều. Tôi hình dung sau nụ cười hiền và hồn nhiên không chút đớn đau kia là những lằng lặng riêng mình nỗi đau da thịt, những nhoi nhói từ phía cô đơn… Có hôm, tôi cùng vài người bạn đến chơi. Anh vui lắm, nhiệt thành lắm. Cái dáng người đầm đậm cứ loay hoay giữa bàn rượu và gian bếp đủ làm xốn xang bạn bè. Ngồi với anh, ai nấy như lây niềm vui bởi bao câu chuyện tiếu lâm qua giọng kể đậm chất hài của ngôn ngữ “vỉa hè”.
Lê Trung Tín có bằng cử nhân Kinh tế và cử nhân Ngoại ngữ, âm nhạc chỉ là “cuộc chơi” bên lề. Nhưng ca khúc anh viết, lời hát anh cất lên khiến người nghe chẳng thể dứt ra được. Trong cuộc áo cơm đời người với bao được mất, bên anh vẫn còn có cây guitar cùng mấy cuốn sổ kẻ nhạc giấy vàng cũ kỹ. Với anh, những thứ đó đã như là bạn, lặng lẽ chia sớt bao vui buồn…

Nói đến chuyện viết nhạc, từ sau tập nhạc đầu tay đến giờ, ca khúc anh viết đủ để in thêm vài tập. Nhưng anh thờ ơ với mọi lập trình kế hoạch, chỉ muốn lang thang cùng bè bạn say chén tự tình. Và hát. Phóng khoáng và tự tại. Những khi ấy, lời hát của anh như đi ra khỏi những rắc rối ràng buộc, chỉ còn chất giọng nam tính, man dại và si mê. Vậy rồi, một hôm nọ, khi đã chếnh choáng men, như nhớ một điều gì, anh cầm đàn, so dây, cất bài ca của chính mình phổ thơ của Trần Thanh Bình hơn hai mươi năm trước: Tháng Sáu, nốt nhạc sầu nào buông héo hắt, nỗi mong chờ mòn theo tháng ngày. Anh bây giờ mù khơi xa xôi. Chân giang hồ còn đi rong chơi chưa thôi…

“Chân giang hồ còn đi rong chơi…”. Lê Trung Tín đang hát về cuộc đời mình từng ngày như thế. Trong những thức ngộ, dang mở đón nhận. Và hơn hết, náu nương sau những thô nhám bụi đường, anh và lời ca của mình, lại ấm lên những san sớt đồng điệu…

ĐỨC LINH

(Văn nghệ Bình Định số 98 tháng 6.2021)

 

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đầy lên ký ức tươi xanh…

Cuối tháng Tư, Hội VHNT phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bình Định tổ chức chuyến giao lưu, thực tế sáng tác tại Đồn biên phòng Cát Khánh, với sự tham gia của gần 40 văn nghệ sĩ, nhà báo…

Độc đáo ẩm thực xứ Nẫu

Bình Định lưu lại trong ký ức nhiều người không chỉ bởi danh lam thắng cảnh, trầm tích văn hóa lịch sử mà còn quyến luyến lòng người bởi thế giới ẩm thực phong phú…

Bừng thức Đề Gi

Đầu năm 2023, khi các phân đoạn của tuyến đường ĐT 639 dọc bờ biển từ TP. Quy Nhơn đến địa phận xã Mỹ Thành (Phù Mỹ) hoàn tất, Đề Gi đã bừng thức…

Ngày xuân đi hội Chùa Bà

Nhón những bước chân trên nền gạch thẫm trong khuôn viên chùa, tôi mường tượng xa xôi về một thuở phồn vinh xưa cũ vào đầu thế kỷ XVII…