Cán mốc 100!

Cán mốc 100!

Nhà báo PHẠM ĐƯƠNG  (Nha Trang)

Tiếng là nhà thơ nhưng tôi làm báo chuyên nghiệp nên gần như không có thời gian để viết những bài mà độ đậm đặc của văn chương được đặt lên hàng đầu. Đó là lý do tôi hay từ chối một vài lời đề nghị viết bài “cộng tác thường xuyên” với một tạp chí văn nghệ địa phương nào đó. Nhưng với Văn nghệ Bình Định thì tôi luôn mở rộng cửa, sẵn sàng nhận lời bất cứ lúc nào, nếu có anh chị nào đó ở Tạp chí đặt bài. Không phải tính văn chương của Văn nghệ Bình Định ít đi mà vì những lý do khác.
 
Ngoài lý do là tôi có những người bạn thân thiết đang làm biên tập viên hoặc làm lãnh đạo ở đó – những người này suốt ngày đòi bài sau khi tôi vui miệng “OK” nhận lời, còn có một lý do nữa là, tờ Tạp chí này nó hợp với tạng viết của mình. Tôi không thuộc diện những người xem chữ của mình là vàng là ngọc, hễ ai thò dao kéo vô cắt là khó chịu, thậm chí… mắng vốn, nhưng với Văn nghệ Bình Định, các biên tập viên ở đây họ không cho những tác giả khó tính ấy một cơ hội để phàn nàn. Họ chỉ làm cho câu văn sáng thêm lên, đẹp thêm ra chứ không cắt gọt để nó tròn như cái củ khoai hoặc phải “vô trùng” những câu, những ý “nhạy cảm” để khỏi bị săm soi sau khi xuất bản.

Được cộng tác với cách làm như thế, không viết cho họ, cảm thấy như mình… có lỗi, hoặc là sang chảnh quá, dù họ trả tiền nhuận bút thì rất… dễ thương. Nhưng xác định là “văn nghệ” mà, ai đi so đo chi chuyện tiền bạc. Phỏng ạ?

Nhưng có lẽ, tính chuyên nghiệp của những người làm Tạp chí này không chỉ là ở những điều tôi vừa kể. Tôi theo dõi nhiều tạp chí văn nghệ địa phương thì rất nhiều nơi biến tờ báo văn chương của tỉnh thành nơi sản xuất những sản phẩm không xứng để gọi nó là “văn nghệ”. Văn nghệ Bình Định không giẫm lên lối mòn phổ biến đó. Ngoài các biên tập viên của Tạp chí là những nhà văn, nhà thơ rất chuyên nghiệp trong nghề, họ còn là những nhà thiết kế rất đáng để tham khảo. Ví dụ như việc duy trì các chuyên mục của Tạp chí mỗi tháng một số là cách làm hay. Hay hơn nữa là bài vở của các chuyên mục này, số nào cũng đáng xem chứ không phải “lấp đầy chỗ trống” cho đủ mâm đủ bát. Chẳng hạn như mục “Bình Định mến yêu” mà duy trì cả trăm số như vậy, quả là rất có nghề. Viết sao đó mà nó không phải là những liệt kê về những con số khô khan, nó cũng không chỉ là giới thiệu theo dạng “gạch đầu dòng” mà tất cả sự “mến yêu” của Bình Định được chuyển tải thành văn học. Đấy là cái giỏi của anh cầm trịch các chuyên mục. Nếu viết không khéo, mục “mến yêu” mà dở quá, độc giả lại quay ra “ghét” cũng không chừng.

Hoặc như “Văn trẻ” cũng là mục rất đáng để duy trì. Nó thành cái máng cỏ để sinh ra một lớp nhà văn nhà thơ tương lai cho Bình Định. Hay nói cách khác, mục này như một “bể bơi” để những người làm văn chương ở Bình Định tập bơi trước khi ra biển rộng sông dài .

100 số văn nghệ Bình Định là ngần ấy những lao tâm khổ tứ của các nhà tổ chức ở tờ tạp chí này. Họ chấp nhận vất vả để có những sản phẩm chất lượng như mọi người đã biết. Xin được cảm ơn và chúc mừng!

P.Đ

Học thuật hiện đại hơn, dịch thuật cập nhật hơn

PGS.TS HỒ THẾ HÀ (Huế)

Nhiệm vụ trọng tâm của tạp chí Văn nghệ Bình Định là thúc đẩy quá trình sáng tác, lý luận phê bình và nghiên cứu văn học nghệ thuật của một địa phương vốn có bề dày lịch sử – văn hóa và tiềm năng văn nghệ. Gần mười năm qua, tạp chí đã từng bước vững chắc làm được điều này.

Là một bạn đọc và bạn viết tâm huyết với Văn nghệ Bình Định, tôi vui mừng nhận thấy chất lượng mặt bằng về nghiên cứu văn hóa, sáng tác và học thuật của tạp chí qua từng trang viết trải đều trên các số ngày càng gia tăng về đối tượng, phạm vi và hàm lượng cũng như chất lượng từ các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình. Tuy nhiên theo tôi, tạp chí cần nỗ lực hơn nữa đuổi theo mục đích lấy chất lượng làm đầu. Nghĩa là học thuật phải hiện đại; văn hóa phải luôn được khai mở bổ sung; dịch thuật phải cập nhật và hiện đại; sáng tác phải bất ngờ và đổi mới; trên cơ sở nhìn vào tiềm lực chính mình và nhìn ra thế giới. Đó chính là yếu tố quyết định giá trị và tầm cỡ của một tờ tạp chí.

Với thực tiễn và yêu cầu như thế, Văn nghệ Bình Định vẫn còn những mặt cần đổi mới, những chuyên mục cần mở thêm để đáp ứng nhu cầu khát khao hiểu biết, khám phá của chủ thể sáng tạo và chủ thể tiếp nhận. Theo tôi, Tạp chí cần đẩy mạnh thêm các chuyên mục Văn học dịch, Giao lưu văn hóa, Tác phẩm văn học đương đại và dư luận, Trao đổi học thuật…

Từ yêu cầu về nội dung như thế, kéo theo yêu cầu đổi mới về hình thức để cho tờ Tạp chí được trang nhã nhằm tạo nên giá trị chỉnh thể của Tạp chí. Muốn vậy, ban biên tập nên coi trọng hơn nữa chất riêng khi thiết kế bìa nhằm giúp bạn đọc nhận diện được ngay phong cách của một tờ Tạp chí.

H.T.H

Một tạp chí đáng đọc

Nhà NCPB PHẠM PHÚ PHONG (Huế)

Cuộc cách mạng công nghệ thông tin đã làm thay đổi thói quen và phép ứng xử của con người trong toàn bộ các lĩnh vực đời sống, trong đó có văn hóa đọc, nhất là thói quen và tâm thế tiếp nhận văn học. Thật ra, xét cho cùng, việc tiếp nhận tác phẩm qua hệ thống nghe – nhìn thực chất vẫn chỉ là tiếp nhận các giá trị thông tin, chứ không hẳn là tiếp nhận giá trị thẩm mỹ. Công nghệ làm giấy và in ấn đã tạo điều kiện cho con người tiếp thu được “hồn chữ” trong một tâm thế khác – tâm thế hình dung ra thế giới hình tượng thông qua cái vỏ ngữ âm vật chất của ngôn từ. Không chỉ lướt qua màn hình hay nghe giọng đọc/ nói, mà nhận ra thần thái, hồn cốt trên trang giấy, có điều kiện đọc đi đọc lại để nghĩ suy trước khi tưởng tượng ra hình tượng, đó chính là văn hóa đọc. Nhưng ngày nay, dưới sự tác động mạnh mẽ của công nghệ thông tin, nhịp điệu hối hả, gấp gáp của đời sống, người ta không đủ thời gian để sống chậm, đọc chậm mà cố chạy theo các phương tiện nghe – nhìn, sách và báo chí in có nguy cơ ngày càng rơi vào “lãnh cung”, ít người quan tâm đến… Trong tình hình đó, tạp chí Văn nghệ Bình Định là một trong những tạp chí văn nghệ của một Hội VHNT địa phương, còn ra được đều kỳ hàng tháng, còn có một lượng độc giả thủy chung, là điều đáng mừng và trân trọng.

Là người đọc ở xa và không thường xuyên, nhưng thỉnh thoảng có tham gia viết bài cho tạp chí Nghĩa Bình, rồi Phương Mai, và nay là Văn nghệ Bình Định (bộ mới), tôi nghĩ đất Bình Định không chỉ là đất võ mà là miền quê văn võ song toàn, nơi có truyền thống nghệ thuật Tuồng, có Bàn Thành tứ hữu và sừng sững một trường thơ Loạn… Lịch sử bao giờ cũng là quá khứ, là cái đã qua đi, nhưng lịch sử văn học nghệ thuật là những gì còn lại. Truyền thống văn hóa không chỉ là quá khứ mà bao giờ cũng hiện diện trong hiện tại, cái làm nên thần thái cho hiện tại, mà trong những vỉa tầng của văn hóa tinh thần, thì văn học nghệ thuật là “mặt tiền”, là cái dễ nhìn thấy nhất. Sau gần hai năm ngừng xuất bản, Văn nghệ Bình Định (bộ mới) bắt đầu ra lại từ tháng 11.2012, là sự hồi sinh đầy nhiệt huyết của giới văn nghệ, sự kiên trì và nỗ lực hết mình của những người làm tạp chí, thể hiện bản lĩnh văn hóa và niềm tự hào của vùng đất. Làm bất kỳ công việc gì cũng phải “vị” công việc ấy, mới mong đem lại thành công. Làm tạp chí cũng phải “vị tạp chí”, nhất là tạp chí văn nghệ, nếu không, ai mà thèm đọc. Tôi cứ hình dung, một cơ quan báo chí với bốn biên chế, anh chị em phải kiêm nhiệm nhiều công việc, để mỗi tháng ra đời một số báo với 15 chuyên mục, gắn liền với truyền thống văn hóa và nhiệm vụ chính trị của địa phương, quả là một cố gắng lớn cần được ghi nhận. Tờ tạp chí đã góp phần khẳng định và đào tạo đội ngũ những người cầm bút trên các lĩnh vực thơ, văn xuôi và nghiên cứu phê bình. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực văn xuôi, trong gần mười năm qua, nếu không có Văn nghệ Bình Định (bộ mới) khó mà nhận ra sự trưởng thành ngày càng được khẳng định của các cây bút chủ lực như Nguyễn Mỹ Nữ, Lê Hoài Lương, Trần Quang Khanh, Trần Như Luận, Triều La Vỹ, hoặc sự xuất hiện của các tín hiệu mới thuộc thế hệ 8x, 9x như My Tiên, Mẫu Đơn, Hương Tố Trân, Nguyễn Văn Phi, Thiên Nga Sô Zuôn… những chủ nhân thật sự và đầy kỳ vọng của văn xuôi Bình Định trong một tương lai không xa.

Dường như trong cương lĩnh của mọi tạp chí văn nghệ địa phương đều có đề ra rằng, sẽ xây dựng đời sống văn hóa văn nghệ và phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương, đăng tải những tác phẩm sáng tạo và nghiên cứu phê bình văn học nghệ thuật “trong tỉnh, trong nước và thế giới”. Nếu cần có một câu góp ý thật lòng, tôi thấy lâu nay tạp chí Văn nghệ Bình Định chỉ tập trung chủ yếu ở phần “trong tỉnh” thôi, hai nơi còn lại là “trong nước và thế giới” vẫn còn rất “nhạt”. Điều này tạo ra sự thiệt thòi cho người đọc khi muốn tiếp thu những tinh hoa của cả nước và thế giới.

P.P.P

Niềm vui chia sẻ cảm xúc với bạn đọc

Nhà văn VÕ HẠNH (Hoài Ân)

Cơ duyên đưa tôi đến với Tạp chí Văn nghệ Bình Định cũng thật tình cờ, đó là hồi tôi còn là sinh viên khoa Ngữ văn của trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn. Trong một cuộc thi sáng tác thơ văn do khoa tổ chức, truyện ngắn Cô giáo Minh của tôi đã được chọn trao giải và sau đó các thầy trong khoa đã giới thiệu đăng trên Tạp chí Văn nghệ Bình Định. Thật là bất ngờ và sung sướng khi nhận được cuốn Tạp chí gửi biếu qua đường bưu điện. Tôi đã mân mê, ngắm nghía, đọc đi đọc lại rất nhiều lần từng trang Tạp chí mà không hề thấy chán. Niềm vui sướng lần đầu tiên có truyện ngắn được đăng trên một Tạp chí của tỉnh khiến tôi lóng nga lóng ngóng chẳng biết làm gì trong cả ngày hôm đó cả. Càng vui hơn nữa là sau đó tôi nhận được lá thư của một độc giả lớn tuổi, bác tên Tường, là cán bộ hưu trí ở phường Hải Cảng thành phố Quy Nhơn. Trong thư bác viết rất nhiều điều cảm nhận về nhân vật cô giáo Minh. Bác còn nói: “Văn là người”, bác mong hai bác cháu có dịp hội ngộ cùng nhau. Và rồi hai bác cháu tôi đã có cuộc gặp gỡ và nói chuyện rất thân mật. Một cây bút trẻ mới tập tễnh viết lách và một độc giả già nhưng lại có rất nhiều điểm tương đồng. Tôi ngồi lắng nghe những lời bác góp ý như lời dạy bảo của một người cha đáng kính. Sau này, thỉnh thoảng tôi vẫn nhận được thư của bác Tường động viên, chia sẻ về những truyện ngắn tôi viết được đăng trên Tạp chí. Bác cũng đã truyền nguồn cảm hứng và trở thành nhân vật trong truyện ngắn Tìm về quá khứ của tôi sau đó. Vì thế, trong thâm tâm tôi thầm cảm ơn Tạp chí Văn nghệ Bình Định đã làm chiếc cầu nối cho tôi được gặp gỡ và đồng điệu với những người yêu thích văn chương như mình, cho tôi mảnh đất màu mỡ để ươm mầm và nuôi dưỡng những đam mê sáng tác.

Năm 2014, tôi được kết nạp vào Hội VHNT Bình Định. Tạp chí Văn nghệ lại trở nên gắn bó thân thiết với tôi hơn. Viết bài cho Tạp chí Văn nghệ của Hội giờ không chỉ là niềm đam mê mà còn là trách nhiệm. Nếu như trong thời sinh viên, tôi chỉ nghĩ đơn thuần là viết theo cảm xúc, theo ngẫu hứng, viết cho vui nên dẫu có ngô nghê một chút cũng chẳng sao miễn là được đăng báo, có tiền nhuận bút để khao bạn bè thì giờ đây tôi lại có suy nghĩ khác, tôi mong muốn mỗi sáng tác của mình khi nằm trên Tạp chí sẽ góp phần, dù là rất nhỏ, gây được sự chú ý và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc. Bởi vậy mà tôi đã không ngừng học hỏi từ bạn bè, từ các anh chị đi trước, cố gắng nắn nót từng con chữ, chọn lọc, cân nhắc từng hình ảnh để có được một tác phẩm văn học, báo chí hài lòng bạn đọc. Có thể nói trong những bài viết cộng tác với rất nhiều số của Tạp chí Văn nghệ Bình Định, tác phẩm mà tôi nhận được nhiều sự yêu thích của nhiều bạn đọc cũng như sự đánh giá cao của các anh chị trong giới chuyên môn là bút ký Về miền lửa đạn. Đây là tác phẩm ra đời trong chuyến đi thực tế đầu tiên của tôi cùng đoàn anh em nghệ sĩ của Hội VHNT Bình Định vào mùa hè năm 2014 tại tỉnh Quảng Trị. Là “lính mới” nên tôi có rất nhiều bỡ ngỡ, háo hức và cảm xúc dâng trào trên từng cung đường khi xe chúng tôi đi qua, từng vùng đất khi chúng tôi đặt chân đến. Mùi trầm hương nghi ngút trên nghĩa trang Trường Sơn, âm vang tiếng chuông chiều bên dòng sông Thạch Hãn, những hố bom sâu hoắm trên địa đạo Vịnh Mốc hay bức tường gạch đổ nát, dấu tích còn lại của 81 ngày đêm máu lửa trên Thành Cổ Quảng Trị… cứ như ám ảnh, như vẫy gọi về một xứ Quảng đau thương và anh hùng. Trong suốt chuyến đi, hễ mỗi khi có những ý tưởng, có những cảm xúc nào lóe sáng là tôi “chộp” ngay và tốc kí ghi ra trong cuốn sổ tay, đêm về ở khách sạn tôi tranh thủ viết bản thảo và khi chuyến thực tế kết thúc thì tác phẩm Về miền lửa đạn cũng được hoàn thành. Nhấn nút gửi bài cho Tạp chí xong lại hồi hộp chờ đợi sự phản hồi từ Tổng biên tập và từ bạn đọc. Lần ấy, sau khi Tạp chí phát hành có nhiều anh chị em đọc bài và phản hồi rất tích cực, nhà văn Lê Hoài Lương cũng gọi điện bảo: “Viết Về miền lửa đạn được đấy Võ Hạnh. Chúc mừng em”. Tôi hiểu câu “được đấy” của anh là một lời khen, một sự thẩm định sâu sắc nên tự nhủ phải cố gắng và có trách nhiệm hơn nữa trong ngòi bút của mình.

Niềm vui được san sẻ cảm xúc của mình với bạn đọc đã tạo cho tôi nhiều động lực để sáng tác và càng ngày tôi càng thấy yêu mến, gắn bó với Tạp chí Văn nghệ Bình Định nhiều hơn. Tôi đã mang tình yêu ấy của mình lan tỏa đến nhiều lứa học trò, thắp lửa đam mê trong lòng các em, để các em cũng cảm nhận được giá trị của văn nghệ trong đời sống mà nâng niu, trân trọng.

V.H

Những chia sẻ…

Nhà thơ MY TIÊN (Tuy Phước)

Tôi may mắn được cộng tác với Tạp chí Văn nghệ Bình Định đã hơn 5 năm. Tạp chí là nơi tôi bắt đầu, dìu dắt tôi từ Trại sáng tác Trẻ sau đó đăng tác phẩm đầu tiên của tôi lên mục “Văn trẻ”. Khi thấy bài thơ nhỏ vốn đã bị chính mình bỏ rơi, bỗng được nằm ngay ngắn, tinh tươm và đẹp đẽ trên tờ tạp chí, cùng lúc, nó biến tôi thành tác giả, tôi đã sung sướng tới mức mất ngủ mấy đêm. Sau đó bài thơ còn được nhiều người khen hay, nhiều người thân và bạn bè của tôi rất bất ngờ nhìn tôi bằng con mắt khác. Sự sáng tạo làm con người ta sang trọng như thế. Và từ đó, tôi bắt đầu đeo đuổi niềm đam mê văn chương. Cho mãi đến sau này, cảm giác đó cứ theo tôi như một kỷ niệm quý giá, một sự chắp cánh cho ước mơ đang bay bổng trong tim.

Tôi luôn rất thích thú với chuyên mục “Văn trẻ” của tạp chí. Ở đó, có những nét mới mẻ, những bước chập chững, những sự cựa mầm, có cả những thanh âm táo bạo muốn bứt khỏi truyền thống. Qua đó cho thấy tạp chí cũng có những quan điểm rộng mở về nghệ thuật và có sự quan tâm tới đội ngũ sáng tác trẻ. Tuy nhiên, nếu có thể tìm tòi và tiếp nhận thêm nhiều hình thức nghệ thuật hiện đại, sẽ làm nên một vẻ đẹp khác cho tạp chí.

Về hình thức trình bày, nếu tạp chí có thêm phần minh họa cho thơ, bằng những nét vẽ tối giản, trọng tâm, sẽ khiến trang thơ sinh động và người đọc cũng dễ tiếp nhận hơn. Và các chuyên mục khác, nếu có thể minh họa bằng nhiều hình ảnh khác nhau chứ không chỉ có lá cỏ hoa đơn điệu. Về tổng thể, cũng cần làm khác đi để tạo hơi thở mới. Vì rằng, muốn nội dung vận động, hình thức không thể đứng yên.

Mặt khác, mục “Thơ và lời bình” lại quá ít người cộng tác và cũng không thực sự cần thiết. Tôi cho rằng lâu nay đó là tiếng nói chủ quan, phiến diện và không góp thêm những quan điểm mỹ học mới mẻ. Có thể tích hợp trong mục “Nghiên cứu – phê bình”. Thay vào đó, có thể thêm chuyện mục “Sách hay” hoặc “Mỗi tuần một cuốn sách”… nhằm tạo ra không gian để giới thiệu và cảm nhận sách hay trên toàn thế giới, vừa tăng cảm hứng đọc sách vừa giúp nội dung tạp chí chuyên sâu, giá trị hơn. Hy vọng Tạp chí Văn nghệ Bình Định sẽ càng đổi mới, càng hiện đại và gần gũi với bạn đọc hơn nữa trên hành trình tìm kiếm cái đẹp và lưu giữ những giá trị nghệ thuật.

M.T

Cám ơn những giọt nước mắt…

VÂN PHI (Phóng viên TC VNBĐ)

Tôi về đầu quân cho Tạp chí Văn nghệ Bình Định đầu năm 2016. 5 năm làm phóng viên đã cho tôi cơ duyên được gặp gỡ nhiều nhân vật, được họ tin cậy chia sẻ những điều gan ruột. Bên cạnh những nụ cười sảng khoái, vui vẻ chuyện trò cũng có lúc nhân vật xúc động, không kiềm được những giọt nước mắt.

Tôi nhớ những giọt nước mắt lăn dài trên gò má của những con người trong “xóm chạy thận” ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Đến giờ, tôi vẫn còn ám ảnh hình ảnh một người mẹ ngồi đun nước nhưng ánh mắt nhìn về khoảng nào xao xác. Lúc tôi trò chuyện, nước mắt bà giàn giụa. Bao vui buồn đời bà dành cả cho đứa con của mình, vậy mà cuộc đời run rủi, ai ngờ… Ở xóm chạy thận ấy, những bệnh nhân tôi đã gặp, có người còn rất trẻ. Đến giờ, mãi mãi tôi chẳng còn cơ hội để trò chuyện cùng họ nữa. Họ đã đi xa trong vòng tay yêu thương của những người thân thiết nhất đời mình…

Tôi nhớ giọt nước mắt rưng rưng của người phụ nữ luống tuổi dõi nhìn ngôi nhà đổ nát tan hoang của mình sau cơn lũ. Nơi lũ đi qua, trên gương mặt những người dân quê một nắng hai sương chỉ còn sự thảng thốt, bất lực. Bão lũ xô lệch, phá tan ngôi nhà mà cả đời người dành dụm, chiu chắt dựng xây. Đau thắt lòng. Nước mắt cứ rơi vô thức. Khi được chúng tôi thông tin là sẽ được các mạnh thường quân và chính quyền hỗ trợ dựng lại nhà, những giọt nước mắt lại lăn dài vì xúc động.

Vì làm báo văn nghệ nên tôi tiếp xúc khá nhiều nghệ sĩ, những người hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Có nhân vật khi trò chuyện cùng tôi, lúc gợi nhắc lại chuyện xưa, họ không kiềm được nước mắt. Đó là những giọt nước mắt của chất chứa nén dồn, tủi phận nghệ sĩ long đong. Đằng sau những rực rỡ ánh đèn sân khấu, những hào nhoáng chúc tụng là khoảng trống nào đó chênh vênh lắm. Giữ hay bỏ con đường mà họ đã gắn bó, quyết định nào cũng khiến lòng họ như bị xé vụn… Có người khi bùi ngùi nhắc lại chuyện xưa, nhớ lại cảnh bế con nhỏ theo những ngày đi diễn xa, dựng lều bạt trú tạm nơi góc làng, cạnh gò mả mà tự nhiên nước mắt cứ chảy. Tôi nhận ra tình yêu của họ với lời ca câu hát, đã quá nặng sâu ân tình.

Mỗi giọt nước mắt rơi, là ký ức, là cơn đau, là xúc cảm thật nhất của mỗi người. Có đôi khi, là cả niềm hạnh phúc bất ngờ òa vỡ khi điều mình theo đuổi, dành tâm huyết cả đời được ghi nhận. Như khi nghệ thuật Bài chòi Trung bộ được UNESCO vinh danh, tôi đã thấy những giọt nước mắt hạnh phúc của những nghệ nhân Bài chòi xứ Nẫu. Tôi nhớ mồn một lời của NNND Minh Đức nói trong niềm xúc động: “Mừng lắm con. Gần cuộc đời gắn bó mà…”.

Nhân dịp kỷ niệm 100 số Tạp chí Văn nghệ Bình Định, ở bài viết này tôi muốn tri ân những nhân vật của mình. Cám ơn những hy sinh thầm lặng của các anh chị, cô chú, những người đã lặng lẽ riêng mình để dành phần ngọt ngào cho mọi người. Cám ơn những chia sẻ của họ, không có họ, không có những vui buồn, những dốc giãi chân thành từ họ thì những điều tôi viết ra có lẽ sẽ chỉ là những hời hợt. Và, cám ơn vì trong một khoảnh khắc nào đó, họ đã thực sự xem tôi là bạn, là người đủ độ tin cậy mà trải lòng mình.

V.P

Vì tôi nặng tình với bút ký

BÙI TẤN PHƯỚC (PV thường trú TC VNBĐ)

Tôi đến với bút ký – phóng sự thật tình cờ. Và chính nó đã gắn đời tôi với nghiệp báo chí, văn chương.

Mùa hè năm 2011, theo chân những người làng, tôi luồn rừng tìm lấy mật ong. Qua nhiều chuyến đi, tôi nhận ra việc lấy được mật ong rừng không phải là chuyện gặp may và tôi đã ghi lại những kiến thức thu nhặt được bằng một bài văn trải nghiệm: Theo chân “người ăn ong”. Bài văn ngoài việc miêu tả những đường ong vận chuyển, cách theo ong lấy mật, đặc điểm những cánh rừng ong thường làm tổ… còn toát lên tư tưởng “đạo ong” rằng: phải gìn giữ cho mùa sau. Bài viết vừa xong cũng là lúc bạn học sư phạm Trường Đăng – cộng tác viên báo Tuổi Trẻ – gọi điện hỏi thăm sức khỏe. Tôi bảo: “Mấy hôm nay đi rừng tìm mật ong, lấy được không nhiều nhưng có nhiều kiến thức hay. Mình viết và lưu lại rồi” Trường Đăng nghe vậy, giục: “Viết gì, gửi qua mail tôi xem chút đi!”. Tôi gửi bài cho bạn. Hai mươi phút sau, bạn gọi lại: “Bài thế này sao không gửi báo?”. Tôi cười: “Hồi giờ đâu biết viết báo mà gửi”. Bạn nói: “Để tui gửi Báo Bình Định cho”. Tôi chỉ “ừ” cho xong chuyện.

Hai đêm sau, lúc tôi đang xem phim ti vi, Trường Đăng gọi, nói như reo: “Bài ông đăng Báo Bình Định rồi đó, mở máy lên xem!”. Tôi luống cuống bật máy tính và sướng rơn. Bài viết của tôi hiện ra, chiếm gọn trong một trang Bút ký – Phóng sự rộng thênh, dòng tên tác giả như nhảy múa. Đặc biệt, tấm ảnh tôi chụp được đưa lên trang bìa rất sống động.

Sau bài viết thứ hai, thứ ba… liên tiếp, tôi được gặp nhà báo Trần Quang Khanh, người đã biên tập những bài tôi viết. Trong không khí chân tình, cởi mở, anh đã cung cấp cho tôi nhiều kiến thức nghiệp vụ báo chí. Anh bảo: “Hồi giờ chưa viết báo mà viết được bút ký – phóng sự là tốt rồi. Thể loại này, báo nào cũng cần. Cứ viết đi, anh sẽ hỗ trợ!”. Thế là từ đây, tôi vận việc viết lách vào thân và viết nhiều về bút ký. Những bút ký: Ẩn họa giữa đại ngàn, Cóc đổ vào Nam, Bước ra giấc mộng vàng… mang đậm hơi thở cuộc sống. Và tôi được nhiều người biết đến từ đó.

Năm 2012, anh Trần Quang Khanh chuyển về Hội VHNT tỉnh, giữ chức vụ Phó chủ tịch Hội kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Bình Định. Tôi theo anh về Tạp chí và tiếp tục viết bút ký. Anh bảo tôi: luôn nhìn thực tế cuộc sống bằng đôi mắt văn học và xây dựng thành hình tượng văn học. Tôi cố gắng hết mình và gắn bó với Tạp chí Văn nghệ Bình Định bộ mới từ số đầu tiên đến nay.

Trong chặng đường gần mười năm của Tạp chí Văn nghệ Bình Định bộ mới với 100 số chất lượng, tôi đã đi qua nhiều vùng đất, phản ánh được nhiều khía cạnh của đời sống đồng bào miền núi, trung du, đồng bằng, miền biển. Có lần vừa đi vừa ngắm nhìn quang cảnh, không phát hiện đèn đỏ giao thông, bị công an tuýt còi, giam xe. Rồi nhiều lúc phải uống rượu “làm phép” và nhập cuộc với người vùng cao để họ chia sẻ thông tin. Những lần như vậy, tôi thường bị say đứ đừ. Khó khăn cũng lắm nhưng niềm vui cũng nhiều. Tôi được anh em trong Ban Biên tập mời tham dự nhiều cuộc tọa đàm, được Tạp chí tặng thưởng tác phẩm hay, nhận giải Nhì bút ký cuộc thi về đề tài lực lượng vũ trang tỉnh, nhiều giải thưởng Báo chí tỉnh và 2 lần nhận được Bằng khen của UBND tỉnh Bình Định. Tôi luôn được Tổng Biên tập động viên, khuyến khích, hỗ trợ và xem như anh em trong ê kíp làm Tạp chí… Những phần thưởng ấy với tôi rất có ý nghĩa. Nó là tình cảm sâu nặng từ những trang bút ký đầy ắp sắc màu cuộc sống, tình cảm của Tạp chí Văn nghệ Bình Định và Tổng Biên tập dành cho tôi. Nó giúp tôi có đủ sức mạnh, niềm tin vượt qua nhiều khó khăn để hoàn thành từng bài viết; giúp tôi có cái nhìn thực tế, toàn diện hơn về bức tranh muôn màu của đời sống văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh… Cũng vì những lẽ đó mà tôi luôn trăn trở, ấp ủ đề tài bút ký và có khi phải “nuôi” đề tài từ trong trứng nước. Niềm vui sau từng số Tạp chí ra mắt bạn đọc là nỗi lo viết bài cho số tiếp theo luôn canh cánh trong tôi suốt mười năm qua.

B.T.P

Thú vị, nhưng cũng đầy trăn trở…

Họa sĩ DUY KHANH (họa sĩ vẽ Bìa TC VNBĐ)

“Vẽ bìa tạp chí Văn nghệ nhé ông” – chỉ với một câu nói rất đơn giản như thế của Tổng biên tập tạp chí, tôi tham gia vào một cuộc chơi đầy ngẫu hứng, mà nói cho nó bài bản @ là phụ trách thiết kế trang Bìa của ấn phẩm tạp chí Văn nghệ Bình Định.

Khi đó, với cái vốn “vẽ” được vài chục bìa sách của anh em bạn bè, được họ yêu mến thích thú nên mạnh dạn chứ “sương gió” cho vai trò này chưa có nhiều. Thông thạo kỹ năng vài phần mềm đồ họa là ưu điểm của mình nhưng cũng đâu là gì. Nhìn quanh quất hàng tháng mấy chục tạp chí Văn nghệ của các tỉnh sắc màu lung linh, thêm đó là các Hội chuyên ngành Trung ương đĩnh đạc bề dày truyền thống, cũng “khớp” để định dạng nhan sắc ban đầu. Từng bước, cấu trúc và tiêu chí đặc trưng của trang bìa tạp chí Văn nghệ Bình Định được anh em tòa soạn thống nhất. Họa sĩ thoải mái sáng tạo với bất kỳ kỹ năng, thủ pháp, phương tiện, ứng dụng gì nhưng bìa của tạp chí phải luôn được nhận diện theo phong cách đã định.

Đó là sự sang trọng tinh tế, đơn giản mà quyến rũ.

Đó cũng là một thách thức vô cùng lớn. Bìa tạp chí Văn nghệ phải được nhận diện theo phong cách nhưng lại luôn biến đổi theo từng nội dung chủ đề, thậm chí với những sự kiện chính trị nổi bật. Làm ông tơ cho cuộc duyên này cũng thú vị.
Thật sự, khi ngắm lại những chân dung hàng tháng này, không phải là hoàn mỹ. Có những trang bìa đẹp nhưng vô hồn. Có vài trang bìa nhàn nhạt, chung chung thiếu phong độ. Nhưng có nhiều trang bìa thật sự thành công, từ ý tưởng xây dựng đến các yếu tố kết hợp tạo nên tác phẩm nhiều ý nghĩa, ổn định trong phong cách. Chính vì lẽ đó, mới tạo nên sự gắn bó giữa thằng tôi thất thường với công việc tưởng là đơn điệu, nhàm chán.

Mới đó mà đã là 100 số tạp chí Văn nghệ được xuất bản. Nhìn lại chặng đường đã qua, quả thật là nhiều buồn vui. Có lúc muốn tạm biệt vai trò không tên gọi này với nhiều lý do nhưng rồi cũng quay lại, vui với những niềm vui nho nhỏ hàng tháng. Trăn trở ý tưởng, tìm tòi phương pháp thể hiện để tìm một thành công của trang bìa tạp chí. Đó cũng thể hiện nội lực và bề dày sáng tạo của cả tập thể anh em trong tòa soạn tạp chí.

D.K

Hướng đến bạn đọc, vì bạn đọc…

PHẠM KIM SƠN (Thư ký tòa soạn)

Tạp chí Văn nghệ Bình Định (VNBĐ) chính thức xuất bản số đầu tiên (Bộ mới) từ tháng 11.2012 sau gần hai năm ngừng xuất bản. Đến nay, tạp chí đã “cán mốc 100 số”. Gần mười năm, với điều kiện đặc thù, VNBĐ không ngừng nỗ lực định hình trong lòng bạn đọc trong và ngoài tỉnh.

Nhân sự tạp chí được tổ chức theo hướng tinh gọn, linh hoạt. Tòa soạn gồm Tổng biên tập, Phó tổng biên tập (kiêm nhiệm), Thư ký tòa soạn và một phóng viên. Cơ chế quản lý theo nhiệm vụ được phân công của Tổng biên tập. Theo thời gian quy định, bài vở các chuyên mục được biên tập và gửi qua email chung. Thư ký tòa soạn (TKTS) là người đề xuất, kết nối ban biên tập, kết nối với cộng tác viên, ê kíp họa sĩ thiết kế bìa, minh họa… và Tổng biên tập là người quyết định cuối cùng.

Việc tổ chức chế bản (design) tại tòa soạn, mọi thứ hoàn chỉnh trước khi nhấn nút gửi nhà in cũng là một quyết định sáng suốt của Ban biên tập (BBT). Điều này, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cũng như sự chủ động từ tòa soạn. Nhiệm vụ này do TKTS đảm trách. Do tòa soạn không có biên chế họa sĩ thiết kế, việc mời họa sĩ hoặc chuyên viên thiết kế bên ngoài cộng tác, không khó, nhưng sẽ không linh hoạt trong design bài, ảnh. Điều thuận lợi khi TKTS là người đọc duyệt bài vở từ khâu đầu tiên, sẽ định lượng được số lượng chữ, tranh, ảnh cần minh họa; đặt tranh, ảnh minh họa chỗ nào thích hợp, cần thiết; từ đó lên ý tưởng maket cho từng trang, chuyên mục, “đặt hàng” cho họa sĩ vẽ minh họa… Việc rút bài, thay bài hay chỉnh sửa lỗi kể cả khi file thiết kế đã chuyển giao nhà in, cũng đều được thực hiện kịp thời, nhanh chóng. Nhưng cái khó là TKTS phải đi học thêm “nghề” trình bày tạp chí, lăn xả vào kỹ thuật indesign, photoshop… Ban đầu thì tôi xin phép từ chối. Nhưng trước tâm huyết của BBT, đặc biệt là sếp Tổng muốn xây dựng mô hình tòa soạn chuyên nghiệp, linh hoạt thì tôi không có cơ hội… chối từ. Việc bếp núc tòa soạn như chăm con mọn, từ chăm chút nội dung đến hình thức trình bày, từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng… lấy đi ở tôi khá nhiều thời gian, nhưng cũng vì thế mà tôi hiểu tường tận tờ tạp chí của mình. Và điều này, khiến tôi yêu công việc của mình hơn.

Ngoài ê kíp họa sĩ gắn bó với tạp chí như họa sĩ vẽ bìa Lê Duy Khanh; họa sĩ vẽ minh họa: Nguyễn Chơn Hiền, Nguyễn Văn Cần, Lê Trọng Nghĩa… tạp chí còn có những cộng tác viên như phóng viên thực thụ: Bùi Tấn Phước, Võ Hạnh, Trường Đăng… chuyên viết các thể loại thời sự: bút ký, ghi chép, phản ánh; nhà văn Lê Hoài Lương đa năng trên các thể loại: bút ký, tùy bút, truyện ngắn, nghiên cứu phê bình, đọc sách… Những cộng tác viên thân thiết, gắn bó này chưa bao giờ nói lời từ chối khi BBT đặt bài vở.

Các chuyên mục thường kỳ như: Thơ, truyện ngắn, nghiên cứu – phê bình, ca khúc, mỹ thuật, nhiếp ảnh… tạp chí có nguồn tác phẩm mới phong phú từ hội viên các Chi hội thuộc Hội VHNT Bình Định; các nhà thơ, nhà văn, nhà báo là người Bình Định hoặc đã từng gắn bó với Bình Định vẫn luôn dành tình cảm tốt đẹp cho VNBĐ như Thanh Thảo, Hồ Thế Hà, Nguyễn Thế Khoa, Phạm Đương…, cùng góp phần tạo nên bản sắc riêng của VNBĐ.

Cộng tác viên ngoài tỉnh cộng tác với tạp chí chủ yếu mảng văn học. Đối với bài vở được sử dụng, biên tập viên chuyên mục liên hệ trực tiếp với tác giả trao đổi thông tin. Ngoài ra, để duy trì chuyên mục được phân công với nguồn bài vở chất lượng, các thành viên ban biên tập đều có mối liên hệ thường xuyên với cộng tác viên của mình, chủ động mời gọi, đặt bài… Việc tham gia các diễn đàn văn học nghệ thuật trên mạng xã hội cũng là một kênh để kết nối cộng tác viên, chọn lựa những tác phẩm chất lượng để giới thiệu đến bạn đọc tạp chí.

Việc chọn lựa, đăng tải tác phẩm luôn đặt mục tiêu chất lượng lên hàng đầu. Nhiều cộng tác viên nhắn tin hỏi tôi rằng khi nào là hạn cuối nhận bài cho số tháng này, tôi chỉ có thể trả lời là ngày nào tạp chí in xong, còn bài vở thì tạp chí luôn đón nhận, và có thể xử lý mọi lúc có thể, nếu như bài vở ấy thực sự cần cho bạn đọc. Còn nhớ, cuối năm 2017, liên tiếp các đợt lũ, bão đổ dồn về Bình Định. Những ngày nghỉ bão, nhà văn Lưu Thị Mười ở Phù Mỹ sáng tác một truyện ngắn khá hay về đề tài bão lũ. Vừa viết xong, chị nghĩ ngay đến bạn đọc VNBĐ, vậy là nhắn tin cho tôi: “Em vừa viết xong truyện ngắn về đề tài bão lũ. Cực nóng. Tạp chí đăng kịp không?”. Tôi nhắn lại: “Tạp chí vừa gửi sang nhà in. Nhưng em cứ gửi. Nếu thấy cần thiết anh sẽ xử lý”. Sau khi đọc xong truyện ngắn Mười gửi, tôi thật sự xúc động. Độc giả tạp chí cần những tác phẩm như thế. Là hư cấu (truyện ngắn) nhưng hiện thực cuộc sống cứ ngồn ngộn cuộn lên, đau đớn. Từng số phận, từng con người mong manh trước cơn bão thiên nhiên, rồi đan xen, dằn vặt giữa yêu thương và thù hận, nhưng cao đẹp hơn cả là tình người trong cơn hoạn nạn… Sau cuộc gọi đề xuất thay truyện ngắn với Tổng biên tập và được sếp đồng ý, tôi gọi điện thoại đề nghị nhà in cho chậm thời gian 3 giờ để thay bài. Sau đó, tôi gọi điện thoại trao đổi với họa sĩ Lê Trọng Nghĩa nhờ vẽ minh họa và được anh nhận lời. Thời gian biên tập, minh họa, thiết kế lại trang cho truyện ngắn chưa đầy 3 giờ đồng hồ để kịp gửi nhà in lên bản kẽm. Cuối năm 2017, truyện ngắn Lũ được trao giải Tác phẩm hay của tạp chí Văn nghệ Bình Định.

Trong quá trình thực hiện tạp chí, việc chọn lựa tác phẩm tốt, tốt hơn, tốt hơn nữa… nhằm hướng đến nhu cầu bạn đọc là điều BBT luôn cân nhắc, chọn lựa.

P.K.S

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

“Đại bàng” và chiếc “tổ to”

Mục tiêu, tầm nhìn phát triển của Bình Định là đến năm 2030, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ…