(VNBĐ – Thời đàm). Tại Hội nghị đại biểu Nhà văn lão thành Việt Nam tổ chức ở Hải Phòng, ngày 30.9 vừa qua, Chủ tịch nước Võ Xuân Thưởng nói: “Kẻ thù lớn nhất của dân tộc trong chiến tranh là những kẻ xâm lược bằng những con người cụ thể, được xác định rõ ràng, nhưng kẻ thù nguy hiểm nhất của dân tộc trong hòa bình lại không dễ nhận diện. Đó là sự vô cảm, tính vị kỷ, thói hưởng thụ, lòng tham lam, sự giả dối và độc ác, là tham nhũng, tiêu cực, là sự tàn phá thiên nhiên, tàn phá văn hóa và đi ngược lại xu thế của thời đại…”. Từ đó Chủ tịch nước xác định: “Nhân dân, đất nước đang cần tiếng nói của tình yêu thương con người, của lòng trung thực, sự quả cảm từ các nhà văn trong cuộc đấu tranh này”. Đây không phải lần đầu tiên, ngay từ khi còn ở vị trí Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, phát biểu tại Đại hội lần thứ X Hội Nhà văn Việt Nam (tháng 11.2020), đồng chí Võ Văn Thưởng cũng đã nhận diện kẻ thù của dân tộc và vai trò, sứ mệnh của nhà văn như vậy.
Sự vô cảm, tính vị kỷ, thói hưởng thụ, lòng tham lam, sự giả dối và độc ác là phạm trù đạo đức có mầm mống từ sự giáo dục ở mọi cấp độ tuổi mà cốt lõi từ mỗi gia đình đến nhà trường và xã hội. Tham nhũng, tiêu cực, sự tàn phá thiên nhiên, tàn phá văn hóa và đi ngược lại xu thế của thời đại là hệ quả của thói hưởng thụ, lòng tham lam, sự giả dối và độc ác. Đó là kẻ thù của đất nước!
Trong thực tế, thời gian qua, nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước cũng đã thẳng thắn nhìn nhận các vấn nạn dối trá, cơ hội, tham nhũng, bảo thủ, chạy chức chạy quyền, thấy đúng không dám ủng hộ, thấy sai không dám đấu tranh của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong bộ máy Nhà nước và hệ thống chính trị là lực cản lớn nhất đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng và các vấn nạn tiêu cực đã và đang diễn ra rất quyết liệt nhưng không ít kẻ cơ hội, bảo thủ “đi ngược lại xu thế của thời đại” vẫn chui sâu leo cao vào bộ máy Nhà nước và hệ thống chính trị để trục lợi, bòn rút ngân khố, tài sản quốc gia; tàn phá tài nguyên, hủy hoại môi trường tự nhiên; làm tổn hại môi trường kinh tế, chính trị, xã hội. Lòng tham lam, sự giả dối thậm chí có lúc có nơi cấu kết với nhau tác oai tác quái như trong đại dịch Covid-19 và hàng loạt đại án kinh tế trong những năm gần đây. Sự tha hóa, biến chất của một bộ phận quan chức đã và đang làm ảnh hưởng lớn niềm tin của Nhân dân đối với cán bộ đảng viên; đối với Đảng, với chế độ…
Ở một góc độ khác, mỗi ngày trên đất nước này vẫn xảy ra biết bao điều trái khoáy, thậm chí là những vụ án mạng mà bắt nguồn từ sự vô cảm, tính vị kỷ, lòng tham lam và độc ác của con người.
Ở đâu và bao giờ cũng vậy, nhà văn là thư ký của thời đại, ngòi bút của nhà văn phải hướng con người đến chân, thiện, mĩ. Nhưng hơn bao giờ hết và hơn cả trách nhiệm công dân, trước kẻ thù nguy hiểm và phức tạp của đất nước đã được chỉ ra, mỗi trang viết, mỗi tác phẩm của các nhà văn phải là nhịp đập trái tim của dân tộc mình, của thời đại mình. Đồng chí Chủ tịch nước cũng từng nói: tác phẩm của nhà văn cần phản ánh chân thật, sâu sắc về con người; góp phần khẳng định dân tộc Việt Nam là một dân tộc có nền văn hóa lâu đời, có tình thương yêu con người vô hạn, với khát vọng hòa bình lớn lao và ý chí không gì có thể khuất phục, sẵn sàng hy sinh tất cả cho nền độc lập của dân tộc, cho tự do và hạnh phúc của Nhân dân!
“Nhân dân, đất nước đang cần tiếng nói của tình yêu thương con người, của lòng trung thực, sự quả cảm từ các nhà văn”. Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chăm lo, phát huy vai trò, vị trí quan trọng của văn hóa nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng. Trong quá trình ấy, văn nghệ sĩ nói chung và nhà văn luôn được đặt ở vị trí trung tâm, có vai trò quyết định sáng tạo ra giá trị tinh thần cao đẹp cho xã hội.
Kỳ vọng là vậy song để có những tác phẩm mang lại những vẻ đẹp nhân văn cao cả, niềm tin cho con người vào cuộc sống, những giấc mơ đẹp đẽ cho từng thân phận, trước tiên nhà văn phải có tình yêu thương con người vô bờ bến, có lòng trung thực thậm chí sự quả cảm, dấn thân.
Văn học là một trong những nơi con người tìm đến như một điểm tựa tinh thần, niềm an ủi, sự nâng đỡ, nhất là khi cần động lực để vượt qua chính mình.
Kẻ thù thời đại của đất nước đã được xác định, vai trò, sứ mệnh của nhà văn Việt Nam đang được kỳ vọng, với hành trang đó phần còn lại của mỗi nhà văn có lẽ là sự quả cảm dấn thân.
DƯƠNG HIẾU