Cải cách hành chính – ai đầu, ai cuối?

(VNBĐ – Thời đàm). Hội nghị công bố các Chỉ số liên quan đến công tác cải cách hành chính (CCHC) năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 được tổ chức vào trung tuần tháng Ba đã công khai một cách toàn diện về bức tranh CCHC của từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh. Ba chỉ số liên quan đến công tác CCHC gồm: Chỉ số CCHC, Chỉ số năng lực cạnh tranh và Chỉ số đo lường mức độ hài lòng về sự phục vụ hành chính được công bố và xếp vị thứ theo từng hệ thống giúp cho các cơ quan, đơn vị, địa phương hiểu rõ mình đang đứng ở đâu trong mối tương quan chung.

Qua kết quả các chỉ số được đánh giá, cho thấy năm qua, công tác CCHC của tỉnh tiếp tục có sự khởi sắc, kết quả đạt được khá toàn diện, đồng bộ trên các lĩnh vực. Điểm sáng góp phần đáng kể vào thành công chung của CCHC là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được đổi mới theo phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”: Liên thông, Trực tuyến, Thực chất và Hiệu quả! Kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường, bộ máy chính quyền từng bước chuyển từ cai trị sang phục vụ, hiệu lực, hiệu quả được nâng lên với những đổi mới trong phương thức điều hành; có mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể. Cải cách tài chính công tiếp tục được chú trọng, tập trung vào công tác chỉ đạo điều hành thu, chi ngân sách Nhà nước, giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao năng lực tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập; một số nguồn thu được quản lý, khai thác tốt, thu đúng, thu đủ, thu văn minh theo hướng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Công tác chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số đạt được một số kết quả tích cực!

Hội nghị cũng đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác CCHC khi các chỉ số thể hiện giữa cơ quan đứng đầu và cơ quan xếp cuối có chênh lệch khá lớn, chứng tỏ có yếu tố chủ quan trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Nói thẳng ra là vẫn còn có lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương chưa quan tâm đầy đủ đến công tác CCHC. Thực tế cho thấy TTHC ở một số lĩnh vực còn rườm rà, gây khó cho người dân và doanh nghiệp chưa được rà soát bãi bỏ. Việc đề xuất đơn giản hóa, chủ yếu vẫn là cắt giảm thời gian giải quyết song nhiều trường hợp còn hình thức, chưa thực chất; vẫn tồn tại tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm gây trễ hẹn hồ sơ TTHC cho người dân, doanh nghiệp; công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hiệu quả chưa cao, việc tinh giản chủ yếu nhằm vào những người sắp nghỉ hưu; chưa có đánh giá khách quan, nghiêm túc về sự đáp ứng yêu cầu của đội ngũ CBCCVC để thực hiện việc sắp xếp cho phù hợp; tiến độ thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm, chưa tách bạch được phương thức quản trị của các đơn vị sự nghiệp công lập với quản lý Nhà nước; việc xây dựng, chia sẻ, tích hợp cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý điều hành còn chậm, thiếu thống nhất; một số hệ thống thông tin mang tính nền tảng chậm triển khai…

Chương trình hành động số 09 về CCHC của Tỉnh ủy đặt mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2025, kết quả công tác CCHC của tỉnh thuộc nhóm 20 địa phương dẫn đầu cả nước và nhóm 03 địa phương dẫn đầu khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên” thực sự là một thách thức. Để hoàn thành mục tiêu này đòi hỏi các thủ trưởng cần đặt ưu tiên cho công tác CCHC, coi đây là một trong 03 đột phá chiến lược được xác định trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đồng thời bám sát các chương trình, kế hoạch, đề án và các quy định hiện hành về CCHC để thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, với các giải pháp đột phá. Ngoài việc tập trung rà soát sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, việc tăng cường và nâng cao hiệu quả tương tác giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp là rất quan trọng nhằm giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tế bên cạnh việc tạo ra môi trường thông thoáng cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Việc đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong công tác giải quyết TTHC cần phát huy và hiệu quả hơn nữa. Đẩy mạnh việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, tái sử dụng kết quả số hóa và khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ giải quyết TTHC; thực hiện thực chất việc rà soát, đơn giản hóa TTHC, nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến; triển khai hiệu quả mô hình thực hiện TTHC phi địa giới hành chính và mô hình “hành chính phục vụ người dân”… Trước mắt cần tập trung triển khai thực hiện Đề án vị trí việc làm trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, từ đó rà soát, đánh giá chất lượng đội ngũ CBCCVC để bố trí, sắp xếp đúng người, đúng việc; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch chuyển đổi số và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao kỹ năng số cho người dân trong việc tương tác với chính quyền, nhất là trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Hơn ai hết, Sở Nội vụ – cơ quan thường trực Ban chỉ đạo CCHC – đang giữ trọng trách như một tổng đạo diễn giúp UBND tỉnh chỉ đạo, điều hành công tác CCHC. Tổng đạo diễn chỉ có thể thành công khi xây dựng được một kịch bản hay và điều hành đồng bộ các vai diễn. Và điều quan trọng nữa là thủ trưởng phải biết “xấu hổ” khi cơ quan, địa phương, đơn vị mình mãi xếp ở dãy cuối trong bảng xếp hạng các chỉ số để nỗ lực đẩy mạnh công tác CCHC hướng đến mục tiêu “xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ Nhân dân”.

DƯƠNG HIẾU

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN